Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tưởng nhớ anh Bùi Nguyên Khiết - Lê Phương Liên Tưởng nhớ anh Bùi Nguyên Khiết - Lê Phương Liên , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

Описание: http://vanvn.net/upload/news/admin/logo.pngVanVN.Net - Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết về việc đặt tên 6 đường, 85 phố và 26 công trình công cộng trên địa bàn TP Lào Cai, trong số đó có tên của liệt sỹ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết đã được đặt tên cho khu phố mới nằm trên trục đường DN2 thuộc địa bàn phường Bình Minh trong khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường.  Liệt sỹ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết (1945 - 1979), quê quán ở Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, là phóng viên mặt trận của báo Hoàng Liên Sơn trực thuộc Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, đã anh dũng hy sinh trong ngày 17/2/1979 khi đang cùng bộ đội địa phương trực tiếp chiến đấu bảo vệ chốt tiền tiêu biên giới ở khu vực xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Tưởng nhớ ông, người bạn đồng khóa viết văn - nhà văn Lê Phương Liên đã gửi tới VanVN.Net bài viết nhân dịp 35 năm ngày mất nhà văn Bùi Nguyên Khiết.

Tôi còn nhớ mùa xuân năm 1979 sau cái Tết đầy khó khăn thiếu thốn của đất nước "mang trên mình còn lắm vết thương", bất ngờ “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới và toàn dân ta vào trận chiến đấu mới…”(*)

    Không khí ngày ấy ra sao, chắc còn sống trong nhiều ký ức của hàng triệu con người và chắc sẽ còn được kể bởi nhiều tiếng vọng từ hàng triệu trái tim.

    Riêng tôi, chỉ xin được kể về một người bạn văn, tác giả  cuốn sách có tựa đề "Đi bên một vì sao" (Nhà xuất bản Kim Đồng - 1978). Đó là thầy giáo Bùi Nguyên Khiết ở Mường Khương (Lào Cai)

    Anh Khiết học cùng tôi ở Quảng Bá khóa học năm 1974-1975 của Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ. Khóa học ấy là Khóa 7, khóa cuối cùng của trường dưới thời thầy hiệu trưởng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và các thầy cô quản lý học viên là nhà văn Đỗ Quang Tiến, nhà văn Mộng Sơn, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên… Các nhà văn Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân... thường đến chăm nom anh chị em từ bữa cơm đến những câu chuyện dí dỏm vừa đời thường vừa văn chương...

 Anh Khiết là nhà giáo viết văn nên tôi dễ nói chuyện hơn so với những anh chị ở các nghề khác, bởi tôi cũng rất tò mò muốn biết về cuộc sống của các giáo viên và trẻ em trên vùng núi non xa xôi của tổ quốc. Ngày ấy tôi đã có hai tập sách viết cho thiếu nhi rồi nên tự nhiên như là bản năng của chim gọi bầy cứ thích lôi kéo người ta viết cho thiếu nhi.

    Nếu kể chuyện về khóa học ấy thì còn nhiều chuyện nữa, kể biết mấy cho vừa… Tôi chỉ muốn kể về anh Bùi Nguyên Khiết, sau khóa học anh lại về Lào Cai, dạy học ở Mương Khương. Quê anh ở Ninh Bình, sao anh chưa về quê dạy học? Tôi cũng không biết làm sao anh vẫn gắn bó với dải đất biên cương… Còn tôi, sau khóa học ấy lại về trường cấp II Yên Sở, tiếp tục là cô giáo (Đến năm 1980 tôi mới về công tác tại NXB Kim Đồng). Tuy vậy tôi vẫn là cộng tác viên thân thiết. Năm 1978, nghe tin cuốn sách “Đi bên một vì sao” của Bùi Nguyên Khiết được in ở Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi vui mừng lắm. Mừng cho anh và mừng cho cả mảng văn học thiếu nhi miền núi. Trước đây viết về miền núi nổi tiếng nhất là cuốn “Hai làng Tà Pình và Động Hía” của tác giả Bắc Thôn (em ruột nhà thơ Thâm Tâm), sau rồi nhà văn Ma Văn Kháng nổi lên với nhiều truyện ngắn, truyện dài đặc sắc. Có thêm Bùi Nguyên Khiết, một giọng văn thật đúng như tên anh “nguyên khiết”, trong như nước suối đầu nguồn (chữ của nhà văn Ma Văn Kháng). Niềm hi vọng từ một cuốn sách nhỏ, niềm hi vọng về một tác giả thiếu nhi có thể thành … “như Trần Hoài Dương”… cứ lâng lâng trong không khí ban biên tập NXB Kim Đồng ngày ấy…

   Thế rồi tháng 2 năm 1979 tin tức chiến sự bay về Hà Nội dồn dập. Nhiều tin tường thuật ở các nhà trường nơi biên giới các thầy giáo, cô giáo đều cầm súng trực tiếp chiến đấu. Ở trường tôi dạy học ngày đó cũng đã cho các giáo viên còn trẻ tập bắn súng bộ binh cùng dân quân tự vệ ở thôn làng.

  Rồi một buổi chiều khi tôi đến nhà xuất bản để nộp bản thảo chuẩn bị cho Trại sáng tác văn học thiếu nhi Nha Trang, anh Bùi Hồng (Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng ngày ấy) báo tin giọng trầm buồn: “Bùi Nguyên Khiết hi sinh rồi!”

