Hội nghị bàn tròn “Vai trò các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hóa” là một trong những hoạt động của ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi trong thời gian làm việc tại Việt Nam. 12 đại biểu đến từ quốc gia: Ai Cập, Nga, Uganda, Sudan, Kuwait, Tunisia, Yemen, Iraq, Zimbabwe đã có cuộc trao đổi, thảo luận cùng các nhà văn Việt Nam về nhiều vấn đề xung quanh công việc sáng tạo văn học.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN đọc diễn văn khai mạc Hội nghị, trong đó nhấn mạnh: “Thế hệ nhà văn chúng ta có mặt tại đây có hạnh phúc được chứng kiến nhiều sự đổi thay to lớn của thế giới. Thế kỷ XX có thể được xem là thế kỷ của Châu Á và Châu Phi. Từ đối tượng của thôn tính, của chiếm đoạt và khai thác, chúng ta đã giành được độc lập. Đó là thắng lợi kép, thắng lợi của độc lập và thắng lợi của văn hóa. Từ thân phận bị sáp nhập vào thế giới, chúng ta thành chủ thể tham gia vào bức tranh nhiều màu sắc của thế giới… Từng trải qua chiến tranh và luôn nhạy cảm trước nỗi đau trần thế, chúng tôi chia sẻ sâu sắc những gì diễn ra ở Ai Cập, ở Xê – ri – a, ở I rắc và ở Li băng mới đây. Chúng tôi tin chắc cuối cùng công lý, lẽ phải và tình thương sẽ tìm ra những giải pháp tốt nhất để vãn hồi hòa bình và nhân tính. Vì là những dân tộc đã trải qua quá nhiều đau khổ do chủ nghĩa thực dân gây ra, các nhà văn Á – Phi có lý do đặc biệt để chào đón toàn cầu hóa. Chúng tôi hiểu toàn cầu hóa có rất nhiều tiềm năng và cơ may cho giao lưu văn hóa. Chúng tôi cho rằng toàn cầu hóa là sự phô diễn tự do và bình đẳng của các nền văn hóa, cùng giao tiếp và bổ sung cho nhau… Tiếp thu thế giới, để làm độc đáo và đặc sắc thêm văn hóa bản địa. Phát huy dân tộc là làm giàu thế giới. Với niềm tin vào sức mạnh của văn học và lương tâm nhà văn, chúng tôi nồng nhiệt chào mừng Hội Nhà văn Á – Phi đã được tái lập và xin chúc Hội nghị thành công.”
Nhà văn Mohamed Salmawy (Ai Cập)
Nhà văn Mohamed Salmawy – Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập phát biểu: “Với mục tiêu hội nhập toàn cầu hóa nhưng phải giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay, Hội Nhà văn Á – Phi cần có sự gắn kết, đến gần với nhau hơn nữa để cùng bước vào thế kỷ XXI. Chúng tôi tự hào về cuộc gặp gỡ của ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á – Phi tại Việt Nam – một đất nước tuyệt vời. Đến đây, chúng tôi đã được thấy một Việt Nam mới, đang chiến đấu trên một chiến trường khác, ở đó có những “trận đánh” tái thiết đất nước, thiết lập tương lai trên cơ sở độc lập, hòa bình và hòa nhập cùng các dân tộc tiến bộ trên thế giới. Các nhà văn Á – Phi cần phải cùng nhau vạch ra vị trí, tầm nhìn của chúng ta trước những vấn đề mà nhân dân thế giới, nhân dân Á – Phi phải đối mặt. Toàn cầu hóa đối với nhà văn chính là biết tôn trọng sự khác biệt của tất cả các nền văn hóa của một đất nước dù lớn hay nhỏ, dù đi từ một quốc gia giàu truyền thống lịch sử hay một đất nước mới phát triển. Chia sẻ những giá trị chung để đem lại nền văn hóa lớn, đó là sự thống nhất, khác biệt, công lý và tự do. Tôi mong muốn rằng từ Hội nghị của chúng ta hôm nay sẽ có các cuộc thảo luận riêng về những vấn đề của mỗi quốc gia.”
Toàn cảnh hội nghị
Tiếp đó, các nhà văn trao đổi ý kiến, thảo luận xung quanh chủ đề “Vai trò các nhà văn Á – Phi trong thời đại toàn cầu hóa”. Trong đó, ý kiến tập trung nhất chính là các nhà văn cần phải sáng tạo ra nhiều tác phẩm hay, có giá trị bền vững, thể hiện được tính độc đáo của nền văn hóa dân tộc mình. Từ sự khác biệt của nhiều nền văn hóa: Ả Rập, Ai Cập, Châu Phi… các nhà văn sẽ sáng tác được nhiều tác phẩm nổi tiếng để thông qua đó nêu cao tinh thần tự do, độc lập, yêu chuộng hòa bình… Toàn cầu hóa là một câu chuyện dài và cần có nhiều thời gian hơn để bàn về nó. Các nhà văn thống nhất quan điểm: Nếu coi việc giữ gìn được bản sắc văn hóa làm cơ sở cho việc học hỏi, giao lưu, hợp tác của các quốc gia trong khu vực thì sự phát triển sẽ hoàn hảo và thuận lợi hơn.
Theo Hội nhà văn Việt Nam