Đến dự Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết về “Cô giáo của tôi” có các đồng chí đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện ban lãnh đạo Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, các thành viên Ban giám khảo, các tác giả đoạt giải, nhân vật trong tác phẩm đoạt giải, sinh viên và bạn đọc yêu mến báo GD&TĐ.
Trong bản báo cáo tổng kết cuộc thi, ông Nguyễn Ngọc Nam – Tổng biên tập báo GD&TĐ, Trưởng ban tổ chức đã có những đánh giá chung: “Cuộc thi bắt đầu bằng sự tri ân qua bài viết của nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ, nhiều vùng miền, đa giọng điệu… đối với cô giáo của mình, nhưng cuối cùng là sự quy tụ được những tấm lòng đến với tấm lòng; những tấm lòng đến với cuộc đời. Bằng sự chân thực của câu chuyện, bằng sự rung động của con tim, mỗi câu chuyện là một trang nhật ký thấm đẫm tình đời, tình người, chan chứa yêu thương và đầy cảm xúc lắng đọng, biết ơn. Nhân cách, cuộc đời và trái tim cô giáo đã khiến các tác giả rung động. Và, các tác giả đã khiến trái tim bạn đọc rung động bởi sự tri ân trong giọng văn đầy cảm xúc của mình. Cuộc thi thành công vì đã đánh thức trái tim con người. Về lẽ sống, về sự tri ân, tất nhiên là cả về cái đẹp và đạo lý tôn sự trọng đạo cần phải có trên đời.”
Sau hơn một năm làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 32 tác phẩm vào vòng chung khảo, trong đó có 11 tác phẩm đoạt giải:
- Giải Nhất: Tác phẩm “Người gieo chữ ở làng phong” của tác giả Thu Lương (Đài Tiếng nói Việt Nam)
- 2 giải Nhì: Tác phẩm “Cái thước” của tác giả Lê Văn Vỵ (Trung tâm GDTX Hương Sơn, Hà Tĩnh) và tác phẩm “Tiếng hú” của tác giả Phan Thị Thảo Hiền (Trường PTTH Phan Thiết, Bình Thuận).
- 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
- Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao tặng phẩm cho đơn bị tham gia xuất sắc nhất cuộc thi (Phòng GD – ĐT Bình Gia, Lạng Sơn) và tặng phẩm cho nhân vật trong tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi (cô giáo Hà Thị Thu Oanh, Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Từ trái sang: ông Vi Song Hào (Phòng GD – ĐT Bình Gia, Lạng Sơn), tác giả Thu Lương, nhà giáo Chu Linh Quang(nhân vật trong tác phẩm), nhà giáo Lê Văn Vỵ, MC Thảo Vân
Tiếp đó, Ban Tổ chức mời các tác giả đoạt giải và nhân vật trong tác phẩm giao lưu, chia sẻ cùng bạn đọc những cảm xúc, nói về các chi tiết trong đời sống thực và trong tác phẩm… Nhà thơ, nhà giáo Lê Văn Vỵ, người đã nhiều năm tham dự và trở thành gương mặt quen thuộc của các cuộc thi do ngành giáo dục tổ chức bày tỏ: “Cuộc thi “Viết về cô giáo của tôi” không chỉ là món quà với cô giáo mà còn là dịp chúng ta được trở về với trường xưa, lớp cũ, tình bạn, nghĩa cô với bao nhiêu kỷ niệm đằm thắm yêu thương… Và viết đâu chỉ để tranh giải mà để tin tưởng và hy vọng với những điều tốt đẹp còn hiện hữu khắp nơi trong cuộc sống.”
Cuộc thi đã kết thúc nhưng dư âm của những trang viết nặng lòng tri ân với các thầy cô giáo sẽ còn mãi, lan tỏa sâu rộng trong lòng nhiều thế hệ đã và đang ngồi trên ghế nhà trường. Hướng tới ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, cuộc thi chính là lời nhắc nhở về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta từ bao đời nay.
Theo Hội nhà văn Việt Nam