(Baonghean) - Cuối năm 2013, cùng tàu Hải quân HQ 571, chúng tôi đã có chuyến hải trình hơn 250 hải lý từ quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa đến với các đảo, điểm đảo phía Nam quần đảo Trường Sa. Chuyến đi kéo dài gần 1 tháng để lại trong chúng tôi những trải nghiệm chân thực và ấn tượng mạnh mẽ về cuộc sống của quân và dân ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) - mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của đất Mẹ Việt Nam.
Từ Tp Vinh, đoàn nhà báo, phóng viên Báo Nghệ An có mặt ở Nha Trang trước lịch hẹn dự kiến với Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân một ngày. Khác với cái rét cắt da cắt thịt ở quê nhà, xứ Trầm hương đón chúng tôi trong nắng gió đặc trưng miền Nam Trung bộ. Vậy là, tất cả đồ ấm mang theo trở nên thừa thãi, đành để gọn vào một góc ba lô vốn đã nặng trĩu hành lý cho chuyến đi biển dài ngày. Tp Cam Ranh cách Tp Nha Trang chừng 60km. Con đường ngoằn nghèo chạy dọc theo vịnh Nha Trang về đến vịnh Cam Ranh như một dải lụa mịn màng, mềm mại ôm lấy núi đồi lan ra tận chân sóng. Nhà khách vùng 4 Hải quân mặt hướng ra biển trong vịnh Cam Ranh đã ồn ã tiếng các nhà báo, phóng viên nhiều vùng miền, đại diện cho nhiều báo, đài trung ương và địa phương về tham gia chuyến hải trình đến với Trường Sa cuối năm. Không khí tấp nập, rộn ràng càng khiến tâm trạng của mọi người thêm háo hức chờ đến giờ phút ra khơi. Nhưng phía bờ biển, từng đợt sóng vẫn vỗ ầm ào, tung bọt trắng xóa, gió rít mạnh từng cơn vào đất liền. Chương trình dự báo thời tiết trên sóng truyền hình Quốc gia liên tục báo vùng biển Trường Sa biển động cấp 7, cấp 8 càng khiến tâm trạng của tất cả mọi người thêm bồn chồn, lo lắng.
Phóng viên trao đổi với Đại tá Ngô Mậu Bình về thông tin chuyến đi. |
Cuối cùng, lệnh khởi hành cũng đã được chốt, chậm hai ngày so với dự kiến. Trong cuộc họp báo với cánh phóng viên, Đại tá Ngô Mậu Bình – Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh vùng IV Hải quân, thân mật trả lời những thắc mắc của phóng viên. Vị Đại tá đặc trưng chất giọng Quảng Bình, nước da bánh mật, rắn rỏi cùng sương gió, bật mí: “Mùa này trong năm, những cơn gió mùa đông bắc tràn xuống phía Nam hoành hành trên biển Đông nên biển động thường xuyên. Trong các chuyến tàu ra Trường Sa trong năm thì những chuyến đi vào đợt này là khó khăn, vất vả nhất. Các đồng chí cần chuẩn bị trước về tâm lý”. Vậy là, gian khó đã rõ nhưng vẻ mặt của tất cả cánh phóng viên như giãn ra, tươi vui hơn sau nhiều ngày chờ đợi, nhất là với những phóng viên lần đầu đến với Trường Sa.
Phóng viên trẻ Phạm Hồng Tâm đến từ đất chè Thái Nguyên, chia sẻ: “Tôi chưa đi biển lần nào, không biết có say sóng không? Nhưng được đến với Trường Sa, đến với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi hải đảo xa xôi là niềm hạnh phúc, vinh dự của bất kì người làm báo nào. Qua Báo Thái Nguyên, tôi sẽ cố gắng chuyển tải thật chi tiết, thật sinh động cuộc sống của bộ đội, người dân ở huyện đảo Trường Sa đến với cộng đồng các đồng bào dân tộc ở Thái Nguyên. Đây cũng là dịp đem tình cảm, lời chúc Tết của người dân Thái Nguyên đến với Trường Sa”. Hẳn vậy, cảm xúc của anh chàng phóng viên có cái răng khểnh rất duyên đến từ xứ sở chè thơm cũng là cảm xúc chung của tất cả các phóng viên và thành viên đoàn tham gia chuyến hải trình sóng gió này. Bởi được mang tình cảm của đất liền, quà Tết đến với quân - dân Trường Sa và là cầu nối giữa đảo xa với đất liền làm dậy lên trong chúng tôi quyết tâm vượt qua gian khó ra khơi hơn bao giờ hết.
