Nhà thơ, nhạc sỹ Văn Cao
THẤP THOÁNG VĂN CAO
Vân Long
Hình như tôi có chút duyên riêng với Văn Cao. Trong các chặng đời của mình, tới đâu tôi cũng gặp bóng dáng của ông.
Mùa thu năm 1980, tôi được chuyển về báo Độc Lập phụ trách trang Văn nghệ, thay cho nhà thơ Hoàng Tố Nguyên vừa rời đi không lâu. Vui chuyện, ông tổng biên tập Ngô Quân Miện bảo tôi:
- Ông Văn Cao, ông Nguyễn Đình Thi đều đã làm việc ở đây, trước chúng ta.
Phải thú thật một điểm tâm lý của tôi lúc ấy, là người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, sau 15 năm phiêu bạt các tỉnh, tôi thích thú trở lại Hà Nội, lại được làm công việc mình yêu thích: biên tập viên phần văn nghệ. Thông tin ông Ngô Quân Miện vừa nói càng tăng niềm vui cho tôi:
- Anh ạ, hẳn ông Văn Cao cũng làm công việc như tôi bây giờ?
Câu hỏi có tính “vơ vào” để thêm một lần hãnh diện mình là người kế tục cái ghế của Văn Cao. Nhưng ông tổng biên tập đã dội gáo nước lạnh:
- Không! Lúc đó, trước Cách mạng tháng Tám, ông chỉ là người thợ in litô (in thô sơ trên đá), không đụng gì đến bài vở cả. Cũng như ông Nguyễn Đình Thi, không văn, thơ, nhạc gì mà chỉ viết xã luận, tờ báo hoạt động bí mật mà!
à ra thế! Buổi đầu của tài năng, gặp buổi đầu của Cách mạng, gặp gì làm nấy, cũng lạ như việc Văn Cao đã trực tiếp xử bắn một tên Việt gian. Nhưng người thợ in đá ấy đã làm một việc rung động cả lịch sử thông qua cái nghề rất thủ công của ông: Ông đã kỳ khu, tỉ mẩn để in rõ từng nốt nhạc trên phiến đá bài Tiến quân ca ông viết một cách hào sảng như sự thăng hoa của đời ông gặp sự thăng hoa của Cách mạng. Lúc làm cái việc tỷ mẩn ấy, ông đâu ngờ rằng có ngày bài hát của ông trở thành Quốc ca của nước Việt Nam độc lập! Con đại bàng Chúa sơ sinh trước khi biết các tầng trời, cũng chỉ là chú chim bé nhỏ! Phiến đá lịch sử ấy đã được đưa vào Bảo tàng Cách mạng!
Có lẽ không có nhạc sĩ viết quốc ca nào trên thế giới lại tự tay in lấy tác phẩm như ông...
Đâu chỉ thời gian trở lại Hà Nội tôi mới hay gặp ông, lúc thì ở 51 Trần Hưng Đạo, lúc thì ở căn gác nhỏ phố Yết Kiêu, gò lưng vẽ bìa sách để kiếm sống, kiếm… rượu. Trước đó, vào năm 1962, tôi đã có một hạnh ngộ với ông:
Sau gần chục năm xuất hiện lẻ tẻ những bài thơ đăng báo, năm 1962, tôi được bác Khương Hữu Dụng, chị Anh Thơ, Nxb Văn học gọi đến, cho in riêng một tập thơ. Một cú sét đánh, bàng hoàng ngơ ngẩn đến hàng tuần. Tôi được in riêng sớm thế ư? trong khi bao bạn thơ của mình còn lận đận! Tôi chỉ biết “vâng, dạ” răm rắp sửa chữa, làm theo điều các cụ bảo ban.
Chờ mãi, nóng ruột quá để đón đứa con đầu lòng của mình. Hạnh phúc quá lớn ngoài dự tưởng, như chiếc bình pha lê mỏng manh...
Rồi cuối cùng tôi cũng đón được tập Tia nắng vừa in xong trong trạng thái bồi hồi, mê mẩn. Đập vào mắt tôi ngay tức thì là cái bìa thơ: một khối hình chữ nhật màu nâu ở dưới và một khối hình chữ nhật màu vàng xếp đè lên một góc khối nâu. Mường tượng như hai ô cửa sổ, ô thứ hai tràn ngập nắng vàng.
