Vụ án bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông gây chấn động dư luận những ngày này chỉ là một nguyên cớ để nhà văn Lê Minh Khuê lý giải một số vấn đề xã hội hiện tại.
Vụ án bệnh nhân Huyền đi thẩm mỹ viện rồi bị ném xác xuống sông Hồng, dư luận kêu nhiều về y đức song còn điều quan trọng không kém: Kỹ năng sống, hiểu biết pháp luật và bản lĩnh tự chịu trách nhiệm của đa số người Việt còn quá kém.
Là một trí thức nhưng bác sĩ này không hiểu rằng sau khi cấp cứu bất thành, cho dù nạn nhân có tử vong thì cũng không có nghĩa phải đền mạng, tuyệt vọng. Thế nhưng anh ta đã hành xử một cách bế tắc nhất, kéo theo người khác cùng chịu hậu quả do cũng mê muội như vậy. Bài học này không mới nhưng vẫn ít người chịu học, thưa chị?
Kỹ năng sống rất kém là một phần. Y đức cũng một phần. Sợ quá mà lúng túng mà hành động ngớ ngẩn cũng là một phần. Quan trọng trong tình huống này và nhiều tình huống khác là sợ trách nhiệm.
“Người Việt xưa sống có lê thê một chút nhưng hiền hòa và trọng tình. Ngày nay lối sống vô cảm chỉ biết mình, lối sống vô trách nhiệm dẫn đến hành động ngu ngốc và lấy hung hăng làm đầu- đã thật sự tàn phá xã hội”. Nhà văn Lê Minh Khuê
Bệnh sợ trách nhiệm xuất hiện trong cung cách quản lý tập thể, nó tước mất của cá nhân sự tự tin. Công lao chia cho tất cả, trách nhiệm cũng vậy. Thành tật rồi. Vô trách nhiệm từ việc rất nhỏ. Đi qua vòi nước hỏng, cho là không liên quan. Ra khỏi phòng để hàng chục bóng đèn sáng trưng, vì là điện chùa. Rồi xả rác. Rồi xây cất lấn lướt rồi làm hỏng môi trường. Đầy rẫy tin tức trên truyền thông và mọi người nghe rồi bỏ ngoài tai. Thói thờ ơ vô cảm nhiễm vào tất cả. Không ai biết rằng đó cũng là hiểm họa rình rập tất cả chúng ta. Một lúc nào đó nó xảy ra, như cái vụ này, không ai lường trước nó lại tệ như thế.
Rõ ràng đây là bài học nhưng có lẽ nó chỉ đánh động trong thời khắc. Qua vài tuần người ta quên, sẽ có những chuyện khác - nếu không thay đổi cách quản lý xã hội.
Ngày xưa, tôi nhớ có vụ nữ kiến trúc sư Thuận ở phố Tăng Bạt Hổ bị tay thợ điện hãm hại, chấn động Hà Nội nhiều năm ròng. Bây giờ, đọc báo, không tính xuể và nhớ xuể các vụ trọng án, diễn ra hằng ngày từ thành thị đến nông thôn, chốn đô hội hay vùng sâu vùng xa. Đến mức mọi người dần cảm thấy bình thường. Đốt chồng đốt con; ném xác xuống giếng; hãm hại từ trẻ con người già - mới đầu cũng chấn động nhưng rồi nhạt rất nhanh bởi án chồng án, thậm chí cách gây án còn lặp lại y chang nhau. Sự tha hóa đạo đức này chẳng lẽ không có điểm dừng?
Và theo chị, có phải ngày xưa tội ác ít hơn hẳn bây giờ hay chỉ vì ngày đó thiếu thông tin?
