Trong bản đề dẫn của hội thảo, ông Tô Hoàng Vũ – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng viết: “Nhà văn Nguyên Hồng sinh ngày 5/11/1918 tại quê hương Nam Định, mất ngày 2/5/1982 tại Bắc Giang nhưng hầu như ai cũng nghĩ ông là người Hải Phòng: “Không thể hình dung/ Một Nguyên Hồng không có Hải Phòng/ Một Hải Phòng không có Nguyên Hồng” (Vân Long). Bởi lẽ, từ nhỏ Nguyên Hồng đã theo mẹ ra Hải Phòng sống lăn lóc như đồng xu khắp các ngõ xóm, vỉa hè, phố chợ, bến cảng… Và khi trưởng thành, ông nổi tiếng với những tác phẩm viết về thành phố và con người nơi cửa biển này. Ghi nhận những đóng góp với đất nước, Nguyên Hồng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt I (năm 1991). Ông còn được dựng tượng tại Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng; được đặt tên đường phố, trường học ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Nguyên Hồng cũng là tên của một Giải thưởng văn học nghệ thuật và Quỹ sáng tạo VHNT ở TP. Hải Phòng. Nhiều cuộc hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của ông được tổ chức. Tác phẩm của Nguyên Hồng được tái bản nhiều lần, được dịch và giới thiệu ở nước ngoài…”
GS. TS. Trần Đăng Suyền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, trình bày tham luận “Sáng tác trước Cách mạng của Nguyên Hồng – Sự gặp gỡ và giao thoa của những khuynh hướng, trào lưu văn học”, trong đó đưa ra những nhận định: Nguyên Hồng là nhà văn hiện thực có khuynh hướng trữ tình. Sáng tác trước Cách mạng của Nguyên Hồng trước hết là sự gặp gỡ, giao thoa giữa hai trào lưu hiện thực chủ nghĩa và lãng mạn chủ nghĩa trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đã xuất hiện nhiều khuynh hướng, trào lưu văn học: chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực và khuynh hướng văn học cách mạng; chúng vừa đấu tranh với nhau, vừa bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Sáng tác của Nguyên Hồng là sự gặp gỡ, giao thoa của những khuynh hướng, trào lưu nói trên. Có được điều đó là do ngòi bút Nguyên Hồng gắn bó sâu sắc với thời đại, với cuộc đời rộng lớn, với những người cùng khổ. Có được điều đó còn do những sáng tác hiện thực chủ nghĩa của ông được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa nhân đạo, đi sâu vào bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật, thể hiện quy luật vận động và phát triển tất yếu của tiến trình lịch sử văn học dân tộc.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng tặng gia đình nhà văn Nguyên Hồng, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng và Hội Nhà văn Việt Nam bức ảnh chụp chân dung nhà văn Nguyên Hồng
Tiếp đó, các bản tham luận, ý kiến phát biểu của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện (TBT Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam), TS. Lê Thị Bích Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương), đạo diễn – NSƯT Đào Quang (Chủ tịch Hội VHNT Nam Định), nhà văn Đỗ Nhật Minh, nhà văn Lưu Văn Khuê, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Thi Hoàng, nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhà thơ Vi Thùy Linh, chị Thanh Thư (con gái nhà văn Nguyên Hồng)… trình bày trong hội thảo góp phần làm nổi bật tài năng văn học và nhân cách tốt đẹp của nhà văn Nguyên Hồng, cũng như những tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ, xót xa chân thành đối với một nhà văn tài năng nhưng phải chịu nhiều lận đận trong cuộc đời.
