Tham dự hội thảo có các đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Nhà xuất bản, cơ quan thông tấn, báo chí; đại diện công ty PNPay; đại diện Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc; các Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8; các nhà văn, nhà thơ và những người quan tâm đến vấn đề Quyền tác giả Văn học.
Trong chương trình hội thảo, hai chuyên đề chính được trình bày đã cung cấp những thông tin về quyền tác giả và các quyền liên quan, đồng thời giới thiệu về chức năng hoạt động, trách nhiệm và nghĩa vụ của Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam.
Thạc sỹ Bùi Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả
Thạc sỹ Bùi Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuyết trình chuyên đề “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan” với những nội dung chính: Giới thiệu về Quyền Tác giả và các quyền liên quan (năm trong Quyền Sở hữu trí tuệ); các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo các quy định của pháp luật Việt Nam; giới thiệu Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC). Kết luận chuyên đề, ông Bùi Nguyên Hùng trích dẫn Chỉ thị số 36 của Nhà nước về Quyền tác giả, quyền liên quan: “Các Bộ trưởng, thủ trưởng…, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tạo điều kiện, hỗ trợ các tổ chức quản lý tập thể Quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện quyền do pháp luật quy định, đặc biệt là hoạt động cấp phép, thu và phân phối tiền sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; giám sát hoạt động của các tốc chức này theo thẩm quyền.”
Nhà thơ Đỗ Hàn – Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam
Nhà thơ Đỗ Hàn – Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam báo cáo chuyên đề về “Bảo hộ Quyền tác giả Văn học”. Theo bản báo cáo này, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam được thành lập ngày 25/8/2004, là đơn vị trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, chịu sự giám sát của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, là tổ chức đại diện tập thể cho các tác giả văn học tại Việt Nam. Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam có điều lệ và quy chế hoạt động riêng biệt. Từ năm 2004 đến tháng 7/2011 Trung tâm do nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến giữ chức vụ Giám đốc, từ tháng 8/2011 đến nay Trung tâm được bàn giao cho Ban giám đốc mới do nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ giữ chức vụ Giám đốc. Tính đến hết tháng 5/2013, Trung tâm đã ký hợp đồng bảo hộ quyền tác giả với 921 hội viên Hội Nhà văn. Trung tâm hoạt động với các quyền được ủy thác trong phạm vi: công bố tác phẩm, làm tác phẩm phát sinh, sao chép, biểu diễn tác phẩm trước công chúng; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm tới công chúng qua các phương tiện thông tin…
Nhà thơ Đỗ Hàn đưa ra phương hướng hoạt động của Trung tâm trong những năm tới, trong đó đặc biệt chú ý xúc tiến các công việc liên quan đến Bản quyền mà Hội Nhà văn đã ký chương trình phối hợp với Bộ GD&ĐT để khai thác bản quyền trong việc in tác phẩm văn học ở NXB Giáo dục. Tăng cường hợp tác với các kênh phát thanh truyền hình trong việc khai thác bản quyền văn học trong lĩnh vực truyền thông. Hợp tác với PNPay để mở rộng việc khai thác bản quyền văn học trên mạng điện tử và các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tiếp tục số hóa các tác phẩm văn học để đón đầu việc phát hành sách điện tử trong tương lai… Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hội quyền tác giả của các tổ chức tập thể quyền tác giả và quyền liên quan tại Việt Nam đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Phần còn lại của chương trình, các nhà văn, nhà thơ nêu lên thực trạng vi phạm quyền tác giả hiện nay ở Việt Nam và có ý kiến đóng góp cho Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ, khai thác tác phẩm văn học ngày càng hiệu quả.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - nguyên Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam
Theo Hội nhà văn Việt Nam