Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Chung một con đường Quân Tiên Phong - PHÙNG VĂN KHAI Chung một con đường Quân Tiên Phong - PHÙNG VĂN KHAI , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Khi chúng tôi xuống tới Trung đoàn 102, Sư đoàn Quân Tiên Phong trời đã nắng rất to. Nhiệt độ lên tới 39 độ. Không một gợn mây. Không một ngọn gió. Hôm nay, trung đoàn có nội dung huấn luyện tại thao trường. Chui vào xe thiết giáp những lúc như thế này nhiệt độ trong xe thường là trên 40 độ. Trưởng xe, thượng úy chuyên nghiệp Hồ Sĩ Sơn quê Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An vóc người rắn rỏi đậm chất lính bộ binh cơ giới tươi cười nắm tay tôi. Chàng thượng úy thấm thoắt đã có 16 năm tuổi quân với một gia đình yên ấm ở quê. Gương mặt Sơn chợt giãn ra, không giấu nổi niềm vui khi tôi hỏi về lương, Sơn bảo: “Lương em đợt này tăng được trên năm trăm ngàn đồng. Sĩ quan cấp úy được thế là mừng lắm”. Thì ra cái sự cơm áo gạo tiền bao giờ cũng sát sườn với gia đình người lính. Chắc chắn, cô giáo Hồ Thị Hạnh, vợ Sơn là người mừng nhất. Không riêng gì Hạnh, dường như tất cả các chị vợ lính đều mong chồng mình chóng được tăng lương. Những khi bão giá, có chàng sĩ quan cấp úy về phép đã phải động viên vợ bằng thơ: Thôi thì bớt thịt thêm rau/ Bớt rau bớt thịt anh đâu sá gì/ Ngắm con tập nói tập đi/ Ngắm mình xinh chẳng rượu chè cũng tươi/ Mặc đồng lương thấp giá giời/ Mai kia lên tá anh thời bù sau…

Nói thế thôi chứ cán bộ chiến sĩ Sư đoàn Quân Tiên Phong, nhất là Trung đoàn Bộ binh cơ giới 102 rất ít khi được tranh thủ về nhà. Ngoài những ngày phép cứng phải có việc đột xuất các anh mới được đi tranh thủ. Tết đến, cán bộ sĩ quan hai ba năm trực liền tù tì là chuyện bình thường. Hồ Sĩ Sơn cũng không ngoại lệ. Sơn đang là chiến sĩ thi đua ba năm liền cấp Sư đoàn. Làm trưởng xe vừa chỉ huy xe vừa chỉ huy một tiểu đội bộ binh rất vất vả. Nhiều kíp xe, các thành viên đều là chuyên nghiệp cả. Có vị trí mang quân hàm thiếu tá, trung tá chuyên nghiệp tuổi đời tuổi quân đều cao thành thử người chỉ huy phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt. Được cái truyền thống lính bộ binh cơ giới luôn gắn bó keo sơn nên mọi người sống như trong một gia đình, ấm áp và tôn trọng nhau lúc thường cũng như lúc huấn luyện. Cuộc đời quân ngũ đến với Hồ Sĩ Sơn cũng khá bất ngờ. Sơn đi lính nghĩa vụ, thấy môi trường quân đội tốt liền xin đi học trưởng xe và ở lại đơn vị. Bố mẹ Sơn rất tự hào về con trai mình. Người xứ Nghệ vốn lam làm, chịu thương chịu khó thành thử cái món cơ giới dầu mỡ lại hợp. Đời mỗi người lính như những mạch suối nhỏ hợp cùng đồng đội góp sức thành sông thành biển, thành lũy sắt tường đồng luôn giản dị và hết sức tự nhiên.

Con đường phía trước của những người lính có khi chỉ đơn giản thế.

