Nhà văn Ma Văn Kháng
Hồi những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước, tôi vừa cho in xong cuốn tiểu thuyết Tiễn biệt những ngày buồn, lòng còn đang háo hức nghe ngóng những hồi âm từ bạn bè, thì “uỵch” một phát, tôi nhận được lá thư tay của nhà văn Ma Văn Kháng, một lá thư làm quen từ tốn, cởi mở và thân thiết. Ông bảo ông vừa đọc xong cuốn sách của tôi do “người cầm thư” cho mượn. “Người cầm thư” là anh Hải, cán bộ phường, bạn thân của tôi. Anh Hải mê văn chương, mê các nhà văn. Nhà anh có một tủ sách to kềnh và anh có một bộ sưu tập sách của các nhà văn đương đại. Quý hơn nữa là anh có thú chơi “thủ bút” của các nhà văn. Nhà văn Ma Văn Kháng có thói quen đọc sách thường ghi luôn những nhận xét cấp thời của mình vào lề cuốn sách. Cuốn sách của tôi anh Kháng ghi đỏ lòm những chữ nhỏ li ti, viết rất cẩn thận và đẹp, làm tôi cảm động vô cùng. Tôi khi ấy còn đang được gọi là “nhà văn trẻ” nên khi nhận lá thư của anh Kháng tôi run rẩy mê tơi bảo anh bạn tôi làm thế nào “gầy” cuộc nhậu cho tôi được làm thân với anh. Năm lần bảy lượt anh Hải có hẹn với anh Kháng mà không thành vì anh Kháng kêu bận. Rồi bẵng đi một thời gian khá dài, tôi được làm quen với anh Ma Văn Kháng luôn tại Hội Nhà văn. Anh Kháng thực chất là mẫu người cũ kỹ, giản dị, dễ gần. Cũng gần giống như lối sống, lối làm việc của bậc đàn anh của tôi khi ấy là các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải. Các ông có cái vẻ bề ngoài là rất cán bộ, rất công chức, nghĩa là nghiêm ngắn, rất tỉ mẩn, không ham chơi bù khú rượu bia, không ồn ào, có người hơi nép mình, hơi né tránh, giữ gìn, như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, mới đầu rất khó chịu. Tôi thường có cái tật hay quan sát mấy vị nhà văn lớp trước, đọc họ, thấy họ sống rất tẻ nhạt, ít nhất là từ hai ông anh Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, nay thêm nữa là Ma Văn Kháng. Ba ông này đều viết thì tinh ranh, sắc sảo, đáo để mà sống thì nghiêm ngắn, thật thà, đơn giản. Đơn điệu và tẻ nhạt. Thế có nghĩa là “có vấn đề”? Ông anh Nguyễn Minh Châu, ông anh Nguyễn Khải nhiều tuổi hơn Ma Văn Kháng một nhịp, nhưng cái lối sống, lối tiếp cận, lối làm việc của ba ông đều na ná như nhau: Cần cù, chăm chỉ, cẩn trọng, hiền lành, giữ ý, giữ tứ, họp hành thì nem nép, phát biểu không bao giờ quyết liệt căng thẳng nhưng chí lý, nghiêng về phía tình, ra ngoài cuộc họp, những cuộc họp “có vấn đề” thường các “đại ca” lẩn rất khéo, như giả vờ xem báo, giả vờ ra ngoài có việc, thậm chí để “tránh đòn” các vị đều có lí do “biến” đi đâu đó mất tăm. Tôi gọi Ma Văn Kháng là “Ma Đại Ca” vì hơn thế nữa, hồi Ma Văn Kháng làm trưởng ban sáng tác Hội Nhà văn, rồi chủ tịch hội đồng văn xuôi thì tôi là thành viên. Chúng tôi sinh hoạt với nhau rất vui, chỉ đến khi tranh luận về tác giả này tác phẩm nọ, phải cân nhắc thì mới bộc lộ cá tính và kiến văn của từng người. Trước đồng nghiệp, trước sự soi xét của dư