VNQĐ Online: Lễ kỷ niệm 60 năm Viện Văn học được tổ chức trang trọng sáng 28/11/2013 tại Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 – Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Công việc của một trung tâm nghiên cứu văn học, nói theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Viện là nơi dựng chân dung của sáng tạo văn học.
Mặc dù sắc lệnh thành lập Ủy ban Khoa học xã hội Nhà nước có từ 4/3/1959 và Quyết định thành lập Viện Văn học được ký ngày 6/2/1960 nhưng lịch sử hình thành, phát triển của Viện Văn học lại được đánh dấu bằng một mốc thời gian trước đó: Ngày 2/2/1953, khi Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Quyết định thành lập Ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học tại Chiến khu Việt Bắc.
Từ một tổ Văn trong Ban Văn – Sử – Địa, với sự góp sức của 12 thành viên sáng lập Viện, trải qua hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã khẳng định được vị thế của một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu, có thể sánh vai với những trung tâm nghiên cứu văn học của nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều tên tuổi các giáo sư, nhà nghiên cứu phê bình đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Viện như GS Đặng Thai Mai, nhà phê bình Hoài Thanh, sau này là GS Phong Lê, GS Hà Minh Đức...
Ngoài các thế hệ cán bộ nghiên cứu các thời kỳ của Viện còn có rất nhiều các đại diện các cơ quan, đơn vị, cá nhân đến chúc mừng Viện Văn học tròn tuổi 60.
Bài phát biểu của PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng khẳng định: Hoạt động nghiên cứu văn học là hoạt động thầm lặng, nhưng vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, Viện Văn học đã thu được những thành tựu rất đáng tự hào, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành nghiên cứu văn học nước nhà. Có thể nói, qua 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, tất cả các lĩnh vực nghiên cứu từ văn học dân gian, văn học cổ trung đại đến văn học hiện đại; từ nghiên cứu văn học trong nước đến văn học nước ngoài; từ lý luận đến phê bình văn học đều được đổi mới, đã để lại cho nền văn học Việt Nam những công trình khoa học xuất sắc như bản dịch “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh; 3 tập Thơ văn Lý – Trần... Gần đây, một số công trình mang tầm cỡ của Viện đã được hoàn thành như Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học (1999); Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX (2002); Lý luận và phê bình văn học – đổi mới và phát triển (2005); Lý luận phê bình văn học thế giới (2007)... Nhiều công trình dự án có ý nghĩa lớn của Viện cũng đã được nghiệm thu như “Dự án tổng điều tra văn học 10 thế kỷ”, chương trình nghiên cứu “Văn học Việt Nam 25 năm đổi mới và phát triển”; bên cạnh đó là các bộ sưu tập về Tự lực văn đoàn, Phóng sự Việt Nam 1932 – 1945, Tao Đàn, Tri tân, Tạp chí Văn – Sử – Địa, Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX...
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học hiện nay phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ở thời điểm hiện tại, nhiệm vụ đào tạo đã được chuyển giao sang Học viện Khoa học xã hội, nhưng trước đó, Viện Văn học từng là một cơ sở đào tạo có uy tín, thu hút nhiều nghiên cứu sinh từ mọi miền đất nước. Có thời điểm, lượng nghiên cứu sinh lên tới trên 70 người. Tính đến nay, đã có hơn 120 nghiên cứu sinh được bảo vệ tại cơ sở đào tạo Viện Văn học.
Được thừa hưởng môi trường dân chủ cùng với không khí học thuật sôi nổi, nhiều nhà khoa học trẻ của Viện Văn học hôm nay đã trưởng thành nhanh chóng, nhiều người đã bước đầu khẳng định tên tuổi bằng các công trình nghiên cứu như Cao Việt Dũng, Đoàn Ánh Dương, Đỗ Hải Ninh, Trần Thiện Khanh, Nguyễn Thanh Tâm...
GS Hà Minh Đức - người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu văn học.
Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Văn học, GS Hà Minh Đức, người Viện trưởng có nhiều cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu văn học và phát triển Viện Văn đã ôn lại những kỷ niệm thời ông được phân công giữ cương vị Viện trưởng. Ông đã dùng từ “Viện nhiều năng lượng” để nói về Viện Văn học. GS Hà Minh Đức cũng khẳng định, trong quá trình hình thành và phát triển, Viện Văn học đã quy tụ được các thế hệ khoa học có tri thức cao theo nhiều cách khác nhau, điều này vô cùng quan trọng vì sự nghiệp nghiên cứu văn học là của Viện nhưng cũng là của mỗi cá nhân. GS Hà Minh Đức cũng tỏ ra vui mừng vì hiện nay Viện tập hợp được đội ngũ nghiên cứu khoa học trẻ với những cách nhìn, cách tiếp cận, cách phát hiện mới mẻ, ông coi đây là một trong những thế mạnh của Viện. Là người chủ trương mở rộng liên kết, hợp tác, trong những năm GS tại vị, Viện Văn học đã kết hợp với Nhà xuất bản Giáo dục nghiên cứu, xuất bản gần 50 công trình về tác gia, tác phẩm được bạn đọc cả nước đánh giá cao và là tư liệu quý trong việc tra cứu, tìm hiểu về văn học Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong muốn một sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Viện Văn học và Hội Nhà văn trong thời gian tới.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt nhà thơ Hữu Thỉnh đến dự Lễ kỷ niệm, ông nói rằng, Hội Nhà văn Việt Nam có quan hệ, hợp tác với nhiều Viện, nhưng với Viện Văn học có ý nghĩa đặc biệt, là đơn vị hợp tác mà dù có “vui buồn, nóng lạnh” cũng không thể bỏ được nhau. Ông Thiều cũng nhận định, quan hệ giữa Hội Nhà văn và Viện đang ngày càng khăng khít và ấm áp hơn, và bày tỏ mong muốn sự hợp tác trong thời gian tới sẽ có tính chiến lược và chiều sâu hơn.
THIỆN NGUYỄN
Hiện tại Viện Văn học có 8 phòng nghiên cứu:
- Phòng Văn học Việt Nam Cổ – Trung đại.
- Phòng Văn học Việt Nam Cận – Hiện đại.
- Phòng Văn học Việt Nam đương đại.
- Phòng Văn học các dân tộc thiểu số.
- Phòng Văn học dân gian.
- Phòng Văn học nước ngoài.
- Phòng Lý luận văn học.
- Phòng Văn học so sánh.
Cùng 3 phòng chức năng:
- Tổ chức – Hành chính.
- Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế.
- Thông tin thư viện.
Tạp chí “Nghiên cứu văn học” là cơ quan ngôn luận của Viện.
|
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 60 năm Viện Văn học:
Quan khách dự lễ.
Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình (hàng sau, bên phải) - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội dự Lễ kỷ niệm và chúc mừng Viện Văn học.
Các thế hệ lãnh đạo Viện Văn học ở cương vị cao nhất.
Một số công trình nghiên cứu khoa học của Viện được trưng bày tại Lễ kỷ niệm.
Cán bộ trẻ của Viện Văn học.
Phòng Văn học đương đại - Nơi bắt mạch đời sống văn chương Việt Nam.
Những lẵng hoa chúc mừng tuổi 60.
Ảnh: PHÚC THIỆN NGUYÊN, Website Viện Văn học
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Quân đội