Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 26/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Nhớ quê nhà từ nước Mỹ ''nhà quê'' Nhớ quê nhà từ nước Mỹ ''nhà quê'' , Người xứ Nghệ Kiev
 

“Cô hàng xóm người Mỹ hỏi tôi, chắc nhớ quê, thèm về quê lắm nhỉ? Tôi biết trả lời sao, khi quê ấy của tôi không chỉ cách xa đằng đẵng không gian mà hình như cũng bằn bặt cả phía ngược chiều thời gian mất rồi!”. Berkeley hôm nay không có nắng, một ngày âm u hiếm hoi trong suốt cả năm lịm nắng. Mây xám từ ngoài vịnh kéo vào tầng tầng lớp lớp che khuất bầu trời thẳm xanh cố hữu của Cali. Ngồi cắn miếng thịt kho tàu đăng đắng nước hàng, nghe gió thổi vi vút ngoài cửa sổ, chao ôi là nhớ những mùa trở gió ở quê hương. Có lẽ với những kẻ tha phương như tôi, nỗi nhớ là nỗi niềm thường trực. Dù cuộc sống xứ người với những lo toan thường nhật vẫn từng giây từng phút rượt đuổi nỗi nhớ trong tôi, dù các thiết bị công nghệ hiện đại cũng đang lừa mị tôi rằng, nỗi nhớ đâu có chỗ trong cái thế giới phẳng thông thống thông tin này, thì tôi, trong những khoảnh khắc thảng hoặc của lòng, vẫn bần thần - nhớ! Chỉ cần nhìn một mảnh sân đầy lá rụng, thấy một trời mây xám đầu đông, ngửi thấy mùi khói cơm thơm ấm hay mùi nước mắm hoi nồng của nồi cá kho…, tôi lại chùng lòng nghĩ về quê mẹ. Tôi không nhớ lắm thị thành, không nhớ ồn ào, khói bụi, không nhớ quán xá đông người, không nhớ đèn đuốc long lanh. Tôi nhớ quê tôi - mảnh đất miền Trung ngột nắng hè và buốt rét mưa đông, tôi nhớ sông Lam vẫn đổi dòng để bên bồi bên lở, tôi nhớ chợ phiên quê vui vẻ hỏi thăm nhau. Tôi không mấy nhớ ầm ĩ nói cười những cuộc vui tàn đêm, không nhớ những mặt người dù quen tên nhưng chỉ nhìn tôi bằng mặt nạ. Tôi nhớ cô hàng xóm nghèo sẻ chia với mẹ con tôi một bát canh mùng tơi vào bữa cơm trưa khô khát gió Lào, tôi nhớ những nụ cười chân thật, những hỏi han trìu mến trên đường đê lộng gió của những người dân quê – những người tôi chưa hề quen mặt, biết tên. Ở cách xa quê hương nửa vòng trái đất, nếu ai hỏi tôi nhớ gì, tôi bảo: chỉ nhớ QUÊ! Quê ấy chẳng phải thị thành khói bụi, chẳng phải những con đường chí chát tiếng còi xe, hầm hập hơi người những nút tắc giao thông. Quê ấy chẳng phải biển người vô cảm chen chúc nhau trong cuộc mưu sinh vội vã, chẳng phải đám đông quen quen chỉ nhìn nhau cười nghi hoặc và dè sẻn một câu chào. Quê ấy chẳng phải nơi tôi từng ngỡ là chốn quen thân đầm ấm để rồi giật mình nhận ra những ghẻ lạnh khó ngờ. Quê ấy – tôi nhớ quắt quay mười mấy năm rồi, những khi tôi đứng giữa đám đông mà lòng ngập hoang vu, những khi tôi trở thành khán giả bất đắc dĩ trong những trò đời mà nhân vật chỉ toàn sắm vai phản trắc. Và cả trong những lần bước hụt chân trên đường đời nhiều hố hiểm, tôi đã nhớ cồn cào quê ấy của tôi. Có lẽ nói cho đúng thì tôi nhớ nhà quê. Lạ lùng là, cái thứ nhà quê đang dần hiếm hoi ở quê nhà, tôi lại nhiều lần gặp lại trên đất Mỹ. Và tôi gọi đó là nước Mỹ nhà quê. Tôi càng nhớ quê quắt quay vì nước Mỹ nhà quê tôi đang sống. Khi một người xa lạ mỉm cười thân thiện chào tôi trên đường phố Mỹ, tôi bất giác nhớ nụ cười chân chất của những bác nông dân tôi gặp trên đường làng lấm bụi. Khi đôi vợ chồng hàng xóm người Mỹ nâng niu mấy quả trứng gà đầu tiên của lũ gà họ mới nuôi sang cho, tôi nghĩ đến bát canh mồng tơi trưa nắng ngày nào của cô hàng xóm cũ. Khi nghe bà hàng xóm già thao thao bất tuyệt về chuyện làm vườn, khi nhìn những mảnh vườn xinh xắn với muôn sắc hoa và trĩu trịt trái cây trên mọi con phố Berkeley, tôi lại nhớ về những khu vườn xanh bóng cây trong xóm cũ, lại thương mẹ tôi giờ phải mỏi chân leo sân thượng trồng rau, giữa Hà Nội chỉ mỗi người thôi đã chật lắm rồi. Khi nhìn bọn trẻ con trong khu phố kéo nhau đến nhà bà hàng xóm để thăm đàn gà bà nuôi cạnh đường ô tô chạy, tôi lại nhớ những trưa nắng cùng lũ bạn đi câu cào cào cho đàn gà bác hàng xóm nuôi ăn Tết. Khi một gia đình sống cùng khu phố mời mọi người cứ tự nhiên lấy chanh họ vừa mới hái trước sân nhà, tôi lại tưởng như ngửi thấy mùi thơm của quả mít bổ ra chia cả xóm ngày xưa. Khi cô bạn hàng xóm người Mỹ đi chợ tạt qua nhà chỉ để hỏi tôi muốn mua giúp gì không, tôi lại nhớ đến những mẩu giấy chi chit chữ của cô hàng xóm cũ ở quê mỗi lần tôi giúp cô đi chợ. Khi chị hàng xóm mời tất cả mọi người trong khu phố đến nhà tụ tập mỗi thứ tư hàng tuần để cùng ăn cơm tối và nói chuyện phiếm, tôi không khỏi mỉm cười nghĩ đến hội chè chát của mẹ ở quê. Giờ bè bạn hỏi tôi, sống ở Mỹ thế nào, đô-la, xe hơi, áo quần hàng hiệu, v.v… ra sao? Tôi biết trả lời sao, vì tôi chỉ thấy mình rất nhà quê ở nước Mỹ nhà quê. Cô hàng xóm người Mỹ hỏi tôi, chắc nhớ quê, thèm về quê lắm nhỉ? Tôi biết trả lời sao, khi quê ấy của tôi không chỉ cách xa đằng đẵng không gian mà hình như cũng bằn bặt cả phía ngược chiều thời gian mất rồi!

 

Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ )
                                               Theo VietInfo

  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65248320

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July