Không mang trong mình sự tích ra đời được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như bánh chưng bánh giầy, bánh Trung thu có mặt trong mâm cỗ trăng rằm tự nhiên như một món quà dâng lên trời đất, ông bà tổ tiên, để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng vọng. Từ đó, nó mang trong mình đầy đủ những hàm nghĩa văn hóa của một thứ bánh đặc trưng dành riêng cho dịp Tết Trung thu của dân tộc.
Tết Trung thu tồn tại ở Việt Nam hàng nghìn năm nay, tuân theo lịch thời vụ của cư dân nông nghiệp, thuộc loại tết ngày rằm đánh dấu ngày có trăng tròn nhất trong năm. Bởi được tính là lễ Tết nên người Việt xưa rất coi trọng những thứ được dâng lên cúng tổ tiên, nếu không là của ngon vật lạ, thì cũng phải là sản phẩm đặc trưng mang trong mình tâm tư, ước vọng của những người làm nông quanh năm lam lũ, vất vả, nhọc nhằn luôn khao khát một cuộc sống thuận lợi, đủ đầy.
Bánh Trung thu có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo, riêng bánh dẻo, được làm từ bột nếp, thứ nguyên liệu sẵn có, là sản phẩm của nông nghiệp lúa nước, là tinh hoa của đất trời, là thành quả được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của người nông dân quanh năm tần tảo, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, để rồi, “ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng ” như một niềm tự hào của dân tộc.
|
Miếng bánh dẻo trắng tinh, mịn màng, như muốn giữ lại tất cả hương vị của quê hương (Ảnh minh họa: Nguồn Internet). |
Dưới đôi bàn tay khéo léo, tài tình của con người, chiếc bánh vừa thơm lại vừa dẻo, bọc nhân bên trong, tự nó đã hàm ý sự bao bọc của trời đất đối với con người, đồng thời, cũng chính là sự chở che của vòng tay mẹ đối với con cái, là sự nâng niu, trân trọng những đứa con thơ. Thứ bánh tuy giản dị, gần gũi nhưng lại mang trong nó những hàm nghĩa sâu sắc đầy tính nhân văn, như chính tính cách mềm dẻo, hiền hòa, mộc mạc của những người con đất Việt luôn hướng về những biểu tượng “ Chân - Thiện - Mỹ”.
Người Việt nặn lên chiếc bánh nướng hình vuông, bánh dẻo hình tròn, còn để thể hiện triết lí trời tròn đất vuông, triết lí của sự hoàn thiện, hàm chứa trong đó ý nghĩa cầu mong cho mọi sự sẽ hanh thông, may mắn, đồng thời, mong cho các em nhỏ sớm khôn lớn trưởng thành. Chiếc bánh Trung thu như một sản phẩm hòa quyện của vạn vật, được con người thành kính dâng lên đất trời, tổ tiên, trước là để tri ân, cảm tạ, sau là để cho con trẻ phá cỗ đêm rằm, trong những giây phút thiêng liêng, dịch chuyển đất trời, hòa cùng với tiếng trống hội, các trò chơi dân gian, trong tiết trời thu mát mẻ đã làm thỏa mãn nhu cầu thụ cảm tinh thần của một cộng đồng dân tộc, để từ đó những giá trị văn hóa được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Chiếc Bánh Trung thu trải qua bao năm tháng vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa ban đầu, vẫn là thứ quà bánh không thể thiếu được để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên mỗi dịp thu về, mang theo những điều giản dị, ý nghĩa mà ông cha đã tạo nên từ nghìn năm trước.
Theo Quang Thái (ĐCSVN)