Bài thứ nhất, Bác viết năm 1941 ở động Ba Mông - Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trước khi về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.
Ba bài sau do bà Văn Trang, vốn là phiên dịch trong đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, lưu giữ. Trong ba bài này, thì hai bài đầu Bác viết vào dịp Nguyên đán 1952. Khi ấy, sắp Tết, Bác hai lần cử người mang rượu và hải sản đến tặng đoàn cố vấn Trung Quốc. Cả hai lần, Bác đều có thơ gửi tặng đoàn, thông qua trưởng đoàn La Quý Ba. Bài thứ ba, Bác viết tặng riêng trưởng đoàn La Quý Ba, nhân dịp mùa xuân 1955.
Tôi cùng nhà thơ Đỗ Trung Lai tìm nghĩa chữ, xét văn cảnh, rồi tạm dịch nghĩa cả bốn bài thơ này. Nhà thơ Đỗ Trung Lai dịch cả bốn bài thành ra thơ tiếng Việt.
Chúng tôi nghĩ rằng, thơ Bác, lại là thơ chữ Hán, thì luôn rất sâu xa, nên trong khả năng của mình, chưa chắc chúng tôi đã hoàn toàn chính xác trong việc hiểu hết nghĩa bốn bài thơ này của Người.
Nhưng Tết đến xuân về, chúng tôi xin được mạnh dạn công bố bốn bài thơ quý vừa nói như một món quà mừng năm mới, mong được các bậc túc nho và những người am hiểu thơ Bác, trước hết là thưởng thức, sau đó là xem xét thêm, để giúp chúng tôi hiểu hết nghĩa và từ đó, có thể dịch thơ Bác hay hơn.
Xin trân trọng cảm ơn trước.
(Cả bốn bài thơ của Bác đều không có đầu đề. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi tạm đặt đầu đề cho bốn bài thơ trên. Mong được chia sẻ.)
Tháng Một - Quý Tỵ 2013
Bài thứ nhất:
Ban mai
Âm Hán - Việt:
Nhật xuất đông phương nhất điểm hồng
Nga mi phượng nhãn tự loan cung
Mãn thiên tinh đẩu linh định tiếu
Ô vân cái nguyệt ám mông lung.
Dịch nghĩa: Mặt trời mọc, phương Đông hiện lên một điểm hồng/ Như mắt chim phượng dưới nét ngài cong/ Đầy trời, sao (đêm qua) chỉ còn le lói sáng/ Mây đen cũng đã che mờ mịt cả trăng rồi.
Dịch thơ:
Ban mai
(Thể thất ngôn tứ tuyệt)
Phương đông hiện điểm mặt trời hồng
Tròn xoe mắt phượng dưới mày cong
Khắp trời, sao chỉ còn le lói
Mây phủ, trăng kia tối mịt mùng.
Ban mai
(Thể lục bát)
Trời đông nhô một chấm hồng,
Tròn xoe mắt phượng, cong cong nét ngài.
Sao mờ trong ánh ban mai,
Đêm tàn, trăng nấp sau mây ngược ngàn.
Bài thứ hai:
Mừng xuân, tặng hải sản
Âm Hán - Việt:
Đào phù vạn hộ nghênh tân
Bộc trúc nhất thanh trừ cựu
Phụng tống hài vị sổ điều
Liêu cúng thưởng xuân hạ tửu.
Dịch nghĩa: Đào giúp cho vạn nhà đón năm mới đến/ Pháo kêu một tiếng tiễn năm cũ đi/ Gửi tặng (anh) mấy món hải sản này/ (Để anh) cùng đồng liêu nâng chén thưởng xuân!
Dịch thơ:
Mừng xuân, tặng hải sản
(Thể lục ngôn tứ tuyệt)
Đào nở, nhà nhà đón tết
Pháo nổ, đất trời qua đông
Gửi anh một ít hải sản
Cùng nhau nâng chén xuân nồng!
Mừng xuân, tặng hải sản
(Thể thất ngôn tứ tuyệt)
Đào thắm vạn nhà chào xuân tới
Pháo kêu một tiếng tiễn đông qua
Hải sản dăm phần xin gửi tặng
Anh với đồng liêu nhắm đón hoa.
Mừng xuân, tặng hải sản
(Thể lục bát)
Pháo kêu một tiếng, đông qua,
Đào dâng hoa thắm, nhà nhà mừng xuân.
Gửi anh hải sản dăm phần,
Nâng ly tống cựu nghênh tân gọi là.
Bài thứ ba:
Mừng xuân, tặng rượu
Âm Hán - Việt:
Nghênh xuân vô biệt soạn
Vi hữu tửu sổ tôn
Thỉnh nhĩ môn nhất túy
Cộng độ thắng lợi xuân.
Dịch nghĩa: Đón xuân, không sắm sửa gì đặc biệt/ Chỉ có mấy chén rượu (này thôi)/ Xin các anh hãy say một cuộc/ Cùng mừng xuân thắng lợi (với tôi)!
Dịch thơ:
Mừng xuân, tặng rượu
(Thể ngũ ngôn tứ tuyệt)
Tết này không sắm sửa
Dăm chén rượu làm vui
Say đi nào các bạn
Mừng thắng lợi cùng tôi.
Mừng xuân, tặng rượu
(Thể lục bát)
Tết này chưa thịnh soạn đâu,
Thì ta thơ túi rượu bầu làm vui.
Say đi nào các bạn ơi!
Mừng xuân thắng lợi cùng tôi một tuần.
Bài thứ tư:
Tặng đậu
Âm Hán - Việt:
Bạch đậu tam cân trọng
Chất cam nhi vị hương
Thanh niên tăng sản đắc
Thỉnh nhĩ thường nhất thường
Dịch nghĩa: Có ba cân đậu trắng/ Chất ngọt, vị lại thơm/ Thanh niên (chỗ tôi) tăng gia được/ Mời anh thưởng thức xem thế nào!
Dịch thơ:
Tặng đậu
(Thể ngũ ngôn tứ tuyệt)
Có ba cân đậu trắng
Chất ngọt và vị thơm
Thanh niên tăng gia được
Mời anh nếm thử xem!
Tặng đậu
(Thể lục bát)
Ba cân đậu trắng loại ngon,
Tôi dùng thấy ngọt lại còn thấy thơm,
Thanh niên vừa mới làm thêm,
Đưa mời anh nếm thử xem thế nào!
Theo Hội nhà văn Việt Nam