VĨNH BIỆT GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN PHAN TRỌNG LUẬN!
Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Trọng Luận đã ra đi ở tuổi 87.
Xin chia buồn cùng gia đình. Cầu chúc cho anh linh của giáo sư siêu thoát miền cực lac!
Vũ Nho trân trọng giới thiệu một bài viết của Giáo sư như một nén nhang tưởng nhớ!
Một khoảng trời yên tĩnh
60 năm Khoa Văn trường Đai học sư phạm Hà Nội
GS - NGND Phan Trọng Luận
Theo chiến lựơc đào tạo của Trung ương, ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp còn ác liệt, trường Đự bi đại học tiền thân của trường Sư phạm cao cấp nay là Đại học sư phạm Hà Nội, đã được thành lập ở Liên khu IV. Hội đồng giáo sư là những tên tuối sáng danh của nuớc nhà gồm Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc và các nhà chính trị có tên tuổi Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Danh Hoàn… Sinh viên được tuyển chọn từ nhiều nguồn. Có anh đã là huỵện uỷ viên, là giáo viên, có anh từ vùng địch hậu về. Một số từ khu V, từ Bình Trị Thiên. Số khá đông trẻ trung là học sinh đã tốt nghiệp chuyên khoa hay phổ thông 9 năm (Tương đương lớp 12 bây giờ). Lớp học là các đình làng. Chỉ học về đêm. Bàn ghế không có. Mỗi ngưòi tự túc một bàn xếp nhỏ kê duới đất. Ánh sáng chỉ là những ngọn đèn dầu cá nhân tự tạo bằng các ống penxilin. Ở nhờ nhà dân. Tắm rửa ở ao hồ. Bữa cơm hàng ngày chỉ có rau luộc. Nước chấm là nước luộc rau pha tí muối. Giáo trình không có. Sách tham khảo cũng không. Chỉ học theo bài giảng của các giáo sư. Còn nhớ như in một đêm gs Đào Duy Anh giảng về lịch sử Việt Nam. Thầy không dùng đèn, nhường cho sinh viên. Thầy ngồi nói suốt 4 tiếng đồng hồ làm sống dậy bao nhiêu con số, bao nhiêu sự kiện trong suốt mấy thế kỉ . Thầy Giàu đạp xe từ Thanh Hoá vào. Thầy giảng liên tục có khi cả tuần say sưa cuốn hút lớp trẻ chúng tôi vào thế giới triết học tưởng đâu là hàn lâm xa cách nhưng vô cùng thiết thực sinh động .Thầy Tửu hùng biện khúc chiết, là cuốn từ điển sống về văn học Việt Nam. Thầy Tường nguời Việt Nam đầu tiên đoạt hai bằng tiến sĩ luật khoa và văn chuơng, ăn mặc bao giờ cũng lịch sự theo phong cách phương Tây. Kiến thức văn hoá giáo dục Hi - La và Châu Âu ở thầy thật mênh mông. Thầy Cao Xuân Huy sâu sắc, trầm tĩnh, ít nói. Những câu hỏi cuả thầy hình như luôn quá tầm lớp trẻ chúng tôi hồi bấy giờ... Từ cái nôi đào tạo đặc biệt thiếu thốn nhưng bù lại là cơ may lịch sử được thụ giáo các bậc sư biểu sáng danh như thế, hầu hết chúng tôi ra truờng mỗi nguời một phương, có vài người chuyển sang ngành nghề khác nhưng tất cả đã không phụ lòng các thầy. Hầu hết các thầy nay đã về cõi tiên. Lớp sinh viên đầu tiên chúng tôi năm ấy nhiều nguời nay cũng đã ra đi ... Số còn sống vẫn làm việc tuy đã vào tuổi “cổ lai hi”. Tất cả đều xứng đáng là lớp sinh viên sư phạm đầu tiên của nuớc nhà. Nhiều anh chị đã góp phần sáng danh Khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội. Trần Đình Hượu một học giả có tên tuổi. Nguyễn Đức Đàn nhà quản lí và nhà nghiên cứu có uy tín, Trần Thanh Đạm giáo sư nhà giáo nhân dân nguyên hiệu truởng Đại học sư phạm t/p Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Hoàn nguyên viện phó Viện văn học, Trọng Bằng GS NSND nguyên viện truởng Viện âm nhạc VN vẫn tự hào là sinh viên sư phạm khoá đầu tiên, GS Đặng Thanh Lê là một nữ trí thức tiêu biểu, chuyên gia Văn học trung đại, chủ nhiệm bộ môn nhiều năm, từng tham gia Hội đồng nhân dân thủ đô, Nguyễn Xuân Nam gs lí luận văn học sớm có bài viết từ năm 60 của thế kỉ truớc…
