VNQĐ online: Tại kỳ họp thứ 7 (khóa VIII) vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua đề án đặt tên một số tuyến đường mới tại các khu dân cư phía Nam cầu Cẩm Lệ. Trong đó có con đường mang tên nhà thơ Thu Bồn – tác giả trường ca Bài ca chim Chơra nổi tiếng, nguyên thành viên Ban biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Vậy là, sau dịp kỷ niệm 10 năm ngày khuất núi của nhà thơ Thu Bồn, đã có một con đường mang tên ông. Tin vui ấy đã làm nức lòng bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc yêu thơ Thu Bồn. Một nhà văn ở thành phố Hồ Chí Minh liền ứng câu đối mời mọi người đối lại:Đường Thu Bồn bên sông Thu Bồn thu về một lối.
Nhân dịp này, cũng cần nhắc lại, nhà thơ Thu Bồn sinh ra và lớn lên ở xã Điện Thắng, Điện Bàn. Năm 12 tuổi, thiếu niên Hà Đức Trọng, tên khai sinh của nhà thơ Thu Bồn, đã là một liên lạc viên cho bộ đội, có lúc cầm súng trường chiến đấu. Chính mảnh đất giàu thơ ca dân gian, đặc biệt là hát chòi này đã làm tâm hồn nhà thơ tương lai phong phú. Ở cấp độ nào đó, trong nhiều trường ca, thơ trữ tình của Thu Bồn có âm hưởng, câu thơ cấu trúc nhịp điệu của chòi. “Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ”. Hai từ bởi vì chính là mở đầu cách kể trong một bài chòi. Các bài thơ Thu Bồn đều mang cấu trúc, cách diễn giải của chòi. Tuy vậy, với tài năng của mình Thu Bồn cách tân thể loại bằng nhịp điệu, từ ngữ của thơ ca hiện đại: “Gà gáy thức/ báo hiệu ngày tần tảo/ ngoại dậy sớm/ nhen từng con chữ/ để nuôi con thơ…Cuốc gọi bờ ao/ sương mờ như khói/cháu đừng chờ/ bà ngoại chưa về đâu”(Chiều nay bếp nhà mình không đỏ lửa). Cuộc đời chiến sỹ đã đưa Thu Bồn đến nhiều vùng đất, nhiều chiến trường, vậy mà trong tiểu thuyết Những màu mây cánh vạc, Vùng pháo sáng, đỉnh núi… nhiều nhân vật là nguyên mẫu từ những con người trong cái mảnh làng bên bờ sông Thu Bồn mà anh biết từ thưở nhỏ. Chúng ta hiểu thêm ấn tượng tuổi thơ ghi dấu ấn sâu đậm trong con người biết nhường nào.
Theo thông tin từ Đà Nẵng, con đường mang tên Thu Bồn rất mới và rất đẹp. Đấy cũng là điều hợp lý, nói theo ngôn ngữ phật giáo, cuộc đời sáng tác của Thu Bồn với những tác phẩm mang âm hưởng anh hùng ca, lấy chất liệu từ cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo nên những trang viết đẹp. Những trang văn ấy cho người tiếp nhận cảm hứng sống đẹp. Đấy chẳng phải là đích đến của văn chương sao?
NGUYỄN QUỐC TRUNG