Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ >
  Chân dung nhà văn: Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Người lập ngôn “tử tế” Chân dung nhà văn: Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Người lập ngôn “tử tế” , Người xứ Nghệ Kiev
 

 (Toquoc)- Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh ngày 20/10/1930 tại làng Văn Thai, tên nôm là làng Thơi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và mất ngày 23/1/1989. Sự nghiệp văn chương của ông được nhiều người biết đến, nhất là những người sinh ra và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước và thời kỳ trước và sau đổi mới. Ông đã xuất bản hơn chục tập truyện ngắn, tiểu thuyết và được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, năm 2001.

Nhưng có lẽ, quan trọng hơn là những tư tưởng thẩm mỹ của ông qua các truyện ngắn, tiểu thuyết và qua tiểu luận đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của xã hội không chỉ thời ông còn sống, mà đến tận bây giờ và xa sau nữa. Những tác phẩm của ông được sử dụng rộng rãi trong nhà trường như “Mảnh trăng cuối rừng”, “Phiên chợ Giát”, “Cỏ lau” và đặc biệt là “Dấu chân người lính”- tái hiện một cách sinh động những người lính trong chiến dịch Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị năm 1968. Từ nhiều năm nay các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho nhiều thế hệ học sinh những rung động thẩm mỹ lành mạnh và sâu sắc, sáng ngời chủ nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, theo ông và nhiều bạn văn khác, vẫn coi đây là những tác phẩm của thời kỳ “văn học minh họa”.

Thiết nghĩ, về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Minh Châu đã được các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận- phê bình bàn thảo nhiều. Có những luận án thạc sĩ, tiến sĩ văn học chuyên tìm hiểu về con người và sự nghiệp sáng tác của ông. Tôi chỉ xin lạm bàn về một số khía cạnh khác, ngõ hầu làm sáng tỏ thêm đôi chút về con “người đặc biệt” này.

Ở đời, nhất là đối với giới trí thức, văn nghệ sĩ, không một ai không có ít nhiều một chút “máu” lập ngôn. Từ hơn thế kỷ trước, Nguyễn Công Trứ tiên sinh đã nói chẳng có sai:

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”.

Còn Nguyễn Du thì;

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Không biết sau ba trăm năm nữa

Thiên hạ có ai người khóc Tố Như?

Cũng là lẽ thường tình, kẻ Thương thì cầu lợi, còn kẻ Sĩ thì cầu danh. Lập ngôn cũng là một cách cầu danh sáng láng.

Nhưng để có được một người lập ngôn thực sự “tử tế” như nhà văn Nguyễn Minh Châu thật khó lắm ru. Ông làm và nói đều “thật như đếm”. Đấy là những sự thật đau lòng nhưng lấp lánh về thân phận con người, dù là anh bộ đội, cô thiếu nữ, người nông dân ở thôn quê ra phố thị hay anh lái xe, người đánh cá, chàng họa sĩ... mà ông quan sát thấy, nghe ngóng được. Rồi cứ thế, bằng một thứ ngôn ngữ đầy “ma mị”, mà hình như trời chỉ phú cho riêng ông, tất cả họ đều hiện lên trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, như những con người bằng xương bằng thịt như ta vừa mới gặp đâu đây giữa cuộc đời này, làm cho người đọc luôn cảm thấy ám ảnh, day dứt mãi không nguôi.

Bên ngoài vỏ bọc của một gã nhà quê khù khờ, nhút nhát, ưa gam trầm, không thích chỗ đông người là một Nguyễn Minh Châu với một cái đầu “lạnh” đến ghê người, khiến ai đứng gần có nguy cơ trở thành đá. Ông tỉnh táo nhìn lại mình: “Tôi cũng tẻ lắm, đóng quân ở đâu xong, trở lại không ai người ta nhớ mình cả”. Trong “Ngồi buồn viết mà chơi” viết trong những ngày cuối cùng nằm viện ở Bệnh viện Quân y 108, Nguyễn Minh Châu tự nhận xét về mình: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ”.