Nhớ ngày nhỏ ở quê có vụ người đàn bà giết chồng giấu vào đống rơm. Bạn chồng đến tìm thì ả bảo chồng đi vắng. Có con rắn bỗng trườn qua rồi chui vào đống rơm. Anh bạn quyết bắt con rắn, bới đống rơm và thấy xác bạn. Sở dĩ nhớ đến bây giờ vì câu chuyện đó đồn đại làng trên xóm dưới, cho đến khi mình lớn lên vẫn thấy người ta đồn đại bàn tán.
Bây giờ thì rõ rồi. Phải chết chùm chết thảm chết độc đáo mới được để ý trong vài tuần còn không thì như cát ném vào sa mạc! Báo chí khai thác tùm lum cũng chỉ được chú ý ngắn thôi. Còn phải nhường cho vụ khác chứ.
Cũng không thể nói ngày xưa thiếu thông tin. Mồm miệng con người truyền từ làng nọ đến tỉnh kia là thông tin rồi. Nhưng ngày đó bình yên thật, người ta chết vì bom Mỹ chứ ít chết vì hàng xóm.
Mấy chục năm trở lại đây thông tin cung cấp nhiều chuyện hay ho nhưng chuyện xấu không thiếu. Bạo lực tràn lan ở nhiều vùng đất ảnh hưởng không nhỏ đến tâm thế con người nhất là ở Việt Nam khi người ta bức xúc nhiều chuyện - nơi mà cái xấu hầu như được quan niệm qua loa dễ dãi. Người ta gây tội ác cứ như không, nhiều khi không dám đọc báo.
Rất nhiều người phàn nàn về sự bất an khi tham gia giao thông, khi đi chợ, lên xe buýt, qua quãng đường vắng, thậm chí trong trường học. Nhiều người nói như chị- không dám đọc báo nhất là khi nạn nhân là trẻ em. Có phải một bộ phận người Việt ngày càng hung hãn, và còn lý do gì khác nữa?
Tôi nhớ thời trước chiến tranh, còn nhỏ, năm nào cũng ra Hà Nội nghỉ hè ở nhà bà con. Đi tàu hỏa. Làng quê bình yên, đi tàu vắng vẻ mà đi chơi với đám anh em họ ở Hà Nội cũng thấy yên lành. Ở đâu cũng thong thả. Người lớn lúc ấy dễ chịu lắm. Thành phố xanh mướt có trật tự, ăn uống ngon lành. Người Hà Nội đã sống qua thời chiến tranh cùng cái âm hưởng ấy. Nương tựa nhau, có lẽ có chiến tranh thấy mình cần một ai đó.
Mọi chuyện tệ đi sau chiến tranh, điều này ai cũng biết rồi. Xe cộ của ông to bà lớn vào Nam để “nhặt nhạnh” trong khi người lính được phổ biến kỷ luật là không được mang gì về nhà. Tin tức xấu từ đó lan ra và người ta a dua phải sống cho mình nữa! Bắt đầu gầm ghè ghen tỵ. Bắt đầu độc ác hung hăng.
Người Việt xưa sống có lê thê một chút nhưng khá hiền hòa và trọng tình. Ngày nay lối sống vô cảm chỉ biết mình, lối sống xuê xoa vô trách nhiệm dẫn đến hành động ngu ngốc và lấy hung hăng làm đầu- đã thật sự tàn phá xã hội. Làm cho ai cũng chán ngán.
Ngay trong vụ án bệnh nhân giờ này chưa tìm được xác, vẫn có đốm sáng, ấm áp. Đó là Tuấn, một thanh niên 23 tuổi nom sáng sủa, người đã phát hiện ra chiếc xe máy của chị Huyền, gọi hai người bạn đến hiện trường để hiệp đồng tác chiến, góp phần đưa vụ việc sớm ra ánh sáng. Người này ngoài sự tận tâm thì lại có kỹ năng xử lý tình huống quá tốt, ví dụ không đơn phương hành động (dễ gặp tai ương, hiểu lầm).
