Sáng 30/12/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã diễn ra buổi hội thảo thơ Văn Cao và ra mắt Câu lạc bộ Văn chương.
Đến tham dự hội thảo thơ Văn Cao có nhà văn Vũ Tú Nam – nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN – người cùng thế hệ với nhà thơ Văn Cao; các Ủy viên BCH khóa VIII cùng các nhà văn, nhà thơ hiện đang sống tại Hà Nội; đại diện gia đình nhà thơ và nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến thơ, nhạc, họa Văn Cao. Cũng trong hội thảo này, ban chủ nhiệm CLB Văn chương đã có lễ ra mắt, giới thiệu vai trò, mục đích hoạt động của CLB.
Toàn cảnh hội thảo thơ Văn Cao
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN phát biểu khai mạc, ông có những đánh giá cao về nhà thơ Văn Cao, một nghệ sỹ tiên phong trong các lĩnh vực: nghệ thuật (thơ ca, âm nhạc và hội họa), đời sống và những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn học, nghệ thuật, năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Nam Định.
Nhà thơ Hữu Thỉnh có lời chúc mừng CLB Văn chương nhân dịp ra mắt, theo ông, sự trở lại của CLB Văn chương là điều cần thiết trong đời sống sáng tác hiện nay; ông hy vọng CLB sẽ là nơi sinh hoạt lành mạnh của những người yêu văn chương, nơi cung cấp những thông tin trực tiếp, chính xác và đúng đắn về tình hình thời sự, chính trị, xã hội, kinh tế… cho những người làm công việc sáng tạo văn học nghệ thuật.
Nhà thơ Đỗ Hàn – Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam đọc quyết định thành lập CLB Văn chương và những quy chế hoạt động. Theo đó, ban chủ nhiệm CLB Văn chương gồm các nhà văn, nhà thơ: Vũ Quần Phương, Vũ Nho, Đỗ Hàn, Hoàng Minh Tường.
Phần chính của buổi hội thảo thơ Văn Cao được các diễn giả tham gia sôi nổi với những bài viết, tham luận, những ý kiến nhận định về cuộc đời và sự nghiệp văn học nghệ thuật của nghệ sỹ Văn Cao. Nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài phát biểu đề dẫn “Đóng góp của Văn Cao vào thơ đương đại” đã đánh giá: Văn Cao là một nghệ sỹ đa tài. Trước cách mạng, ở tuổi hai mươi, ông đã là một nhạc sỹ nổi tiếng với nhiều ca khúc trữ tình đầy ý vị lãng mạn thanh khiết, sang trọng kỳ ảo, cả trong giai điệu lẫn lời ca (Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ, Buồn tàn thu, Cung đàn xưa…). Ông cũng là tác giả nhiều ca khúc cách mạng, tràn đầy lý tưởng và ý chí chiến đấu từ những ngày tiền khởi nghĩa, trong đó có Tiến quân ca, được chọn làm quốc ca khi cách mạng thành công. Với thơ, Văn Cao có một cách đi riêng so với các nhà thơ đồng hành. Ở giai đoạn đầu, ông chịu ảnh hưởng của Thơ Mới nhưng đến những năm 60, 70 (thế kỷ XX), thơ Văn Cao chìm trong suy nghĩ nội tâm, có tính chiêm nghiệm cuộc đời, chất thơ mang tính triết lý. Giai đoạn sau, thơ Văn Cao ngày càng giản dị trong cách nói và sâu sắc trong việc đời… Những bài thơ Văn Cao gần như những lời độc thoại. Tác giả nói về đời mình với chính mình. Nói với mình nên chẳng cần dài, chỉ cần ấn tượng. Nhờ ấn tượng mà nhớ được, không phải nhớ do vần nên chẳng cần vần. Không vần dễ hơn có vần. Nhưng cái khó, rất khó, ấy là tạo ấn tượng cho những câu thơ…
Các ý kiến tiếp theo của các nhà thơ, nhà phê bình: Vân Long, Trần Ninh Hồ, Vũ Nho đều thống nhất ở nhận định: Thơ Văn Cao xuất bản không nhiều nhưng có kích thước đặc biệt, những bài thơ vắt qua nhiều giai đoạn với nhiều chuyển động: giai đoạn đầu ông chịu ảnh hưởng Thơ Mới, giai đoạn sau đã xuất hiện tư tưởng mới và ở giai đoạn cuối lại có thêm nhiều yếu tố mới. Nhà văn Vũ Tú Nam chia sẻ về những kỷ niệm về người bạn đồng hương Văn Cao (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) với những giai thoại thú vị trong đời thường giữa lòng người dân quê như: Văn Cao là một…ông thợ đóng cối rất giỏi, Văn Cao là tay thiện xạ bắn súng bách phát bách trúng… Nhiều nhà thơ, nhà văn đã từng được Văn Cao vẽ bìa tập sách đầu tiên vẫn không quên được từng chi tiết về màu sắc, đường nét được thể hiện tinh tế và gợi cảm.
Nhà thơ, họa sỹ Văn Thao
Kết thúc buổi hội thảo, nhà thơ, họa sỹ Văn Thao (con trai trưởng của nhà thơ Văn Cao) thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ và bạn đọc nhiều thế hệ đã dành tình cảm đối với các tác phẩm của nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ Văn Cao.
Tin, ảnh: Phong Lan/vanvn.net
|