Chương 9
Viễn du
Thảo dược không phải chỉ để chữa bệnh đâu, có thứ ăn đuợc đấy. Táo tầu thì ai cũng biết rồi. Còn những lát trắng tinh như sắn khô trong gói thuốc là hoài sơn, tức là củ mài, có thể nướng lên mà chén ngon quắt tai. Nhưng đã ai biết rằng có con tằm lại mọc thành cây nấm, quí hơn nhân sâm đấy nhé.
Cùng trèo đèo, vượt bãi
Mà khoái ơi là khoái
Đi kiếm quả sa nhân
Đến mỏi dừ cả chân...
Thấy con khiếu bách thanh
Rất thương con thương vợ
Chuột, ngoé, sâu xiên đó
Nó để giành, để giành...
Lần đầu tiên hai đứa đựơc thấy nhiều núi đến như thế. Núi không phải ở xa xa như vẫn thường thấy đâu. Chúng ở ngay sát mình ấy, có chỗ tuởng như những tảng đá núi đang rung rinh sắp rơi xuống đầu người ta, kinh kinh hai hãi. Nhưng không phải đá rung rinh mà là hai đứa rung rinh vì đi trên xe nhiều chỗ rất xóc. Rừng cũng có nhưng chẳng giống như Mèn và Trũi tưởng tượng khi học bài Địa lý "Rừng vàng, biển bạc". Sát bên đường có mấy cây gì to nhưng thưa thớt, nhiều cành trụi thui lủi, chỗ rừng xanh đậm thì thấp lè tè, chỉ cao bằng đầu hai đứa thôi. Chúng nói thế với ông Nam nhưng ông cười bảo rằng tuy rừng bây giờ bị tàn phá đi nhiều, đa số là rừng mới trồng lại nhưng các cháu nhìn xa nó thế, đến gần sát sẽ thấy chúng cao gần bằng nóc nhà ngói rồi đấy...
Xe dừng lại ở Lạng Sơn ăn trưa rồi lại chạy tiếp ngay vì hai ông muốn đến Bắc Cạn sớm để còn liên hệ với chính quyền địa phương. Mèn và Trũi thấy ông Si-li-tau cũng không ăn nhiều thịt cá hay các món đắt tiền như chúng nghĩ, có điều hai ông gọi nhiều món, chắc là để nếm thử. Tuy ham ăn vì đói mèm nhưng Mèn ta vẫn cố hỏi xem tiếng Anh gọi những món ấy như thế nào, cậu chàng còn hí hoáy ghi chép vào cuốn lịch túi mà ông Si-li-tau cho mỗi đứa một cuốn. Điều này làm các ông lẫn anh lái xe đều khen ngợi nên Trũi cũng bắt chước ghi chép tuy chỉ được bằng non nửa của bạn, mà còn lâu cu cậu mới nhớ đuợc hết - Mèn biết là thế.
Sau bữa trưa, truớc khi lên xe đi tiếp, hai ông đưa cho mỗi đứa một tờ card không in nhưng ghi bằng bút bi, tóm tắt những số điện thoại và địa chỉ cần thiết. Ông Nam dịch lời ông Si-li-tau dặn kỹ chúng trong truờng hợp lạc nhau vì sự cố bất thường thì làm như thế nào. Ông Tây bảo ông Nam đưa cho mỗi đứa năm tờ năm ngàn để chi tiêu khi có sự cố gì đó, ông nói rằng tiền này không phải là trả công, cũng không phải để hai đứa mua quà hay mua kẹo ăn. Só tiền này phải giữ gìn, chỉ trừ truờng hợp đặc biệt - mà đi trên đuờng thì nhiều khi xảy ra những việc bất ngờ không lường truớc đuợc - khi đó số tiền này dùng để gọi điện thọai báo cho công an hay ai đó biết, để mua thức ăn, thuê xe, mua thuốc v...v... Hai đứa không ngờ ông Tây còn cẩn thận hơn nhiều so với bố mẹ chúng ở nhà. Ông lại móc túi đưa cho mỗi đứa một tờ tiền Mỹ với hai đồng xu cũng là tiền Mỹ pho su-vơ-nia (For souvenir: để kỷ niệm)"- ông ấy nói thế.
