Vợ chồng nông dân, chị bị suy thận 15 năm nay, 3 đứa con ăn học, hai vợ chồng quần quật làm ruộng, chăn nuôi để chèo chống lo cho các con. Nhưng chỉ trong một đêm, cơn lũ dữ đã cướp của vợ chồng chị tất cả: 10 con lợn, 25 con gà bị trôi, 1,5 tấn lúa bị ướt người không ăn được nữa, đồ đạc trong nhà cũng bị mất mát, hư hại nhiều. Hai vợ chồng cụ Nguyễn Bá Tám, Lê Thị Mơn cùng tuổi 80, nuôi hai đứa cháu dại cũng bị lũ cuốn trôi mất hai con lợn, 47 con gà cùng nhiều thóc gạo, đồ đạc. Nước dâng gần ngập mái nhà, hai cụ bị mắc kẹt, may có thuyền của UBND xã cứu ra nơi an toàn. Chị Nguyễn Thị Loan bốc nắm lúa đang phơi lên, chua chát: “Mọc mộng hết rồi chú ạ. Nhà tôi bị trôi mất 2 con lợn, 30 con gà, 1 tạ cám con cò, 3 tạ lúa; 1,5 tấn lúa bị ướt, nay phơi lại chỉ để làm thức ăn gia súc”. Hai vợ chồng nông dân, thuộc hộ cận nghèo, gia sản vợ chồng chị Loan bị cơn lũ xoá sổ. Hai con gái của anh chị, một đứa học lớp 6, một đứa học lớp 4 đang loay hoay phơi lại đống sách vở đã bị ngâm nước. Xóm 19 có 200 hộ bị ngập lụt, ước tính thiệt hại từ 25-30 triệu đồng/hộ. Ông Nguyễn Xuân Trạch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Vinh cho biết toàn xã có 1.633 hộ/3.300 hộ bị thiệt hại do trận xả đập Vực Mấu vừa qua. Quỳnh Vinh là xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn (xã có đến 314 hộ nghèo) nên thiệt hại do lũ gây ra rất lớn.
Phường Quỳnh Thiện cũng bị thiệt hại rất lớn, có 1.600 hộ bị thiệt hại, ước tính hàng trăm tỉ đồng. Chị Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1978, trú tại khối Nam Mỹ, sau khi đưa được con lên vùng cao, quay lại nhà thì bị nước cuốn trôi, người chồng cũng suýt bị chết đuối. Bà Nguyễn Thị Lý (khối 5) toàn bộ gia súc, hoa màu mất trắng, gồm 180 con vịt, 30 con ngan, 800 kg cá, 3 con lợn, 50 con gà bị trôi, 1 tấn thóc bị ướt. Quỳnh Thiện là phường trung tâm của thị xã Hoàng Mai nhưng hầu hết người dân sống bám vào đồng ruộng, mấy năm nay do làm đường tránh thị xã, đồng bị ngập nên chỉ cấy được một vụ. Ngày nông nhàn bà con bắt cua, ốc, hái ngó sen, buôn bán vặt. Nay lúa gạo, gia súc gia cầm bị mất sạch, cây rau trong vườn cũng chết, nhiều hộ đang đối mặt với thiếu đói.
Việc học hành của con em cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các em phải nghỉ học 1 tuần lễ. Do lũ đến quá nhanh, hàng nghìn học sinh bị nước cuốn trôi sách vở, hoặc làm hỏng; nhiều gia đình đã khánh kiệt không còn khả năng đóng học phí cho con. Anh Lê Danh Trọng, xóm 19 Quỳnh Vinh có con cả học tại trường THPT Hoàng Mai đầu năm phải đóng gần 1,4 triệu đồng, cháu thứ hai học trường THCS Quỳnh Vinh phải đóng 550 nghìn đồng. Nay tài sản trong nhà anh đã bị cuốn theo nước lũ, tiền học cho con cũng không biết nhìn vào đâu. Hoàng Mai có 18 trường bị ngập (trong đó 04 trường bị ngập nặng), 20 phòng học bị tốc mái, 01 phòng học bị sập, bàn ghế bị trôi, hỏng, sách vở, tài liệu, thiết bị, đồ chơi bị ngâm nước hoặc bị nước cuốn trôi, phá hỏng. Vào sáng 6/10, khi chúng tôi đến, sân trường THPT Hoàng Mai vẫn ngổn ngang bàn ghế, sách vở, tài liệu phơi nắng; một đống sách báo cũ ngâm nước chất đống tại hành lang, sân vận động trường cây đổ ngổn ngang, đọng một lớp bùn đỏ. Trong lúc khẩn cấp, nhà ai lo nhà nấy, may cứu được người, nên tài sản tập thể không thể lo được. Ngay cả tài liệu của công an phường Quỳnh Thiện cũng không sơ tán kịp, bị ngâm nước khá nhiều.
