Ảnh nguồn - Internet
TRONG NHÀ BẢO TÀNG NGUYỄN DU
Kim Trọng hào hoa hài văn
Từ Hải oai phong hài võ
Giác Duyên nhẹ nhàng hài cỏ
Hài hoa theo Kiều lưu lạc mười lăm năm…
Chỉ riêng em, người giới thiệu bảo tàng
Đi hết Truyện Kiều bằng hai bàn chân đất!
Nghi Xuân, 7-3-1982.
PHÁC THẢO TIÊN ĐIỀN
Sỏi núi Hồng, cát sông Lam
Trộn nhau làm đất
Nơi nhiều sỏi thì dựng nhà làm làng, trồng thuốc, trồng rau rào quanh tre trúc
Tre trúc biết giúp người nuôi cây và ươm chữ
Chưa đến tuổi dùng bút lông, mực Tàu, trẻ con đã biết vót tre xanh làm bút, mài sỏi đỏ làm son tập viết chữ Thánh hiền
Bài học đầu tiên ông bà, cha mẹ truyền dạy cháu con bắt đầu từ chữ Lễ.
Nơi lắm cát san ra làm ruộng, ruộng khó nuôi cây lúa thì trồng dưa, trồng lạc, trồng kê
Hạt kê nhỏ đã đành, củ lạc, quả dưa nơi này sinh ra trong sỏi cát , gánh nắng hạn, gió lào bỏng rát mà thắt lại cỏn con
Người thương cây không bao giờ chê quả
Như không ai chê cây tre Tiên Điền là nhỏ
Bởi ống tre ấy bao đời biết đựng lạc, đựng kê, đựng đỗ
Nuôi người qua kỳ giáp hạt tháng tám, tháng ba
Không chỉ sống để cày ruộng, chằm nón mà làm phú, làm thơ
Thơ phú đùa với cái nghèo, nghĩa là cái nghèo bao đời chẳng thể làm vật cản ngăn người Tiên Điền đến với Kinh đô.
Chẳng ai chê cây tre Tiên Điền ngắn
Bởi hiểu rằng thân tre ấy dư sức đẽo thành đòn gánh
Cho vợ gánh gạo nuôi chồng dằng dặc những mùa thi
Thân tre ấy dư sức
Làm đòn khênh võng điều những Quan trạng vinh quy.
Qua Tiên Điền, sông Lam khi thì thành sông Quế
Chở hương về miệt bể
Khi thì thành Đuôi Rồng(*) quẫy sóng đón người xuôi bến Giang Đình nhập hội Rồng mây.
Qua Tiên Điền
Mọi lời nói thường ngày ngỡ ngân nga thành lục bát
Khi trên mặt đồng đám kê, vạt lạc
Như những trang Kiều mở giữa mùa xuân.
Qua Tiên Điền
Ngay những người phàm tục
Cũng nhận ra mình có máu thi nhân.
Mồng một tết Quý Mùi
____________
(*): Thời Nguyễn Du, đoạn sông Lam từ Bến Thuỷ đến Cửa Hội còn có tên là Quế Giang hoặc Long Vĩ.
(TUYỀN TẬP THƠ VƯƠNG TRỌNG - NXB Hội nhà văn, 2011)
|