- Năm con ngan nằm mày ạ - Trũi ghé vào tai Mèn nói vậy nhưng Mèn đang mải xem các đồng tiền Mỹ không chú ý đến nỗi hân hoan của thằng bạn.
- Five dollars, five cents and ten cents. Năm đô la, một đồng năm xu và một đồng mười xu mày ạ. Tiền Mỹ chính hiệu nhá! Thế này thì "Chôm chỉa" sướng mê tơi - Mèn cũng thì thầm vào tai Trũi. Cu cậu định thốt câu "Sướng ơi là suớng ơi, cực kỳ là mê tơi" nhưng vội đưa tay bịt vào mồm vì sợ ông Nam nghe thấy cười cho.
- Nhưng vẫn không đủ để chia cho đứa nào cũng có quà mày ạ - Trũi vẫn nhớ yêu cầu của nhóm "Bạch Dương" tối hôm qua.
Ngày thứ hai của cuộc hành trình mới thật là mê ly rụng rốn. Năm người đi thành một đoàn vào rừng điều tra nguồn dược thảo. Dẫn đầu là anh lái xe đeo chiếc ba lô con cóc còn xẹp lép, một tay cầm khẩu súng săn. Đến ông Si-li-tau tay mang dao đi rừng và chiếc mai nhỏ, tiếp theo là hai đứa bé mỗi đứa xách một quai chiếc túi nhẹ bâng vì đựng toàn những túi giấy nhỏ để đựng mẫu vật - Ông Nam giao cho hai đứa cùng xách là để chúng không thể rời nhau chạy mỗi đứa một nơi.- Cả hai lăm lăm cây bút bi trên tay với vẻ sẵn sàng ghi chép bất cứ lúc nào và ông Nam luôn đi chặn hậu đề phòng chúng bị lạc. Thỉnh thoảng ông Tây lại "ồ, à" cúi xuống hoặc tạt ngang vào một bụi cây xem xét lá, hoa hoặc quả của những thứ cây Mèn và Trũi chưa từng nhìn thấy. Có lúc ông dùng chiếc mai nhỏ đào đất tìm xem rễ và củ. Mỗi lần ông lấy mẫu, hai đứa bé tranh nhau đưa cho ông những chiếc túi giấy nhỏ bên trong có tráng ni-lon để ông đựng vào. Ông Si-li-tau chỉ ghi tên loài thảo mộc, có khi viết tắt rồi đưa túi cho một trong hai đứa để chúng điền tiếp vào nhãn bao ngày giờ lấy mẫu, chỗ lấy mẫu là ven bờ suối hay trong bụi, củ thì phải đào sâu bao nhiêu phân.. Sau khi ghi xong thì giao cho anh lái xe đựng tất cả vào trong chiếc ba lô con cóc cứ dần dần to lên.
Ông Tây đi phăng phăng, hai đứa không ngờ ông ấy khoẻ hơn ông Nam nhiều. Ông Nam bảo tính ông Si-li-tau rất năng nổ, nhiệt tình và cẩn thận trong công việc, ông biết điều ấy từ hồi mới quen nhau ở bên Thuỵ Điển. Hôm vừa rồi ông gọi điện sang bảo là không cần đón ở sân bay, cứ để ông ấy tự tìm cách về đến Hà Nội, nhân thể làm quen với sinh hoạt của người Việt Nam. Khi nào thật cần sẽ gọi điện thoại để ông Nam ra đón, cũng chính vì thế hai đứa mới có dịp gặp ông tình cờ ở gần ga Hàng Cỏ.
