Nhà thơ Trần Huyền Trân sinh ngày 13/9/1913, mất ngày 22/4/1989. Ông thuộc thế hệ văn nghệ sỹ tham gia Hội Văn hóa cứu quốc ngay từ những ngày đầu và là một trong những hội viên đầu tiên gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Nhà thơ Trần Huyền Trân được nhiều người đọc đón nhận và cảm phục trên nhiều lĩnh vực: văn thơ, sân khấu, báo chí. Nhà thơ Trần Huyền Trân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007.
Sau khi làm lễ dâng hương tưởng nhớ nhà thơ Trần Huyền Trân, các đại biểu và gia đình nhà thơ cùng xem lại trích đoạn vở chèo Quan Âm Thị Kính (do nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn). Đây là vở chèo nổi tiếng được nhà thơ Trần Huyền Trân đặt lời.
Sang phần hội thảo về thân thế, sự nghiệp và tác phẩm, nhà thơ Vũ Quần Phương mở đầu với bài viết đánh giá về những đóng góp trong các lĩnh vực nghệ thuật của nhà thơ Trần Huyền Trân. Theo Vũ Quần Phương: “Thế mạnh tiêu biểu nhất của Trần Huyền Trân chính là sự hòa quyện đến mức thăng hoa của thơ và chèo. Nhà thơ (Trần Huyền Trân) đã diễn đạt tinh tế, điêu luyện tâm trạng và thần thái tâm hồn của chính mình. Ông đã tự vẽ tâm hồn mình. Chất thơ là men của hiện thực chứ không phải hiện thực mà Trần Huyền Trân sống. Lòng yêu sân khấu trong Trần Huyền Trân cũng mãnh liệt không kém gì thơ. Và tình yêu sân khấu được “hiện thực hóa” thành mối tình với nghệ sỹ chèo Hạc Đính, sau này là người vợ của nhà thơ.”
Nhà thơ Bằng Việt – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam nhắc đến những kỷ niệm của nhà thơ Trần Huyền Trân với các bạn văn cùng thời (Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Tản Đà…). Ông nhấn mạnh như một lời nhắc nhở: “Mặc dù có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật nhưng đến nay nhà thơ Trần Huyền Trân vẫn chưa thực sự được đánh giá xứng đáng về tài năng, tư cách, khí phách của mình trong thơ và trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Chúng ta, những người hậu thế, cần phải có những hành động thiết thực để góp phần định vị lại vị trí Trần Huyền Trân trong nền văn học Việt Nam thế kỷ 20.”
PGS. TS. Lưu Khánh Thơ, với tư cách thế hệ con cháu của nhà thơ Trần Huyền Trân, nhắc lại một số hồi ức đẹp về một thời sống, sáng tác, đam mê và hy sinh hết lòng vì sự phát triển của nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu chèo, của các nhà thơ, nhà sân khấu: Trần Huyền Trân, Lộng Chương, Lưu Quang Thuận… PGS. TS. Lưu Khánh Thơ đã dành nhiều tình cảm đối với bậc tiền bối trong bài viết “Nhớ một nhà thơ vẩy bút làm mưa gió” (VanVN.Net sẽ đăng tải toàn văn bài viết này.)
PGS. TS. Lê Thị Bích Hồng – Vụ phó Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ một thông tin khá thú vị: hiện nay đã có trang Facebook mang tên “Trần Huyền Trân”, do con trai nhà thơ, nghệ sỹ Trần Kim Bằng phụ trách; trong trang Facebook này có rất nhiều tư liệu, di cảo, hình ảnh về nhà thơ Trần Huyền Trân. Đây chính là nguồn cung cấp tư liệu cho những bạn đọc quan tâm và người yêu mến nhà thơ Trần Huyền Trân muốn tìm hiểu, nghiên cứu.