 *

Nhưng đấy mới chỉ là lập ngôn cho cá nhân ông và vì ông. Còn lập ngôn cho đời và vì văn chương nước nhà thì sao? Nhà văn Nguyễn Minh Châu là người đầu tiên với một trái tim bỏng cháy như muốn thiêu đốt cả đất trời này riết róng lo toan cho sự đổi mới văn chương Việt đương đại.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã dũng cảm chỉ ra ngay từ ngày đất nước bắt đầu đổi mới, năm 1987, một thói quen rất kỳ khôi của đại đa số các nhà văn chúng ta thuộc nhiều thế hệ bị nhiễm phải: “Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.

Những ngày cuối đời trên giường bệnh, ông vẫn đau đáu một niềm yêu con người, cuộc đời, đất nước và dân tộc mình. Nhưng để đất nước và dân tộc nói chung và văn chương Việt nói riêng phát triển đi lên thì không còn cách nào khác là phải rũ bỏ cho được tư tưởng bảo thủ đã ăn sâu vào tâm thức người nông dân từ bao đời nay.

Theo ông, điều ấy trước sau cũng phải làm, nên trước lúc lìa xa cõi trần tục này, ông còn “di chúc” lại cho hậu thế. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã kịp ghi lại được: “Tư tưởng bảo thủ từ đất đùn lên, nó chủ yếu là nội sinh chứ không phải là ngoại nhập. Nó chi phối cả chính trị, triết học, khoa học, văn hoá văn nghệ… Nghĩa là lắt nhắt, thiển cận, không nhìn xa, nước đến đâu thuyền dâng đến đấy. Nông dân rất tình nghĩa nhưng cũng có lúc rất tàn bạo đấy. Nông dân rất thích vua, thích trời và thích cát cứ. To làm vua nhiều nước, cả thế giới. Bé, làm vua một tỉnh, một huyện, một xã, một phường, một nhà (…). Nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì lại phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình. Nhưng phải rất tỉnh không được sướt mướt. Tôi ghét cái lối tình cảm làng xóm không biết gì đến thiên hạ, chỉ tâng bốc lẫn nhau, con hát mẹ khen hay. Marquez rất thời đại, rất lớn mà Colombia rất nhỏ…

Bình sinh nhà thơ Lê Đạt, bỗng đưa ra một nhận xét xanh rờn: “Quái, mình để ý thì thấy Nguyễn Khải không chịu thay đổi gì trong cách viết, chứ đọc Nguyễn Minh Châu mà xem, tay ấy có thay đổi”. Với nhà văn Nguyễn Khải thì chưa hẳn đã đúng, nhưng không bàn ở đây. Còn với Nguyễn Minh Châu thì nhận xét ấy rất đúng và không ai còn phải bàn cãi gì nữa. Có thể nói sau “Dấu chân người lính”, một tác phẩm mang đậm chất sử thi- anh hùng ca, đến mức như là một đại diện cho một thời kỳ “văn chương minh họa”, thì đến “Bến quê” (tập truyện ngắn, 1985); “Mảnh đất tình yêu” (tiểu thuyết, 1987); “Chiếc thuyền ngoài xa” (1987), “Phiên chợ Giát” (1988), “Cỏ lau” (truyện vừa, 1989)… Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu thấy cần phải viết theo một cách khác. “Chiếc thuyền ngoài xa” là bức tranh vô cùng sinh động, mô tả cuộc sống của những người dân chài lam lũ: “Cuộc sống cứ lênh đênh khắp cả một vùng phá mênh mông. Cưới xin, sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng không có. Quê hương bản quán cả chục cây số trời nước chứ không cố kết vào một khoảnh đất nào”.

Còn ở “Phiên chợ Giát”, ngay sau khi được công bố đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian. Có người cho rằng cần phải có nhiều cách đọc khác nhau đối với tác phẩm này”. Theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thì cách đọc “Phiên chợ Giát” của Giáo sư Đỗ Đức Hiểu là khá thuyết phục. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu cho rằng: “Truyện không khép kín ở một ý nghĩa nào, nó mở cho mỗi nhóm người đọc một chân trời… Sự hóa thân người/ bò của ông lão Khúng/ Khoang đen, sự phân đôi nhân cách ấy, sự kết hợp hai ý thức con người/ con vật ấy, là bi kịch của nhân vật, của thời đại. Sự quan sát xã hội di chuyển vào sự quan sát nội tâm, tạo nên một tâm lý vận động, đó là nghệ thuật của truyện ngắn “Phiên chợ Giát”. Văn bản di động trên nhiều bình diện: ngôn ngữ, hình tượng, xã hội, tâm lý, quá vãng và hiện tại, lịch sử và tưởng tượng” (Đỗ Đức Hiểu: “Đổi mới đọc và bình văn”, Nxb Hội Nhà văn, H.1999).