Tôi không ngờ mình lại được gặp cháu ruột Thiếu tướng Bùi Thế Lực, người tôi khá gần gũi từ hàng chục năm trước, khi ông là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình. Ai từng làm việc với ông đều cảm nhận từ ông tác phong gần gũi, sâu sát, chân tơ kẽ tóc nhưng đời thường sống rất tình cảm. Những ngày cuối trên giường bệnh, khi đồng đội đến thăm ông vẫn rất lạc quan, vẫn hỏi nhiều về những người trẻ tuổi lứa chúng tôi. Thiếu úy Bùi Việt Hà học Lục quân khóa 6 sĩ quan phân đội hệ Cao đẳng 3 năm. Hà quê Lạc Sơn, Hòa Bình. Dáng người to con, chắc đậm với đôi mắt sáng luôn mở to đầy tin cậy, Bùi Việt Hà cho người đối thoại cảm nhận sự ấm áp toát ra từ cái chất lính tráng người dân tộc. Dân tộc Mường nổi tiếng với các xứ Bi, Vang, Thàng, Động, có nhiều dòng họ lớn đã sớm theo cách mạng, cung cấp sức người sức của trong các cuộc chiến tranh. Khi Bác Hồ chỉ thị lập các chiến khu kháng Pháp, dân tộc Mường đã cùng các dân tộc anh em sát cánh chiến đấu, không quản hy sinh, lập nhiều chiến công cho ngày chiến thắng. Đến Bùi Việt Hà đã là thế hệ thứ tư, thứ năm Bộ đội Cụ Hồ. Ngay trong Sư đoàn Quân Tiên Phong, bố của Hà, trung tá Bùi Đức Bảo hiện đang công tác và đảm đương chức Trợ lý Thanh niên Sư đoàn. “Phụ tử chi binh”, hai bố con cùng chung một con đường, cùng hát vang bài ca người lính trong cùng một thời khắc cũng là điều dường như chỉ có ở quân đội ta. Và cũng chỉ quân đội ta, mới có những hình thức cử tuyển, chiêu sinh, đào tạo các thiếu sinh quân từ nhỏ để có được đội ngũ cán bộ, sĩ quan người dân tộc không chỉ một mà nhiều thế hệ nối nhau dưới cờ Quyết thắng. Bùi Việt Hà rất tự hào về cha mình. Khi dắt người con gái mình yêu về ra mắt mẹ thì trước đó Hà đã tâm sự với bố. Hai người đàn ông Mường đã nói với nhau những gì khó có thể đoán biết nhưng một điều chắc chắn sự cảm thông, chia sẻ của tình đồng chí đồng đội trong cuộc riêng tư này giữa hai sĩ quan chung mái nhà Quân Tiên Phong cũng có thể ít nhiều nhận diện được. Bây giờ thì người con gái ấy đã là dâu xứ Mường. Không hiểu bằng cách gì chàng trai Mường đã cưa rất ngọt cô sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền. Bùi Việt Hà đang sắp sửa làm bố. Cha con người lính là đấy mà đồng chí đồng đội cũng là đấy. Khi đứng trong hàng quân, người mới đến chắc chắn không thể phân biệt họ là hai cha con.

Đón đoàn Quân sự cấp cao Singapore tới thăm Sư đoàn 308 - Ảnh: TL

Gặp trung tá Bùi Đức Bảo không ai nghĩ anh sắp lên vai ông nội. Trẻ trung. Hoạt bát. Cái miệng đã hay nói lại hay cười. Từng học trường Sĩ quan Tăng thiết giáp sau đó về đây làm cán bộ đại đội. Với năng khiếu trời cho, Bùi Đức Bảo sớm được đưa lên làm Trợ lý Thanh niên, Bí thư đoàn của Trung đoàn rồi Sư đoàn. Không những khéo ăn khéo nói, Bùi Đức Bảo còn khéo cả chân tay. Anh có rất nhiều tài vặt như bất kỳ người đàn ông Mường nào. Cái tính năng động của anh thể hiện rõ nhất khi đầu năm 2001 dám đưa vợ con từ quê lên bán căng tin tại đơn vị và dần dà hình thành cơ ngũ ở thị trấn Xuân Mai. Vốn vui tính nên đời sống vật chất chỉ là một phía với vợ chồng anh. Sớm lấy vợ, sớm sinh con, ngài trung tá bây giờ có vẻ thong dong nhàn tản lắm. Anh khoe mới đưa con gái đi thi Học viện An ninh. Một đứa cho vào bộ đội một đứa cho vào công an là cách đánh chắc tiến chắc của người đàn ông họ Bùi. Người Mường cứ đủng đỉnh vậy mà mấy khi anh em dân tộc khác theo kịp được. Cũng phải công nhận ở đâu họ cũng được cấp trên quý, đồng đội tin tưởng, cấp dưới noi gương. Bùi Đức Bảo bộc bạch: “Cái thằng Hà nhà này là hay thương lính quá. Chiều lính quá cấp trên có ý kiến lại khổ mình. Cơ mà cái tạng nó thế không khác được. Nó cũng như tôi ngày xưa…”

Tôi nhìn anh, tự nhiên thấy lòng nghèn nghẹn. Cuộc sống này sao mà giản dị quá thôi. Với những người lính hãy cứ sống thật, yêu thương thật, và nhất là nói thẳng nói thật lòng mình rồi mọi thứ sẽ đến. Chưa thấy cái giả dối tạo nên xúc động thật bao giờ.

*

*    *

Buổi chiều chúng tôi tới Trung đoàn 36 còn có tên gọi là Trung đoàn Bắc Bắc.

Trời nắng như đổ lửa. Chiếc xe U oát bụi bặm ào vào đầu tóc quần áo trộn với mồ hôi ngứa ngáy khá khó chịu. Nhưng cũng chỉ một lúc, khi quần áo sũng mồ hôi thì cơ thể đã mát trở lại. Những người lính trên thao trường mùa nắng lửa cũng thế. Ai cũng nghĩ, dưới cái nắng 39, 40 độ, con người khó mà trụ được ngoài trời hàng tiếng đồng hồ. Thế nhưng lính ta vẫn khỏe re. Vẫn thuần thục các khoa mục huấn luyện. Quần áo bộ đội tuy chẳng màu mè gì nhưng độ thấm mồ hôi để tự làm mát cơ thể là hạng nhất. Ăn trắng mặc trơn đứng nắng nửa tiếng là ao ngay. Sự rèn luyện thường xuyên đã cho các chiến sĩ sức khỏe dẻo dai hơn hẳn người thường. 

Xe chạy một vòng quanh khuôn viên đơn vị. Vắng ngắt. Tại sao thế nhỉ? Vườn cây, ao cá, khuôn viên, cảnh quan đẹp và rất sạch sẽ chứng tỏ bàn tay con người thường xuyên động đến. Những hàng cây cảnh, hàng rào, bồn hoa được xén tỉa kỹ lưỡng. Ngay cả những bức tường hoa, tường nhà, tường thấp hành lang đường nước sơn còn mới và đều tăm tắp chứng tỏ công tác vệ sinh phải rất tốt. Tiếng chim lích rích trên những vòm cây xanh. Không thấy bóng người chiến sĩ nào. Hay họ đã ra thao trường cả? Cũng không đúng vì phải có trực ban trực nhật ở các trung đội, đại đội, tiểu đoàn theo chế độ. Còn chưa kịp thắc mắc, xe đã dừng lại trước Sở chỉ huy. Khi tôi bước khỏi xe đã thấy một dáng người cao lớn chìa bàn tay vạm vỡ. Một tiếng nói đĩnh đạc cất lên từ cái miệng tươi cười:

- Chờ nhà văn mãi! Còn nhớ nhau không?

- Trời! Anh Phương. Nguyễn Thế Phương chứ còn ai nữa!

Tôi không kịp nhìn biển tên vì nắng quá nhưng đã ngay lập tức nhận ra anh.

Phòng khách khá đơn sơ nhưng rất sạch sẽ. Câu hỏi đầu tiên của tôi là về cái sự sạch sẽ nhưng vắng vẻ vừa quan sát. Thắc mắc ngay lập tức được giải tỏa. Trung đoàn 36 hiện là trung đoàn khung KTT của Sư đoàn nhưng vẫn có tân binh và thi thoảng nhận các lớp Dự bị động viên các nơi chuyển về. Nguyễn Thế Phương thì tôi chẳng lạ gì. Lúc nào cũng sùng sục. Việc gì cũng phải làm ngay, làm kỳ được mới thôi. Những ngày tháng tôi đi làm phim huấn luyện đêm với anh nhiều lúc hai bên đã phải gắt nhau. Việc liên quan máy móc kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng mà bố cứ ốp như ốp đồng lấy đâu ra hiệu quả. Nhưng cũng từ đó mà hiểu nhau, càng thương bộ đội hơn. Chỉ huy và người chiến sĩ, cả cánh văn chương báo chí nữa, có đêm hôm lội suối bơi sông, đào hầm hào, leo nhà leo cây, điện tắt mái dột giữa trưa hè, đêm đông giá rét… mới ngấm hết nhau. Ngay cả việc anh được phân về đây làm trung đoàn trưởng trong nhiều lý lẽ chắc chắn phải có yếu tố cá tính lam làm quần quật của anh. Cả trung đoàn dài rộng thế giờ chỉ vẻn vẹn chưa đầy tám mươi con người, lại không ít các sĩ quan cứng tuổi đời, già tuổi quân nên bổ nhiệm một trung đoàn trưởng cấp trên phải cân nhắc lắm. Doanh trại ngăn nắp đầy sự sống thế này, trước tiên, người trung đoàn trưởng phải làm mẫu làm gương.

Lịch sử Trung đoàn Bắc Bắc rất hào hùng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Trung đoàn được thành lập. Cái tên Bắc Bắc đã như một nét son đậm không riêng gì trong Đại đoàn Quân Tiên Phong. Bắc Bắc là sự hợp nhất của các đơn vị quân sự vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), Hòa Bình (1952), Tây Bắc - Thượng Lào (1953) và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, dấu chân người lính Trung đoàn Bắc Bắc đã có mặt khắp các chiến trường. Gian khổ hy sinh kể sao cho xiết. Nhà thơ Lê Kim, nguyên Chính trị viên Đại đội của Trung đoàn Bắc Bắc mùa đông năm 1948 từng viết:

Ba thằng một cái chăn bông

Nằm thẳng cũng khổ nằm cong cũng phiền

Đắp dọc thì hở hai bên

Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân

Mặc cho trời đất xoay vần

Thịt da ta lại đắp lần thịt da... 

Người chiến sĩ Trung đoàn Bắc Bắc đã trải qua nhiều mùa đông như thế mà lập lên rất nhiều chiến công. 

Thượng tá Nguyễn Thế Phương dẫn tôi đi bộ trong doanh trại trung đoàn. Tôi hiểu được hàm ý của anh. Đứng giữa khoảng sân bê tông dẫn xuống khu chăn nuôi anh vuốt từng mảng mồ hôi trên mặt hào hứng kể: “Hơn trăm khối bê tông đấy nhà văn ạ. Một trăm phần trăm công sức của anh em cán bộ chiến sĩ. Tôi trực tiếp xách bê tông với anh em. Mệt lắm nhưng cũng rất vui và đặc biệt là tiết kiệm được khá tiền”. Chúng tôi tiến ra khu nuôi cá. Trời nắng, lũ cá cũng đã rút xuống tầng nước sâu tránh nắng. Mặt hồ im phăng phắc nhưng nhìn màu nước đục chìm tôi biết ở dưới cơ man là cá. Túi tiền của bộ đội ở đấy chứ ở đâu ra. Nguyễn Thế Phương tủm tỉm: “Bộ đội Bắc Bắc đào đấy. Đố anh bao nhiêu khối?”. Tôi hỏi thăm dò: “Đến ba trăm khối không anh?” Con người to đen như một khối thép cạnh tôi nói đầy vẻ tự hào: “Hơn một nghìn khối đấy bố ạ. Hàng năm ròng của anh em đấy. Tay ai cũng chai sần hết cả. Nhưng cá thì ngon tuyệt vời”. Tôi cười nhìn anh. Bộ đội ta ở đâu cũng thế. Chất phác thật thà. Rất thích lao động, luôn ưa thích kể ra những con số “biết nói”. Dãy nhà nuôi gà phía xa sát tường tiếp giáp với đất rừng của dân trông như khu nghỉ dưỡng. Anh Phương kể để tăng gia chăn nuôi quy mô khá lớn như hiện nay với quân số ít như thế là một điều không dễ dàng nhưng với trung đoàn thì lại khá thuận lợi. Gần dân càng phải tin dân, hiểu được suy nghĩ, việc làm của mỗi người dân mà đồng thuận tới từng chiến sĩ. Doanh trại mênh mông thế, cơ sở vật chất cũng nhiều, chỉ từng ấy con người nếu rải ra canh trực sẽ chẳng thấm tháp gì. Thế mà công việc đâu vào đấy trước tiên phải ở chính tấm lòng mình. Vấn đề ổn định và giữ vững doanh trại các đơn vị khung KTT trong toàn quân đang là vấn đề lớn. Nhiều nơi không riêng gì dân mà cả các cấp chính quyền cơ sở cũng xâm lấn đất đai, thao trường của bộ đội. Vấn đề xâm lấn đất thao trường từng rất nóng ở các đơn vị. Quân đoàn 1 trong đó có Đại đoàn Quân Tiên Phong đã làm rất tốt việc này được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khen ngợi cách làm, chỉ thị nhân rộng toàn quân. Những giọt mồ hôi người lính đổ xuống đất đai để xanh lên quả rất giàu ý nghĩa vậy.