Chị Anh Thơ bảo tôi:
- Bìa Văn Cao đó! Các họa sĩ khác có người vẽ đẹp hơn, nhưng vẽ bìa thơ mà cứ như bìa tiểu thuyết, bìa kịch… chỉ ông Văn Cao vẽ mới ra thơ!
Quả nhiên một thời gian dài, bìa thơ của các nhà thơ đều nhờ bàn tay đa tài, đa năng của Văn Cao! Thế là tôi thêm một lần sung sướng, mặc dù khi đó tôi chưa được gặp ông, chỉ thầm nghĩ: Ông này có đọc bản thảo của mình trước khi vẽ bìa không nhỉ?
Sau này khi gặp ông, tôi cảm ơn về bìa sách ông trình bày. Ông nhận xét: “Thơ cậu hay liên tưởng so sánh xưa và nay. Cả tập thơ có một chủ đề khẳng định cuộc sống mới thì dễ vẽ, nhưng đọc kỹ thì đơn điệu đó!”
Tôi bừng tỉnh: Bài học lớn nhất về thơ lại không do các nhà biên tập dạy, mà do… họa sĩ vẽ bìa! Sau này, cả đời thơ, tôi gắng chống lại sự đơn điệu là nhờ ông, người không chỉ bao bọc tập thơ đầu của tôi mà còn chẩn bệnh cho nó...
Sau đó, tôi còn gặp bóng dáng ông ở nơi:
Hải Phòng nhiều mây - nhiều nước
Mênh mông bốn phía chân trời
Mười năm tôi ăn nằm với Hải Phòng thì trường ca Những người trên cửa biển của ông như kinh nhật tụng. Không phải tôi cố ý đọc nó, mà đến góc đất, góc trời nào trên đất Cảng Hải phòng cũng thấy vang lên những câu thơ ông:
Có mùa nhạn bay ra biển
Chim yến từ biển bay về
Lòng sông đất bồi ngày càng nhỏ
Bướm trắng rụng đầy ngọn sú ven sông
Bài thơ Những người trên cửa biển của Văn Cao như một cây đại thụ tỏa bóng rợp xuống các nhà thơ Hải Phòng (thời chống Mỹ) khiến hầu như ai cũng ít nhiều hấp thu được bóng mát thơ ông. Nhưng những cây non không những không bị cớm mà còn thừa hưởng được tố chất khoẻ khoắn, chân, mộc, làm nên cái chất tạm gọi là chất Hải Phòng (chất thợ, chất cần lao…)
Nhờ cái chất chân mộc không cần làm dáng mà thơ ông không bao giờ cũ. Ông viết hơn nửa thế kỷ trước mà văn phong như của một nhà thơ hiện đại vừa viết xong. Tôi đã ví thơ ông mang vẻ đẹp tấm ngực trần người bốc vác, hay một vẻ đẹp lực sĩ Hercule. Nếu mặc áo thì sớm muộn gì chiếc áo cũng lỗi mốt. Nhưng một vẻ đẹp cơ bắp con người do tạo hoá sinh ra thì có bao giờ cũ!
Lần đầu tôi đến Quy Nhơn, thành phố vừa qua một trận mưa, nắng hừng lên, trời biển phố xá sáng láng và ướt át. Nắng làm tươi lại rêu phong trên ngôi cổ tháp. Tôi đang bồi hồi nhen nhóm một ý thơ thì bỗng vẳng bên tai:
Từ trời xanh
Rơi
vài giọt tháp Chàm
(Quy Nhơn 3)
Văn Cao đã lượm được những viên ngọc vô giá của trời nước Quy Nhơn làm mờ nhòa đi những câu thơ về Quy Nhơn trước đó!
Về quan niệm nghệ thuật, dù thể hiện mình cách nào, thể loại nào ông vẫn là một khối thống nhất. Có lần tôi bắt chợt ông đang cau có trước đề nghị của một nhà biên tập nhạc của xưởng phim:
- Nếu chữa đoạn này đi thì còn gì là Văn Cao? Thơ tôi thế nào, họa tôi thế nào thì nhạc phải như vậy!
