Làng Cổ Đô thuộc phủ Quảng Oai, Sơn Tây, Hà Nội, thường có nhiều gia đình thông gia với làng Trình Xá thuộc phủ Lâm Thao, Phú Thọ. Hai làng đối diện nhau ở giữa là sông Đà.
Một lần đoàn nhà trai Cổ Đô đi thuyền sang Trình Xá đón dâu. Cập bến, đoàn gặp ngay dây lụa hồng chắn lối. Họ nhà gái đã đặt án thư, trên để nghiên bút và vế đối chữ Hán:
Đồng sàng tự cổ, đô tây tịch
Nghĩa là: từ xưa cái giường phía đông, vẫn trải chiếc chiếu phía tây.
Câu đối rất hay và rất khó. Nghĩa đen như thế nhưng nghĩa bóng là con trai bên đông vẫn hay lấy vợ bên tây. Chữ Cổ Đô nhắc đến làng nhưng lại bị cắt làm hai, không còn là một cụm từ nữa.
May mắn, họ nhà trai đã dự phòng, mời được một cụ đồ hay chữ. Cụ nói nhỏ vào tai chú rể. Chú đường hoàng cầm giấy bút ghi nốt vào mảnh giấy rồi đọc to lên:
Nam nhạn qui trình, xá bắc thôn
Thật là tuyệt vời! Nghĩa đen là chim nhạn ở phương nam bay về, đỗ ở làng phía Bắc. Nghĩa bóng có nghĩa là con trai bên này đi đâu thì đi, vẫn về xây tổ ấm bên ấy. Cái tên Trình Xá cũng bị cắt làm đôi, đúng như tiểu xảo thủ thuật của nhà gái.
Lập tức pháo nổ vang trời. Dây lụa được cuốn lại, hương án dẹp ra cho họ nhà trai tiến vào… nhận vợ.
(Theo Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng Giai thoại VN)