Năm 1953 ra trường các giáo viên trẻ đuợc phân công chủ yếu về cảc truờng cấp 3; Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) Lê Hồng phong (Nam Định) Hàn Thuyên (Bắc Ninh) Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) Hùng Vuơng (Phú Thọ)... Có nguời vào vùng địch hậu có nguời lên tận Sơn La Yên Bái… Riêng nhóm chúng tôi được cử sang Khu Học xá Trung uơng gồm có Trần Thanh Đạm, Phan Sĩ Tấn, Nguyễn Văn Hoàn, Đặng Thanh Lê (Lê - Hoàn sau ở lại Việt Bắc) Nguyễn Mai (đã mất ) và tôi. Chúng tôi cuốc bộ hơn một tháng trời lên Việt Bắc nhận quyết định. Mỗi nguời một bao tượng gạo và một ống tre đựng thịt mặn làm lương thực đi đuờng. Ngày đi đến đâu tiện thì vào nhà đồng bào nấu nhờ cơm ăn rồi lại lên đường. Tối đến nghỉ ở trạm giao liên nếu không thì vào ngủ nhờ nhà dân... Ròng rã hơn một tháng trời mới đến An toàn khu. Lần đầu tiên đến Bộ giáo dục. Đích thân Bộ truởng (bấy giờ là gs Nguyễn Văn Huyên ) tiếp anh chị em chúng tôi. Tôi còn nhớ câu nói của Bộ truởng khi bắt tay: "Các đồng chí là những giáo viên cấp 3 đầu tiên của nuớc Việt nam dân chủ cộng hoà". 20 tuổi đời được vinh danh như thế thật sung suớng tự hào biết bao nhiêu. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành đầu tiên trong cuộc đời từ một sinh viên hồn nhiên tươi trẻ có phần ngây thơ nữa sang một công chức, một cán bộ, một thầy giáo của chế độ cách mạng.Tôi cảm thấy trong mình đã có cái gì đó đổi khác, rất thiêng liêng: mình đang bước vào một cuộc đời khác hẳn. Sau cuộc tiếp kiến, Bộ truởng hỏi chúng tôi đi đường vất vả có khó khăn gì không. Anh chị em khẽ nhắc tôi thưa với Bộ truởng là anh chị em đi đường hết sạch tiền. Tức khắc Bộ truởng quay sang bảo đồng chí cán bộ cùng dự: "Cấp cho mỗi đồng chí 20 vạn (Tiền tài chính hồi bấy giờ ). Thế là lần đầu tiên, chúng tôi chính thức được lĩnh tiền không phải của bố mẹ mà là của Nhà nuớc, của Chính phủ. Cầm số tiền tự thấy mình đã lớn lên và cũng cảm nhận cài tình ấm áp của cuộc đời đang trao cho mình mà ông Bộ truởng là ngừời đại diện. Bộ truởng hồi bấy giờ giản dị và gần gũi lắm. Giáo viên cấp 3 cả nước chưa có bao nhiêu còn ít hơn cả giáo sư ngày nay nhiều... Đó là những ấn tuợng vui danh giá và có thể nói là sang trọng của những ngày đầu buớc vào nghề.
Sau đó là bữa cơm cũng đặc biêt trong đời... Bữa cơm đầu tiên ở chiến khu. Thức ăn là măng luộc chấm với muối vừng. Bát ăn cơm là khúc bương. Lần đầu tiên trong đời mới hiểu thế nào là kham khổ của đời cán bộ kháng chiến. Có lẽ đó cũng là một tín hiệu cho bọn trẻ chúng tôi mới bước chân vào nghề rằng con đuờng truớc mắt sẽ phải trải qua nhiều gian khổ. Cảm xúc vinh quang và hãnh diện vừa chợt đến thì kèm theo là linh cảm về con đuờng gian truân đang chờ đợi chúng tôi. Sau non 60 năm dấn thân vào con đuờng nghề nghiệp, tôi ngày càng thấm thía sao mà những cảm xúc và những ấn tuợng ban đầu từ khi mới buớc chân vào nghề lại linh nghiệm đến thế . Vinh quang đẹp đẽ về tinh thần nhưng gian khổ, đạm bạc gần trọn một đời .
