Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Tiếng Xuân từ lòng người lính biển - NGUYỄN MẠNH HÙNG Tiếng Xuân từ lòng người lính biển - NGUYỄN MẠNH HÙNG , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

Cũng vào những ngày giáp tết này năm ngoái, giữa cái rét cắt da cắt thịt xuống dưới năm độ lạnh cuối đông, trong chuyến đi với những người lính Biên phòng Lạng Sơn, tôi đã rất ấn tượng với câu nói của một người lính khi cùng anh đứng bên cột mốc biên giới Đồng Đăng, rằng các anh là những “đứa con của mẹ Âu Cơ”, được mẹ giao cho trọng trách gìn giữ vẹn nguyên từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Khi nhìn đôi mắt hun hút của anh qua làn sương giá mịt mờ, có cảm tưởng rằng, câu nói ấy phát xuất từ một nơi nào đó thăm thẳm, rất thăm thẳm cõi vô thức của lòng tự hào, tự tôn cháu con Lạc Hồng, của ý chí hun đúc mấy ngàn năm đã ăn sâu, bám rễ vào lòng dân tộc này, đất nước này chứ không thuần là của riêng anh nữa. Và cái “cảm tưởng”, niềm tin ấy của tôi, lại một lần nữa được khẳng định trong ánh mắt như mờ đi, cũng hun hút, cũng thẳm sâu của một vị tướng Hải Quân -  Chính ủy Quân chủng Đinh Gia Thật, khi anh chia sẻ với các nhà văn tạp chí Văn nghệ Quân đội về trách nhiệm giữ gìn cương hải Tổ quốc của những người lính của mình khi chúng tôi có chuyến công tác cùng những người lính biển: Trên những con tàu dù nhỏ, dù to, dù mới, hiện đại hay đã cũ. Dẫu lênh đênh trên biển Quảng Ninh, Cà Mau, hay Trường Sa thì cái tâm huyết rằng biển ấy, đảo ấy, là hương hỏa của Tổ tiên để lại, và trách nhiệm phải giữ vẹn nguyên để khỏi mang tội với tiền nhân, luôn hòa chảy trong máu, trong từng mao mạch nhỏ nhất của những người lính Hải quân. Khi nghe ông nói điều ấy, trong tôi hình ảnh năm mươi người con của Lạc Long Quân chợt hiện lên, chập chờn trong hình hài người lính biển giữa dặm dài biển xanh Tổ quốc.

 

 

*

 

 

*     *

 

 

Cái hình dung dấu chân của năm mươi người con xuống khai phá biển trong truyền thuyết Lạc Long Quân của tôi càng gần gũi hơn khi đến với những người lính Hải đội 695 thuộc vùng I của Quân chủng và được nghe đồng chí Hải đội phó giới thiệu cái nhiệm vụ “vẽ chân dung biển” của các anh. Những dặm dài trong phạm vi chủ quyền biển Việt Nam với các anh đều trở nên thân thuộc sau mỗi chuyến đi dài ngày. Nhìn vóc người không thật sự “phong trần” theo cái gu của các cô gái hay tưởng tưởng về các chàng sĩ quan “ăn sóng nói gió” của Trung úy Hoàng Văn Hiếu - trưởng ngành đo đạc tàu 883, quê Hưng Nguyên – Nghệ An,  khó có thể tưởng tượng được rằng, hầu như tất cả các đảo chìm, nổi, nhà giàn của Trường Sa như Len Đao, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Thị... cho đến gần như đảo Bạch Long Vĩ, Long Châu… rồi tất cả các luồng lạch, vùng biển nước nông, sâu, mặn, nhạt từ Quảng Ninh đến Cà Mau đều in dấu con tàu của anh và đồng đội.

 

Các cán bộ, chiến sĩ đoàn M71 đón xuân về

 

Chín năm liền, kể từ khi đặt chân về Hải đội (2005), năm nào cũng bắt đầu vào tháng ba khi mà ở đất liền, những con ong bắt đầu đi lấy mật thì các anh cũng sắm sanh “ mật” cho một chuyến đi biển dài ngày để rong ruổi “những dặm dài dưới đáy biển Việt Nam” cho đến khi đủ “bảy tháng lênh đênh” mới cập bờ. Vậy thứ “mật” mà những người lính Hải đội mang lên tàu cho mỗi chuyến đi xa là gì? Đó là thực phẩm khô như: gạo, rau, củ quả, mắm muối... ngoài ra là chanh, ớt, rau xanh. Chanh, ớt thì vùi trong thùng cát, để dưới hầm có thể để được đến vài ba tháng. Rau muống luộc lên, cho vào túi bóng để trong tủ lạnh, khi nào ăn thì mang ra luộc lại, có thể để được cả nửa tháng đến hai mươi ngày…