luận, anh không thể chỉ theo ý mình, những lúc này mới cần đến sự thuyết phục của anh. Bản tính cả nể là thứ gây khó dễ nhất cho các nhà văn khi phải “chấm điểm”, khi phải đứng trước những cân nhắc hơn thua, kể cả khi phải “bỏ phiếu kín”. Việc ấy đối với Ma Văn Kháng lại càng cực nhọc và nan giải. Việc cực chẳng đã, cầm lòng vậy dầu lòng vậy, văn mình, vợ người, khen nhau một câu nhớ đời, chê nhau một câu thôi thì xúc đất đổ đi! Cái khúc quanh, ngã rẽ này mới nghiêm trọng làm sao… Lẩn tránh không được. Phô diễn không được. Văn chương vẫn có chuẩn đấy chứ không phải không có chuẩn đâu, nhưng mà anh khen, tôi chê âu cũng phải coi đó là cái sự thường, lấy đó làm điều là tự mình chả hiểu gì lẽ đời. Có hồi tôi đưa ra một nhận xét “đểu” về Ma Văn Kháng với các bạn trong hội đồng văn xuôi của chúng tôi là: các hội viên mới, ở đâu không biết, chứ khi vô phòng “Ma Đại Ca” thì ngay lập tức biến thành vĩ nhân. Nhưng khi bước ra khỏi phòng sẽ lại được trả về nguyên hình trạng. Ông anh Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu cũng luôn gặp những vụ việc phải khen chê, phải nhận xét giúp bạn ở xa, những người bạn văn chương lúc nào cũng chờ chực để được nghe lời chỉ bảo, lúc nào cũng mong nhận đươc ý kiến thực tình của các liền anh. Bạn thì tốt mà văn thì dở, biết mần răng đây! Nói thật trắng phớ ra đâu có được vì họ tốt quá, họ chân thành quá nên không thể chê thẳng thừng, đành phải tìm ra điểm mạnh mà nêu dương, mà phát biểu, ví dụ như vốn sống của ông nhiều ghê thật. Ví dụ như ông là người thật thà chất phác, viết nhiều chi tiết hay, chỉ cần bay bổng lên tí là thăng hoa liền! Ở đời văn chương là cái khó khen chê nhất. Ma Văn Kháng khen được những người mà tôi không hiểu sao lại có thể khen, có lẽ cũng như Nguyễn Khải, các bố hay mắc trong cái mớ bùng nhùng khó gỡ này! Tôi nhớ có lần, sau một chuyến đi thực tế về nông thôn, bác Khải nhà ta gặp một anh chàng nông dân quá nhiệt tình đưa nhà văn đi ngang dọc khắp xứ, kể đủ thứ chuyện nhà quê hay, và đón rước nhà văn nhiệt thành, trên cả nhiệt thành, vì anh ta còn có cả khả năng lôi kéo bà con anh em nông dân tối tối đến hầu chuyện nhà văn cả tuần. Hóa ra anh ta cũng viết văn. Văn thì thật thà, có gì viết nấy, kể nấy, nhưng cơ mà anh ta khỏe, viết được cả cuốn tiểu thuyết dày cộp, đề nghị bác Khải đọc, cho ý kiến. Bác Khải tất nhiên không thể không đọc, càng tất nhiên không thể không khen. Khen rằng vốn sống của ông thì đến như nhà văn già như tôi cũng bó tay, cũng phải gọi ông là “cụ”.
Bác khen rằng, ông biết nhiều chuyện hay nhiều chuyện lạ, nhiều chuyện đặc sắc quá, mà nếu không sống ở nông thôn như ông thì cánh nhà văn “cày đường nhựa” như tôi chỉ còn biết ngả nón. Thế là anh kia cứ ngỡ mình thành tài, thành nhà văn thật, khổ thế! Văn chương phải tự biết, tự mà học lấy cho mình, có ai dạy được ai đâu, kinh nghiệm của ai nấy “rút”, hồn ai nấy giữ là vậy. Chả nhẽ thế nào? Và đúng là khắc nghiệt lắm thay!
