(Baonghean) - Ở Trường Sa, cuộc sống của người lính đảo, nhất là ở các đảo chìm chưa hẳn đã hết khó khăn. Nhưng, những người con đất Việt dạn dày sương gió đã không một phút nản lòng. Ngược lại, tại mỗi điểm đảo chúng tôi được đến, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ luôn rực sáng, tạo thành những điểm tựa vững chãi của Tổ quốc giữa bao la trùng khơi.
Hành trình đến với Trường Sa dường như bao giờ cũng vậy, luôn ẩn chứa những bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên là con tàu đã bị chậm so với dự kiến của hành trình. Lúc tàu rời cảng, người lái tàu đứng bên “bật mí”, tàu chỉ chạy 1 đêm 1 ngày là đến Đá Lát - đảo đầu tiên trong hành trình đến cụm đảo phía Nam, quần đảo Trường Sa. Ấy nhưng, trong điều kiện gió cấp 7, cấp 8, sau 2 ngày 2 đêm lênh đênh vượt trùng dương, Đá Lát mới xuất hiện. Đá Lát là đảo chìm, bao quanh là những bãi cạn, đáy san hô phản chiếu lên mặt nước một màu xanh biêng biếc, trong veo. Cả tàu reo lên vui sướng, át cả thanh âm dữ dội của biển cả. Bao nhiêu mệt mỏi chợt tan biến trong phút chốc. Tất cả cánh phóng viên không ai bảo ai đều cẩn thận bao bọc máy ảnh, máy quay trong những túi ni - lon quân sự màu xanh thẫm chuẩn bị chờ hiệu lệnh lên đảo. Nhưng hai bên mạn tàu, sóng vẫn dội liên hồi, có khi con sóng dữ chồm lên tung bọt trắng xóa vỗ vào ô cửa kính nhỏ mãi tận khu B của tàu, cao gần 4m so với mặt nước biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những chuyến hàng Tết nặng nghĩa, vẹn tình từ đất liền vượt qua hàng trăm hải lý với vô vàn bão tố đến với cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lát trọn vẹn. Cả đoàn thở phào nhẹ nhõm bởi đó là hơi ấm quê hương gửi tới các chiến sỹ ngoài đảo xa. Nụ cười nở thật tươi trên môi các chiến sỹ. Trên vùng biển đảo xa xôi, cuộc sống của những người lính đảo trôi qua hết sức bình dị nhưng cũng không kém phần thi vị. Và điều dễ nhận thấy nhất, đó là những cán bộ, chiến sỹ còn rất trẻ song đã và đang vững vàng đầu sóng với một niềm tin kiên định được gửi trao từ đất liền. Họ không chỉ làm chủ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc mà còn chủ động tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. Thiếu úy Bùi Viết Tuyên xung phong bơi ra bãi cạn có lồng sắt mang vào cơ man nào là cá bò bọc thép, cá thu, cá xạo… Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Thiếu úy Tuyên cười tươi, giải thích: “Anh em tập trung đánh bắt hải sản khi có thời gian rảnh rỗi rồi gom lại trong lồng sắt vừa đảm bảo môi trường nước biển tự nhiên cho cá sinh sống vừa đảm bảo nguồn thực phẩm đều đặn cho bộ đội”.
Khác với đảo nổi, không gian đảo chìm ở Trường Sa chật hẹp hơn rất nhiều. Cuộc sống của các anh chỉ xoay quanh những ngôi nhà bê tông nhô lên, đứng sừng sững, vững chãi giữa đại dương bao la. Vì vậy, có người đã ví von rằng, mỗi đảo chìm là một mốc chủ quyền quốc gia quả không sai. Đá Lát chỉ là một đảo chìm như vậy nhưng nhiệm vụ của các anh không hề nhẹ nhàng hơn so với các đảo nổi, đảo chìm lớn khác. Cán bộ, chiến sỹ luôn trong tinh thần sẵn sàng hoàn thành tất cả nhiệm vụ bất kể mùa biển động hay mùa nắng gió bỏng da. Điện mặt trời, sóng điện thoại Viettel đã giúp “cải thiện” đời sống tinh thần của các chiến sỹ nơi hải đảo xa xôi. Mặt khác, sự quan tâm không ngừng của Đảng, Nhà nước và nhân dân từ đất liền là động lực rất lớn cho lính biển ở nơi xa đất liền hàng trăm hải lý. Thượng úy Vũ Đức Quỳnh – Chỉ huy Trưởng đảo Đá Lát cho biết: “Cán bộ, chiến sỹ luôn xác định tinh thần cùng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau vượt qua những cách trở về điều kiện địa lý, những hiểm nguy đã từng ngày, từng giờ, bám trụ với công việc. Đời sống vật chất, tinh thần cũng được nâng cao dần. Cán bộ, chiến sỹ rất yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ”.
