TRUNG TÂM VĂN HÓA NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY
Trân trọng kính mời quý vị tới dự:
BUỔI RA MẮT TẬP THƠ:
CANH NGỌN ĐÈN ĐỢI SÁNG của nhà thơ NGUYỄN HUY HOÀNG
- Thời gian: 17h30, 22/1/2014 (thứ 4)
- Địa điểm: TRUNG TÂM VĂN HÓA NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY
NHÀ N11A, TRẦN QUÝ KIÊN, CẦU GIẤY, HÀ NỘI
Rất mong sự có mặt của quý vị!
Nội dung chương trình:
- Giới thiệu nội dung tập thơ
- Phát biểu của một số nhà phê bình và nhà tài trợ
- Tiệc ngọt
- Tác giả tặng sách
Điện thoại cần liên hệ: 0947689709 (gặp Nguyệt Nga)
Trân trọng cảm ơn TRUNG TÂM VĂN HÓA NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY!
CHÚC MỪNG Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng với TÁC PHẨM MỚI!
Rất hân hạnh - BBT Báo Nguoixunghekiev.vn.
NGUYỄN HUY HOÀNG
CANH NGỌN ĐÈN
ĐỢI SÁNG
Thơ
NGUYỄN HUY HOÀNG
CANH NGỌN ĐÈN
ĐỢI SÁNG
Thơ
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC
TRUNG TÂM VĂN HÓA NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY.
BAO ĐÊM NGỒI ĐỢI SÁNG
Vào một buổi chiều đông lạnh năm 2011, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục Đào tạo sang Nga và ghé thăm nhà tôi ở gần một phố trung tâm thành phố Matxcơva. Gọi là nhà tôi cho oai, chứ thực ra đó một căn hộ hai buồng tôi thuê lại, loại nhà kiểu Xtalin, được xây vào những năm đầu thập kỷ năm mươi thế kỷ trước, nhưng vẫn còn khá sang trọng và ngăn nắp.
Mấy anh em ngồi uống trà, đàm đạo trong căn phòng cũ kỹ, ngoài cửa sổ tuyết bay mù mịt, mặt đất đóng băng dưới cái lạnh -18 độ, nhìn những hàng cây xác xơ, trơ trụi lá, một anh trong đoàn lắc đầu ngao ngán bảo tôi: "Thế này mà ông cũng sống được thì tôi phục ông quá. Ngồi một mình, lọ mọ đội tuyết đi làm, ngày nọ, lặp ngày kia đơn điệu như cái rôbốt. Còn chúng tôi ở trong nước, vui lắm, xong việc là kéo nhau ra quán, bù khú bia bọt, chơi bời. Sống kiểu như ông, bọn tôi thành thần kinh mất".
Anh ấy nói thật, nói phải, chúng tôi sống hàng chục năm trong một khung cảnh như vậy, tuy chưa đến mức thần kinh, nhưng đầy hư hao và mòn mỏi. Ngoài những giờ làm việc, giao tiếp ban ngày, còn đêm đêm, anh em trí thức nói chung, cánh văn chương nói riêng, thường là một đèn, một bóng; ít khi ra phố một mình do ám ảnh vấn đề an ninh; ít khi tụ hội bạn bè tại nhà riêng, do điều kiện ăn ở chật hẹp và cái tập quán Nga nó thế.
Đêm mùa đông ở Nga thì dài dường như vô tận. Từ năm giờ chiều, trời đã sầm tối, đường phố đã lên đèn; mãi đến chín giờ sáng, khi cảnh vật đã lờ mờ trong hơi lạnh, thì đèn đường mới tắt, nhường chỗ cho ánh sáng ban ngày luôn hiu hắt như trong cõi mù sương. Mà mùa đông có ngắn ngủi gì cho cam, kéo một mạch từ cuối tháng mười đến cuối tháng tư, một năm mùa đông tròn sáu tháng.
Đã có bao đêm đông, tôi đứng hàng giờ bên cửa sổ, vai trùm một tấm chăn mỏng ngắm những bông tuyết rơi miên man, không vui, cũng không buồn, chỉ cảm thấy cô đơn và bé mọn. Những lúc đó, chẳng có ai để san sẻ nỗi lòng, chẳng có ai để trút vợi đi một dòng nước mắt âm thầm chảy đành gửi vào những vần thơ:
Bỗng trong mưa bụi trắng trời
Tiếng ai nhắn gọi, hay lời tháng năm?