NSND Hoàng Cúc (áo xanh)
Đặc biệt, hội thảo có sự xuất hiện của NSND Hoàng Cúc, người đã thể hiện thành công vai Tám Bính trong bộ phim Bỉ vỏ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng. Nghệ sỹ Hoàng Cúc bày tỏ sự xúc động khi đến tham dự hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyên Hồng: “Trước khi vào vai Tám Bính, tôi đã đọc tác phẩm Bỉ vỏ rất nhiều lần, đến khi nhận vai, tôi đã lên ngôi mộ của nhà văn ở ấp Cầu Đen, huyện Tân Yên, Bắc Giang thắp hương xin phép nhà văn được thể hiện nhân vật của ông. Tám Bính là vai diễn tôi thực hiện bằng tất cả tấm lòng yêu mến và kính trọng đối với tài năng và nhân cách của nhà văn Nguyên Hồng. Tôi thương nhân vật của mình cũng như cụ Nguyên Hồng yêu thương những con người cùng khổ dưới đáy xã hội. Ông không chỉ khóc với nhân vật, mà trong tận cùng của những số phận bi thương, trái tim ông luôn tràn đầy tình yêu thương. Bởi vậy, với tôi, nhà văn Nguyên Hồng không chỉ là một đại văn hào mà ông còn là niềm tự hào chung của Việt Nam.” NSND Hoàng Cúc chia sẻ những kỷ niệm khi tham gia đóng bộ phim Bỉ vỏ, khi đó các điều kiện làm phim còn nhiều khó khăn, diễn viên phải thực hiện những pha nhảy tàu, nhảy sông hoàn toàn thực tế. Trong phim có nhân vật em bé bị Năm Sài Gòn bắt cóc để cướp vòng vàng, em bé đó được chính cậu con trai 5 tuổi của nghệ sỹ Hoàng Cúc vào vai. Cảnh kết thúc phim, Năm Sài Gòn sau khi ôm em bé bơi qua sông, vừa lên bờ thì bị cảnh sát bắn chết, còn em bé bị ngạt nước cũng chết, khi nhìn vết sẹo trên trán đứa trẻ, Tám Bính nhận ra đó chính là đứa con trai bị bán đi từ lúc nhỏ của mình… Tám Bính ôm xác chồng, xác con ngửa mặt lên bầu trời vần vũ mây đen, mưa gió sầm sập mà khóc lặng người, đôi mắt dại đi. NSND Hoàng Cúc nhớ lại: “Lúc đó tôi khóc mà không biết là Tám Bính khóc con hay mình khóc con mình, hay là khóc cho một thân phận chịu quá nhiều nghiệt ngã, cay cực của cuộc đời dồn đuổi…”
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tổng kết hội thảo, ông nhấn mạnh năm vấn đề khi nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyên Hồng:
- Nguyên Hồng là một tác gia lớn, một tác giả sử thi tầm cỡ nhất của văn chương Việt Nam hiện đại, một nhà văn thực sự xuất sắc của thế kỷ 20.
- Nguyên Hồng đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thế kỷ 20.
- Nguyên Hồng là một trong những nhà văn đặt nền móng vững chắc cho văn học Cách mạng và kháng chiến với: thi pháp mới, góc nhìn mới, tư tưởng mới và nhân vật mới. Ông là người hiện thực hóa Đề cương văn hóa năm 1943 bằng những tác phẩm tâm huyết của mình.
- Nguyên Hồng là một trong những người lãnh đạo, quản lý VHNT Cách mạng tận tâm, nhiệt huyết, mẫu mực nhất. Ông đã tập hợp, đoàn kết, phát huy các tài năng để hướng tới sự phát triển chung.
- Nguyên Hồng là người sống trọn vẹn, mẫu mực, trong sáng, thủy chung, dấn thân triệt để cho cái Đẹp, cho giá trị nhân văn và phẩm chất cách mạng.
Với những điều đó, nhà văn Nguyên Hồng có ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ nhà văn tiếp nối mình, tác phẩm của ông là cuộc chuẩn bị to lớn để nhân dân bước vào Cách mạng tháng 8, chuẩn bị cho một thế hệ thanh niên xung phong đứng lên cứu nước, giành độc lập cho dân tộc. Ngày hôm nay, tác phẩm của Nguyên Hồng vẫn tiếp tục góp phần giúp con người Việt Nam giữ được bản chất tốt đẹp của dân tộc mình trước những thăng trầm, biến cố…
Hội thảo “Nhà văn Nguyên Hồng – Cuộc đời và sự nghiệp văn chương” kết thúc lúc 12h00.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Theo Hội nhà văn Việt Nam