 

 

Đi nhiều như thế, Hiếu có bao giờ thấy chán không? Khi nghe câu hỏi ấy, Hiếu bật cười nhìn tôi với ánh mắt hết sức lạ lẫm, khiến tôi lầm tưởng rằng Hiếu chưa nghe rõ câu mà tôi vừa hỏi. Nhưng không phải, tôi chưa kịp nhắc lại thì Hiếu đã trả lời. Hiếu bảo, mỗi chuyến đi của các anh mang một vẻ khác nhau, chẳng chuyến nào giống chuyến nào nên nó không nhàm chán như cái sự đi bộ mỗi sáng hay mỗi tối.

 

 

Có những chuyến sóng dập gió dồn bởi một cơn bão mà hướng đi của nó bất thường và đỏng đảnh còn hơn gái dậy thì! Có những chuyến thì êm ả và lãng mạn như nằm trên võng và nghe bà kể chuyện cổ tích trong kí ức tuổi thơ... Chuyến đi biển đầu tiên năm 2005, chưa quen với sóng gió, Hiếu say đến độ như muốn nôn cả mật xanh mật vàng, thế nhưng ngay cả khi say nhất, vẫn phải đứng bên máy đo tia, đo nông sâu, luồng lạch. Kệ sóng, kệ gió, bão bùng… Tàu vẫn cứ đi và cái sự say kia dần chỉ là một kỉ niệm đẹp trong kí ức.

 

 

Giờ đây, sóng nghiêng, gió ngả, với anh chỉ còn là nỗi lo không lấy được thăng bằng cho bọt nước của máy để có thể hiểu thật tường tận, chính xác rằng, dưới làn nước xanh đến vô chừng kia, nơi con tàu của mình đi qua, đáy biển có những gì. Cũng giống như đi bừa ấy anh ạ - Hiếu cười giải thích thêm về công việc của mình –  tàu bọn em phải “bừa đi, bừa lại cho đến khi nhừ, nhuyễn” mỗi vùng biển mà mình đi qua để có những số liệu chính xác đưa lên hải đồ làm căn cứ đảm bảo an toàn cho các tàu bè qua lại vùng biển ấy.

 

 

Thú vị nhất là khi các hình ảnh dưới đáy biển hiện lên trên màn hình dưới dạng đồ thị, tùy theo hình ảnh mình thu được, có thể phán đoán dạng hình ấy là vật thể gì, đá, cát, hay san hô, hay các vật thể của con người cho nó một thứ màu sắc phù hợp. Hiếu bảo, thủa nhỏ, em đã từng mê mải cuốn “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, mà không ngờ có ngày mình lại có cái may mắn khám phá đáy biển như hôm nay.

 

 

Giống như các con tàu Hải quân khác, ngoài công việc chính là “vẽ chân dung biển”, những người lính Hải đội 695 còn thực hiện rất nhiều công việc khác ngoài chuyên môn khi cần. Với Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Văn Đăng, máy trưởng tàu HQ881 – người gắn bó với Hải đội, với công việc “vẽ chân dung biển” ngót nghét gần một phần tư thế kỉ thì kỉ niệm về những chuyến đi luôn đầy ăm ắp.

 

 

Anh kể, năm 1998, trong lúc làm nhiệm vụ ở vùng biển gần Trường Sa, khi nghe thông báo  cơn bão số 2 có diễn biến hết sức phức tạp, tàu quyết định quay về nơi trú ẩn. Buổi sáng từ trên boong, bán đảo Sơn Trà vẫn còn hiện lên trong tầm nhìn của kính quan sát, nhưng sang đầu chiều tất cả đã mịt mờ trong màn mưa giăng. Gió bắt đầu thổi một cách khó lường. Con tàu lắc lư, gồng mình chồm lên những con sóng với biên độ hết sức chông chênh khiến nó chệch khỏi hướng đi đã xác định trên Hải đồ và gần như đã bị lạc giữa cơn giông tố. Bộ phận thông tin của tàu đã liên lạc với bờ để xin tàu ra kéo, nhưng cái khoảng thời gian chờ đợi kia, bất trắc sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào. Tất cả đã mặc áo phao. Tất cả đã xác định cho một tình huống xấu nhất.