Phút giây huyền diệu là cuốn sách được Ma Văn Kháng gọi tên là tiểu luận và bút ký về nghề văn. Đây thực chất là cuốn tiểu luận bàn về nghề, bàn khá kỹ từ kinh nghiệm sáng tác nhiều năm của tác giả được đúc kết lại, không màu mè, không có ý định “truyền đạt” mà chỉ là trao đổi với người đọc những gì ông cho là bổ ích và lý thú. Có thể nói, đây là một cách thể hiện sinh động và tinh tế nhất của lối viết lý luận, phê bình văn học của giới nhà văn. Loại sách này chỉ có giới sáng tác mới viết được. Đây cũng là cái mà các nhà lý luận, phê bình văn học “chay” còn thiếu và nhà sáng tác Ma Văn Kháng có đủ tư cách bổ sung, mà là một sự bổ sung đầy viên mãn. Các nhà lý luận, phê bình văn học của ta bấy lâu nay thiếu nhất, ấy là thực tế công việc của nhà văn, mối liên hệ mật thiết của nhà văn với người đọc, vai trò của người đọc đối với trách nhiệm của người viết. Sự xa lánh của các nhà văn đối với các nhà lý luận “chay” thực chất là sự xa lánh giữa người lao động sáng tạo đối với những kẻ ăn trên ngồi trốc, những kẻ quen phán xét, quen dạy dỗ mà không biết đến nỗi nhọc nhằn của người “cày cuốc”. Lịch sử các vụ “đánh đấm” đã chỉ ra rằng, các nhà văn, những nhà sáng tạo luôn luôn giơ lưng ra cho các nhà “lý luận, phê bình chay” có cơ hội phang. Phang chết tươi, không mấy người gượng dậy được, mà nếu có gượng dậy được thì cũng coi như mất cả cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên có sự yêu ghét rõ ràng rành mạch thế. Yêu thế, ghét thế, nhưng nếu có ai đó nói ra thì sẽ bị các vị điểm danh liền. Hiện tượng khen “nống” lên khi trên văn đàn xuất hiện một vài tác giả, tác phẩm mới của một số nhà văn trẻ cũng thế. Đó là một dạng phản ứng nhạy cảm nhất của nền văn học đang phát triển. Các “hiện tượng” văn học được các nhà văn bốc đồng khen chê ngược chiều nhau tạo nên cơn sốt có nhiều cung độ với một không gian mới cho nghệ thuật cũng như cho các quan niệm thẩm mỹ được bộc lộ. Lẽ ra nó rất bình thường và có tác dụng kích thích “sự mất ngủ của lửa” thì hay biết bao, nhưng, ngay lập tức có một số nhà “lý luận” cơ hội, đón lõng, dùng ngôn từ dao búa của những năm còn ấu trĩ “phang” tới tấp. Người bị phang không có cơ hội nói lại, nghe lại, làm cho không gian nghệ thuật trở nên nặng nề, u ám, thiếu lửa, thiếu niềm tin. Ma văn Kháng tập hợp những bài tiểu luận nho nhỏ nói về nghề của mình nhằm chia sẻ cảm xúc của mình với bạn bè đồng nghiệp, nhưng cũng đóng góp thêm vào tiến trình nhận thức của cái mới cần thời gian, cần chiêm nghiệm. Phút giây huyền diệu ấy là phút giây thăng hoa, phút giây được phép tự mình bốc mình bay lên chín tầng mây của cảm hứng và sáng tạo, sướng quá, hét to lên với bạn bè đồng nghiệp vài câu cho đã. Ông không phải là mẫu nhà văn bốc lửa, ngẫu hứng, nhưng mỗi sáng tác của ông luôn luôn ẩn giấu một mồi lửa nhiệt huyết bên trong, một mồi lửa được trui rèn, được kìm nén, được tôi luyện trong trường đời, trong trường nghề, nhất là trong trường “nghề cán bộ”. Đọc truyện ngắn Thầy Khiển và Nhiên, nghệ sĩ múa của ông ta bắt gặp một Ma Văn Kháng nghệ sĩ tung hứng tài hoa, không còn bóng dáng cái ông Ma Văn Kháng giấu lửa trong lòng lâu nay. Đó là phút giây huyền diệu của cảm hứng. Ngọn lửa âm ỉ lâu ngày bùng phát, vừa khêu gợi, dịu dàng vừa trĩu nặng tình người vừa xao xuyến nhớ tiếc không tài nào nguôi ngoai. Trong đời sống thường ngày, Ma Văn Kháng hay lắt léo vòng o, luôn luôn bị dằn vặt bởi thế này, thế nọ, nhưng trong tình huống gay cấn, ông bỗng dưng biến thành một Ma Văn Kháng khác. Trong khoảnh khắc ông vụt sáng, ông “chớp” nhanh nhất được cái khoảnh khắc kỳ diệu ấy, dường như đó là khả năng trời cho. Cái khả năng bẩm tính chớp nhoáng khêu gợi ấy chỉ có ở trong tiềm thức một năng lực đặc biệt. Đặc biệt từng trải. Đặc biệt nhạy cảm. Đọc “Phút giây huyền diệu” tôi không lạ bản tính cân bằng khen chê chừng mực của Ma đại ca, mà còn thấy nể phục tài điều hòa ý tưởng, lên bổng xuống trầm của ông. Ông phác thảo chân dung nhà văn Vũ Bão ngày ngày cần mẫn đạp xe đèo xỉ than từ bếp tập thể cơ quan về nhà để đóng gạch pa-panh, xây-ngôi-nhà-viết-văn-ngôi-nhà-hạnh-phúc. Văn Vũ Bão thì hóm hỉnh mà cuộc đời ông thì nặng nhọc. Nếu không trải qua những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng yêu thương trong cái ngõ nhỏ gần ga xe lửa Hà Thành ngày mới “nhập tịch” thủ đô của ông thì làm sao Ma Văn Kháng có được những trang văn trĩu nặng yêu thương như vậy.