Ông Nam cứ vừa đi vừa nói chuyện, giải thích những câu hỏi của hai đứa bé liên tục đưa ra, như lũ con nít lên ba lên bốn khi thấy người nhớn đang làm việc gì đó. Làm sao Mèn và Trũi có thể yên lặng cho được dù hai đứa không còn ở tuổi lên ba, vì hầu như mỗi bước đi chúng lại thấy một loài cây lạ, một thứ gì đó chúng chưa bao giờ nhìn thấy. Nhiều thứ ông Nam cũng không biết, phải nhờ anh lái xe người bản địa giải thích hộ.
Thấy ông Nam và bọn trẻ có vẻ đã mệt, ông Si-li-tau đề nghị giải lao ở ven khu rừng có nhiều bụi rậm và gai góc. Thích thì thích nhưng hai đứa cứ sờ sợ vì chưa bao giờ đuợc vào rừng thật như thế này. Mèn chợt nghĩ nếu bỗng dưng có ông Ba Mươi nào nhảy ra vồ người thì sao? Nó vẫn thường thấy như thế trong phim Tac-zan. Chắc là nó sẽ vồ đứa bé nhất, vậy nên tự dưng cu cậu ngồi nép sát vào ông Si-li-tau.
- Ôi, sao trên cây kia lại có những con chuột và nhái treo thế nhỉ ?- Ông Nam chợt thốt ra, đưa tay chỉ lên một cây cao cao ở bìa rừng.
Mọi người cùng nhìn theo tay ông chỉ. Hai đứa bé tinh mắt thấy ngay là thế: phải có đến ba con chuột và năm sáu con nghoé treo, không phải treo mà bị xiên vào các gai hoặc đầu nhánh cây nhọn. Cây này có những chùm quả như quả bồ kết để gội đầu.
- Có ai bẫy con gì ở đấy... - Mèn nhanh nhảu nêu ý kiến.
- Bẫy con gì phải bẫy dưới đất chứ ? Bắt chim thì có... - Trũi cãi lại.
- Bẫy chim phải có lưới chứ, lưới đâu? - Mèn cũng cố cãi.
Ông Si-li-tau nói một hồi dài, giải thích gì đó với ông Nam. Sau đó ông Nam dịch cho mọi người:
- Ông Si-li-tau bảo đó là những con mồi săn được của một loài chim di cư, vào mùa hè ở Thuỵ Điển thường thấy chúng ở trong rừng. Chúng bắt được chuột bọ, ếch nhái nhiều khi không ăn ngay mà xiên vào gai hoặc nhánh cây cụt, để khi nào nhiều nhiều thì gọi cả nhà cùng đến ăn. Ăn không hết chúng phơi khô để giành. Con chim này đang nấp ở đâu đây thôi để vừa canh, vừa bắt mồi đấy.
Mèn và Trũi há mồm ra nghe, trợn mắt lên vì kinh ngạc. Quả nhiên có tiếng con chim gì hót một hồi dài mà chẳng câu nào giống câu nào.
- A, con khiếu bách thanh đấy mà, con này giống chim chào mào nhưng lông nó đỏ thẫm - Chú lái xe tên là Xân vui vẻ nói - Đúng rồi, loài chim này bắt chước tiếng kêu của chim gì cũng đuợc, nhưng hôm nay cháu mới biết nó xâu mồi để giành như vậy. Rừng này hiếm chim ấy lắm nên truớc nay không để ý đến nó.
Thế mới là đi chu du chứ! Mèn và Trũi cùng hân hoan như nhau. Nhưng chuyện lạ còn nhiều, rất nhiều là khác nên hai đứa mới có thể quên cả việc bố mẹ đang lo sốt vó ở nhà.