 

 

Cuối cùng thì bão tố cũng phải chịu thua ý chí, kinh nghiệm đi biển của người lính Hải quân. Sau mấy tiếng đồng hồ, cả tàu mừng rỡ khi nghe tiếng rúc còi của con tàu trong bờ vang lên giữa tiếng gầm rú của sóng dữ. Rồi kỉ niệm cứu con tàu Đài Loan bị mắc cạn gần khu vực đảo Én Đất vào tháng 6 năm 2000. Khi phát hiện con tàu mắc cạn, cả tàu cứ nghĩ đó là tàu chiếm đảo. Tất cả các phương án đã sẵn sàng  cho những tình huống xấu nhất.

 

 

Cho đến khi tàu cập đảo, bốn người Đài Loan trong đó có 2 thuyền trưởng, 2 máy trưởng tuổi thấp nhất cũng trên sáu mươi xuất hiện với những tín hiệu xin được cứu nạn với đủ giấy tờ hợp lệ, anh em trên tàu mới thở phào. Còn Đại úy thuyền trưởng Bùi Giang Việt cùng thuyền phó Vũ Trọng Phú của tàu 884 thì chia sẻ kỉ niệm về chuyến đi làm nhiệm vụ trên biển cuối tháng 9 năm 2012. Hôm đó là một ngày thời tiết xấu, ngoài khơi biển động cấp năm cấp sáu, tàu của các anh đang cập tại Cam Ranh thì được lệnh ra khơi cứu một tàu cá của ngư dân Quảng Nam bị chết máy, đang phải chống chọi với sóng dữ cách đó khoảng hơn 100 hải lý.

 

 

Chín giờ sáng xuất phát, lựa sóng, lựa gió, mãi 9 giờ tối mới tới được khu vực tàu bị nạn. Đêm tối mịt mùng, biển động mỗi lúc một mạnh hơn, và tầu của các anh cũng chỉ chịu được sóng cấp bảy, trong khi ấy cuộc tìm kiếm ngày càng trở nên vô vọng… Không nản chí, các anh tiếp tục rà các vị trí xa hơn. Thật may mắn, khi đã gần như hết hy vọng thì con tàu bị nạn hiện ra. Khi ấy, nước đã tràn vào khoang tàu và 31 ngư dân thì gần như lả đi vì kiệt sức. Mãi đến 16 giờ chiều hôm sau, Tàu 884 mới kéo được chiếc tàu bị nạn cập bờ. Sau chuyến đi ấy, tàu 884 và các thủy thủ được quân chủng tặng giấy khen, riêng thuyền trưởng Bùi Giang Việt được thăng quân hàm trước niên hạn từ thượng úy lên đại úy.

 

Một trong những hoạt động tuần tra của hải quân của Việt Nam

 

Chia tay những người lính Hải quân “vẽ hình hài biển”, chúng tôi đến Hải đội 4 cũng thuộc vùng I Hải quân – một đơn vị với nhiệm vụ chủ yếu là tuần tiễu trinh sát bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ an toàn cho các hoạt động thăm dò, khảo sát, hạ đặt dàn khoan dầu khí của ta; ngăn, cản phá các hoạt động thăm dò, khảo sát hạ đặt giàn khoan dầu khí trái phép của các lực lượng nước ngoài.

 

 

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào phòng giao ban của Hải đội chính là những chiếc cốc nhựa màu trắng. Có lẽ, đó là thói quen, là cái cảm thức của những người lính quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, bất cứ lúc nào cũng là sóng dập, gió dồn, là những cú thúc khiến con tàu trồi sụt đã được họ giữ lại nguyên vẹn khi rời xa biển nên ở trên bờ cũng dùng đồ nhựa cho... chắc ăn.

 

 

Nhìn những gương mặt vẫn chưa phai hết dấu ấn của sóng gió, bão bùng những ngày lênh đênh trên biển, ngời lên sự tự  tin, tôi chợt nhớ tới chia sẻ của Chính ủy Đinh Gia Thật, rằng những người lính của ông, họ yêu biển, giữ biển bằng một tình yêu - một tình yêu chân thực từ trái tim của họ, dù có phải hi sinh cả tính mạng của mình.

 

 

Chia sẻ với chúng tôi, chính trị viên Trần Quốc Huy cho biết, Hải đội có hai tàu chiến HQ635 và HQ 951 thường xuyên bám biển để bảo vệ quyền chủ quyền biển Việt Nam trước những hoạt động vi phạm trái phép của tàu nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2009 đến 2012, theo yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng và Vùng, Tàu HQ 635 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện khu vực đảm nhiệm thường xuyên có sóng to gió lớn với độ sâu trên 1000m, dòng chảy mạnh ở Đà Nẵng. Các chiến sĩ của tàu đã xuất sắc cản phá thành công các hoạt động thăm dò trái phép, vi phạm chủ quyền biển Việt Nam của các tàu nước ngoài với rất nhiều thủ đoạn gian xảo và trắng trợn, đồng thời bảo vệ an toàn cho các hoạt động thăm dò của ta trên vùng biển Việt Nam.