Về dạy ở đại học Sư phạm Hà Nội thời chống Mĩ, tôi còn nhớ những cực nhọc thiếu thốn cả miếng ăn hàng ngày. Bữa ăn chỉ có nắm mì luộc và một ít cơm. Tôi nhớ có lần anh Nguyễn Đức Nam, con ngưòi tài hoa phong nhã mới ở Liên xô về, anh Trương Chính, nhà nghiên cúu phê bình nổi tiếng và tôi đứng chờ bà D chia cơm cho tập thể xong để xin một miếng cháy. Chấm thi tốt nghiệp cho năm thứ tư, anh em rang ít ngô để bồi duỡng. Đang chấm bài thì báo động có máy bay địch. Tôi và anh Nam mỗi nguời vốc một nắm ngô rang xuống hầm. Chị Lê kể Anh Hoàng Dung (Bí thư liên chi đảng Khoa Văn ) ốm, anh em đến thăm. Anh Dung nói có ốm gì đâu bây giờ có một bát phở là mình lành ngay. Kể dông dài một chút để thấy điều tôi linh cảm trong buổi đầu vào nghề đã thành sự thật. Có những chuyện thật 100% bây giờ kể lại nghe như cổ tích. Nhưng điều quan trọng tôi muốn nói là giờ đây, nhìn lại những buớc đuờng non 60 năm đã qua, chúng tôi vẫn nuôi duỡng ấp iu ấn tuợng đẹp đẽ ban đầu về nghề nghiệp và càng ngày càng yêu quí Khoa Văn và truờng Đại học sư phạm Hà Nội nơi đã giúp chúng tôi truởng thành. Trong đời dạy học của tôi, Khoa Văn Đại học sư phạm là nơi tôi gắn bó nhất... Thế là tôi đã gắn bó với Khoa từ thời sinh viên trai trẻ cho đến cả những ngày nghỉ chế độ. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn làm việc ở trường, chưa có cảm giác là mình đã về hưu. Các thầy giáo, các bậc sư biểu của tôi như thầy Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Lương Ngọc... đã cho chúng tôi tri thức và đạo làm nguời. Các vị lãnh đạo nhà trường như thầy Nguyễn Lương Ngọc đạo cao đức trọng là tấm gương mẫu mực. Các anh Duơng Trọng Bái, Phạm Quí Tư, chị Trần Thị Thục Nga... mỗi nguời một tính cách nhưng đều để lại những dấu ấn tốt đẹp cho cán bộ chúng tôi. Tôi còn nhớ một hôm gió mùa Đông Bắc rất mạnh, trời rất rét. Tôi thấy anh Pham Qúi Tư vẫn đạp xe ra Bộ họp. Tôi hỏi anh sao không lấy ôtô truờng mà đi? Anh bảo: "Tôi đi xe đạp đựợc". Dĩ nhiên hồi bấy giờ hoàn cảnh có khác nhưng xe cho thủ truởng không phải không sẵn. Anh Tư luôn giữ gìn. Chuyện nhỏ nhưng làm tôi suy nghĩ. Chủ nhiệm Khoa Lê Tri Viễn nguời thầy vừa là nguời anh nghiêm khắc nhưng nhân hậu trong việc quản lí cán bộ. Tôi được học với thầy Lê Trí Viễn những năm 50 ở lớp chuyên khoa. Thầy giảng bài văn tế Truơng Quỳnh Như trong một lớp học bình dân học vụ với mấy cậu học trò trên đồi cọ đầy sên vắt ở chợ Bộng nơi trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng sơ tán về đó. Tôi cũng đã đọc thơ văn nhưng đến giờ giảng văn của thầy, tôi mới hiểu ra thế nào là cái kì diệu của văn chương và sức ấp dẫn của thầy giáo dạy văn. Thầy đọc, thầy ngâm, thấy rơi lệ, thầy sống say đắm với từng câu văn và con nguời trong nỗi đau mất mát. Hình như những ấn tuợng ban đầu đó đã khơi dậy trong tôi lòng yêu nghề giảng dạy văn chương... Các bậc đàn anh như Huỳnh Lí, Đái Xuân Ninh, Nguyễn Trác, mỗi nguời một vẻ đều là tấm gương về phong cách sống của một trí thức, một nhà mô phạm. Anh Huỳnh Lí không phân biệt tuổi tác trong quan hệ. Gần anh bao giờ cũng được nghe anh kể bao chuyện văn chương nhất là chuyện đời rất dí dỏm, rất ý vị. Có những đêm sơ tán, anh kể chuyện vui cuời như pháo nổ. Anh Đái Xuân Ninh nổi tiếng là chăm chỉ đọc sách. Ngồi nhà chỉ biết đọc. Chị Thêm vợ anh kể là quá trưa vợ con chưa về anh cũng ngồi đọc. Nguyễn Trác là bậc đàn anh tài hoa hiền hậu, khiêm tốn, nói năng nhỏ nhẹ. Nhớ năm 1957, tôi cùng dạy Phổ thông 3 (Truờng Việt Đức ngày nay). Tôi nghe học trò kháo nhau là thầy Trác giảng bài văn nào cũng hay cũng hấp dẫn. Có hôm nói với anh cho tôi mượn giáo án của anh để học tập. Anh từ chối mãi, bảo không có gì