Dặm về, nẻo vắng xa xăm
Chiều đông thấm mỏi bước chân độc hành
Đâu rồi, bếp rạ, mái tranh
Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?
Sân đình, bến nước trong veo
Cây đa đêm hội, trăng treo. Đâu rồi?
Có lẽ lúc còn trẻ trung, những kỷ niệm không dằn vặt và khắc khoải lòng người như khi bắt đầu tuổi tác, khi mà người ta nhận ra quỹ thời gian đang vơi đi từng ngày, từng ngày đang ngắn lại. Kỷ niệm tôi nói ở đây không phải là dư chấn của những sự kiện, hay là những bước ngoặt trong đời, mà là những hình ảnh bình thường nơi xóm mạc, khi càng xa cách thì càng hoá thiêng liêng. Những vẻ đẹp lộng lẫy, hào nhoáng của thị thành hay cảnh hùng vĩ của thiên nhiên Nga cũng không thể nào thay thế được hình ảnh mộc mạc, quê mùa nơi chôn rau, cắt rốn:
Tìm đâu ra giữa quê người
Cỏ xanh đầu bãi, chiều phơi nắng vàng
Rặng tre nghiêng xuống giếng làng
Bóng ai tóc xõa, trăng loang vai mềm
Chập chờn nhớ giữa trời quên
Lòng quê lãng đãng trên miền mộng mơ
Chiều đông, mưa tuyết mịt mờ
Quê hương xa vắng, dường như nhắn thầm...
Và tôi đã trải qua bao đêm dài trăn trở không phải chỉ trong căn phòng tuổi tác ở Thủ đô Matxcơva, mà gần ba chục năm trên những chặng hành trình dằng dặc khắp nước Nga mênh mông; tôi đã từng ngả lưng bên những cánh rừng trong đêm hè ấm áp; từng cuộn mình trong lều da bạt khi xung quanh tru lên tiếng sói săn mồi; hay từng duỗi chân bên những bếp lửa rực hồng tận cực bắc lạnh gần năm chục độ dưới âm, nơi:
Sau lớp hàng rào cũ
Căn lều gỗ im lìm
Than bếp lò vừa lụi
Hơi ấm chờ tàn đêm
Tôi nhớ hồi còn trẻ, mới sang Nga, vào đầu đông, suốt đêm háo hức chờ những bông tuyết đầu mùa. Khi tuyết rơi, giữa đất trời thanh khiết, chúng tôi để đầu trần, đi suốt hàng giờ trên đồi để hưởng cái giá lạnh dịu dàng và cảm nhận hết cái đẹp cao sang của miền quê xứ lạnh: Đón tinh khôi bông tuyết trắng đầu mùa - Giữa thảm trắng ngẩng đầu trần, háo hức - Rơi nhẹ nhàng những đoá trắng phất phơ... Giờ đây, không phải riêng tôi, mà những người luống tuổi, mỗi khi chớm đông lại run lên khi nghĩ về mùa đông Nga bời bời tuyết trắng, sợ cái lạnh lẽo triền miên, sợ cái khắc nghiệt của giá băng khi bắt đầu lưng còng, lòng mỏi.
Một năm bốn mùa ở Nga, tôi dành cho mùa thu những cảm xúc say đắm nhất. Lòng tôi âm thầm chờ mùa thu từ khi cuối hạ, từ khi cả những cánh rừng đã gắng xanh hết sức mình đến kiệt sức cho đến lúc mùa thu tới. Và khi những chiếc lá phong đã loáng thoáng vàng, sau đó là những dải rừng, những thung lũng mênh mông vàng rực một màu, tôi cảm thấy được sống trong một mùa cổ tích với làn gió se lạnh, với hơi ẩm của đất trời, với cái thanh khiết của những ngọn gió phiêu du.
Tôi dành nhiều thời gian vào mùa thu để đi về những thành phố miền Trung Nga và tận phương Bắc để tận hưởng vẻ đẹp cho không, phát không của đất trời. Nỗi buồn mùa thu trong thơ tôi được viết với cả một tấm lòng nuối tiếc, nhớ nhung và đằm thắm nhất mà tôi có được.
Biết đến bao giờ trở lại
Với cây, với lá, với chiều
Với mảnh đất Nga nồng hậu
Thuở còn chưa biết, đã yêu
Dẫu cách muôn trùng, vạn dặm
Đêm đêm, những chiếc lá vàng
Vẫn cứ rơi vào giấc ngủ
Tấc lòng trót đã đa mang
Tôi đã phải lòng nước Nga và mùa thu Nga như thế đó.
