PV: Chị lý giải thế nào về tình yêu miền núi của mình?
Đỗ Bích Thúy: Tôi đã từng nói thế này: Mỗi khi đặt bút viết về miền núi lại có cảm giác như mình đang trở về nhà mình, uống nước, ăn cơm, hít thở không khí... vô cùng thân thuộc. Cảm giác đó không bao giờ có được khi viết về những đề tài khác.
Lý giải tình yêu miền núi tôi thấy chẳng khác gì bắt một chàng trai phải lý giải vì sao anh ta lại bị một cô gái nào đó làm cho run rẩy. Nhưng có một điều chắc chắn, miền núi mãi mãi là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi.
"Nhớ miền núi thì nhớ nhiều thứ lắm, nhưng nhớ nhất là hình ảnh mẹ..." |
PV: Giờ đã rời núi xuống phố để sống, mỗi khi nhớ núi, chị nhớ điều gì nhất?
Đỗ Bích Thúy: Nhớ miền núi thì nhớ nhiều thứ lắm, nhưng nhớ nhất là hình ảnh mẹ. Trong kí ức của tôi, mẹ đứng đó, bên bờ ao, lúc rừng đang sẫm tối, bên sườn vẫn cắp một rổ rau xanh nõn, ngỡ ngàng nhìn tôi đang chạy đâm bổ từ ngoài ngõ vào nhà. Lúc nào về nhà tôi cũng muốn mẹ bất ngờ nên không báo trước.
Bây giờ, đã ở ngay cạnh mẹ (cha mẹ tôi đã chuyển từ Hà Giang về sống ở Hà Nội), nhưng lúc nào tôi cũng thấy nhớ mẹ.
PV: Đánh giá về bản thân mình, chị thấy mình có bao nhiêu % tính cách miền núi ?
Đỗ Bích Thúy: 99%. 1% còn lại là do phải thích nghi với đô thị mà có. Người miền núi có thể tạm phân chia thành hai nhóm: Một là người bản xứ và một là người miền xuôi lên miền núi công tác, khai hoang, làm kinh tế mới....và định cư ở đó. Gia đình tôi thuộc nhóm thứ hai, nhưng tôi là thế hệ sinh ra và lớn lên ở đó, vì thế chất miền núi trong tôi chắc là nhiều nhất nhà (cười).
PV: Chị từng viết nhiều về sự xâm lấn của đời sống đô thị với cuộc sống ở miền núi, làm thay đổi cả một vùng đất. Chị nghĩ thế nào về sự thay đổi nhanh chóng đó?
Đỗ Bích Thúy: Trong tôi luôn có một mâu thuẫn lớn về thực tiễn này của đời sống. Tôi vừa muốn người dân miền núi bớt cực khổ, tiếp cận với đời sống văn minh, thoát ra khỏi u tối nghèo nàn lạc hậu, nhưng tôi lại luôn cảm thấy bất an khi cái gọi là văn minh đô thị ùa lên miền núi. Nhiều thứ đang mất đi, nhất là văn hoá, với tất cả những khía cạnh nhìn thấy và không nhìn thấy được.
Mất văn hoá là cái mất đau xót nhất, và đã mất sẽ không bao giờ lấy lại được nữa. Tất nhiên, có những sự mất mát buộc phải chấp nhận. Ví dụ ngày xưa một người già mất đi, con cháu để trong nhà hàng chục ngày, ngày ngày ông Then đến cúng lễ. Có những bài then mấy nghìn câu, hát dài cả tiếng đồng hồ, xin phép ma quỷ cho linh hồn người chết được đi qua biển, qua sông, qua đò, đi đường... được về với Mường Trời... Bây giờ đời sống mới, chỉ được để trong nhà 1,2 ngày thôi, ông Then phải tự "biên tập" bài then của mình. Cái đó nhìn thấy mất, nhưng phải chấp nhận, và những người muốn lưu giữ chỉ có thể lưu bằng băng đĩa thôi.
Bên cạnh đó có những cái ta có thể giữ được, nhưng nhiều người lại lấy cái tiện, cái gọn để đánh đổi. Ví dụ kiến trúc nhà ở chẳng hạn. Người Mông xưa nay ở nhà trình tường, lợp ngói máng. Giờ có tấm lợp rồi, làm nhà mua mấy tấm lợp cho nhanh, lại tiện. Cái nhà trình tường với mái ngói máng nâu thẫm đẹp đến thế, bây giờ lợp phibrô ximăng trắng toát.
Vấn đề quan trọng là cần một cách tư duy tổng thể, dài hơi, nhìn xa trông rộng, không mải mê với cái lợi trước mắt. Miền núi, cụ thể là Hà Giang những năm gần đây khách du lịch kéo lên tăng mỗi năm. Điều đó có lợi về kinh tế thì ai cũng biết rồi, dân cũng được lợi nhiều lắm, nhưng nói thật là tôi rất sợ du lịch. Du lịch có hai mặt của nó, mặt lợi dễ nhìn thấy, mặt hại có khi phải chục năm sau mới thấy. Lúc thấy thì muộn rồi. Nên mới nói, cần một tư duy dài hơi, tổng thể.