đâu. Cuối cùng nể tôi, anh cho mượn 5-6 giáo án của anh viết gọn trong một tờ giấy giang (giấy thô ngày xưa). Tôi đọc thấy sao súc tích gãy gọn nhẹ nhàng mà sâu sắc hấp dẫn thế. Còn tôi trưóc đó soạn bài Tuyên ngôn độc lập dài đến 15 trang giấy khổ to. Tôi mới vỡ ra thế nào là soạn giáo án. Tôi trao đổi với anh, anh mỉm cườ, tủm tỉm, rất hiền hậu. Nụ cuời không bao giờ quên được. Anh Trương Chính từng viết Duới mắt tôi ở tuổi 20 là tấm gương cần mẫn nghiên cứu cả một đời.Tôi ở Phan Đình Phùng. Anh Trương Chính ở Mạc Đĩnh Chi nhưng có môt căn phòng nhỏ ở hàng Phèn. Hàng ngày anh ra đó làm việc cần mẫn như một công chức mẫu mực. Đều đặn buổi sáng khoảng 7 giờ anh đi qua, trưa 11g về nhà. Chiều 2g lại đi, 5g chiều lại về nhà. Cứ thấy anh Trương Chính đi qua là biết lúc đó mấy giờ. Anh sống và làm việc một cách nề nếp. Dạo đi sơ tán ở Yên Mĩ, anh em phải tắm giếng cứ dội nước ào ào. Anh Truơng Chính bảo bọn tôi: "Các cậu không biết tắm, dội nhiều mà không sạch .Mỗi gáo dội vào chỗ nào là phải tính. Múc ít mà vẫn đủ". Anh cần kiệm không tiêu pha. Nghĩ thương anh có đồng nhuận bút nào gửi tiết kiệm cuối cùng đổi tiền hoá ra không... Tôi đã có bài viết về anh Nguyễn Đức Nam một con người hào hoa phong nhã hiểu biết rộng, ngoại ngữ tinh thông, tấm lòng với anh em rất rộng rãi cởi mở luôn nâng đỡ cảm thông. Các anh là những tấm gương đẹp cho lớp trẻ chúng tôi...
60 năm qua, Khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội đã đào tạo cho nước nhà hàng vạn thầy giáo cô giáo dạy Văn. Đó là lực lượng thầm lặng đưa ánh sáng văn hoá vào mọi miền của đất nuớc. Hàng mấy trăm tiến sĩ và hàng ngàn thạc sĩ Ngữ văn đang là cốt cán khoa học của các truờng Đại học Cao đẳng và một số cơ quan văn hoá tư tuởng ở trung ương và địa phuơng. Khoa Văn Đại học sư phạm là khoa đàn anh của các khoa Văn trong cả nước, là nôi đào tạo cán bộ giảng viên cho cảc truờng Đại học và Cao đẳng. Trong chiến tranh, nhiều người đã hi sinh vẻ vang cho nền độc lập của dân tộc. Thế hệ học trò về sau có nhiều nguời đã làm sáng danh thêm cho Khoa như Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm,v.v…
Khoa Văn Sư phạm Hà Nội có nhiều duyên nợ với Hội nhà văn VN. Các nhà văn tên tuổi như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc… vốn là giảng viên của Khoa. Các nhà văn lớn như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Tô Hoài... đều có giao lưu với sinh viên các khoá. Khoa văn Sư phạm coi đó là mối quan hệ truyền thống quí báu giữa các nhà văn với các thầy cô giáo dạy văn, những nguời làm cầu nối đẹp đẽ giữa các tác giả với hàng triệu bạn đọc trẻ. Khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội cũng có muơi hội viên Hội Nhà văn VN và cũng đã có những đóng góp đáng kể cho phong trào chung. Nhiều giảng viên của Khoa là những cây bút quen thuộc của báo Văn nghệ, Tạp chí Văn học…
Có được thành công 60 năm qua là nhờ công sức của các bậc sư biểu hiếm có trong lịch sử, không có thầy giỏi không có trò giỏi, là nhờ nỗ lực của các lớp sinh viên một lòng tận tuỵ với sự nghiệp trồng nguời đem ngọn lửa tình yêu văn chương gieo cho các thế hệ học sinh, là nhờ Khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội là một môi trường làm việc đoàn kết nhân văn rộng mở khá thuân lợi cho sự phát triển tài năng và nhân cách người trí thức. GS- NGND Nguyễn Hải Hà từ khi ra trường năm 1957 đến khi về hưu cả một đời đã gắn bó với Khoa Văn Truờng Đại học sư phạm Hà Nội, có một câu đúc kết khá tiêu biểu “Khoa Văn là một khoảng trời yên tĩnh... Đại học sư phạm sao mà yêu mà quí. Ôi tuyệt vời Khoa Văn…”
P.T. L (Theo PGS-TS Vũ Nho - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
|