Chợt có ba người Mán từ trong rừng đi ra, một người đàn ông và hai người đàn bà. Mèn và Trũi không thấy lạ mắt vì họ ăn mặc và đeo những chiếc sọt tre cũng giống như những người Mán lâu lâu xuống bán thuốc nam ở ngã Sáu gần nhà hai đứa. Hai người đàn bà định tiếp tục đi theo con đuờng mòn nhưng người đàn ông dừng lại nhìn hai đứa bé. Rồi ông ta lại gần hỏi anh lái xe gì đó bằng tiếng Mán, anh Xân cũng vui vẻ đáp lời. Hoan thấy người Mán này có vẻ quen quen, có lẽ thỉnh thoảng ông ta có xuống Hải Phòng bán thuốc. Người Mán hạ chiếc gùi xuống, theo yêu cầu của anh lái xe, ông ta lấy từ trong gùi ra khá nhiều loại cây củ vừa hái trong rừng. Ông Si-li-tau kêu lên vì mừng rỡ, vội vàng đến chỗ chiếc gùi nhấc lên xem các thứ quả củ trong đó. Mừng còn hơn Mèn lúc được cầm những đồng đô-la, ông Tây cứ hỏi rối rít khiến ông Nam dịch không kịp, nhưng rõ ràng người đàn ông Mán nói tiếng Kinh sõi nên không cần anh Xân dịch sang tiếng Mán ông ta cũng đã hiểu. Ông vẫy hai người đàn bà lại gần, bảo họ cho ông Tây xem các thứ trong gùi của họ.
Ông Si-li-tau cứ rối rít tít mù bới móc các loại thuốc nam vừa thu hái của những người Mán. Ông chợt cầm lên tay ngắm nghía một thứ cỏ rất lạ với vẻ mặt đặc biệt chăm chú và thích thú khiến hai đứa trẻ cũng sán lại để xem. Thứ cỏ này phần trên tròn và dài như quản bút, có vân sọc nhỏ, trên cùng phình phình ra như cây nấm. Cây nấm này màu tím đen, có nhiều hạt nhỏ xù xì nổi lên ở xung quanh. Nhưng ngạc nhiên nhất là nó mọc lên từ phần gốc có hình một con sâu trông như con tằm, có những vằn ngang và vân vằn vện ở gần đầu. Dứt khóat gốc cỏ này là con sâu rồi vì hai đứa bé thấy rõ nó có chân, Mèn đếm đuợc ba đôi chân ở ngực nó, bốn đôi chân khác ở bụng và hình như có một đôi nữa mờ, nhỏ ở đuôi .
Ông Si-li-tau nói rằng ông biết ở Trung Hoa và Việt Nam có thứ cỏ này nhưng chưa bao giờ đuợc nhìn thấy. Mèn và Trũi tất nhiên là còn lâu mới biết đến chúng vì ngay ông Nam cũng chẳng biết là thứ cỏ gì. Người Mán nói rằng loại cỏ này tên là "đông trùng hạ thảo" vì mùa đông nó là con sâu, mùa hè thì từ con sâu mọc ra một cây cỏ giống như nấm. Mùa này đào cả sâu và cây về làm thuốc thì quí và bổ lắm.
Người đàn ông Mán này kể thêm rằng chính nhờ loại "đông trùng hạ thảo" này mà ông đã khỏi được thứ bệnh ghê gớm mắc phải hồi đánh nhau với Mỹ mươi năm truớc đây. Mèn thấy trong lúc nói chuyện ông ta rất hay nhìn thằng Hoan, cái nhìn rất lạ nhưng khi thằng Hoan nhìn lên thì ông ta lại nhìn tránh đi chỗ khác. Lạ nhỉ, trông mắt ông ta có ánh gì ấy, cứ như mắt mẹ thằng Hoan nhìn nó lúc bà kể chuyện cho hai đứa chúng nó nghe vào các buổi tối rỗi rãi.
Công việc trong ngày của ông Si-li-tau hoá ra kết thúc rất sớm sau khi nhờ anh Xân và ông Nam bàn bạc với mấy người Mán. Những người Mán này đồng ý cung cấp cho ông Tây các mẫu vật mà họ thu lượm được, không chỉ trong ba chiếc gùi này mà còn có nhiều thứ để ở nhà nữa. Ngồi trên ngôi nhà sàn của người Mán mọi người hí húi chọn gói mẫu vật, trong khi Mèn và Trũi hăm hở ghi nhãn mác cho từng túi nhỏ. Chỉ có tên thảo dược ghi bằng tiếng Anh thì ông Si-li-tau đã ghi sẵn cho rồi, hai đứa chỉ việc điền thêm thứ tự cho lọai A (lá, thân, cành), B (hoa, quả) hay C (rễ, củ), mỗi đứa phụ trách một loại để khỏi nhầm lẫn. Rồi điền thêm thời gian thu hái trong năm cho từng thảo dược.
