VNQĐ online: Kể từ hôm nay, VNQĐ online sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc một số tác phẩm của các nhà thơ mà tên tuổi của họ đã gắn liền với lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn thế kỉ XX, qua lời bình của nhà thơ Anh Ngọc. Phần lời bình của nhà thơ Anh Ngọc có lẽ sẽ là căn cứ quan trọng để bạn đọc, đặc biệt là các giáo viên dạy văn, các em học sinh, sinh viên yêu môn văn hiểu sâu hơn, rộng hơn, về những tác phẩm vốn đã rất quen thuộc với người Việt chúng ta.
THU ĐIẾU
NGUYỄN KHUYẾN
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ ANH NGỌC:
Để mở đầu cho một hợp tuyển thơ của thế kỷ hai mươi, tôi trộm nghĩ không ai xứng đáng hơn Nguyễn Khuyến. Trước hết, vì ông là thi sĩ cao niên nhất trong số những thi sĩ của thế kỷ cũ kịp chào đón thế kỷ mới, và hơn thế, ông còn lại ngót mười năm để sống và viết với tâm thế từng trải, trịch lãm của một tuổi già an nhiên và đắc đạo. Thứ nứa, là vì từ chất liệu đến cốt cách, nhà thơ gồm trong mình một bậc đại khoa và một nghệ sĩ dân gian này mới thực sự là chiếc cầu bắc liền từ cổ điển sang hiện đại, từ quý tộc đến bình dân, tức là bắc qua tâm thế của hai thế kỷ.
Và cũng vì thế mà bài thơ được chọn mở đầu cho tuyển thơ thế kỷ này không phải ngẫu nhiên mà lại là một áng thơ Đường luật - bài “Thu điếu”.
Như chúng ta biết, thể thơ Đường luật ra đời cách nay đã mười mấy thế kỷ và đã đạt đến những thành tựu vô cùng rực rỡ nếu không nói là rực rỡ nhất trong lịch sử thơ ca của phần nhân loại phía Đông bán cầu. Như một quy luật, theo năm tháng, thể thơ này đã lão hoá, trở nên xơ cứng, nặng nề không còn đủ sức làm tròn nhiệm vụ chuyển tải tâm hồn của con người hiện đại. Vào đầu thế kỷ hai mươi, thể thơ này đang sống nốt những ngày ngắc ngoải và sắp bị làn gió dữ dội của cơn bão Thơ Mới cuốn phăng vào quá khứ. Và trước khi ra đi mãi mãi, thể thơ một thời oanh liệt này còn kịp gửi lại cho thi đàn hậu thế mấy tia hồi quang cuối cùng mà vẻ kiêu sa đài các vẫn đủ sức làm cho lứa hậu sinh loá mắt, trong đó có bài thơ mà chúng ta đang bàn tới ở đây. Cũng cần nói thêm, một thể thơ đã từng được khẳng định thì không bao giờ chết hẳn, cũng tựa như con người đã từng đi xe đạp, tiến lên ô tô, rồi máy bay, nhưng vị tất chiếc xe đạp đã thực sự biển mất dạng trong đời sống. Dẫu sao trong những hoàn cảnh nào đó, với những tâm thế nào đó, thiết nghĩ, một thể thơ nghiêm ngắn, đường bệ và riết róng như thể Đường luật vẫn còn có lúc cần đến với ta. Chả thế mà những bài thơ tuyệt tác của mười lăm thế kỷ trước sinh ra tận đâu bên lưu vực Hoàng Hà, Dương Tử mà cho đến tận giờ này vẫn tồn tại trong chúng ta, tồn tại theo nghĩa những cơ thể sống tươi xanh, chứ không phải như những hiện vật bảo tàng.
“Thu điếu” cũng là một áng thơ dồi dào sức sống như vậy. Đấy là một đứa hài đồng mà thể Đường luật đã sinh hạ cho nền thơ đất Việt, một sinh linh đẹp một cách cổ điển và trang nhã cả về xác lẫn hồn. Bài thơ nói chuyện câu cá trong tiết thu, một chất liệu rất Đường thi. Còn nhớ, gần đây, có vài nhà thơ thuộc lớp trẻ cũng hay dùng chất liệu “câu” làm nền để cấu tứ và phần lớn trong số họ thường đẩy bài thơ về phía hoàn toàn xa gốc thực : “Câu” không còn là hành vi để bắt cá, mà là để đánh bắt những thứ gì gì không rõ, như là những gì đã mất, những gì họ khát khao, như là thời gian, như tuổi trẻ, như tình yêu, nghĩa là họ câu ... chính họ. Đặt bên cạnh cái tâm thế có vẻ rắc rối của con người hiện đại, bài thơ của cụ Tam nguyên Yên Đổ thật thực thà và giản dị.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Thơ Đường ở chính quê hương và thời đại của nó thường mạnh về tự sự, thế sự hơn là tả cảnh thuần tuý. Nhà thi sĩ hiền lành của xứ Việt thoạt đầu có vẻ không thế, ông chỉ muốn vẽ một bức tranh: Bài thơ dựng lên một cảnh thu nơi thôn dã, tất cả đều trong suốt, đều tĩnh lặng và se sắt như cảnh trí của mùa thu, như nhịp sống êm đềm đến hiu hắt có tự ngàn xưa ở xứ này - một chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”, một làn sóng lăn tăn “hơi gợn tí” trên mặt ao gần như muôn năm bất động, một chiếc lá vàng “khẽ đưa vèo”, mây không trôi, trời xanh như thấy đáy và con ngõ vắng không một bóng người... Động mà như tĩnh, hiện hữu mà như không, cảnh trí ở đây không rõ là buồn hay vui, hay không buồn mà cũng chẳng vui, ngỡ như tất cả chỉ là một phút thức dậy thoáng qua giữa cơn ngủ vùi triền miên muôn thuở của làng quê.