 *

Nhưng có lẽ phải chờ đến “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, (1987), một tuyên ngôn bằng lý luận thể hiện tinh hoa trí tuệ của Nguyễn Minh Châu. Lịch sử văn học Việt Nam, xét về khía cạnh lý luận, không thể không ghi nhận sự dũng cảm của ông, ngõ hầu để cứu vãn một nền văn chương đang ở trong tình trạng nhạt nhòa và có nguy cơ đánh mất công chúng của mình.

Một lẽ thường tình là cảm hứng sử thi- anh hùng ca thường ra đời và gắn liền với chiến tranh bảo vệ sự tồn vong của bộ tộc, dân tộc, Tổ quốc và giống nòi. Khi chiến tranh qua đi và dần lui vào quá vãng, thì mảnh đất làm nảy sinh cảm hứng sử thi- anh hùng ca cũng không còn tồn tại để trưởng dưỡng nó nữa. Ấy cũng là lúc chúng ta bắt tay vào dựng xây đất nước. Mối duyên tơ với bát cơm manh áo dần quấn chặt mọi người vào đấy, trước hết là mưu sinh, sau là làm giàu cho mình, cho Tổ quốc. Đấy là một thực tế không mấy ai chối cãi. Theo đó, cảm hứng đời thường về cuộc sống mưu sinh và thân phận của những con người nhỏ bé dần hiện ra và lớn lên trong mắt nhà văn, buộc anh ta phải tỉnh táo, để cân đo, đong đến chi li cho từng con chữ của mình như người dân nghèo lo toàn từng bát cơm, manh áo vậy. Thế thì hà cớ gì chúng ta không dám dũng cảm nói ra sự thật ấy, dù có chua xót và đau đớn. Cắt bỏ cái đuôi “văn học minh họa” của thời chiến tranh và kinh tế bao cấp, như cắt bỏ một phần cánh tay đã hoại tử trên cơ thể mình để nó khỏi vướng víu trong cuộc hóa sinh nhọc nhằn này là điều không dễ với nhiều người.

Theo tôi, chỉ có hai người trong làng văn làm được điều ấy. Người thứ nhất là nhà nghiên cứu, lý luận, tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến với tác phẩm “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”(1979 và hai là nhà văn Nguyễn Minh Châu với tác phẩm “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, (1987), mà tôi gọi là hai “nhà lập ngôn tử tế” trên văn đàn Việt. Và tuyệt nhiên từ đấy đến nay chưa có người thứ ba.

Sở dĩ chỉ có hai ông làm được điều ấy vì, trước hết cả hai ông đều là những người có tài văn chương. Thứ đến, cả hai đều “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông” (Nguyễn Trãi), luôn quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của văn chương nước nhà trước bối cảnh mới, nên hay lo xa kiểu như Phạm Trong Yêm (1) thời Bắc Tống ở bên Trung Quốc: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Tất nhiên, ở đây tôi chỉ nói về khía cạnh văn chương Việt hiện đại

Trong “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” Nguyễn Minh Châu viết: “…Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen...”

Có lẽ như vậy cũng là quá đủ để mọi người thấy được sự “tử tế” nghiêm cẩn đến mức nào trong tư cách lập ngôn của một nhà văn tầm cỡ hàng đầu Việt Nam và một nhân cách văn hóa lớn mang tên Nguyễn Minh Châu./.

Đỗ Ngọc Yên

……………..

 (1) Phạm Trọng Yêm, sinh năm 989, mất 1052, tự Hy Văn, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống. Ông là người huyện Ngô, Tô Châu, nay là thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65239220

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July