Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động đã đến với toàn thể các chiến sĩ trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam một cách tự nhiên nhất. Bởi một điều giản dị Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân do Bác Hồ kính yêu thành lập. Từ khi thành lập cho đến nay, quân đội ta đã luôn luôn học tập và làm theo lời căn dặn của Người: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tích cực hưởng ứng cuộc vận động, các văn nghệ sĩ trong quân đội, mỗi người tùy theo sở trường, năng lực của mình đã sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí có chất lượng cao như một cách thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn với Bác. Về tác phẩm văn học nghệ thuật được sáng tác trong thời gian 2011-2013 có thể kể đến các tác phẩm múa Vọng phu sống của Công Nhạc – Nguyễn Trung Thông, Những người con huyền thoại của Xuân Thanh – Đức Trịnh, ca khúc Đi theo tiếng gọi Bác Hồ của Hồ Trọng Tuấn, Về suối nguồn của nhạc sĩ Trần Viết Thân… và tập bút ký văn học Gió đi dưới trời của nhà văn quân đội hiện đang công tác tại “Nhà số 4, phố nhà binh” Phùng Văn Khai.
Tập bút ký là thành quả lao động miệt mài từ những chuyến đi đến các quân binh chủng trên mọi miền Tổ quốc trong một thời gian dài của nhà văn Phùng Văn Khai. Anh đã ăn, ở, sinh hoạt cùng các chiến sĩ, sẻ chia những khó khăn, vất vả, lắng nghe những tâm tư tình cảm của họ để viết nên những bài bút ký phản ánh một cách chính xác, trung thựcmọi mặt trong đời sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sinh hoạt đời thường của người lính hôm nay.
Chiếm một số lượng khá lớn trong tập bút ký là những bài viết về bộ đội biên phòng. Nhà văn Phùng Văn Khai đã theo các chiến sĩ quân hàm xanh từ các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc như Sơn La, Lạng Sơn cho đến các đồn biên phòng tại địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam của Tổ quốc. Các bài bút ký của anh đã giúp bạn đọc hình dung ra được phần nào nhiệm vụ và những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của những người lính biên phòng. Ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, những người lính mang quân hàm xanh còn đảm đương công tác chống buôn lậu qua biên giới, phòng chống buôn bán ma túy ở đường biên, tham gia giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục và… cả việc bảo tồn văn hóa. Trong số những bài bút ký viết về bộ đội biên phòng, xúc động nhất là hai bài bút ký Mãi nhớ về anh và Tìm trong dáng đá viết về tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Ngô Văn Vinh và Lù Công Thắng trong cuộc chiến chống lại những kẻ buôn bán “tử thần trắng” nơi biên giới. Trung úy Ngô Văn Vinh ở đồn biên phòng Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn và thượng úy Lù Công Thắng ở đồn biên phòng Pả Khôm tỉnh Sơn La đã vĩnh viễn ra đi ở độ tuổi ba mươi, để lại cho cha mẹ già, người vợ trẻ, con thơ, đồng đội và nhân dân niềm tiếc thương vô cùng. Sự hy sinh của các anh đã góp phần bảo vệ hàng nghìn, hàng triệu gia đình Việt Nam được sống trong hạnh phúc, yên bình trước hiểm họa ma túy đang ngày càng hoành hành dữ dội, tô thắm thêm truyền thống “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sĩ biên phòng nói riêng, người lính Cụ Hồ nói chung.
Người lính biên phòng vất vả, gian khó là vậy. Và những người đồng đội của họ thuộc các quân binh chủng khác trong toàn quân cũng đều phải đối mặt với những khó khăn, gian nan thử thách gắn liền với đặc trưng của từng đơn vị, của từng địa bàn đóng quân. Để xây dựng những công trình trọng điểm phục vụ cho lĩnh vực kinh tế - quốc phòng của đất nước, đối với những người lính công binh hôm nay trong bút ký Theo dấu chân người lính mở đường chuyện dãi nắng dầm sương, ăn ngủ ở công trường vốn là nơi không “rừng thiêng, nước độc” thì cũng là đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, thiếu thốn đủ bề là việc “thường ngày ở huyện”. Đối với người lính của Binh đoàn Quyết Thắng trong bút ký Đất thao trường khó khăn đến từ phía thao trường luyện tập bị thu hẹp bởi… nhân dân lấn chiếm đất thao trường do giá đất lên cao từng ngày. Với những người lính giữ vai trò “bộ mặt quốc gia” trong đoàn quân nhạc chào đón các nguyên thủ các nước bạn đến thăm Việt Nam, vừa là việc phải tuân thủ những quy định nghiêm cẩn của nghi lễ ngoại giao vừa phải nhanh trí xử lý kịp thời nhiều tình huống phát sinh do phong tục, tập quán của mỗi nước một khác, như lời tâm sự của đại tá Ngô Chí Doanh – Đoàn trưởng đoàn Nghi lễ quân đội trong bút ký Những người lính dưới sắc cờ Hà Nội. Ở các bút ký Những người lính trồng cao su trên xứ sở Ăng Co, Dưới chân núi Chư Mo Ray, khó khăn đối với người lính làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và góp phần tăng cường mối đoàn kết quốc tế giữa nước ta và nước bạn Campuchia ở Binh đoàn 15 đến từ nhiều phía, nào điều kiện thổ nhưỡng, thiên nhiên khắc nghiệt, nào thói quen canh tác lạc hậu của đồng bào, những tàn dư của chiến tranh, rồi vấn đề vốn, kỹ thuật làm chủ cây cao su… Song song với việc đề cập những khó khăn mang tính chất đặc thù, những bài bút ký trong Gió đi dưới trời còn toát lên nỗi trăn trở về những khó khăn chung người lính vấp phải trong thời kinh tế thị trường - bài toán mang tên “cơm, áo, gạo, tiền”. Đồng lương cấp úy chỉ đủ nuôi bản thân nên đến giờ nhiều người lính vẫn “phòng không”. Với những người lính đã lập gia đình thì nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, sự xa cách dài dặc về không gian đằng đẵng về thời gian cũng là một thử thách ghê gớm đối với bản lĩnh của họ. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng những người lính hôm nay vẫn luôn tràn ngập niềm lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào tương lai. Nhà văn Phùng Văn Khai đã ghi chép được nhiều vần thơ dí dỏm vui tươi của người lính Cụ Hồ hôm nay. Những vần thơ được cất lên từ thao trường huấn luyện khắc nghiệt, miền biên ải xa xôi hay nơi viện quân y lúc nào cũng hăng hắc mùi thuốc sát trùng. Xin được trích dẫn một vài câu:
- Ham gì làm lính vượt sông
Đêm mưa bão lũ quần không dính người
- Không quần mới lính vượt sông
Có quần thành lính văn phòng còn đâu
- Trải qua mười sáu năm ròng
Cầm súng súng nổ cầm chồng chồng ngoan
Cầm kim bệnh tật yên hàn
Cầm mic sân khấu vỡ ran cánh gà.
Có thể nói, Gió đi dưới trời là tập bút ký phản ánh sâu sắc đời sống của người lính hôm nay, góp phần thiết thực vào việc giới thiệu và quảng bá hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới. Với ý nghĩa đó, Gió đi dưới trời đã được Trung ương trao thưởng đợt I (2011-2013) về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là niềm vinh dự lớn cho tác giả nói riêng và đội ngũ các nhà văn trẻ quân đội hôm nay nói chung.
T.D (Theo tạp chí Văn nghệ Quân đội)
|