Quả là Thơ, Nhạc, Họa như 3 cửa sổ mở ra tiếp xúc với thế giới của một tâm hồn Văn Cao. Tôi mong có một luận án mỹ học của ai đó phân tích, chứng minh được sự thống nhất trong đa dạng của ông!
Ở Văn Cao có hai con người: con người của cộng đồng, ông đã nói hộ cộng đồng này những tình cảm yêu nước dạt dào. Cộng đồng này đã hát lên tiếng lòng của ông không chỉ những tráng ca, mà cả những ước mơ lãng mạn vượt khỏi cõi đời thường. Con người thứ hai của ông thì ít người biết. May thay, nhờ những bài thơ trong sổ tay ông để lại mà người ta thấy có những lúc Văn Cao cô đơn, cô độc đến nhường nào! Thí dụ bài thơ Đôi bạn, ông đề tặng Nguyễn viết năm 1967. Đó là năm những thành phố bị đảo lộn sinh hoạt vì tiếng còi báo động, tiếng bom của không quân Mỹ. Vậy mà tiếng bom lớn đến thế vẫn không động tới cái góc u tĩnh của tâm hồn ông. Qua tâm trạng bài thơ, ông như một đồ vật bị bỏ quên, cũ nát từng ngày. Ông và người bạn Nguyễn gặp nhau hàng ngày không phải để giao lưu, bởi họ đã quá hiểu nhau:
Chúng tôi, nói như không nói
Im lặng nói nhiều hơn
Họ chỉ thấy ở mắt nhau:
Một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi
Như tơ nhện trong không gian đầy nước
Phủ các đồ vật cũ
Phủ lên cả chúng ta
Cả bài thơ là tiếng độc thoại nội tâm. Thời điểm đó, người ta cần những tác phẩm gắn kết mọi người thành một khối. Còn ở bài này ông đã bị văng ra, như một mảnh vụn, tự suy nghiệm mình - dường như vô nghĩa - trước thời gian vô cùng! Tôi chưa nói tới khía cạnh thời thế (khoảng thời gian đó, ông thực sự bị bỏ quên), mà chỉ nói tới sự cô đơn cùng tột của người nghệ sĩ. Đặc biệt, sự cô đơn này không cho ta thấy những ý nghĩ yếm thế, chán chường. Ông chỉ nhận chân cuộc sống của riêng ông như nó đang hiện hữu với thái độ thiền cả khi đi, đứng, nói năng…Trước nhu cầu độc thoại, ông không cần biết ai nhìn mình, đánh giá mình, nên không có đến một nhếch mép làm duyên hay khinh bạc trong bài thơ:
Chúng tôi hai người
Một bóng…
Hiểu được trạng thái này thì sẽ hiểu được, vì sao 20 năm sau, trong một đêm diễn, khi hào quang của các ca khúc Văn Cao sáng đến cực điểm như để đền bù cho cả những ngày ông bị bỏ quên, hàng ngàn người trong Nhà Hát Lớn đứng cả lên vỗ tay hướng về ông, một rừng hoa ào tới tràn ngập ông. Thế mà chính lúc ấy, trong đầu ông bật ra hai câu thơ đầy nghịch lý:
Người ta đôi khi bị giết
bằng những bó hoa!