Cùng thời gian này, khắp nơi người ta hướng về miền Trung, lo cứu trợ đồng bào bão lũ. Vừa qua, đám tang lịch sử của Tướng Giáp hé mở khía cạnh tích cực trong đời sống tinh thần. Nghĩa là, điều tốt, đẹp vẫn còn, nhưng âm hưởng chung vẫn là bi quan nhiều hơn, và khó sống?
Cũng nên hy vọng ở khía cạnh tốt đẹp bất ngờ ở con người. Nhớ hồi thành phố chuẩn bị Hội nghị APEC. Công an chả mất nhiều công. Người ta tự nguyện dọn dẹp thành phố. Hỏi ông bán nước chè ngồi chỗ khuất mấy hôm đó nghỉ việc là sao ông không tiếp tục bán hàng? Ông lão bảo “Cái bọn A pếch nó đến thì cũng phải dọn mà đón chúng nó chứ. Thiệt vài ba hôm ăn thua gì. Đấy lại còn đón ông Bush Tổng thống đến từ nước Mỹ từng là kẻ thù. Phải cho nó thấy mình cũng oai chứ!”. Thành phố trật tự. Dân chúng tươi vui. Chả ai chỉ đạo cả.
Cũng như đám tang Đại tướng mà ai cũng thấy rồi. Dân lúc đó kính cẩn sang trọng. Người ta thành tâm tôn kính người anh hùng của hai cuộc chiến, từng gặp sóng gió do tị hiềm ganh ghét. Người ta tôn kính đức hy sinh của ông, sự nhường nhịn để việc lớn được hanh thông - đức tính thường có ở một nhà nho. Qua đó thấy là nhiều chuyện không cần đao to búa lớn chỉ cần khơi dậy ở con người sự tin yêu và tôn trọng.
Hành động của người thanh niên trong vụ án này cũng cho thấy thế hệ trẻ không hề thờ ơ trước nhiều việc. Nếu không có lòng tốt anh ta đã đi qua cái xe vô chủ đó. Để thấy tuổi trẻ- vì trẻ tuổi nên trong sáng vô tư- thường là tốt đẹp. Nhiều khi nhìn bọn trẻ mà thương. Sống trong môi trường ô nhiễm tinh thần, nhìn việc làm tắc trách của người lớn thì họ dễ bề hư hỏng. Có quá nhiều gương xấu, đánh mất sự áy náy của lương tâm; vô cảm, tàn bạo…
Xem những bộ phim 4,5 sao của Mỹ và châu Âu, chị có bao giờ tự hỏi vì sao cùng là con người nhưng sự tôn trọng con người, sự tự trọng ở mỗi nơi lại quá xa nhau?
Nói đến phim ảnh lại cũng muốn nhắc tác hại của nó. Không thể phủ nhận việc phim ảnh khuếch trương bạo lực trên khắp hành tinh. Mà nhiều người được cái học nhanh về cái xấu cái ác. Học nhanh và thực hành giỏi. Khía cạnh nhân văn của phim ảnh thì chỉ thấy lờ mờ. Bảo sao phim 5 sao thường bán vé chậm, chiếu vài hôm là phải dẹp. Không thích xem thì cũng chả rung động gì ở tính lãng mạn, cái tốt đẹp của nó.
Thực ra phim 5 sao của họ không mấy xa thực tế. Nhiều nơi trên trái đất này con người vẫn giữ được lòng tốt, mở rộng vòng tay với nhau, có trách nhiệm về việc làm của mình, nghĩ đến cái lớn lao, xót thương đồng loại… Theo thiển ý của tôi, không phải do họ ở chủng tộc cao cấp. Nhiều nơi cũng trải qua chiến tranh tàn khốc, thiên tai khắc nghiệt, cuộc sống giông bão nhưng họ vẫn tốt đẹp vì họ được hưởng một nền giáo dục tốt, sống trong xã hội có luật lệ, có nhiều tấm gương tốt, đạo đức…
Nói xa lại nghĩ đến gần mà lo!
Dương Phương Vinh / TPO