Nhà thơ Anh Ngọc tên thật là Nguyễn Đức Ngọc, sinh năm 1943 tại Nghi Lộc, Nghệ An.
Bút danh: Anh Ngọc, Ly Sơn. Thể loại sáng tác: thơ, dịch, truyện ký.
1964-1972 dạy trường Trung cấp và Đại học Thương nghiệp,
1971-1973 là lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị,
1973-1979 là phóng viên báo Quân đội nhân dân,
1979-nay là biên tập viên, cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội.
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1980).
Tác phẩm:
Thơ
- Hương đất màu cờ
- Ngàn dặm và một bước
- Sông Mê Kông bốn mặt
- Điệp khúc vô danh
- Thơ tình rút từ nhật ký
- Sông núi trên vai
- Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
Truyện ký
- Ba cuộc đời một trái bóng
Dịch
- Độc thoại của Marilyn Monroe (thơ Nga nhiều tác giả)
- Những kẻ tủi nhục (Fedor Dostoievski)
(Nguồn thivien.net)
... Quyết định dành một phần trong những dòng cho các status từ nay đến ngày 7 – 11 cho một chủ đề mà ngót một thế kỷ nay đã “hóa đá” trong lòng người Việt và một bộ phận không nhỏ của Thế giới: Chủ đề về cuộc Cách mạng Tháng Mười và về Nước Nga (đúng hơn là “Liên Xô cũ”).
Viết về CMTM ư? Một chủ đề mà giờ này nếu đem hỏi 10 người Việt Nam ta thì chắc sẽ được nghe 10 ý kiến khác nhau, và đó sẽ là 10 ý kiến chắc chắn không giống nhau hoàn toàn đã đành, nhưng cũng sẽ không khác nhau hoàn toàn - tự do tư tưởng mà, thế là đúng và thế là sướng!!!
Với tôi, đó lại là một chủ đề nói cả ngày không cạn. Để “nói nhanh cho nó vuông”, thì không gì hơn là mượn lời của ông đương kim tống thống (nhiệm kỳ 3) của Nước Nga, V. Putin: “ Nếu ai quên quá khứ thì đó là người không có trái tim, còn nếu ai muốn quay lại quá khứ thì đó là người không có cái đầu”! - Tuyệt! Nói chí lý và chắc như cua gạch vậy!
Riêng với những người đã từng là lính thời chiến tranh với Mỹ, thì chúng tôi làm sao quên được khi nhìn từ khẩu AK cầm tay đến quả tên lửa trên bệ, chiếc máy bay MIG trên trời…, đâu đâu cũng hiện lên 4 chứ cái Nga thân thuộc – CCCP (mà lính tráng đùa yêu, nói trại đi là “CÁC CHÚ CỨ PHÁ”)…
Và… một trong những lý do tôi yêu chị Đặng Thùy Trâm đến thế có thể chính vì chị đã tâm sự trong cuốn Nhật ký của mình một chi tiết giống tôi đến 101%: Ấy là thích hát những bài ca Nga Xô Viết và cả dân ca Nga nữa… Còn nhớ năm 1972 ở Quảng Trị, tôi cùng Tổ đường dây hữu tuyến (dây bọc nhựa) gồm 3 anh em, phải bảo vệ sự thông suốt cho khoảng 5 – 6 km đường dây, bất kể ngày hay đêm, nếu chẳng may bị đứt do lý do gì, chủ yếu do máy bay địch đánh phá, là phải chạy ra nối lại ngay. Đơn giản thế thôi, nhưng căng thẳng và có lúc hiểm nguy… Ấy vậy mà, cứ buổi chiều nhá nhem tối, xong việc một ngày là tôi lại ra bên bờ suối, ven triền núi, đứng hát một mình như thằng dở người… hết bài nọ đến bài kia, mà chủ yếu là các bài hát LX thời chiến tranh thế giới thứ 2 và thời hậu chiến, nào là: Chiều Maxcva, Ngôi sao ban chiều, Đỉnh núi Lênin, Đôi bờ, Cây thùy dương, Giờ này anh về đâu hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn, Chiều hải cảng…, và đặc biệt là bài Kachiusa lừng danh (nói về một cô gái Nga thương yêu mà cái tên lại trùng với loại tên lửa đã làm khiếp vía bọn Hitler, hahaa…!!!)… Dĩ nhiên là còn cả những Xanta Luxia, Trở về Xurientô… của Ý và cả Palôma của Cuba nữa v.v…
(Có chuyện buồn cười - vừa cười lại vừa buồn: là có bạn không biết nguồn gốc các bài hát này, hôm họp chi đoàn liền đem phê bình tôi là hay lén lút hát… "nhạc vàng", hihiiii… Thôi, không biết thì không có lỗi, xí xóa!).
Và chính vì các lý do trên mà bây giờ xin post lên đây bài thơ tôi viết về chuỵện này để mọi người ôn lại một thời - (các bạn sinh sau đẻ muộn thì cố mà hình dung về cha anh mình nhé, OK?).
Chỉ nhớ hôm vừa in bài thơ này lên báo QĐND, thì có một ông đàn anh bảo: “Trong bài của cậu, tớ thích nhất là hai từ “Một lần…””. Mình chỉ biết nhún vai không hiểu (hihiii…), giờ nghĩ lại thấy ông anh đồng nghiệp nhận xét tinh thật - Giỏi!!!
Bây giờ mời quý bạn đọc bài thơ nhé, xong còn P.S vài câu nữa đấy, gã lắm lời này chưa ngậm nổi miệng đâu, hihiii….
A.N.
ANH NGỌC
MỘT LẦN HÁT CA KHÚC NGA
Vừa mắc xong chiếc võng giữa rừng già
Bên một bờ suối dốc
Sau kẽ lá trăng thượng tuần mới mọc
Đêm dịu dàng như đêm trong dân ca
Chợt thấy nhớ một tiếng đàn ghi ta
Đang hát về một bờ sông ẩm ướt
Cô nàng Kachiusa đi gánh nước
Bước lên từng bậc dốc cao cao
Chúng tôi đã gặp cô ở đâu
Trong bài hát Nga đung đưa bím tóc
Bắp chân trần lấm đầy bùn đất
Đi qua sương sớm những bờ sông
Có phải là cô đấy không
Sông Troóc Quảng Bình, sông La Hà Tĩnh
Những dòng sông của trẻ chăn trâu và của lính
Cội đa già có ở mọi quê hương
Không mắc võng trong rừng bạch dương
Những anh lính Nga ngủ không tháo ủng
Như chúng tôi đêm gối đầu báng súng
Giấc mơ nào cũng gặp Kachiusa
Từ Bá Linh anh trở về nhà
Cô Kachiusa vẫn còn đang gánh nước
Cái mảnh đất có tên là Tổ Quốc
Dưới chân cô từng bậc dốc cao cao
Chúng tôi ngồi bên bờ suối ôm nhau
Trường Sơn năm thứ mười lăm đánh giặc
Bao mơ ước nồng nàn trong tiếng hát
Một dòng sông âm điệu cứ dâng đầy
Đi qua cuộc chiến tranh này
Trong tất cả những gì còn lại
Có tiếng hát về một người con gái
Đã một lần theo chúng tôi tới Trường Sơn.
1977
A.N.
|