PV: Chị kể nhiều về thân phận của những người đàn bà miền núi, họ có đời sống vất vả, và chị đồng cảm, chia sẻ với họ. Nhưng giờ chị đã rời xa miền núi, chị có còn dự định viết về họ hoặc tiếp tục viết về miền núi ?
Đỗ Bích Thúy: Đàn bà nào cũng vất vả, chả riêng gì miền núi. Nhưng đàn bà miền núi vất vả hơn rất nhiều, thiệt thòi hơn rất nhiều. Tôi vẫn sẽ viết về đàn bà, cả miền núi cả miền xuôi.
PV: Người phụ nữ nguyên mẫu trong “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” (mà đạo diễn Ngô Quang Hải đã chuyển thể thành phim “Chuyện của Pao”) là ai? Chị có thể kể vài điều về cô ấy?
Đỗ Bích Thúy: Nói một cách chính xác thì có một gia đình nguyên mẫu trong truyện ngắn đó. Một gia đình với một ông chồng người Mông và hai bà vợ, một cũng người Mông và một người Kinh, và 5 đứa con. Bà vợ người Mông không sinh được con vì lý do nào đó. Và khi ông chồng đi làm đường (hồi xưa làm đường ở miền núi người ta thường huy động nhân công từ các hộ gia đình), thì gặp bà hai. Làm đường xong, ông dẫn bà hai về. Bà hai ở đó luôn, lần lượt sinh năm đứa con. Bà cả cứ lặng lẽ ở bên cạnh, chăm sóc hết đứa này đến đứa khác. Sau bà hai bỏ đi hẳn, ông chồng thì chết vì bệnh xơ gan, chỉ còn bà cả ở với các con.
Bà ấy là một phụ nữ Mông đặc trưng: người đẫy đà, uống rượu, hút thuốc lào như nam giới, tính tình cởi mở, tiếng nói oang oang ấy. Tôi không bao giờ có thể lý giải được sức chịu đựng của bà ấy. Có thể nói bà ấy, bà May, là người đã khiến tôi không thể dứt bỏ dạng nhân vật phụ nữ chịu thiệt thòi trong văn chương.
PV: Trong năm 2013 tiểu thuyết “Cánh chim kiêu hãnh” của chị được xuất bản. Cuốn sách mô tả nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Mông, người Tày; bên cạnh đó còn viết về một đề tài khó- đề tài lịch sử. Khá nhiều người ngạc nhiên khi biết chị viết cuốn sách này không phải theo “đơn đặt hàng” mà do nhu cầu tự thân. Cuốn sách này có ý nghĩa thế nào với bản thân chị?
Đỗ Bích Thúy: Giai đoạn lịch sử mà tôi đề cập tới trong cuốn sách đó là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử kháng chiến của Hà Giang. Khi đó, bà con các dân tộc Hà Giang còn đang ở trong thời kỳ vô cùng khổ cực dưới mấy tầng áp bức của địa chủ, phong kiến, thực dân. Sở dĩ tôi quyết định viết về giai đoạn này vì mấy lý do: Tư liệu lịch sử để lại đã cho tôi một nguyên mẫu - là nhân vật nữ chính mà tôi đã xây dựng. Câu chuyện vùng lên đánh Pháp đuổi Nhật của người Hà Giang khi đó mang tính tự phát nhiều hơn, chính vì thế nó không bị khô khan, nó thuận lợi cho người sáng tác. Lý do nữa là lịch sử đã lùi quá xa, đó là điều kiện lý tưởng cho không gian tư duy.
Đây là cuốn đầu tiên tôi viết trực diện về Hà Giang, và tôi muốn viết những cuốn khác nữa. Để làm những cuốn dài hơi, bề thế một chút như tiểu thuyết, thì miền núi còn nhiều cái để làm. Chỉ sợ sức mình làm không nổi thôi.
PV: Chị có thể chia sẻ về dự định sáng tác của mình trong năm 2014?
Đỗ Bích Thúy: Tôi đang dồn sức cho một cuốn tiểu thuyết về Hà Nội. Cuốn này, nếu theo đúng kế hoạch thì nhà XB Phụ Nữ sẽ cho ra mắt bạn đọc vào quý I năm 2014. Chỉ có điều không biết tôi có làm kịp không, các chị ấy rất chịu khó giục. Tôi có một Hà Nội, giản dị và "dễ thương", tôi muốn viết về nó, với tình yêu cũng vô cùng giản dị mà tôi có.
Nguyễn Thúy Hoa/VOV online (thực hiện)