Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đối với người lính, khi cầm súng là để bảo vệ Tổ quốc chứ không ai nghĩ đến việc là vào lính để làm thơ hay là làm việc thuộc về lĩnh vực của tâm hồn.
Với người lính, nhiệm vụ rất cụ thể là chiến đấu. Thế rồi qua cuộc đời của người lính, có điều rất kỳ diệu là từ đấy bắt đầu nảy sinh những vẻ đẹp khác. Chính trong cuộc sống vất vả của đời lính đã hình thành một đội ngũ các nhà thơ, các nhà văn, các nhạc sĩ, các nghệ sĩ quân đội. Họ thực sự có một giá trị rất đặc biệt, trong đó có những tên tuổi không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều nước trên thế giới biết đến, đó là điều rất kỳ lạ.
Có thể nói, qua chặng đường phát triển của quân đội đã hình thành đội ngũ nhà thơ nhà văn, các nhạc sĩ, các họa sĩ đầy đủ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, làm thay đổi diện mạo của cả một nền nghệ thuật.
Một buổi huấn luyện đội ngũ của tân binh (ảnh: Hưng Hải) |
"Trời xanh xanh ngắt ô kìa
Hai con hạc trắng bay về bồng lai”
Hai câu này ý nói một chốn tiên cảnh ở đâu đó chứ không phải cõi đời bụi bặm này, và quan điểm của thi sĩ thời xưa như thế. Thế rồi, chính qua cuộc sống của người lính, người ta lại có những quan niệm khác. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh:
"Chúng tôi còn xoay xở ra sao
Ba lô nặng lại còn mang thêm đạn
Còn mang nhau, mang bao nhiêu tai biến dọc đường
Không có sách, chúng tôi làm ra sách
Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình"
Vì thế, thơ với người lính như một dạng nhật ký, đời lính có những gì thì cũng có thể đưa vào trong thơ cái đó. Những năm gian khổ trong kháng chiến chống Pháp ấy, người lính ở giữa rừng, ba người lính được phát một cái chăn bông, anh binh nhì Nguyễn Kim cũng đưa cái hiện thực đó vào trong bài thơ “Chiếc chăn bông”. Ông cũng chỉ làm duy nhất một bài thơ này:
“Ba thằng một chiếc chăn bông
Nằm dọc cũng dở, nằm cong cũng phiền
Đắp dọc thì hở hai bên
Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân
Mặc cho trời đất xoay vần
Thịt da ta lại đắp lần thịt da
Thằng nghiêng nằm giữa thằng co
Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu"
Đây là cái hiện thực chính người lính đã đưa vào trong thơ một cách tự nhiên, hồn nhiên, như trang nhật ký. Chính nhà thơ quân đội Chính Hữu từ cái lúc “Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” thì bây giờ cũng có một cái cách nhìn khác: “Áo anh rách vai, quần tôi có hai mảnh vá, nụ cười buốt giá, chân không giầy, thương nhau tay nắm chặt bàn tay”. Chính cuộc sống hiện thực đã tạo nên những trang văn như thế, những trang đày ắp sự kiện, vì thế chính người thay đổi toàn bộ nền thơ lãng mạn thời xưa là những người lính.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Nhà thơ Xuân Diệu có nói: “Những người thay đổi toàn bộ nền thơ của chúng ta chính là những ông lính binh nhất, binh nhì, những ông lính bắn lên bầu trời một phát đại bác, sau đó rồi rút đi đâu không ai biết đến” là sự thật, bởi có những người chỉ làm có một bài thơ rồi sau đó người ta không viết nữa. Bởi vì, với người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là chính chứ không phải vào lính để làm thơ nên nhiều tác giả chỉ có một đôi bài nhưng rất đặc sắc như Hoàng Lộc với bài “Viếng bạn”, hay Hồng Nguyên với bài “Nhớ”.
PV: Nhà thơ đã đề cập chất lính đã làm nên những vần thơ về hiện thực cuộc chiến đấu. Hình ảnh những người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn có cả nét hào hoa, rồi hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng đã khác đi nhiều, dũng mãnh như “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân. Ông đánh giá tâm hồn người lính ở các góc độ này như thế nào?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Có thể nói, chính vẻ đẹp tâm hồn đã cho họ đời sống tinh thần, rồi chính đời sống tinh thần ấy đã giúp cho họ vượt qua khó khăn gian khổ. Vẻ đẹp của người lính trong những năm chiến tranh bề bộn những hiện thực. Ví dụ bài thơ “Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi” của Phạm Tiến Duật chẳng hạn, kể về ba anh lính trên một chuyến xe.
“Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ
Giữa đường ngổn ngang cây đổ
Xe đi trong tầm bom rơi
Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi…”
Ba câu thơ giới thiệu cả hoàn cảnh, cả ba nhân vật. Và rồi ba nhân vật ấy tính cách rất khác nhau. “Đồng chí lái chính hơi trẻ/ Đồng chí lái phụ hơi già” Và điều đó không quan trọng lắm miễn là “xoay ngang xoay ngửa rừng già”. Và rồi họ còn khác nhau nữa: “Giữa đường gặp một cô gái/Tôi nghĩ cô này xinh đây/Đồng chí lái chính hớn hở/Đồng chí lái phụ cau mày”.