(Những bó hoa)
VĂN CAO… RƯỢU
Thanh Thảo
Nói tới Văn Cao, ngoài những chuyện tài (năng) và tai (nạn) của ông, người ta còn hay nói chuyện Văn Cao uống rượu. Nhưng theo tôi, nói “ Văn Cao uống rượu” có vẻ chưa được ổn, mà nên nói đơn giản “Văn Cao rượu”. Vì, rất nhiều lần được ngắm Văn Cao uống rượu, tôi rất ít khi thấy ông uống, mà nhiều hơn, là thấy ông ngồi thiền trước chén rượu. Lặng lẽ. Người ta nói những người uống rượu như thế là những người “mượn rượu”, không phải chuyện mượn rượu giải sầu, mà là mượn chuyện uống rượu, mượn cái không khí rượu - dù là không khí ngoài quán hay trong nhà - để ngẫm ngợi cái gì, chuyện trò tương tác những gì với bạn bè anh em, hay cô đơn du hành trong tâm trí tới những vùng xa lạ nào của tâm tưởng. Đúng là rượu gắn bó với phần lớn cuộc đời Văn Cao, nhất là trong khoảng 40 năm cuối đời ông. Nhưng vì “rượu” theo kiểu riêng của ông như vậy, nên thực ra lượng cồn chảy vào người Văn Cao không nhiều. Có những buổi Văn Cao chỉ ngồi trước độc nhất một chén rượu, như thế thì rượu trong chén cũng đã nhạt hơi và theo lời khuyên của các thầy thuốc bây giờ, thì đó chỉ là cách uống rượu dưỡng sinh. Uống như thế không thể say bét nhè, càng không có chuyện không làm chủ được đầu óc để dẫn tới những điều đáng tiếc. Không phải ai cũng có cách uống rượu như vậy, vì nếu ai cũng uống theo kiểu chỉ ngồi im nhìn chén rượu (hay cốc bia) thì các hãng rượu bia phải đóng cửa phá sản từ khuya rồi! Nhưng kỳ lạ là khi Văn Cao uống rượu theo kiểu của ông với đám đàn em chúng tôi, thì cách “rượu” của ông không hề ngăn trở hay làm mất hứng bất cứ ai trong bàn rượu, dù đó là những anh chàng đang độ hảo hán coi vài ba chai sáu lăm như đồ bỏ, coi vài chục vại bia hơi như trò súc miệng. Cái nét có thể gọi là đẹp, bây giờ người ta hay gọi là “văn hoá” trong chiếu rượu của Văn Cao, là ông biết chờ bạn rượu, biết lắng nghe người khác nói, dù đó là những đứa em út, và khi tới lượt mình, thì biết nói những điều tâm huyết, biết kể chuyện đời một cách nhẹ nhàng, và tuyệt đối không khoe khoang. Nghe Văn Cao bên chén rượu nói chuyện hay kể chuyện rất thích, vì ta có cảm giác một không gian thân mật ấm cúng bao phủ cả chiếu rượu, len lách vào từng người uống rượu, và ngay khi nghe Văn Cao kể chuyện, thì những chuyện buồn, những chuyện đau đớn của ông vẫn lâng lâng. Người như thế không biết oán thù, không sân hận, nhưng bao giờ cũng biết nhớ, nhớ một cách rõ ràng, chính xác từng chuyện một đã xảy ra với mình trong đời. Chính vì sống như thế mà tận cuối đời Văn Cao vẫn sáng tác được những bài thơ những bản nhạc cực hay. Có một cái gì nung nấu, một cái gì tinh lọc, một cái gì chưng cất lặng lẽ như qui trình chưng cất rượu trong tâm hồn người nghệ sĩ tài ba nhưng khiêm nhường này, để “hoạt động uống rượu” của Văn Cao trở thành như một nghi lễ với riêng ông. Người ta vẫn gọi những người đạt tới “tầm” uống rượu như thế là những “tiên tửu”. Đúng Văn Cao là tác giả Thiên Thai bất tử, nhưng ông rất người thường, rất như mọi người, chứ không phải “tiên”. Bây giờ, nhiều khi ngồi uống bia hay rượu với “những người nổi tiếng” tôi thấy họ nói nhiều quá, nhất là nói về mình nhiều quá, mà lại ít những câu chuyện kể về bản thân mình khiến người ngồi cùng chiếu rượu thấy thấm thía, nghe chén rượu hay cốc bia lên hương hơn là thực chất nó có. Văn Cao đã biết làm “lên hương” mỗi chén rượu ông và bạn bè uống trong một chiếu rượu bằng cách để chén rượu mình… hả nhạt, vì rất lâu ông không nhấp môi. Nhưng chắc chi chén rượu để lâu không uống ấy đã hả nhạt. Biết đâu, trong lặng lẽ, nó đang tự dồn nén hương vị của mình, và chờ đợi. Rất biết chờ đợi.
(Văn nghệ số 46/2013)
Theo Hội nhà văn Việt Nam