Đến dự Lễ tưởng niệm nhạc sỹ Trần Hoàn có các đồng chí đại diện các bộ, ban, ngành: Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Nguyễn Tiến Văn – Trưởng ban Tuyên giáo MTTQ, Nguyễn Thế Kỷ - Phó ban Tuyên giáo Trung ương, TS. Lê Thị Bích Hồng – Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; các văn nghệ sỹ: nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, và các Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội: nhà văn Đỗ Kim Cuông, nhà văn Tùng Điển, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân; gia đình, đồng nghiệp, các thế hệ công chúng yêu mến nhạc sỹ Trần Hoàn đều có mặt trong buổi lễ.
Nhà văn Tùng Điển thay mặt ban lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đọc bài viết tưởng nhớ nhạc sỹ Trần Hoàn, trong đó có những đánh giá rất cao về sự nghiệp âm nhạc cùng những đóng góp quan trọng của nhạc sỹ đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam, từ cấp trung ương đến đại phương qua nhiều thời kỳ, trong các cuộc kháng chiến cũng như thời đổi mới. Nhà văn Tùng Điển cho biết thông tin mới nhận từ Hải Phòng, UBND Thành phố Hải Phòng sẽ sớm thông qua quyết định chọn tên phố để đặt tên nhạc sỹ Trần Hoàn. Đây chính là cách thể hiện sự trân trọng của nhân dân và lãnh đạo thành phố trước những đóng góp của nhạc sỹ với thành phố cảng trong thời gian ông đảm nhiệm chức Giám đốc (đầu tiên) của Sở Văn hóa Thông tin TP Hải Phòng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động chia sẻ những kỷ niệm một thời với cố nhạc sỹ Trần Hoàn. Trong ký ức của ông, Trần Hoàn là con người của sự tổng hòa giữa một người chiến sỹ Cộng sản và một nghệ sỹ tài danh. Bằng chính những hoạt động tích cực trong sáng tác và trong công tác lãnh đạo, nhạc sỹ Trần Hoàn luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, kiên định, dễ dàng băng qua mọi khó khăn thử thách với tâm hồn rộng mở và nhân cách cao thượng. Dù giữ cương vị cao (Phó trưởng ban Văn hóa tư tưởng, Bộ trưởng Bộ TTVH) nhưng trong cuộc sống, nhạc sỹ vẫn luôn giản dị, gần gũi. Điều quan tâm suốt cuộc đời của nhạc sỹ Trần Hoàn là tỏa sáng tình yêu và năng lượng sáng tạo đến với anh em văn nghệ sỹ và công chúng đông đảo.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, qua bài viết “Nhạc sỹ Trần Hoàn – trong ông hai dòng sông tuôn chảy” đã nhận xét: Trần Hoàn không nhận mình là nhạc sỹ chuyên nghiệp vì ông hiểu sâu sắc danh từ “nhạc sỹ” và công việc của người sáng tác. Dù không được dành trọn vẹn thời gian cho sáng tác, nhưng những ca khúc của ông luôn đặc biệt xuất sắc. Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, nhạc sỹ Trần Hoàn đã để lại gần 1.000 ca khúc, trong đó có nhiều tác phẩm sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng, tạo nên sức sống lâu bền trong lòng người yêu âm nhạc và khán giả nhiều thế hệ. Với cương vị một người con của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận, ông Đỗ Hồng Quân rất trân trọng tình bạn, tình đồng nghiệp của cha mình và nhạc sỹ Trần Hoàn. Trong những cuốn sổ còn giữ lại, điều tâm niệm của hai cố nhạc sỹ có nhiều điểm tương đồng, với nhạc sỹ Đỗ Nhuận để sáng tác tốt cần phải hội đủ các yếu tố: Đi – học – đọc – viết, còn với nhạc sỹ Trần Hoàn để làm nên một tác phẩm hay người nghệ sỹ cần phải có: Tầm – Vốn – Tâm – Trình (trình độ) – Tài.
Bà Nguyễn Thanh Hồng – phu nhân của thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của anh em, bạn bè, đồng nghiệp đối với cố nhạc sỹ Trần Hoàn. Mặc dù nhạc sỹ đã đi xa 10 năm nhưng sự quan tâm và những tình cảm đó luôn khiến gia đình cảm thấy ấm áp và trọn vẹn.
Lễ tưởng niệm nhạc sỹ Trần Hoàn có sự góp mặt của NSND Thanh Hoa, NSƯT Khắc Huề, nghệ sỹ Tuyết, nghệ sỹ Quỳnh Nga… Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Hoàn: “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Mùa xuân nho nhỏ”, “Sơn nữ ca” được các nghệ sỹ thể hiện đầy cảm xúc, khiến nhiều người nghe xúc động.
NSND Thanh Hoa thể hiện ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", NSƯT Khắc Huề chơi đàn violon
Nghệ sỹ Tuyết Tuyết thể hiện ca khúc "Mùa xuân nho nhỏ"
Theo Hội nhà văn Việt Nam