Trước một vẻ đẹp cô gái giữa núi rừng, tại sao lại “Tôi nghĩ cô này xinh đây?". Câu thơ rất trần trụi, ngổn ngang. Nó gần với đời sống văn xuôi, đời sống hiện thực, có tính báo chí nữa. Nhưng nó cũng rất tế nhị, tại sao với một vẻ đẹp lại phải “nghĩ”, trông thấy là ta có thể cho điểm được ngay chứ. Ở đây như vậy là cô này về mặt hình thức không được trời phú cho nhan sắc của trời rồi, nên phải lấy đạo đức mà đưa vào.
Đồng chí lái chính thì hớn hở, còn đồng chí lái phụ chau mày bởi vì đồng chí lái chính hơi trẻ, đồng chí lái phụ hơi già, tính cách thật khác nhau, nhưng “Bỗng đâu bất ngờ bom nổ/Chiếc xe bùng cháy bất ngờ/Chúng tôi lao vào dập lửa/Đến nơi cần đạn đang chờ”.
Đấy khi bị bom nổ thì không còn đồng chí lái chí lái chính, đồng chí lái phụ nưa, tất cả là chúng tôi, ba là một cùng lao vào dập lửa, khi công việc xong xuôi thì anh nào lại trở về anh nấy “Giữa đường ngổn ngang cây đổ/ Xe đi trong tầm bom rơi…” , như là một bài báo vậy, bộn bề đời sống hiện thực, nhưng, qua đấy thấy được vẻ đep, rất đẹp của tâm hồn chiến sĩ.
PV: Bản thân ông là người lính và cũng viết về người lính rất nhiều, ông có thể chia sẻ những điều tâm đắc về những năm tháng ông viết về người lính?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi cũng viết rất nhiều về người lính giống như những nhà thơ cầm súng. Tôi quan tâm hai mảng bộ đội hải quân và bộ đội biên phòng. Bởi vì tôi cho rằng, hiện nay chúng ta đang xây dựng bộ đội hiện đại, trong đó đặc biệt có ba binh chủng rất hiện đại, đó là hải quân, không quân và biên phòng.
Trong chiến tranh hiện đại, quyết chiến điểm là ba binh chủng này, trong đó đặc biệt hai mảng biên phòng và hải quân tôi viết hơi nhiều, theo tôi, có thể nói đấy là hai binh chủng vất vả nhất.
Tôi cũng đã nhiều lần theo anh em biên phòng lên vùng cao, rất vất vả. Họ cũng chẳng khác gì anh em ở ngoài đảo cả, chỉ khác kia là đảo giữa xa khơi, còn đây là đảo giữa trời đất thôi…
PV: Ngày nay là thời bình, viết về người lính chắc có khác những năm tháng chiến tranh. Ông nghĩ gì về việc phát huy giá trị tâm hồn người lính trong giai đoạn hiện nay?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Với người lính, tạo nên vẻ đẹp của họ chính là tâm hồn của họ. Tâm hồn ấy họ vượt qua bao gian khổ, thử thách và tạo dựng lên một hình tượng - hình tượng anh bộ đội cụ Hồ.
Và trong thời bình thì lính vẫn cứ vất vả. Tôi có bài thơ vui về lính thời bình:
Đất nước không bóng giặc/Tưởng về gần lại xa/Vẫn gian nan là bạn/Vẫn gió sương là nhà”, lính thì bao giờ cũng thế thôi. Và tôi rất tin vào anh em trẻ. Thế hệ của tôi thì chớm qua cuộc chiến tranh. Thế hệ trước nữa thực sự tắm trong máu lửa của cuộc chiến tranh, vì thế, các anh ấy may mắn là có hiện thực của người trong cuộc, nhưng rồi, chính hiện thực ấy lại bó sự tưởng tượng của các tác giả.
Sau này các tác giả trẻ hơn không kinh qua cuộc chiến tranh, nhưng, họ vẫn có thể tạo dựng được những tác phẩm nhìn ở tầm cao rộng hơn, có điều kiện để nhìn nhận mọi thứ, tôi cho cái đó lại là thuận lợi.
PV: Nếu nói những sáng tác về đề tài người lính thì nó rộng lớn, nhưng để tóm gọn một đôi câu ông có thể nói gì về vẻ đẹp người lính Việt Nam - người lính cụ Hồ?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đó là vẻ đẹp đã được tôi luyện. Nói như Nguyễn Duy là, những gì thành bụi thì đã thành bụi rồi, những gì còn lại sẽ thành thép tôi. Vẻ đẹp của người lính chính là vẻ đẹp của ánh thép, nó đã qua thử thách, qua lửa. Đấy chính là vẻ đẹp của người lính.
PV: Xin cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa./.
Thanh Thủy/VOV2 (thực hiện)