Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc tọa đàm, ông đánh giá: “Là tập nhật ký bằng thơ, ghi chép những sự việc hàng ngày, “Nhật ký trong tù” không những là một văn kiện lịch sử vô giá về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh mà còn là một tác phẩm văn học lớn, là bức chân dung tự họa bằng thơ của người chiến sỹ cộng sản Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh. “Nhật ký trong tù” thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng, yêu nhân dân, yêu đồng loại, thương cảm đến tận cùng những cảnh đời bất hạnh. Tác phẩm thể hiện tinh thần cách mạng, ý chí gang thép của Hồ Chí Minh, là nhân cách, phong thái, nghị lực, sự tiên đoán, tính trào lộng, tính triết lý; là tinh thần tự do cao cả, thể hiện trong khí phách, cách ứng xử, lối sống của một con người mà gông cùm, song sắt nhà tù không thể trói buộc, không khóa nổi lời thơ; không ngăn được những rung động tâm hồn tinh tế trước thiên nhiên, tạo vật; là lòng nhân ái bao la đối với con người…”
Trong suốt thời gian chuẩn bị tọa đàm, ban tổ chức đã nhận được 30 tham luận bằng văn bản của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ gửi đến. Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu, LLPB, nhà thơ, được trình bày. GS. TS. Hà Minh Đức trong bài đề dẫn: “Nhật ký trong tù” tròn 70 năm đã khẳng định: “70 năm đã trôi qua, giá trị của Nhật ký trong tù vẫn bền vững, cần có những nỗ lực mới trong nghiên cứu, trong giảng dạy ở nhà trường về tác phẩm có giá trị với tầm vóc lớn nhất trong thơ ca Việt Nam thời kỳ hiện đại.” Nhà văn Hoàng Quảng Uyên, người có những bài nghiên cứu, sưu tầm công phu, sinh động và sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài Bác Hồ trân trọng đánh giá về “Nhật ký trong tù”: “70 năm ra đời một tác phẩm đỉnh cao. Dưới ánh sáng sử thi vẻ đẹp Nhật ký trong tù càng hiện lên với tầm vóc mới, giá trị mới, lung linh như viên ngọc quý, càng mài càng sáng.”… Hầu hết các ý kiến tập trung vào vấn đề nhìn nhận lại lịch sử, hoàn cảnh ra đời của tập nhật ký bằng thơ cách đây 70 năm, những giá trị nghệ thuật vượt thời gian và đặc biệt là tính cách mạng, chất “thép” trong tập thơ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN (đồng chủ trì buổi tọa đàm với đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tổng kết: “Nhật ký trong tù” là một di sản quý báu trong kho tàng văn học Việt Nam, tác phẩm này đã thỏa mãn mọi tiêu chí, mọi thước đo đòi hỏi ở một tác phẩm lớn. Đó là nội dung tư tưởng tố, nghệ thuật độc đáo và ngôn ngữ hàm súc, cô đọng. “Nhật ký trong tù” là một bộ sử thi về thế giới tâm hồn và nhân cách Hồ Chí Minh, một tấm gương sáng ngời của ý chí độc lập và tự do. Cách mạng và nhân dân luôn được đặt ở vị trí tối thượng trong tâm trí Hồ Chí Minh. Qua “Nhật ký trong tù”, chúng ta thấy được chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc thái, sự vươn tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. “Nhật ký trong tù” đã vượt qua những giới hạn về không gian, giai cấp, khuôn khổ để làm nên ý thức hệ toàn nhân loại, đó là khát vọng tự do, hòa bình và nhân ái. Dù đã 70 năm trôi qua nhưng “Nhật ký trong tù” vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự trong bối cảnh xã hội hôm nay. Tất cả những điều đó đã tạo nên giá trị trường tồn và sức sống mãnh liệt của một tác phẩm lớn…”
Theo Hội nhà văn Việt Nam