Vẻ đẹp kiệm lời của bức tranh thu này gợi ta nhớ đến những “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư hay “Mùa thu vàng” của Lêvitan... Nhưng chắc chắn nó đầm ấm thân gần hơn nhiều, không chỉ bởi cảnh trí quen thuộc mà còn bởi giữa bức tranh đã xuất hiện hình bóng của con người: Một vị hưu quan, một thi nhân lánh bụi trần đang “tựa gối ôm cần” gà gật... Bức tranh trở nên ấm áp đôi chút nhờ sự có mặt của con người. Nhưng tất cả cũng chỉ có vậy. Con người ở đây mờ nhạt vô cùng, không có gì rõ ràng cả về nhân thân lẫn hồn vía. Người là ai, người đang mang tâm sự gì vậy. Đến cái công việc câu cá ở đây mới thực vu vơ. Nó đã mất hết ý nghĩa thực. Không nói ra nhưng tâm thế của nhân vật rốt cuộc chẳng hề đơn giản như ta những tưởng. Con người này rồi ra cũng chỉ mượn hành vi câu cá làm cái cớ để có dịp sống với chính mình, để tìm chia sẻ trong thiên nhiên, để chạy trốn cuộc đời phàm tục… Con người đã trở thành một phần của cảnh, không hơn. Thường trong trường hợp này người ta phải mượn cuộc đời của tác giả để soi vào đặng tìm hiểu những ẩn ức bên trong của bài thơ. Nhưng dẫu “văn tức là người” thì cái cách áp đặt như thế cũng rất thô sơ. Vả lại, ai dám đảm bảo là chúng ta đã hiểu thấu hết thế giới tâm hồn của một con người là tác giả ? Bởi nói như Eptusencô, mỗi con người là một thế giới riêng hoàn toàn bí mật, và ngay với cha đẻ của ta, ta cũng “biết tất cả một cách không biết gì hết”!
Bởi vậy, đứng trước những biểu hiện đa tầng, đa nghĩa của thơ ca, nghệ thuật, ta chỉ còn trông mong vào sự từng trải, sự sâu sắc và nhạy cảm của chính mình để mong hiểu được phần nào mà thôi. Chẳng hạn, với “Thu điếu”, cái mà ta cảm nhận được chắc chắn chỉ là một bức tranh thiên nhiên thôn dã vào cữ thu sang, thanh sạch và sống động, và qua đó nó mở ra một cánh cửa nho nhỏ cho ta đi vào thế giới tâm linh của tác giả, mà điều chắc chắn cũng chỉ là một tâm hồn yêu đời, yêu quê hương, yêu thiên nhiên một cách thiết tha, trung hậu. Còn như, sau cái vẻ vô ngôn của bức tranh gần như tĩnh vật này, ta còn hiểu thêm những gì về tâm thế của tác giả và qua đó là tầm thế của thời đại thì thật không ai dám chắc. Mỗi người đọc bằng góc độ của mình, sẽ tiếp thu bài thơ theo một cách riêng.
Tuy nhiên, chưa biết chừng, bên cạnh vẻ đẹp trong lành của bức tranh thu hiện lên như... vẽ dưới bàn tay tài hoa của tác giả, bài thơ còn quyến rũ ta lâu dài và da diết đến thế còn vì nó gợi lên trong ta một nỗi gì đó bâng khuâng khó tả như thể một niềm vui sống bình dị, thứ hương vị của cuộc đời trần tục mà khi sống cùng ta chẳng mấy quan tâm, nhưng khi mất đi rồi ta mới thấy tiếc nhớ đến nao lòng. Và như thế, ai dám bảo một thi phẩm ra đời đâu như từ đầu thế kỷ và lại bị đóng khung trong khuôn khổ chật hẹp của thể thất ngôn bát cú lại không đủ sức đi suốt thế kỷ này và đồng hành cùng ta bước sang thế kỷ và thiên kỷ mới ?
24-4-2000
A.N.
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội