Tôi không nhớ đã đọc “Nhật ký trong tù” tự bao giờ nữa. Chỉ biết mình đã đọc từ khi còn rất ít tuổi và bây giờ đọc lại, mới thấy tinh thần của những bài thơ trong “Nhật ký trong tù” vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của mình.
Những câu chép ở ngoài bìa: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần phải càng cao” luôn là một bài học lớn về mặt ý chí của một người tù tự do.
Những câu mở đầu: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm sao đây?/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”, cho thấy việc làm thơ của Hồ Chí Minh chỉ là để sử dụng khoảng thời gian bỏ phí vào một việc hữu ích cho mình (hoặc cho rất nhiều người khác) của một nhân vật lớn. Hay nói một cách khác: Bằng việc làm thơ, Hồ Chí Minh đã sử dụng quyền tự do của Người vào một việc hữu ích.
Những bài thơ chữ Hán và Truyện Kiều của Nguyễn Du, đọc ở mỗi tuổi mỗi khác. Những câu (đại ý): “Một người đi trong đêm/ Hình như mưa gió chỉ nhằm vào anh ta” hay “Ta dạt vào đâu thì đấy là quê hương ta”…càng ngày càng khác hơn khi ta đọc ở tuổi lớn hơn. Dường như chính sự cộng hưởng của trải nghiệm theo thời gian đã làm cho câu thơ trở nên sâu sắc hơn và đa chiều, đa nghĩa hơn. Và sau nữa là ám ảnh.
Tôi đã đọc “Nhật ký trong tù” khi còn bé và đọc lại khi đã gần 60 tuổi, cũng có cảm giác gần giống như vậy.
Nhiều năm qua trên thực tế, đã có quá nhiều người viết về “Nhật ký trong tù”. Đã có quá nhiều người có những bài phê bình, nghiên cứu kỹ lưỡng về “Nhật ký trong tù”. Do vậy, tôi đã lựa chọn một góc nhìn hẹp hơn về “Nhật ký trong tù” qua bài viết này. Đó là “Những bài thơ luận đề trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh”.
Và tôi chọn “Cái cùm”, “Dây trói”, “Cột cây số”, “Học đánh cờ”, “Nghe gà gáy”, “Nghe tiếng giã gạo”, “Nửa đêm”, “Trời hửng” làm chỗ dựa và chất liệu chính cho bài viết này.
Nếu như “Cái cùm”, “Dây trói”, “Cột cây số”, “Học đánh cờ” cụ thể hơn, hữu hình hơn, thì “Nghe gà gáy”, “Nghe tiếng giã gạo”, “Nửa đêm”, “Trời hửng” lại có vẻ trìu tượng hơn, vô hình hơn. Nhưng dù có khác nhau thế nào ở cách nghĩ, cách cảm thì cả 7 bài thơ nói trên đề có tứ, đều có “đề” để “luận” và chúng thể hiện một cách tư duy thơ. Chưa kể, chúng còn có sức khái quát lẫn độ mở rất đáng kể.
Từ cái cùm và chức năng của nó trong việc giam cầm con người, tác giả có ngay được một câu thơ: “Đêm đêm há hốc nuốt chân người”, để rồi luận ra: “Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật/ Cùm chân sau trước cũng tranh nhau”.
Từ dây trói, tác giả bộc lộ một cái nhìn thật u-mua: “Rồng quấn vòng quanh chân với tay/ Trông như quan võ đủ tua, đai…”
Trong mắt tác giả, cột cây số chỉ là “Chẳng cao cũng chẳng xa/ Không đế cũng không vương/ Một phiến đá nhỏ nhỏ/ Đứng sừng sững bên đường”, nhưng lại là kẻ có vai trò chỉ đường, chỉ lối: “Người nhờ anh chỉ lối/ Đi đúng hướng đúng phương/ Anh chỉ cho người biết/ Nào dặm ngắn, dặm trường…”
Sau “Cái cùm”, “Dây trói”, “Cột cây số” đến đỉnh cao trong vệt thơ này là “Học đánh cờ”.
Đây là những câu thơ viết về việc đánh cờ thật:
Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công, thoái thủ nhanh như chớp
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.
Tiếp theo là những dòng “luận” về chiến thuật và chiến lược trong việc đánh cờ:
Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tấn công
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí
Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Và sau nữa là những dòng “luận” ở thế mở hơn, rộng hơn và có màu sắc “tư duy trận đánh”, “tư duy quân sự” của một người cầm quân của một cuộc đánh cờ ảo hơn nhưng ở tầm lớn hơn và thực tế hơn:
Vốn trước hai bên ngang sức lực
Mà sau thắng lợi một bên giành
Tấn công, phòng thủ không sơ hở
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.
Ở mảng luận đề có vẻ trìu tượng hơn, vô hình hơn, người đọc như được truyền cảm hứng lớn và rút ra được những bài học lớn. Nếu như trong “Nghe gà gáy” có câu: “Một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng”, thì trong “Nghe tiếng giã gạo” có câu: “Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”. Tuy nhiên, để dẫn đến hai câu chốt trên, tác giả đã lấy việc giã gạo ra làm ví dụ và để xâu chuỗi và liên hệ lại: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông”. Nhìn cái bình thường để chỉ ra (hoặc phát hiện ra) cái khác thường, cũng là điểm nhấn của “Nghe tiếng giã gạo”.
Trong “Nửa đêm”, ngay từ hai câu mở đầu, tác giả đã vừa “đề” vừa “luận” ngay: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện”, chỉ khi tỉnh dậy (thức) thì mới “phân ra kẻ dữ, hiền”. Hai câu cuối “luận” ngay ra một bài học về kết quả của việc dạy dỗ: “Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Khi đọc lại “Trời hửng”, nguyên văn:
Sự vật vần xoay đà định sẵn
Hết mưa là nắng hửng lên thôi
Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi
Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ
Cây cao, chim hót rộn cành tươi
Người cùng vạn vật đều phưoi phới
Hết khổ là vui, vốn lẽ đời.
thì người đọc thấy phẩm chất thi nhân của Hồ Chí Minh được bộc lộ hết chiều kích. Nương theo quy luật của tự nhiên, nhà thơ đã gắn được với quy luật của xã hội.
Ngay từ hai câu đầu, tác giả đã “luận” ngay: “Sự vật xoay vần đà định sẵn”. Tiếp sau là 4 câu tả cánh, tả tình rất có màu sắc của tâm trạng lạc quan và ấn tượng: “Đất trời một thoáng thu màn ướt/ Sông núi muôn trùng trải gấm phơi/ Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ/ Cây cao, chim hót rộn cành tươi”. Hai câu kết nâng hẳn tầm bái thơ và câu cuối cùng: “Hết khổ là vui, vốn lẽ đời” mang dáng dấp một câu thơ dạng định đề.
Tôi nghĩ, qua bảy bài thơ trên trích từ “Nhật ký trong tù” nối trên, càng làm cho độc giả hiểu thêm tài năng thơ, nhân cách thơ của thi sĩ Hồ Chí Minh qua 70 năm "Nhật ký trong tù" xuất bản lần đầu.
Theo Hội nhà văn Việt Nam