Hôm trước, khi ngồi với Đại tá Sư đoàn trưởng Doãn Thái Đức, anh cho biết các phong trào thi đua của Sư đoàn mấy năm gần đây thường đi vào thực chất, đi vào từng chi tiết nhỏ, những ăn ở, sinh hoạt, huấn luyện thường ngày của người lính. Thi đua không nhất thiết phải làm những gì to tát, phô trương mà cần vì đời sống mọi mặt của bộ đội, để từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ngồi trò chuyện cùng anh, tôi thấy cán bộ sư đoàn hiện nay dường như không có ngày nghỉ. Đối với sư đoàn trưởng thì chắc chắn là không có. Ngay cả điện thoại cũng không bao giờ được tắt. Càng mưa bão, lũ lụt, cháy rừng, các anh càng phải có mặt ngay lập tức ở các điểm nóng. Bộ đội ăn ra sao, ngủ ra sao, suy nghĩ ra sao người sư đoàn trưởng phải nắm được. Sư đoàn Quân Tiên Phong luôn phải làm mẫu, làm điểm cho Quân đoàn, cho toàn quân thì trước tiên người sư đoàn trưởng luôn phải tự rèn mình, tự nâng tầm mình lên trong các công việc được giao.

Bộn bề công việc vậy nhưng tôi cũng thấy rất rõ sự điềm tĩnh ở nơi anh. Sư trưởng Doãn Thái Đức khá thuộc sử và yêu mến văn chương. Thấy rất rõ sự tự học ở anh, đặc biệt là học hỏi ở những thế hệ đi trước. Tôi cảm thấy thú vị khi anh nhắc: “Viết gì về sư đoàn nhớ tìm đến bác Phạm Hồng Cư nhé. Mình rất kính trọng bác”. 

Suy nghĩ của những người lính dù tuổi tác khác nhau công việc khác nhau sao có lúc lại trùng khít nhau đến thế.

Có lẽ những người lính luôn đi chung một con đường.

*

*      *

Gặp ông nhiều nhưng lần nào trước ông tôi cũng có một cảm giác thanh thản và tự tin đến lạ. Ngay như lần gặp đầu tiên, khi ấy tôi còn trẻ lắm, mới hơn hai mươi tuổi mà ông đã trên bảy mươi mới nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng, từng đảm đương nhiều cương vị quan trọng, từng là thủ trưởng của các thủ trưởng trực tiếp nơi tôi công tác. Ông rất dễ gần. Ông luôn hiểu người đối thoại là ai và cần gì để ông chia sẻ, bộc bạch và giãi bày một cách tự nhiên, khúc chiết như một nhà nho uyên thâm nhưng lại rất giản dị trong từng lý lẽ, câu chữ. Được hỏi chuyện ông, nhất là những chuyện trong chiến tranh ở những bước ngoặt lịch sử quả là một điều thú vị. Sau những cuộc ấy, thường thấy rất rõ kiến thức của mình được bồi đắp một cách vững chắc không phải qua sách vở mà là từ thực tiễn sinh động, những câu chuyện xúc động, những biểu tượng từ cuộc chiến đấu thật, từ người thật việc thật đã được khái quát, được chưng cất qua lăng kính của một trí thức. 

Ông từng là người chiến sĩ, người chỉ huy những đơn vị đầu tiên của Đại đoàn Quân Tiên Phong.