Cái giá của tình yêu nước Nga tôi phải trả, đớn đau và to lớn vô cùng. Nó đã làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống không chỉ riêng tôi mà cả gia đình, đã làm cho toàn bộ cuộc đời tôi chuyển theo hướng khác. Tôi đã từ bỏ mọi thứ dành cho mình ở phía trước để ở lại nước Nga với một niềm hy vọng, gặp lại đứa con gái đầu lòng thất lạc của mình. Tôi đã gắng hết sức, đã đi khắp bốn phương, đã ngửa mặt cầu xin khắp chốn, đã chấp nhận một cuộc sống chật vật, đã chịu biết bao điều đắng cay mà bút giấy không thể nào tả xiết.
Khi mọi thứ đã không ở trong bàn tay mình, tôi chỉ biết phó thác cho mệnh số và treo mảnh lòng xót thương của mình vào chiếc đinh hy vọng.
Và những đêm dài canh đèn đợi sáng, tôi thấp thỏm đợi một dòng tin, một lời nhắn gửi tốt lành mà tôi đã mỏi mòn chờ suốt hơn hai chục năm đằng đẵng:
Ba không tị với người ta
Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này
Ai mơ viên mãn, đủ đầy
Ba cam phận bạc, trông ngày gặp con
Mẹ thì gầy guộc, héo hon
Cầu xin, vái mỏi, vái mòn tứ phương
Gió mây, sương nắng khôn lường
Xót con, thân gái dặm trường bơ vơ
Vận sao, vận đến không ngờ
Hạn sao hạn mãi bây giờ chưa yên?
Một mình, một bóng đêm đêm
Tay mơ tìm mái tóc mềm phương con...
Trong tập thơ này, không chỉ có đêm dài với một bóng hình, một ngọn đèn chờ khi bình minh đến, nó còn là những cảm xúc mang tính triết lý, những tình cảm và rung động trước thiên nhiên, con người Nga qua bao biến cải thăng trầm của một người đã dấn thân và được chứng kiến qua nhịp cầu thời gian vắt qua hai thế kỷ.
Nó còn là tiếng lòng trắc ẩn của một người con Việt viết về Tổ quốc khi sống xa ngoài vạn dặm; nó còn là những cảm xúc bi uất trước thế sự trái ngang được thể hiện bằng những lời thơ có khi mang tính chính luận, triết lý, nhưng cũng có khi hài hước sâu cay.
Nhưng xuyên suốt tập thơ của tôi vẫn là nhân vật trữ tình giãi bày tâm trạng, nỗi niềm, thường là yếu đuối, mong manh trước vũ trụ vô thuỷ, vô chung, vô cùng, vô tận, nhưng vẫn không hề tuyệt vọng, bi quan.
Tôi cố gắng viết để không rơi vào lối tự huyễn hoặc, lên gân, lên cốt về mặt nội dung; không dị dạng, màu mè, cách điệu về mặt hình thức mà tìm cách diễn tả mộc mạc và chân thành những ý tưởng của mình theo một phong cách mà tôi đã tìm cách xác lập trong nhiều năm qua.
Tập thơ này tập hợp những bài được viết trong gần hai năm, đã có một vài bài tôi đã chọn đưa vào tuyển thơ nước Nga "Một thời tôi từng có".
Lúc đầu, tôi định đặt tên "Khi biết mình là cỏ" cho tập thơ này, xuất phát từ một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ người Mỹ Uýtman (Walt Whitman): "Tôi xin hiến đời tôi cho bùn đất, để làm nẩy sinh ngọn cỏ tôi yêu - Nếu bạn muốn gặp tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn" để nói lên phẩm thế của một con người, nhưng sau đó tôi lại thay bằng "Canh ngọn đèn đợi sáng" nó chuyển tải được nhiều tâm trạng chung của tôi hơn.
Nói một cách giản dị, tập thơ "Canh ngọn đèn đợi sáng" với những mảng màu đậm nhạt khác nhau, tôi đã khắc hoạ đôi nét chân dung của chính tâm hồn mình trong dòng chảy thời gian và không gian đa chiều.
Sẽ là vinh hạnh biết bao, nếu như tập thơ nhỏ này đem đến được cho bạn đọc sự đồng cảm, chia sẻ và gửi gắm vào đó dù là một niềm tâm sự riêng tây.
Matxcơva 4-12-2013
Tác giả
|