Các nhà văn, nhà thơ thắp hương tưởng niệm nhà thơ Vũ Đình Liên
Sau lễ dâng hương tưởng nhớ nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Ban chấp hành Hội phát biểu khai mạc. Nhà thơ Vũ Đình Liên được nhiều bạn đọc nhớ đến bởi những vần thơ trong sáng, giản dị, đầy chất suy tưởng và chiêm nghiệm. Năm 1936, bài thơ “Ông đồ” được in trên báo Tinh hoa lần đầu tiên đã lập tức tạo nên dấu ấn đặc biệt trên thi đàn Việt Nam. Năm 1957, nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong những người sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam. Những năm sau đó, bên cạnh công việc giảng dạy một nhà giáo, ông còn có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, dịch thuật. Nhưng cho đến cuối cuộc đời, ông vẫn chưa kịp in một tập thơ riêng. Chính vì vậy, chúng ta cần có sự nhìn nhận xác đáng về những đóng góp của nhà thơ Vũ Đình Liên, nhằm định vị chiều kích của ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Phần tiếp theo của Lễ kỷ niệm, các nhà thơ, nhà văn cùng trao đổi, thảo luận về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Vũ Đình Liên.
Nhà thơ Bằng Việt nhận định: “Vũ Đình Liên là một trong những nhà thơ nổi bật của thế kỷ 20, chỉ với một bài thơ “Ông đồ” (và không quá 10 bài thơ được công chúng biết đến). Hiện tượng một nhà thơ định danh được trên thi đàn chỉ cần một bài thơ đã từng có trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đã từng đọc những bài thơ khác của Vũ Đình Liên, có thể nhận thấy tư tưởng, tình cảm sâu nặng của ông đối với dân tộc, nét đẹp văn hóa và các giá trị tinh thần. Ông ít xuất hiện với tư cách nhà thơ mà thường được nhiều người nhắc tới phẩm chất và tinh thần của một nhà giáo mẫu mực. Toàn bộ cuộc đời Vũ Đình Liên dành cho hai lĩnh vực: văn học và giáo dục, ông dịch nhiều sách văn học, đặc biệt là thơ tiếng Pháp. Với Vũ Đình Liên, thơ không phải thứ ông chọn từ đầu đến cuối cuộc đời mà chỉ có những giây phút lóe sáng và khi giây phút đó qua đi, ông trở lại với cuộc sống bình thường của một nhà giáo. Sinh thời, ông chưa in một tập thơ riêng, bởi ông vẫn khiêm tốn tự nhận rằng đóng góp của mình cho thơ không đáng kể. Nhưng gần đây, con trai nhà thơ, anh Vũ Đình Quỳ đã có kế hoạch xuất bản tập thơ Vũ Đình Liên được chọn từ hơn 4.000 bài thơ trong di cảo…”
GS. Hà Minh Đức đánh giá: “Ông đồ” là một tài sản quý giá của phong trào Thơ Mới và làm nên tên tuổi Vũ Đình Liên. Cảm hứng lớn nhất trong thơ Vũ Đình Liên là niềm hoài cổ, hoài niệm về quá khứ và sự trân trọng đối với quá khứ. Tác giả luôn gắn mình với một thời đã qua, vì thế ông luôn thấy “lòng ta là những thành quách cũ (thơ Vũ Đình Liên). Bên cạnh đó, thơ ông còn hướng tới những con người nghèo khổ, những thân phận thấp kém trong xã hội. Vũ Đình Liên còn được coi là “nhà thơ của những người thân tàn ma dại”, bởi trong thơ và ngoài đời, ông đều rất giàu tình cảm, tình nghĩa…
GS. Phong Lê nhắc lại một số kỷ niệm với nhà thơ Vũ Đình Liên trong những năm 80 của thế kỷ 20. Theo GS Phong Lê, bài thơ “Ông đồ” vừa tròn 100 chữ, chữ nào cũng giản dị, trong sáng, nhỏ nhẹ mà dệt nên họa, nên thơ, đầy tình cảm và suy ngẫm. Bài thơ làm sống lại một thời “muôn năm cũ”, lưu giữ trọn vẹn hồn xuân quê hương và hồn dân tộc Việt Nam ở đó.
PGS. TS Lưu Khánh Thơ, nhà văn Hoàng Minh Châu, nhà văn Đặng Hiển trình bày những bài viết, ý kiến đánh giá về những đóng góp, khẳng định vai trò, vị trí của nhà thơ Vũ Đình Liên trong văn học Việt Nam thế kỷ 20 trên nhiều lĩnh vực: văn học, nghiên cứu, dịch thuật...
Toàn cảnh buổi Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Vũ Đình Liên
Buổi Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Vũ Đình Liên kết thúc vào hồi 11h00.
Theo Hội nhà văn Việt Nam