Ông là Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Tôi còn nhớ khi đến làm việc để hoàn tất kịch bản kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, câu đầu tiên không đợi tôi hỏi ông đã nói: “Đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên đến tận bây giờ đó là: Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có một quyết định khó khăn, tức câu chuyện “Kéo pháo vào, kéo pháo ra” thì thế hệ chúng tôi đã nằm lại tại Mường Thanh, chứ không thể có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Sức khái quát của ông trong mỗi ý, mỗi câu thường là như thế.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó Chính ủy của Trung đoàn 36 - Đại đoàn Quân Tiên Phong. Ngày ấy ở chiến trường Điện Biên Phủ, Đại đoàn Quân Tiên Phong thực hiện mũi nghi binh chiến lược đánh sang Lào để ta tạo thế bất ngờ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính Quân Tiên Phong luôn có mặt ở những vị trí nóng bỏng nhất, chiến đấu anh dũng và chịu nhiều mất mát, hy sinh. Nói về sự hy sinh, tôi thấy mắt vị tướng nhìn sững xuống. Im lặng giây lâu, giọng ông như nghẹn lại: “Những người lính Điện Biên Phủ, nhất là những người đã hy sinh, ai cũng xứng đáng là anh hùng”. Tôi nhìn vị tướng trận. Mái tóc phong sương phơ phất của ông sao nói quá nhiều điều. Nếu không có chiến tranh, cá nhân ông, những người thuộc thế hệ ông hẳn không ít sẽ trở thành những nhà khoa học, trí thức lừng danh. Trung tướng Phạm Hồng Cư có dáng dấp của một người hiền. Người hiền luôn đặt Tổ quốc và nhân dân mình lên trước nhất. Chính những người lính thế hệ ông đã tạo nên danh hiệu cao quý: Bộ đội Cụ Hồ. Khi tôi hỏi ông về danh hiệu này, vị tướng dường như sôi nổi hẳn. Ông nói ngay: “Đó là dân phong. Chắc chắn đó là dân phong chứ không thể khác. Quân đội ta huyền thoại là huyền thoại ở những chỗ như thế”. Rồi ông chậm rãi nói như truyền lửa cho thế hệ trẻ: “Đã có rất nhiều những khoảnh khắc, những hình ảnh trở thành biểu tượng thể hiện phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ để dân phong danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Đó là ánh chớp bom ba càng của chiến sĩ ta khi lao vào quân giặc trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là lời thề Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Đó là những con người bằng xương bằng thịt: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan, Phùng Văn Khầu… và hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ đã ngã xuống để làm nên chiến thắng. Đại đoàn Quân Tiên Phong, ngay từ những ngày đầu thành lập đã lập nhiều chiến công vang dội, đánh thắng hai binh đoàn Lơpagiơ và Sáctông tinh nhuệ của thực dân Pháp trong chiến dịch Biên giới năm 1950 để từ đó liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cả hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc”.

Người lính Điện Biên trong Đại đoàn Quân Tiên Phong năm xưa như một pho sử sống. Thế hệ cán bộ chiến sĩ trẻ chúng tôi, trong đó có những người làm văn làm báo thường tìm đến để tường minh một chi tiết, một trận đánh, thậm chí một bước ngoặt trong chiến tranh. Cũng có khi, chúng tôi đến chỉ để tìm một chỗ dựa, một niềm tin vững chãi từ thế hệ đi trước đã từng qua mấy phen lửa đạn. Cũng có lúc, cơ quan phân tôi đem tới biếu ông một cuốn sách, một tờ lịch tết. Thế là lại được ngồi uống trà, nói những chuyện bình thường nhất với ông, một lão tướng quân, người chiến sĩ sớm có mặt từ buổi đầu cách mạng. Thì những lúc ấy, vẫn là những câu chuyện về người lính, nhất là những người lính Điện Biên năm xưa. 

Không phải cũng ai biết, ông là anh trai của nhân vật “nàng” trong bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan. Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng là người yêu văn chương và am tường các sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là các sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Ông từng nhiều năm làm công tác quản lý ở lĩnh vực này và luôn tạo được niềm tin của đội ngũ văn nghệ sĩ. Có một chuyện, tuy rằng vị tướng hiếm khi nhắc đến, những tôi biết lúc nào nó cũng canh cánh trong tâm trí ông. Ông có một người anh trai hy sinh tại Điện Biên Phủ trước chỉ vài giờ khi lá cờ chiến thắng cắm trên nóc hầm Đờ Cát. Anh trai ông, liệt sĩ Lê Đỗ Khôi, khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 hy sinh tại đồi Him Lam, ngọn đồi giờ đã trở thành địa danh lịch sử. 

Những người lính dường như bao giờ cũng đồng hành với mất mát, hy sinh. Đối diện với những phút im lặng của người lính Đại đoàn Quân Tiên Phong năm xưa, những người trẻ tuổi chúng tôi, thế hệ chiến sĩ trẻ của Sư đoàn Quân Tiên Phong hôm nay, càng thấy rõ hơn con đường và trọng trách của mình.

P.V.K

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65242188

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July