Tàu HQ 571 rời quân cảng Cam Ranh. |
Chiều quân cảng Cam Ranh, gió vẫn thổi ào ạt, sóng biển vỗ ầm ào. Những chuyến xe quân sự cuối cùng chở hàng hóa, quà Tết ra Trường Sa tấp nập vào ra. Các sỹ quan, quân nhân trong bộ quân phục hải quân vừa kiêu hãnh vừa lãng mạn lần lượt bước lên cầu tàu sau những phút giây ngắn ngủi bịn rịn chia tay người thân, đồng đội. Xác định nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Tổ quốc đã giao phó nên tâm lý của họ đều rất vững vàng, thậm chí háo hức đối với những tân binh lần đầu ra làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Chiến sỹ Thành Y Miên - dân tộc Chăm ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Bình Thuận), da bánh mật rắn rỏi, cứng cáp hơn tuổi 19 của mình, đang tất bật chuyển hành lý lên tàu HQ 571 ra nhận nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Lớn. Thành Y Miên không chỉ đặc biệt bởi cái tên theo tiếng Chăm vốn chỉ dành cho con gái mà còn là người đầu tiên của xã Xuân Hải ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa. “Gia đình rất ủng hộ khi biết em được ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Đó là quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó có người Chăm phải cùng chung tay xây dựng, bảo vệ. Em sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ trong quãng đời quân nhân của mình”, Thành Y Miên chân thành chia sẻ khi đứng trên boong tàu HQ 571 chào đất liền.
Rời vịnh Cam Ranh, chúng tôi hành trình ra thăm đảo với tinh thần phấn chấn. Trong quần đảo, đảo gần đất liền nhất cũng nằm cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) 250 hải lý. Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như: phong ba, phi lao, bàng vuông, mù u… chất đất chủ yếu là san hô. Nguồn lợi hải sản ở quần đảo Trường Sa rất phong phú, giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu ở vùng này rất khắc nghiệt, nắng gió, giông bão thường xuyên, thiếu nước ngọt, nhiều đảo không có cây cối. Chính vì vậy, đời sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo không chỉ xa xôi cách trở về không gian với đất liền mà còn đối mặt với vô vàn khó khăn. Được đặt chân đến tất cả các đảo, điểm đảo hẳn là mong mỏi của nhiều người, nhất là với cánh phóng viên nhưng để nhịp cầu đất liền và đảo xa được nối dài, phóng viên được chia thành ba nhóm.
Nhóm thứ nhất theo con tàu HQ 996 về cụm đảo phía Bắc; nhóm thứ hai theo tàu HQ 936 đi cụm đảo giữa và đoàn phóng viên Báo Nghệ An theo tàu HQ 571 nhằm hướng cụm đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa. Vậy nên, có những nhà báo đã nhiều lần tận dụng mọi dịp có thể để đi hết Trường Sa như để thỏa niềm đam mê, mong mỏi của mình với quần đảo này. Như trường hợp anh Nguyễn Đình Quân - phóng viên Báo Tiền Phong chẳng hạn, anh đã đến Trường Sa 5 lần, lần đầu vào năm 1996 và mới đây nhất vào tháng 5 năm 2013. Đợt này, mặc dù không thể đi cùng tàu ra Trường Sa, nhưng trước khi đoàn khởi hành, nhà báo Nguyễn Đình Quân đã lặn lội đi xe máy từ Thành phố Nha Trang xuống tận quân cảng Cam Ranh tiễn đoàn và xách mang lỉnh kỉnh nào túi to, túi nhỏ nhờ đồng nghiệp chuyển quà gửi cho Trường Sa.
Mải say sưa với những mẩu chuyện thú vị của cánh thủy thủ hay chuyện, mến khách, nhác nhìn qua ô cửa tàu đã thấy đất liền mất hút phía sau, quanh chúng tôi chỉ còn biển cả bao la, những con sóng bạc đầu nối nhau dội vào mạn tàu. Đúng như dự đoán, biển động dữ dội. Tàu chở quân Trường Sa - HQ 571 được xếp vào hạng hiện đại nhất trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam cũng chòng chành trước sóng gió. Thuyền trưởng Hải dày dặn kinh nghiệm, mắt đăm chiêu nhìn qua cửa sổ ca bin buồng lái, chốc chốc lại ra lệnh bằng những thuật ngữ chuyên môn hàng hải. Con tàu dũng mãnh, chồm lên ngọn sóng dữ liên hồi để đến với Trường Sa. Phía trước chúng tôi là Đá Lát - Trường Sa Lớn - Đá Tây- Trường Sa Đông – Đá Đông – Thuyền Chài – An Bang. Những tên đảo gợi lên cảm xúc mãnh liệt với mỗi trái tim đất Việt không chỉ vì xa xôi cách trở, mà trên tất cả là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã được các thế hệ cha ông đi trước mở mang, khai phá.
Đào Tuấn - Thành Duy
Theo Baonghean.vn