- Dễ nhỉ - Trũi nói với Mèn.
- Nhưng không được nhầm số thứ tự đâu nhá. Cũng không đuợc xếp lẫn gói loại A sang loại B hay C . Đây này, gói này loại C cơ mà, sao mày lại xếp vào đây?
Làm việc cùng với người nhớn như thế này sướng thật đấy, làm mãi mà không thấy chán, cũng không thấy mệt, khác hẳn khi ngồi một mình trong nhà mà học các môn học "chán bỏ xừ đi được"!.
Chiều hôm đó hai đứa lần đầu tiên được ăn chân hươu ninh với các vị thuốc. Còn có món thịt gấu khô hầm với củ mài trắng tinh mà ông Nam bảo trong đông y người ta gọi là hoài sơn. Mèn và Trũi chưa bao giờ được đi ăn hiệu thì không nói làm gì, nhưng ngay ông Nam và ông Si-li-tau cũng phải tấm tắc khen lấy khen để. Nghe chú Xân nói hai đứa biết được rằng trong các dân tộc ít người sống ở miền bắc Việt Nam thì nguời Mán, còn gọi là người Dao, có rất nhiều phụ nữ biết tìm thuốc ở rừng và chế thuốc. Không chỉ để chữa bệnh cho gia đình mình và bản làng, mà còn đem đi bán ở khắp nơi cơ. Chính vì vậy mới thấy có người Mán bán thuốc ở các thành phố dưới xuôi. Nhưng không phải ai cũng vào rừng lấy được cây thuốc đâu - chú Xân nói thế - phải là người được Giàng ban cho bàn tay lấy thuốc thì thuốc mới không phản người bệnh.
Thứ gì cũng ngon, nhất là món chân hươu ngon không chịu luộc theo kiểu nói của bác Khoá Buồn khiến thỉnh thoảng Mèn phải chõ vào tai Trũi mà thì thầm "Sướng ơi là suớng ơi, cực kỳ là mê tơi!
- Này, bức thư bọn mình gửi tối hôm qua bây giờ đã tới nơi chưa nhỉ? - Câu hỏi bỗng nhiên của Trũi làm Mèn chợt nhớ tới bức thư và mọi người ở nhà. Tối hôm qua nó đã viết vội vàng đuợc khoảng hơn chục dòng gửi về cơ quan của bố, khoe rằng đuợc đi theo giúp việc ông Si-li-tau và học tiếng Anh, nói rằng hai đứa sẽ quay về vào cuối tuần này. Để chứng minh là không khoe khoang cu cậu đã viết xen vào nhiều từ tiếng Anh mới biết thêm, chắp vá đúng theo kiểu Việt Ngữ lớp 5. Sau này khi đã về nhà Mèn ta mới biết rằng bác Vân phải dịch toát mồ hôi để cho chữ Lào (nào) ra chữ Ý (ấy), như bác vẫn hay nói đùa với học viên của bác..
Mải vui , mải chơi
Mải nói, mải cười
Quên cả bố mẹ
Tuổi em là thế.
Chu du bốn bể
Đâu phải chuyện đùa
Ai biết ai ngờ
Rồi Mèn mất Trũi...
Đúng là như vậy, Mèn và Trũi trong truyện của bác Tô Hoài cũng đã từng mất biệt tin nhau. Nhưng lần này, vì một hiểm hoạ bất ngờ mà chẳng bao giờ Thăng còn đuợc chơi với thằng Hoan như những ngày xưa.
Nhà văn - Dịch giả Ngọc Châu - Hội nhà văn Hải Phòng
|