Nhà thơ “Bếp lửa” Bằng Việt từng nhận được hàng chục giải thưởng văn chương uy tín trong và ngoài nước. Song mới đây, trên khắp các trang mạng của văn giới lại tưng bừng bởi sự kiện nhà thơ Bằng Việt là một trong mười người được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô Ưu tú” năm 2013 vì có đóng góp nhiều công trình khoa học về văn học nghệ thuật cho Thủ đô.
Lễ vinh danh hết sức đặc biệt trên sẽ được tổ chức vào ngày 10/10/2013 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội.
Nhà thơ Bằng Việt nguyên là sinh viên khoa luật Đại học tổng hợp Kiev, từng làm việc ở một viện nghiên cứu pháp lý và sau này trong hàng chục năm trời là một ông nghị nghiêm ngắn khi bàn về pháp chế, dân sinh (ông từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội từ năm 1991 - 2000). Bằng Việt là một người đa tài, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu luật, dịch thuật, biên soạn chân dung nghệ sĩ nước ngoài, biên soạn từ điển về văn học - nghệ thuật, chủ biên nhiều tuyển tập văn học, sách biên khảo có giá trị.
Mười ba tuổi đã làm thơ tình
Nhà thơ Bằng Việt làm thơ từ khi lên 13 tuổi, cái tuổi bấy giờ ăn chưa no, lo chưa tới, tối ngủ có khi vẫn còn sờ tý mẹ, thế nhưng vẫn ồ ạt những vần thơ tình không gửi được giấu kín trong những cuốn sổ tay chi chít nét mực tím học trò. Chàng trai tuổi hoa niên vụng dại những câu thơ tán tỉnh, khờ khạo thủa đó, cho đến sau này khi đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất, có tác phẩm trong sách giáo khoa, ông vẫn bồi hồi, xúc động kể lại những rụt rè và rung động đầu đời.
Bằng Việt đã in chín tập thơ, một tập thơ dịch. Những tác phẩm nổi tiếng một thời như: Hương cây – bếp lửa (1968 – in chung với Lưu Quang Vũ); Những gương mặt – những khoảng trời (1973);Khoảng cách giữa lời (1984); Phía nửa mặt trăng chìm (1995); Nheo mắt nhìn thế giới (2008)… Thơ Bằng Việt đã được dịch in ở Nga, ở Pháp, ở Đức và nhiều nước khác. Năm 2010, Bằng Việt ra mắt tập thơ thứ 10: Bằng Việt – Tác phẩm chọn lọc đánh dấu chặng đường 50 năm cầm bút của mình. Đây là tập thơ dày dặn được tinh tuyển từ chín tập thơ đã xuất bản trước đó và 38 bài thơ dịch của nhiều nhà thơ lớn trên thế giới như Pushkin (Nga), Tagore (Ấn độ), Rilke (Áo), Apollinaire (Pháp), R.Frost (Mỹ), Takuboku (Nhật), N.Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ), B.Dimitrova (Bungari)…
Dường như với ông thơ ca là tất cả, lẫm liệt vô đối, xuyên thấm không gì sánh được. Bài thơ ông viết năm 1967 khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đã bước vào giai đoạn khốc liệt đã được nhiều người nhớ và thuộc lòng. Khi đó cầu Long Biên bị phá hai nhịp, kho xăng dầu Đức Giang bị cháy lớn, nhiều khu dân cư bị đánh sập. Giặc tuyên bố là sẽ ném bom hủy diệt để miền Bắc Việt Nam phải trở về thời kỳ đồ đá. Bằng Việt đã viết những dòng trữ tình, như một lời đáp trả giản dị, bình thản, thấm đẫm tâm hồn lành ngọt của những người sống trong cuộc trước những lời tuyên bố ngạo mạn đó: “Hoa mưa nở từng bông trên mái tóc/ Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất/ Nhưng thủy chung như một sắc mai già/ Đôi mắt mở to dịu dàng thấm mát/ Sau rất nhiều gian khổ đi qua”(Tình yêu và báo động).
