Đôi lời về nhà thơ Nga Nicolai Rubtxov
Thúy Toàn
Nhà thơ Nikolai Rubtxov (1936-1971) là một hiện tượng đặc biệt trong văn học Nga, xuất hiện cùng thời điểm với Vưxôtxki (1938-1981). Khác với V.Vưxôtxki, ngay từ thuở sinh thời tiếng tăm đã lừng lẫy, thực sự đã trở thành thần tượng của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt trong giới trẻ, trên khắp đất nước Xô Viết từ cuối những năm 1950. Tên tuổi của N.Rubtxov cùng với sáng tác thơ của ông xuất hiện một cách nhỏ nhẹ từ giữa những năm 1960, phải từ sau cái chết bi thảm chấm dứt cuộc đời ngắn ngủi cũng như thời gian sáng tác càng ngắn ngủi hơn của ông, sáng tác thơ ca của ông mới dần dần thực sự chiếm lĩnh được trái tim người đọc và đến ngày nay trở nên “không thể thiếu được khi nói đến thơ ca Nga đương đại”.
Sinh thời N.Rubtxov chỉ kịp xuất bản được 4 tập thơ “Thơ trữ tình”(1965), “Ngôi sao củađồng ruộng”(1967), “Tâm hồn gìn giữ” (1969) và “Tiếng rì rầm của rừng tùng” (1970). Nhưng sau khi nhà thơ qua đời bạn bè và những người thân đã tiếp tục sưu tầm các sáng tác của ông và xuất bản tiếp hàng chục tập sách khác: “Những bông hoa màu xanh”(1975), “Con tàu cuối cùng”(1973), “Thơ trữ tình tuyển chọn”(1977), Tuyển tập (1984) và v.v…Thơ N.Rubtxov ngày càng thu hút bạn đọc rộng rãi. Ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ, vào những năm 90 khó khăn thơ ông vẫn được tái bản với số lượng lớn, tổng cộng lên tới con số hơn vài triệu bản
N.Rubtxov từng có một bài thơ 4 câu đùa đùa thật thật:
“Lời chuẩn xác của tôi sẽ còn vang vọng!
Có lẽ rồi tôi trở thành nhà thơ lừng danh.
Ở làng quê, tôi sẽ được người ra dựng tượng-
Là đá hoa cương tôi vẫn ngây ngất men nồng”
Ngày nay N.Rubtxov không chỉ được dựng tượng ở quê hương ông, mà còn được dựng tượng ở nhiều nơi khác, những địa điểm mà ông từng sống và sáng tác, gắn bó ít nhiều trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Sắp tới theo kiến nghị của nhiều tổ chức xã hội và được chính quyền Matxcơva chấp thuận, tượng đài kỷ niệm N.Rubtxov sẽ được dựng lên tại Matxcơva bằng tiền quyên góp của bạn đọc, những người hâm mộ ông và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như trung ương.
N.Rubtxov được đánh giá là một trong những nhà thơ Nga được xếp vào hàng nhà thơ của dân tộc. Trong nhiều công trình tổng kết thơ Nga những năm gần đây ông được xếp vào hàng những nhà thơ lừng danh nhất mà số lượng đó chỉ hơn 50 người một chút mà thôi. Thơ ông luôn đề cập tới các số phận của nước Nga, thiên nhiên Nga, lịch sử Nga, trong hàng loạt bài thơ hiện lên bóng dáng, tên tuổi những nhân vật, như A.Puskin, F.Doxtoevxki, N.Gogol, M.Lermontov và v.v… Vấn đề trong thơ ông được khơi sâu còn là mỗi nhân vật trữ tình của thơ ông đều mang các tính cách dân tộc Nga, tâm lý dân tộc Nga. Số phận bi kịch riêng tư của ông hòa trộn vào lịch sử nhiều đau thương của cả nước Nga, cuộc đời lưu lạc của chính ông đến khắp nơi, mọi ngõ ngách của đất nước được phản ánh cả không gian bao la của tổ quốc rộng lớn của ông, cũng như tâm hồn sáng tạo của nhân dân Nga, mà ông là một phần máu thịt…
Thơ N.Rubtxov là tiếp tục các truyền thống thơ ca mang đậm tính cách Nga, từ Puskin, Chưutchev, Fet, Exenin…như ông từng nói trong bài thơ tuyên ngôn của ông: “Tôi sẽ không bao giờ đi sao chép//Từ sách vở của Chưutchev hay của Fet//… Nhưng lời thơ chân thành tôi sẽ kiểm tra// Qua hai ông Chưutchev cũng như Fet// Để tiếp tục cuốc sách Chưutchev và Fet// Bằng cuốn sách của Rubtxov thằng tôi”.
T.T
Nikolai Rubtxov
(Nhà thơ Nga, 1936-1971)
Đừng rơi lệ...
Có thời khắc - với tâm hồn tôi là niềm vui an ủi:
Mọi cái mong manh, nhưng đã hửng mầu xanh!
Có thời khắc của ngày thu tàn lụi,
Với tâm hồn tôi cũng gần gụi thân tình.
Ngập ngụa khắp nơi, nhưng vẫn muốn tìm về đầm trũng,
Mưa bốn bề, mà vẫn muốn đến với dòng sông,
Và trên dải bờ sập sùi mưa nắng
Căn nhà gỗ izba buồn giữa những con thuyền.
Bay tơi tả, lá trôi theo dòng nước
Đi ngang bên những bờ giậu, tán cành hoang….
Trong những ngày này với tôi cả công việc,
Cả những cảnh tình mất mát quý nào bằng.
Đừng rơi lệ trên gộc cây đầm trũng
Bởi vì tôi quá nóng nẩy ngỏ lòng,
Khi tôi chết – và thân tôi giá lạnh,
Bấy giờ em hãy khóc, hỡi người thương!
Em đã tiễn con tàu...
Em ở lại trên bờ cảng biển
Với nụ cười nhòa lệ dâng tràn,
Bão tố lại cợt đùa buồm nắng,
Cả tình yêu, cả thương nhớ nơi anh.
Anh lao đến nơi nào trong vũ trụ,
Dầm bão dông, một cánh chim bằng,
Anh đã phải lòng đại dương khắc nghiệt
Bởi tiếng rền, tiếng thổn thức tháng năm.
Đã phải lòng thành phố người cực Bắc
Từ biển khơi lưu lạc lại tìm về,
Bởi là nơi thử thách cơn rét buốt,
Bởi là nơi thử thách mối ưu tư,
Bởi nơi có muôn vàn tiếng nói,
Nơi tìm về thương nhớ, nhân từ,
Với nụ cười chan hòa nước mắt
Em đã đến tiễn con tàu trong gió mưa.
1969
LEVITAN
(Theo motif bức tranh “Tiếng chuông chiều”)
Ánh tà dương nhạt hồng soi tỏ
Cửa sổ các túp nhà tường gỗ thân cây.
Trên cánh đồng hoa chuông chuông đổ
Từ tháp chuông thánh đường dâng đầy.
Tiếng chuông quanh làng, bên cửa sổ,
Bên cột thánh đường, lan tỏa xa.
Tôi nghe tiếng chuông thánh đường đổ,
Tiếng hoa chuông trên đồng cỏ thầm thì.
Đồng cỏ của người mỗi hoa chuông nhỏ
Chẳng kém chuông đồng nước Nga cổ của người,
Thấm vào hồn Nga làng quê, thành phố,
Thêm mới niềm vui, sức mới xuân tươi
Thúy Toàn dịch
(Nguồn Tân Văn số 2 - NXB Hội nhà văn)
|