Văn chương cần phải đẹp
Người đặt bài báo này đề nghị tôi viết về “một cuốn sách đã thay đổi đời tôi”. Thú thật là theo chỗ tôi được biết, ở đời không nhiều người có được một quyển sách như vậy. Riêng tôi, quyển sách đó tôi không có. Tôi có một cái khác.
“Cái khác” đó không to tát như thế, tác giả của nó chưa bao giờ được gọi là văn hào. Là nhà văn thôi, đặc sắc, nhưng chắc đặc sắc ở độ trung bình trong lịch sử văn học của nước họ.
Sách của họ không hàm chứa những tư tưởng vĩ đại, uyên thâm, cao siêu, cũng không kích thích được những cuộc cách mạng xã hội làm thay đổi lịch sử. Nó chỉ nói về những việc bình thường, hằng ngày, nhỏ nhoi... Vậy mà âm thầm, lặng lẽ, khiêm nhường, nó đi theo suốt cả đời tôi. Và già rồi ngẫm lại, một số hành vi hay ứng xử hẳn là quan trọng nhất trong đời mình, quyết định phẩm giá của mình trên đời, giúp mình đứng vững được trước cái xấu, cái ác, cả cái tàn bạo nữa, ấy là vì tôi đã được hưởng ân huệ của những quyển sách ấy.
Từ bé, những trang văn ấy được đọc, mê say, nhập tâm từ bé. Truyện kể từ cối xay gió của Alphonse Daudet và Cuốn sách của bạn tôi của Anatole France, với những truyện ngắn và trích đoạn văn để đời Con dê của ông Séguin, Các vì sao, Ngày khai trường... đến nay còn thuộc lòng từng đoạn dài. Thỉnh thoảng vẫn muốn đọc thầm một mình, ngân nga. Những trang văn tuyệt đẹp, trong veo, vang ngân mãi trong đời một con người.
Nhà văn Nguyên Ngọc (trái) và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên trong sinh nhật lần thứ 81 của ông Nguyên Ngọc ngày 5-9-2013 - Ảnh: Facebook Nguyên Ngọc
Không chỉ một con người đâu, tôi biết một thế hệ, thế hệ may mắn chúng tôi. Ân huệ sâu xa thế hệ chúng tôi từng được hưởng từ những quyển sách nhỏ ấy, những trang văn ấy, nền văn học và văn hóa ấy. Cái đẹp, vâng, vậy đấy, cái đẹp, chứ không phải cái to tát. Cái to tát có thể làm cho người ta hùng mạnh. Cái đẹp giữ tâm thiện cho con người. Cái nào quan trọng hơn? Cái nào là gốc của cái nào? Đã là văn chương thì phải đẹp. Nói lý luận một chút: đẹp là chức năng hàng đầu, là đạo đức của văn chương. Văn chương dở thì phi đạo đức.
Cho nên cổ vũ phong trào đọc sách là cần. Nhưng phải đưa đến cho người đọc, trước hết cho trẻ, những tác phẩm hay, đẹp. Truyền bá văn chương dở là tội ác. Cái dở trong nghệ thuật tạo môi trường cho cái ác.
Cố gắng cao nhất để đưa những quyển sách thật đẹp đến với người đọc. Và tránh cho họ sách dở.
Ước sao các nhà làm sách, và cả nhà kiểm duyệt nữa luôn ghi nhớ.
Cổ vũ mọi người cùng đọc sách
“Quyển sách thay đổi cuộc đời” là dự án xã hội do Thư viện thông minh Samsung, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ, nhà sách Fahasa cùng phối hợp thực hiện. Mục tiêu của dự án là xây dựng một cộng đồng yêu sách lớn mạnh gồm những hạt nhân tiên phong góp phần cổ vũ tinh thần yêu sách trong cộng đồng, đồng thời tận dụng công nghệ hiện đại để giúp cộng đồng tiếp cận nguồn kiến thức từ sách một cách dễ dàng và đầy hứng thú.
Trong năm nay dự án sẽ có nhiều hoạt động thú vị hứa hẹn sự tham gia ủng hộ của đông đảo bạn trẻ VN.
Theo Tuổi trẻ Online