“Không trách cơ chế hạn hẹp thời ấy”
Một số tác phẩm của nhà thơ Bằng Việt
Bằng Việt là người khá “mặn” với những vòng nguyệt quế giải thưởng chính quy - tinh nhuệ mà nàng thơ yêu kiều mang lại. Công bố bài thơ đầu tiên vào năm 1961, thế nhưng ít năm sau ông đã đoạt giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1968). Tiếp đó là các giải thưởng về dịch thuật văn học quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa bình (Liên Xô) trao tặng năm 1982, giải thưởng nhà nước đợt I về văn học – nghệ thuật năm 2001, giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam (2002), giải thưởng văn học Asean năm 2003 cho tập thơ Ném câu thơ vào gió. “Lộc” thơ với ông kể cũng dồi dào, là món quà vô giá ghi nhận cho những sáng tạo bền bỉ mang vẻ đẹp ngôn ngữ bất tận khi đã tận hiến hết mình, miệt mài cho thi giới của Bằng Việt.
Gần đây khi đọc cuốn Tâm (NXB Hội Nhà văn & Trung tâm VHNN Đông Tây, 2013) của thi sỹ Marina Ivanovna Tsvetaeva (tác phẩm của bà đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải năm nay dưới bản dịch của PGS Phạm Vĩnh Cư), tôi lại da diết nhớ đến những câu thần diệu mà Bằng Việt từ trước đó đã dịch của Marina Ivanovna Tsvetaeva - người được đánh giá là nhà thơ hay nhất thế kỷ 20 của Nga:“Hôn trán anh đi, để xoá những buồn lo/ Tôi hôn anh lên trán!/ Hôn mắt anh đi, để thoát cơn mất ngủ/ Tôi hôn anh vào mắt!/ Hôn môi anh đi, để qua khỏi ngày khô khát/ Tôi hôn môi anh và thấp thỏm đợi chờ!/ Không thấy gì cả ư? Em hôn lại một lần đi/ Tôi vâng lời anh và mất luôn trí nhớ!”(Hôn). Chẳng phải thế mà trong “giải thành tựu trọn đời” của Hội Nhà văn Hà Nội (2005) cho Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, đã dành cho Bằng Việt những đánh giá chân xác: "Nhiều bài đã trở nên quen thuộc với các thế hệ người yêu thơ trong bốn thập kỷ qua, mang dấu ấn tâm hồn và nét sang trọng, tinh tế của người chuyển ngữ. Giải trao cho nhà thơ Bằng Việt để ghi nhận thành tựu trọn đời của một dịch giả tài hoa có nhiều đóng góp trong hoạt động giới thiệu văn chương nước ngoài".
Đôi bận được ngồi cùng nhà thơ Bằng Việt, nghe ông kể về uẩn khúc bài thơ Nghĩ lại về Pauxtôpxkyđược cả một thế hệ sinh viên yêu mến chép tay và lưu truyền rộng rãi, trong khi đó tác giả của nó ít ai biết đã để “lưu cữu” trong sổ tay hàng chục năm trời mà không in được và ông cũng không lấy đó làm lý do để trách gì “cơ chế hạn hẹp thời ấy”, Bằng Việt nhỏ nhẹ cho biết.
Đều đặn tôi vẫn thấy ông chỉnh tề với cà vạt đi về ở ngôi nhà 19 Hàng Buồm (trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội) rất đúng giờ giấc. Rồi thoáng cái, nhấp nhoáng chiều đã thấy ông ngồi uống bia đâu đó với bạn bè văn nghệ ở một ngõ nhỏ, dìu dặt nâng cốc bia còn sủi bọt một cách chăm chút, như nâng một tập thơ ai đó vừa “rình” tặng, nom Bằng Việt lúc đó hệt một quý ông – người đang giữ lửa thi đàn: Lạ lùng, mới tinh, hổn hển và đắm mê.
LÃNG MA
Nguồn: TTVH
|