Có một cậu học trò nhỏ ở vùng Bạch Hạc, ngày ngày đi học thường được gặp một bác hàng dầu. Thấy cậu bé khôi ngô, ngoan ngoãn, bác hàng dầu rất yêu mến, thỉnh thoảng cho đồng quà tấm bánh. Đôi khi cậu bé hỏi đến chữ nghĩa, bác cũng chỉ bảo tử tế. Thậm chí có lúc bác còn dạy cho cậu những câu đối thơ.
Mỗi lần như vậy là cả thầy đồ lẫn bố mẹ cậu đều ngạc nhiên vì thấy văn chương rất suôn sẻ. Không lẽ cậu bé lại thông tuệ tài tình đến thế. Ông bố hỏi dò, và cậu con cũng thành thực kể lại đầu đuôi. Ông đâm ra kính phục bác hàng dầu hay chữ.
Nhân một ngày nhà có giỗ, ông bố sai con mời cả thầy đồ và bác hàng dầu đến uống rượu cho vui. Mâm cơm dọn ra có cả món trai, là món đặc sản. Chủ nhà liền xin thầy đồ và bác hàng dầu vịnh con trai. Thơ của thầy đồ lời lẽ cũng chỉnh. Còn thơ của bác hàng dầu như sau:
Trên sông nổi một vật gì
Không ốc, không hến, ắt thì trai.
Hạt châu ngậm, áo giáp ngoài
Miệng phun sóng dữ nào ai sánh bì
Quản gì mưa gió thị uy
Hướng đông lòng vẫn kiên trì hôm mai
Bốn phương nổi tiếng anh tài
Cò kia cô thế chỉ hoài đứng trông. (*)
Cả thầy đồ lẫn ông chủ đều bái phục bác hàng dầu. Hôm sau, ông chủ đem bài thơ ấy đến gặp một cụ đồ cao tuổi trong làng, có ý hỏi xem có nên mời bác hàng dầu ở lại dạy con mình không. Ông cụ đọc bài thơ ngẫm nghĩ hồi lâu mới nói:
- Không thể được. Cứ lấy ý tứ mà suy đoán thì người làm thơ này có chí hướng rất lớn. Ông ta cũng đang hướng về một sự nghiệp lớn lao nào đó. Không thể lấy cái gì mà cầm chân ông ta được đâu.
Ông chủ nhà thất vọng ra về, dặn con để ý dò tìm và gặng mời cho được bác hàng dầu hay chữ. Nhưng cậu bé không gặp được bác ta nữa. Mà tung tích cũng như họ tên của bác, hai bố con vẫn chưa hay.
Mấy năm sau, khi cậu bé đã lớn, ông bố cũng đã già, hai cha con mới gặp lại bác hàng dầu. Nhưng khi ấy bác ta không còn gánh hàng dầu trên vai nữa. Đứng trước mặt hai bố con ông lão là một võ tướng uy nghi, đang chỉ huy một đội quân trên đường đánh giặc Minh, giữa lúc phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đang phát triển. Hỏi dò quan lính ông cụ mới biết vị tướng ấy- bác hàng dầu ngày xưa- chính là Trần Nguyên Hãn, dòng dõi của Băng Hồ tướng công. Và cái việc đi bán dầu của ông ta, chỉ là cải trang, thay hình đổi dạng, cho tiện việc tìm bạn đồng tâm, chọn người chân chính mà cứu nước diệt thù. Cụ đồ cao niên trong làng đã nói rất đúng, cụ xem văn mà biết người, đã đoán ra chí hướng anh hùng qua những câu thơ “ngôn chí” của Trần Nguyên Hãn.
(Theo Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng Giai thoại VN)
(*) Bài thơ nguyên văn chữ Hán, có nhiều tài liệu chép là của tác giả Phùng Khắc Khoan.
Theo Quehuongonline