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN phát biểu tổng kết: “…Tâm hồn và khí phách của nhà thơ Trần Huyền Trân thể hiện qua nỗi buồn. Đó là một nỗi buồn cao quý, không thể thay thế - nỗi buồn nhân thế. Trần Huyền Trân tham gia Văn hóa cứu quốc ngay từ những ngày đầu nhưng lại ít được biết đến và đánh giá tương xứng về sự cống hiến cách mạng, thơ ca và sân khấu. Văn học sử nói đến Trần Huyền Trân rất ít, báo chí nhắc đến chưa nhiều. Vì vậy, trước một người anh lớn trên văn đàn, một nhân cách Cộng sản đẹp trong sự nghiệp cách mạng, lớp hậu thế chúng ta cần phải tiến hành sớm một số công việc cụ thể: báo chí của Hội Nhà văn Việt Nam cần tuyên truyền rộng rãi về thân thế, sự nghiệp và các tác phẩm của nhà thơ Trần Huyền Trân; NXB Hội Nhà văn sẽ xuất bản tuyển tập đầy đủ về Trần Huyền Trân (gồm văn xuôi, thơ, tác phẩm sân khấu và những bài viết đánh giá của bạn bè và các nhà nghiên cứu)”; Bảo tàng Văn học Việt Nam dành không gian trang trọng trưng bày các hiện vật, tư liệu liên quan đến nhà thơ Trần Huyền Trân… Hôm nay, niềm may mắn của chúng ta là được đến Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà thơ Trần Huyền Trân, được bày tỏ những tình cảm, sự trân trọng, mến phục tài năng và nhân cách của ông. Và may mắn hơn nữa là tất cả những điều này đều có sự chứng kiến của phu nhân nhà thơ, NS Hạc Đính năm nay 93 tuổi…” Cũng trong dịp này, nhà thơ Hữu Thỉnh chân thành nhận lỗi về việc chưa chu toàn với những chế độ, chính sách xứng đáng dành cho các nhà thơ thế hệ trước; ông hứa sẽ cùng Hội Nhà văn Việt Nam cố gắng hết sức để các bậc tiền bối được quan tâm, đánh giá, tôn vinh xứng tầm với những đóng góp cho nền văn học Việt Nam.
Nghệ sỹ Trần Kim Bằng – con trai nhà thơ Trần Huyền Trân thay mặt gia đình gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam những lời cảm ơn trân trọng. Với gia đình nhà thơ Trần Huyền Trân, đây thực sự là Lễ tưởng niệm đầy tình cảm, chân thành và xúc động dành cho một tài năng thơ, một nhân cách đẹp.
Toàn cảnh Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà thơ Trần Huyền Trân
Kết thúc Lễ tưởng niệm, nghệ sỹ Trần Kim Bằng mong muốn sẽ được các nhà văn, nhà thơ nhiều thế hệ tưởng nhớ nhà thơ Trần Huyền Trân bằng những ly rượu được đặt nấu tại quê hương Ân Thi, Hưng Yên và hạ thổ ngay trong chính khu vườn thuở sinh thời nhà thơ đã sống và sáng tác tại đó. Nghệ sỹ Trần Kim Bằng đọc lại bốn câu đầu trong bài thơ “Mộng uống rượu với Tản Đà” để gây lại không khí văn chương và thời cuộc thời mà nhà thơ Trần Huyền Trân sống, yêu, khổ đau, hạnh phúc và viết:
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này đã cạn hết rồi còn đâu!
Rồi lên ta uống cùng nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…
------------
Một số hình ảnh tại Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà thơ Trần Huyền Trân:
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa nghệ sỹ Hạc Đính - vợ của nhà thơ Trần Huyền Trân
Các nhà thơ nhà văn chụp ảnh lưu niệm cùng với gia đình nhà thơ Trần Huyền Trân
Nhà thơ Trần Huyền Trân trong lòng bạn bè họa sỹ cùng thời:
Theo Hội nhà văn Việt Nam