Tạm biệt Đá Lát, tàu HQ 571 hướng về “trái tim” của huyện đảo Trường Sa – đảo Trường Sa. Tiếc rằng, biển động quá mạnh, tàu không thể cập vào cầu cảng nên đành tiếp tục hành trình thêm 22 hải lý về đảo chìm Đá Tây. Đá Tây có 3 điểm đảo được đặt tên theo thứ tự A, B, C. Mỗi điểm chỉ là 2 - 3 ngôi nhà bê tông sừng sững giữa mênh mông biển nước và cách nhau chừng 2 hải lý, đứng ở điểm này có thể nhìn sang điểm kia bằng mắt thường. Nhưng vì yêu cầu nhiệm vụ nên lính đảo không được qua lại, trừ khi có lệnh của cấp trên. Có mặt tại điểm A, B, chúng tôi thực sự vui mừng về những đổi thay trong cuộc sống của lính đảo. Không chỉ có những công trình ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh biển đảo mà còn có những công trình phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sỹ. Tại các điểm đều có nhà văn hóa, thể thao đa năng. Cán bộ, chiến sỹ có không gian cần thiết để chơi thể dục thể thao, rèn luyện thể lực và tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần. Trung úy Lê Văn Dũng - Phó điểm trưởng quân sự - đảo Đá Tây cho biết: “Ngoài thời gian làm nhiệm vụ, anh em tích cực tham gia đánh bắt hải sản, trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. Bên cạnh đó, nhà văn hóa đa năng cũng đã được xây dựng nên cán bộ chiến sỹ có thể chơi bóng bàn, tập thể lực hay hát karaoke mỗi khi rảnh rỗi. Vì vậy, cuộc sống chúng tôi dẫu hạn hẹp về không gian nhưng không hề nhàm chán như các nhà báo tưởng tượng đâu nhé!”.
Cán bộ, chiến sỹ điểm B đảo chìm Đá Tây chơi thể thao trong giờ giải lao. |
Có lên đảo Đá Tây mới biết, chính những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc, hiện diện thường nhật trong đất liền lại cực kì quý giá đối với người lính đảo. Đó là những vồng rau mồng tơi, những luống rau muống nằm trong các chậu gỗ được cánh lính đảo cẩn thận che chắn, chăm bẵm cẩn thận từng ly từng tí một. Mỗi cành, mỗi lá rau tươi in đậm bóng hình người lính đảo. Hẳn vậy! Cây không phụ lòng người, giữa bão táp, mưa sa, không khí mặn chát mùi nước biển, rau vẫn xanh tốt. Cũng ở điểm A, đảo Đá Tây, cái chuyện ấp nở trứng gà, trứng vịt, nuôi lợn được nghe lính đảo kể lại kì công như họ đang vẽ một bức bích họa để đời vậy.
Chiến sỹ tại điểm B, đảo chìm Đá Tây chăm sóc cây mồng tơi. |
Chiến sỹ Đào Thế Quang dẫn chúng tôi xem khu vực tăng gia, tự hào chia sẻ: “Anh em dùng đèn chiếu sáng để ấp trứng nở, lồng ấp được bao bọc cẩn thận bằng bao tải, giấy báo nên tỷ lệ nở rất cao. Chúng tôi còn tự ủ được giá”. Nhờ vậy, ở điểm A, đảo chìm Đá Tây, về mùa này cơ bản đã tự túc được nguồn thực phẩm rau xanh. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, các cán bộ chiến sỹ đã nuôi được 4 tạ lợn, 80 kg vịt, 30kg gà. Cứ tưởng tượng, trong một không gian diện tích rất nhỏ chỉ có nhà bê tông và biển cả mênh mông xung quanh, cuộc sống của người lính đảo luôn thường trực đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết thì những kết quả trên quả là những kì tích đáng trân trọng. Thiếu tá Đỗ Mạnh Quỳnh – Chỉ huy trưởng đảo chìm Đá Tây cho biết: “Nhiều năm qua, đảo đã phát động phong trào thi đua mỗi người phải tự trồng và chăm sóc diện tích rau của riêng mình. Và từ đầu năm 2013, cấp trên tiếp tục đầu tư cho đảo xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và chính thức đi vào nuôi từ tháng Tư, kết quả bước đầu rất khả quan. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội được nâng lên rất nhiều”.
Không chỉ ở Đá Lát, Đá Tây mà ở các điểm đảo, đảo ở Trường Sa, màu xanh cuộc sống đang vươn lên mạnh mẽ từ bàn tay chăm chỉ của những người lính. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về biển trời quê hương và tinh thần, ý chí của những người con đất Việt.
Thành Duy – Đào Tuấn
Theo Baonghean.vn