 Tôi rụng rời chân tay, tôi nhìn nét mặt anh Bùi Hồng mà cảm thấy như không gian xung quanh tôi mờ đi, y như năm xưa anh đã từng báo tin: "Dương Thị Xuân Quý hi sinh rồi"... Tôi không tin nổi mình đang đứng trong một sự thực... Hình ảnh những cờ hoa tưng bừng của ngày 30/4/1975 chưa xa, cảm giác hòa bình chưa kịp vui trong lòng thì những căng thẳng mất mát thời chiến lại đã ập đến... Và rồi sau đó anh Bùi Hồng nói một câu mà tôi không thể nào quên: “TRƯỜNG HỢP HẾT ĐẠN…”

  Tôi đau như chính mình vừa bị trúng cả một băng đạn bắn thẳng vào người.

  Tôi tưởng tượng hình ảnh của anh Bùi Nguyên Khiết, trong những giờ phút cuối cùng trên đỉnh núi vùng Mường Khương, vẻ mặt chân thành vui vẻ, cầm súng bắn tơi bời, bắn hết mình, bắn hết băng đạn này bắn tiếp băng đạn khác, cho đến lúc hết sạch… cho đến lúc phải bật lưỡi lê sẵn sàng chờ kẻ địch đến đối mặt quyết tử...

  Hình ảnh của anh bỗng hiện lại trong trí nhớ rõ mồn một... những ngày học ở trường Quảng Bá. Ngày ấy tất cả còn son trẻ tuổi đời trạc 23, 24, 25, 26, ngoài việc học hành, những người trẻ thường tụ tập đàn hát và đi chơi ở một vùng Tây Hồ mây nước với những ngôi làng trồng hoa cây cảnh đẹp nổi tiếng Hà Nội.

 Anh chị em chia sẻ cùng nhau một bát cơm độn ngô, một miếng đậu rán, một bát mỳ “không người lái” (nghĩa là không có thịt)… Hoặc đôi khi ra vườn trường chợt thấy trong vòm cây nhãn có đôi chim đang gọi nhau, hay những buổi trưa nhặt bông hoa đại rơi bên thềm nhà hội trường… Tất cả chỉ là “vui” và “đùa” mà thôi. Rồi…bỗng một chiều…anh Bùi Nguyên Khiết nổi tiếng toàn khóa học với bài vè chế giễu cách chữa bệnh dùng thuốc tân dược bừa phứa ngày ấy…

“Nhức đầu cảm cúm…Xê-đa.

Sâu răng, đau bụng…Tê- ta- xì- lìn…”

 (Hai loại thuốc Seda Tetracycline đã được người dân từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi và miền núi dùng tá hỏa như vậy... Đến nỗi sau này có cả một thế hệ các cháu răng mầu ngà ngà in lại dấu vết thời ấu thơ dùng nhiều tetracycline.)

 Anh Bùi Nguyên Khiết đã hát hai câu trên bằng một điệu rất hài hước, hát rồi anh lại nhại tiếng đàn ghi ta đệm:

“ Xình …cheng… cheng, Chắc… xeng… xeng…”

   Vì anh đã hát đi hát lại nhiều lần trong các cuộc đùa vui nên về sau mọi người đã gọi anh bằng cái tên “Xình cheng cheng, Chắc xeng xeng”. Y như nick name của giới trẻ bây giờ. 

    Việc vui đùa ấy, chẳng ai nghĩ ngợi xa xôi gì. Rồi bỗng một hôm, Ban lãnh đạo khóa học lo lắng nhắc nhở anh chị em về thái độ học tập sáng tác nghiêm chỉnh hơn. Tôi bỗng nhiên bực tức buột miệng nói một câu gì đó (bây giờ không nhớ nữa)… xin lỗi! Chấm hết mọi chuyện đi chơi! Đóng cửa phòng cắm cúi ngồi viết văn. Tôi tưởng rằng lời nói của tôi chẳng có đụng chạm đến ai, thế mà không ngờ anh Bùi Nguyên Khiết giận tôi. Sau này, anh còn viết một cái thư trách tôi và ký tên: "Xình cheng cheng, chắc cheng cheng". Tôi chỉ biết im lặng chờ thời gian sẽ trả lời. Thế rồi thời gian đã không đợi tôi... Tiếng súng trên biên giới đã cướp đi một người bạn chân thành chỉ có một niềm ham muốn thiêng liêng là được sống và viết cho trẻ em miền núi. Thôi, không còn bao giờ anh Khiết được nghe một lời nào của ai nói nữa, có lẽ chỉ còn biết nói những lời vô thanh...

    Mọi người ở Kim Đồng ngày ấy đều tiếc thương anh lắm. Vài năm sau khi NXB Kim Đồng có tái bản "Đi bên một vì sao" mọi người được biết anh đã cưới vợ ở đồng bằng, thế là có người nhận nhuật bút, bản quyền sách của anh mỗi khi được tái bản. Cũng vào dịp đó, NXB Kim Đồng đã góp phần nhỏ cùng gia đình đưa hài cốt của anh về an nghỉ nơi quê nhà.

   Hôm nay ngồi viết lại những dòng này, nhìn ra khoảng trời xuân mênh mông, hình ảnh xưa cũ vẫn còn thấp thoáng đâu đây... Vẻ mặt người thầy giáo miền núi tươi vui hiền lành bất chợt trong đêm 17/2 ấy vùng tỉnh dậy, chạy ra chiến tuyến cầm khẩu súng trường chắc nịch bắn đến viên đạn cuối cùng, và ngã xuống lặng lẽ gieo thân mình vào đất biên cương chân chất... như nhiên, như buổi sáng mùa xuân ấy, sương bay trắng trời Sa Pa, Mường Khương. Đến mùa xuân này sương vẫn còn bay...

Hà Nội 15/2/2014

 (*) Lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Theo Hội nhà văn Việt Nam

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65240063

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July