 

 

Chia sẻ về nhiệm vụ bám biển, Trung úy thuyền trưởng Vũ Hữu Đàm – quê Vũ Thư – Thái Bình, cười rất tươi cho biết, hầu như mỗi năm những người lính của Hải đội ít nhất cũng dăm bảy lần ra khơi, ngắn thì vài ngày, dài có khi cả tháng, thậm chí vài tháng. Như năm 2013 này, anh đã có tổng cộng 10 chuyến đi cả thảy. Thế đi nhiều như thế, vợ con ở nhà thì tính sao? – Nghe tôi hỏi, anh khẽ nhấp một ngụm nước chè rồi cười: Thì cũng giống “mô típ” của bao nhiêu người lính lấy vợ ở quê như em thôi! “Đông Tây y kết hợp cả cúng!” nghĩa là bà nội, bà ngoại, vợ rồi lại bà nội bà ngoại! Vợ em là điều dưỡng viên ở một bệnh viện dưới thành phố Thái Bình. Nhà em mới sinh cháu được 6 tháng nên ít ngày nữa mới hết chế độ nghỉ thai sản. Hai vợ chồng em đang tính từ thứ hai đến thứ sáu “xuồng sẽ theo tàu” cập “cảng bà ngoại”, gần chỗ vợ em làm việc. Thứ bảy, chủ nhật, “tàu xuồng” lại trở về bến “bà nội”… Cứ tạm thời tính thế đã rồi sau sẽ có phương án tối ưu!

 

 

Ngoài nhiệm vụ tuần tra trên biển, Hải đội 4 còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, trực phòng chống cứu hộ cứu nạn. Đại úy chuyên nghiệp phụ trách kíp xuồng đổ bộ Nguyễn Văn Vĩ trực ở cầu Bính chia sẻ, từ khi chiếc cầu Bính nối giữa thành phố Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên hoàn thành, các anh đã cứu được rất nhiều trường hợp tự tử ở đây. Trường hợp đầu tiên là vào cuối năm 2005, lúc ấy là 11 giờ đêm, gió bấc lạnh thấu xương, khi phát hiện có người nhảy xuống, chẳng kịp mặc quần áo, tổ công tác lao xuống xuồng và phóng ra hiện trường. Mặc cho mặt sông buốt giá, sau một hồi ngụp lặn, anh đã vớt được nạn nhân lên. Rồi năm 2009, khi người gác cầu phát hiện một cô gái đứng trên thành cầu với những biểu hiện khác thường, nhận được thông báo của đơn vị, anh đã kịp thời có mặt để giữ cô gái lại, sau đó còn cho tiền để cô gái bắt xe về quê. Gần nhất là trong năm 2013 này, các anh cũng kịp thời có mặt để cứu sống một thanh niên 21 tuổi nhảy sông đưa về gia đình an toàn.

 

 

Thật tình cờ khi xuống Hải đội 4, tôi gặp lại Hải đội trưởng Phạm Đình Hoài, người mà năm 2009, khi dự trại viết Văn nghệ Quân đội tổ chức ở Hạ Long, đi thực tế ở lữ đoàn 170 cũng thuộc vùng I Hải quân - đơn vị với truyền thống chiến công đánh tàu Ma Đốc trên vịnh Bắc Bộ năm nào - tôi đã gặp. 

 

 

*

 

 

*    *

 

 

Khi đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia tay những người lính của Vùng I Hải Quân cũng là lúc những chuyến tàu mang quà Tết Giáp Ngọ bắt đầu cập đảo Trường Sa. Tết này của những người lính Hải quân, sẽ vẫn có bánh chưng, có câu đối, có bàn thờ, có những lời chúc tụng, và tất nhiên cũng sẽ không thiếu những nhớ nhung, trăn trở, lo âu bởi bộn bề tình cảm gia đình mình ở phía sau. Nhưng tôi tin, không vì thế mà các anh lơ là nhiệm vụ của người lính bảo vệ toàn vẹn vùng biển thân yêu của Tổ quốc, bởi đơn giản, chảy trong huyết quản của các anh là dòng máu Lạc Hồng với lịch sử mấy ngàn năm khai phá và xác lập chủ quyền biển Việt Nam.

 

N.M.H - Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65241908

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July