Tại Yakutsk vừa diễn ra Liên hoan thơ quốc tế “Ân sủng mùa tuyết lớn" lần thứ hai với sự tham gia của các nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học từ các khu vực khác nhau của Liên bang Nga và nước ngoài. Trong số đó có hai đại diện của Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi, và nhà thơ Trần Hùng từ tỉnh Cao Bằng.
Thành phố Yakutsk là thủ đô của nước Cộng hòa Sakha (tức Yakutia), khu vực rộng lớn nhất Liên bang Nga. Về diện tích, Yakutia lớn gấp 5 lần nước Pháp, trong lòng đất của vùng lãnh thổ này ẩn giấu nhiều tài nguyên khổng lồ. Và kho tài nguyên giàu có ấy được điều kiện khí hậu nơi đây bảo vệ một cách chắc chắn, bởi Yakutsk là một trong những thành phố lạnh nhất hành tinh chúng ta. Mùa đông ở đây bắt đầu từ tháng Mười, kéo dài cho đến tháng Năm và giá rét nhiều khi xuống dưới -50 độ C.
Đến thành phố lạnh giá này quả là một thách thức đặc biệt đối với các nhà thơ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thiều cho biết. Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ ấm áp tình người với các nhà thơ quốc tế, sự chào đón nồng nhiệt của chủ nhà, vẻ đẹp của thiên nhiên Yakutia, bản sắc độc đáo trong nghệ thuật địa phương khiến các đại diện của đất nước nhiệt đới hoàn toàn quên đi sự khắc nghiệt của khí hậu Yakutia.
Các thành viên tham gia Liên hoan thơ nhất định phải đọc một bài thơ về tuyết. Nguyễn Quang Thiều đọc bài thơ mà ông đã viết tại Mỹ, khi ông thấy tuyết lần đầu tiên trong đời. Đối với nhà thơ Việt Nam, cảnh tượng đó quả là một phép lạ thực sự. Tuyết đổ xuống bao phủ mặt đất, thanh tẩy thế giới của chúng ta, làm cho nó tốt đẹp hơn, trong trẻo hơn, mang lại sự hài hòa và thanh bình. Nguyễn Quang Thiều nói rằng khi trở về Việt Nam, chắc chắn ông sẽ viết một bài thơ tuyệt vời về vùng đất tuyết trắng Yakutia.
Tổ chức một lễ hội riêng về tuyết quả là quyết định thật thú vị và độc đáo, nhà thơ Trần Hùng cho biết. Nhưng đối với thiên nhiên Yakutia thì đó lại là điều rất đỗi tự nhiên. Tuyết là một phần rất quan trọng trong đời sống của người dân Yakutia, tuyết mang lại cho họ sức mạnh và năng lượng. Nhà thơ Cao Bằng đã viết một bài thơ về tuyết.
Một trong những ấn tượng sống động nhất của Liên hoan là những đêm thơ, khi các thi sỹ Việt Nam đọc thơ bằng tiếng Việt và các nghệ sĩ Yakutia đọc bản dịch tiếng Nga. Rất thú vị để xem cách người dân Yakutsk tiếp nhận tính nhạc trong thơ Việt Nam như thế nào. Tại Liên hoan thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã đọc thi phẩm “Bài hát về cố hương” mà ông đã nhận là bản tuyên ngôn của đời mình.
Trong năm 2012, Việt Nam đã tổ chức Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất, với sự tham gia của các nhà thơ từ hơn 30 quốc gia. Trong số khách mời có nữ nhà thơ nhân dân Yakutia Natalia Harlampeva, chủ tịch Hội nhà văn Yakutia. Bà đã mời các đồng nghiệp Việt Nam đến Yakutia dự Liên hoan thơ quốc tế "Ân sủng mùa tuyết lớn." Trong năm 2015, Việt Nam sẽ tổ chức Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai và mời các nhà thơ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà thơ Cộng hòa Xakha nhất định có tên số những vị khách mời. Còn các nhà thơ Việt Nam thì có nguyện vọng lần nữa đến với người yêu thơ Yakutia, kể cả trong mùa tuyết buốt lạnh, để tìm hiểu cuộc sống của người dân ở vùng đất khắc nghiệt và xinh đẹp ấy
Theo "tiếng nói nước Nga"