Ma Văn Kháng là một người suốt đời làm cán bộ, tất nhiên. Nhưng ông là cán bộ viết văn. Ông làm cán bộ liên tục từ khi viết văn và ông viết văn liên tục không ngừng nghỉ trong khi làm cán bộ. Có lẽ không ngày nào ông không đọc, không viết và không tham gia công tác. Cũng có lẽ chỉ ở ta mới sinh ra loại nhà văn đặc biệt, đặc thù như vậy. Họ không chỉ làm công chức, viên chức mà thực sự họ làm cán bộ. Họ không chỉ làm cán bộ mà trước hết họ là nghệ sĩ. Trong chất nghệ sĩ của họ có tính cán bộ. Trong chất cán bộ của họ cũng có mang tính nghệ sĩ. Họ viết văn làm thơ, làm nghệ thuật không chỉ vì mục tiêu nghệ thuật mà còn vì mục tiêu công tác, công việc, vì “nhiệm vụ được phân công”. Ma Văn Kháng là người luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong các cuốn tiểu thuyết của ông, cuốn nào cũng đầy ắp chất đấu tranh trong công tác và sự trưởng thành đầy kiêu hãnh của người cán bộ vì sự nghiệp chung. Văn ông ngồn ngộn sức sống của phong trào và sự ăn sâu bám rễ của người cán bộ sống chết với phong trào qua các thời kỳ. Ông tận tụy sáng tạo, truyện nào của ông cũng mang hơi thở của cuộc sống đương thời và giàu chất nhân văn. Các nhân vật của ông có tốt có xấu. Những cái tốt cái xấu trong công việc, trong tư chất và trong trách nhiệm, đặc biệt là trong trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người cán bộ. Họ suy nghĩ và làm việc theo một tiêu chí riêng, cần mẫn, siêng năng, chỉn chu, trách nhiệm và rất Ma Văn Kháng. Những kẻ xấu trong truyện của Ma Văn Kháng cũng thế, họ mánh lới, lèo lái, khôn khéo, thao túng không ngoài các thói hư tật xấu của những cán bộ của cơ chế bị tha hóa. Các chiêu thức của họ dường như không qua được con mắt tinh đời của Ma Văn Kháng. Và vì thế, họ suốt đời chỉ là thứ cặn bã của một cơ chế đã lỗi thời. Đám cưới không có giấy giá thú và Ngược dòng nước lũ. Cái đẹp thánh thiện, ấm áp trong trẻo của tình người mà các nhân vật nữ trong “Mùa lá rụng trong vườn” được ngòi bút giản dị điêu luyện đầy trìu mến của Ma Văn Kháng tạo nên, một vẻ đẹp sang trọng truyền thống cổ xưa của người Hà Nội và chỉ có người Hà Nội mới có. Viết văn mà không hề làm văn. Ma Văn Kháng mộc mạc, thâm thúy, cẩn trọng và nồng ấm. Lúc nào văn ông cũng rậm rạp, tươi mới, gần gũi chân tình và kỹ lưỡng. Lao động cật lực và kỳ công. Tỉ mẩn và chi li trong từng chi tiết: “Chuyện của Lý”. Đọc Ma Văn Kháng ta thấy sức lao động bền bỉ của ông thật bền bỉ đáng nể phục. Tôi đoan chắc ông là người ghi chép cần mẫn hàng ngày và chỉ có thói quen ghi chép tỉ mẩn như thế mới giúp ông có một khối lượng tác phẩm đồ sộ và cường tráng như vậy. Tôi gọi ông là “Ma Đại Ca” hình như không sai!
(Nguồn: Văn nghệ số 7/2014) - Theo Hội nhà văn Việt Nam