Năm ông 7, 8 tuổi, một hôm có quan Thượng tìm đến thăm cha ông là Trung Hiếu Công Lê Phú Thứ, nhân gặp một đứa trẻ nên hỏi thăm đường. Lúc đó Lê Quí Đôn đang tắm truồng bèn giang hai tay, hai chân ra đố quan Thượng nếu biết được là chữ gì thì sẽ dẫn đường. Quan Thượng thấy đứa trẻ hỗn xược không thèm trả lời. Lê Quí Đôn cười ầm lên chê là chữ "Thái" dễ thế mà không biết. Quan Thượng lúc vào nhà mới biết thằng nhỏ là con bạn mình, muốn thử tài bèn cho gọi ông lên mắng cho một trận rồi bắt phải làm một bài thơ tự trách mình trong đó mỗi câu đều phải có tên một thứ rắn, làm không làm được sẽ bị đánh đòn vì tội hỗn láo. Ông ứng khẩu làm bài thơ nôm "Rắn Đầu Biếng Học":
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra
Từ nay Châu, Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
Một hôm Lê Quí Đôn đến chơi nhà Lý Trưởng thấy trên bàn có quyển sổ biên tên những người thiếu thuế. Ông mở ra coi thấy người thì thiếu năm bảy đấu thóc, người thì vài quan tiền. Ít lâu sau nhà Lý Trưởng bị cháy ra tro, quyển sổ thiếu thuế cũng bị thiêu hủy. Khi gặp ông, người Lý Trưởng than không biết tra cứu vào đâu để đòi tiền. Ông bèn đọc lại từ đầu đến cuối cho chép lại. Người Lý Trưởng chưa dám quyết nhưng đến khi chiếu theo sổ đi thu các món nợ thì đúng cả, không ai than phiền khiếu nại gì, lúc đó mới tin.
Trong dịp đi dạo phố ở kinh đô Thăng Long với bạn, nhân gặp một đám ma đi ngang, người bạn đố ông làm câu đối khóc người không quen. Ông ứng khẩu đọc ngay:
Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu mà khóc mướn ?
Tưởng sự bách niên dừng nghĩ lại, não can tràng cho nên phải thương vay !
Khi Lê Quí Đôn được cử đi sứ Trung Hoa một danh sĩ Tàu nghe tiếng anh tài nước Nam nên muốn thử. Một hôm mời ông đi vãn cảnh chùa xem văn bia. Chùa này ở cạnh bờ sông buổi chiều nước dâng lên ngập cả bia. Khi ông mới xem xong thì nước thủy triều đã dâng lên phủ lấp không còn thấy bia nữa. Khi về vị danh sĩ Tàu hỏi ông về bài văn bia, ông đọc lại nguyên văn không thiếu một chữ.
(ST)