Theo thông tin từ UBND TX Hoàng Mai, trong trận lũ lụt vừa qua, có hai người chết, 1 người mất tích, 2 người bị rắn cắn phải nhập viện;10/10 phường, xã bị ngập lụt; trong đó có 6/10 phường, xã ngập nặng (Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Mai Hùng, Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân). 15.000 hộ dân, trong đó khoảng 8.000 hộ dân bị ngập sâu, cô lập; mất trắng 350 ha lúa mùa, 953 ha rau màu, 370 ha nuôi trồng thủy sản; trôi 182 con trâu bò, 2.169 con lợn, 270 hươu, 71.431 gia cầm; hư hỏng 3.450 tấn lúa, 500 nghìn lít nước mắm, 750 tấn mực, cá, 195 tấn thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm. Lũ làmtuyến đê biển và tuyến đê sông Hoàng Mai của xã Quỳnh Dị, tuyến đê ngăn mặn sông Mơ xã Quỳnh Liên bị vỡ, nhiều tuyến đường, cầu cống bị sạt lở, nhiều công trình văn hoá bị hư hại. Tổng giá trị thiệt hại hơn 835 tỷ đồng.
Đi dọc các con đường của bất cứ phường xã nào cũng gặp cảnh xơ xác, tiêu điều. Các loại rác thải, đồ hư hỏng vứt bừa bãi, nhiều nơi mùi súc vật chết bốc lên nồng nặc.Bà con tranh thủ ngày nắng phơi phong thóc lúa, đồ đạc, sách vở, dọn vệ sinh nhà cửa, đường sá. Những mẻ lúa đã mọc mầm, những mẻ lạc đen sì báo hiệu những ngày thiếu đói. Nhiều người vẫn bàng hoàng vì sức tàn phá của cơn lũ. Nhiều người dân Quỳnh Thiện, Quỳnh Vinh cho biết không được xóm, xã thông báo về việc xả lũ, nước lại dâng vào ban đêm và lên rất nhanh, nên không kịp sơ tán đồ đạc, may mà thoát được người. Ông Trần Tình, xóm 19 Quỳnh Vinh nói: “Từ xưa đến nay chưa khi nào có lụt to, nên người dân chủ quan. Đúng ra chính quyền phải báo động mới đúng. Còn thông báo kiểu được chăng hay chớ, ai nghe được thì nghe, không nghe được thì thôi nên dân không biết đường sơ tán tài sản”.
Lũ qua, đọng lại tình người. Khi chúng tôi đến, bà con xóm 19-20 xã Quỳnh Vinh đang râm ran rủ nhau đi nhận gạo cứu đói của một nhà hảo tâm, anh Lê Sỹ Hùng, doanh nhân tại Gia Lai. Là người quê Quỳnh Vinh, nghe tin bà con bị nạn lụt, anh Hùng đã về quê hỗ trợ hai thôn 19 và 20 mỗi thôn 2 tấn gạo. Tại UBND xã Quỳnh Thiện cũng đang tổ chức phát gạo, tiền của các doanh nghiệp cho bà con. Ngày chủ nhật nhưng UBND TX Hoàng Mai vẫn làm việc, tiếp đón, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đến cứu trợ bà con. Đến trưa ngày 6/10, đã có 104 tổ chức, cá nhân hỗ trợ thông qua UBND TX Hoàng Mai với tiền và hiện vật trị giá hơn 4,6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, với phương châm “lá lành đùm lá rách”, trong mỗi địa phương, cụm dân cư, những gia đình có điều kiện khá hơn đã chia sẻ với bà con chòm xóm cân gạo, chiếc áo, giúp đỡ những người già cả, neo đơn dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Ông Phan Đức Điểm, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Thiện nói: “Các tổ chức đoàn thể, các lực lượng của phường được huy động tối đa để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước mắt, chúng tôi phải lo cho các gia đình khó khăn không bị thiếu ăn, các em học sinh được đến trường. Khó khăn của địa phương rất lớn, những chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua”./.
Theo tạp chí Văn hoá Nghệ An