Thơ Olga Berggoltz (Nga) - Thuỵ Anh dịch Thơ Olga Berggoltz (Nga) - Thuỵ Anh dịch , Người xứ Nghệ Kiev
Olga Berggoltz (1910 – 1975) là nữ thi sĩ Nga - Xô Viết, tên đầy đủ phụ danh là Olga Fiodorovna Berggoltz. Bà nổi tiếng với những tác phẩm sáng tác trong thời kỳ Leningrad bị bao vây và những tác phẩm của bà đã có sức cổ vũ lớn lao cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Olga Berggotlz mất tại Leningrad, để lại cho đời nhiều thơ, trường ca, truyện ngắn, truyện vừa, kịch bản… Những tác phẩm tiêu biểu của Olga Berggoltz: (Ngũ cốc - thơ), (Vùng sâu vùng xa - tập ký về Kazakhstan), (Nhật ký tháng Hai - trường ca), (Lòng trung trinh - trường ca)…
Những dòng tưởng niệm được khắc trên bức tường nghĩa trang Piskariov
Nơi đây yên nghỉ những người con Leningrad
Nơi đây yên nghỉ những người dân thành phố - đàn ông, đàn bà,
con trẻ
Bên cạnh họ là những người lính Hồng quân cận vệ
Bằng cả cuộc đời mình Họ bảo vệ Người, hỡi Leningrad,
Cái nôi của Cách mạng.
Ta không thể kể hết ra đây tên tuổi Họ vẻ vang
Bởi Họ biết bao người nằm dưới phiến đá kia ngàn đời ôm ấp
Nhưng hãy lắng nghe những tảng đá kể chuyện đời cao thấp:
Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng
Quân giặc tràn vào thành phố với vỏ sắt xe tăng và thiết giáp
Nhưng cùng với Quân đội ta, ta đã đứng lên
Những người công nhân, các em học sinh, thày cô và các dân quân
Và tất cả nói, muôn người như một:
Rằng cái chết phải sợ chúng ta hơn là chúng ta sợ hắn
Muôn đời không quên mùa đông đen tối, đau thương, đói khát
Của những năm Bốn mốt Bốn hai
Cả những khốc liệt của các trận bắn nhau suốt những đêm dài
Cả nỗi khủng khiếp của mưa bom năm Bốn ba đáng sợ
Đất thành phố đạn bom phá vỡ
Các đồng chí, các anh ơi, không một cuộc đời nào lại lãng quên
cho được
Dưới làn lửa từ bầu trời, trái đất và mặt nước
CÁC ANH đã hàng ngày giản dị, đường hoàng lập những
chiến công
Cùng mảnh đất cha ông
CÁC ANH đã giành được rồi Chiến Thắng
Trên mảnh đất bi thương hùng tráng nơi này
Dân tộc biết ơn người xin phất muôn đời ngọn cờ bất diệt
Trước bất tử cuộc đời CÁC ANH tha thiết
Cả Mẹ - Tổ Quốc ta, cả thành phố Leningrad anh hùng.
Linh cảm
Anh yêu ơi em không biết sẽ ra sao
khi đến ngày tiễn đưa anh ra trận,
hơi thở tắc khô khan trong lồng ngực,
chạy đằng sau vó ngựa chiến bụi mờ...
Nơi đâu chúng ta sẽ nói tiếng giã từ,
nơi nào sẽ chia tay đôi ngả,
dùng dằng giữa cánh đồng không bóng rạ,
hay bên cửa ô dừng bước nghẹn ngào?
Hỏa lệnh phát lên giục giã gắt gao,
hay chỉ một câu của người chỉ huy, giản dị:
“Đến lúc rồi. Để vợ về thôi, đồng chí
Đến lúc rồi, hãy từ biệt và đi…”
Bỗng chốc trái tim vào giờ khắc chia ly
chợt hóa giản đơn, như thủy tinh, trong vắt.
Và Tổ Quốc nhìn ta sâu vào trong mắt,
bình thản, nghiêm trang và tươi sáng vô ngần.
Người lại cho ta linh cảm thánh thần,
ôi Tổ Quốc đang sẵn sàng nghênh chiến,
về một tình yêu đã từng chắp cánh
cho cả hai ta – tình duy nhất, thủy chung.
Rồi con tim sẽ trở lại sạch trong,
chia cách đắng cay cũng thành nhẹ nhõm
rồi chiến thắng của trung đoàn anh chiến đấu
sẽ được báo tin qua tiếng kèn đồng.
Ôi, có lẽ chàng sẽ chẳng về đâu...
Ôi, có lẽ chàng sẽ chẳng về đâu,
người con trai bên bờ Volga, người dân chài, người chồng con
yêu quý
Ôi, phải chăng đã ngã xuống đau thương trên đường vạn lý
con bồ câu mang tin buồn thê thiết đến với anh
Mẹ ơi, xin mẹ đứng lại đây, đứng lại bên cánh cửa này,
để con đi tìm anh ấy
chỉ có điều rất tin vào điềm đen tối
cõi nửa đêm – thân xác con đây – nỗi u buồn.
Nhưng nhỡ mà chàng sẽ lại trở về
từ thế giới kia bước vào ngưỡng cửa -
thì đây chiếc khăn xanh thiếu nữ,
chiếc khăn hoa vui hớn hở của con
Và đây nữa chuỗi vòng kết trái thùy dương
mẹ hãy đưa cho chàng và nói
rằng con đã ra đi với bước chân trần
mắt sáng rực và mái đầu tóc vàng tơ buông rối
Nhưng nếu chàng về cùng người con gái mới,
mẹ hãy im lời, đừng khóc nhé, hỡi mẹ ơi
chỉ mang theo mẩu đất thiêng ta yêu quý
rồi mẹ cũng hãy đi thôi…
Thụy Anh dịch - Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội