Hai vị đã cộng sự với nhau thật ăn ý, với dàn cán bộ sáng lập thật sáng giá trong hoàn cảnh lúc bấy giờ - đó là Hoàng Ngọc Phách, Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Vũ Ngọc Phan, Nam Trân, Trần Thanh Mại..., và Nam Mộc, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh, Cao Huy Đỉnh... để làm nên một thời hoàng kim của Viện từ 1959 đến 1969 – là năm Hoài Thanh chuyển sang Hội Nhà văn để làm Chủ nhiệm báoVăn nghệ. Lý do Hoài Thanh rời Viện ở tuổi 60 chắc có nhiều; và cấp phó thay ông giúp Đặng Thai Mai lúc này cần đến 3 người, cho đến khi ông nghỉ hưu năm 1975 ở tuổi 73. Vậy ai sẽ là người thay ông, khi ba vị cấp phó đều không được chọn, mà phải chọn một người ở ngoài? Đó là một điều khá tế nhị ở thời điểm này, do nhiều nguyên nhân... Và Hoàng Trung Thông đã được chọn, để về Viện, đúng vào tuổi 50, trong độ chênh 23 tuổi với Đặng Thai Mai. Điều này thể hiện sự tin cậy của học giả họ Đặng với người bạn đồng hương vong niên lúc này đang ở cương vị Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương. Và thời điểm 1975 cho sự thay thế này hẳn chắc là có chủ ý ở các cấp cao, đặc biệt là ở phía Ban Tuyên huấn, với người đứng đầu là Tố Hữu.
Nhà thơ – Vụ trưởng về nhận chức trách Viện trưởng, một cơ quan học thuật đúng vào năm 1975 là năm hào khí chiến thắng của dân tộc đang vang dội, cùng lúc với những yêu cầu rất mới đang mở ra cho các cuộc đấu tranh tư tưởng – không chỉ về ý thức hệ mà còn phải thấm vào các sinh hoạt học thuật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đó là hai cuộc chiến đấu vừa tiếp nối vừa xen cài – một là cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân mới ở nửa nước phía Nam bây giờ mới là lúc thực sự quyết liệt; để chứng minh tính ưu việt của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa; và hai là cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa bành trướng phía Bắc cũng chỉ vài năm sau là bắt đầu, rồi kéo dài cho đến hết thập niên 80; cả hai gần như “phủ sóng” toàn bộ nhiệm kỳ Viện trưởng Hoàng Trung Thông. Một tình hình như thế hẳn chắc cần đến cương vị một Vụ trưởng Vụ Văn nghệ dầy dặn trong các cuộc đấu tranh tư tưởng...
Mười năm nhà thơ lãnh đạo Viện Văn học với sự quan tâm đến hai Ban nghiên cứu lịch sử văn học Việt trung đại và hiện đại; với việc tổ chức một Hội thảo khoa học hoành tráng vào năm 1980, có tên 35 năm văn học yêu nước và cách mạng; và với một công trình đánh dấu thời điểm – đó là Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược. Tất cả đều nhằm vào một định hướng như được đúc kết trong bài phát biểu của ông thay mặt Viện Văn học đọc trong Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ III (1983) – đó là tính chiến đấu: “Tính chiến đấu trong công tác lý luận phê bình chính là thể hiện tính không khoan nhượng trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn nghệ. Người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình không những chỉ là người lính gác mà còn là người lính xung kích”.
Đây chính là sự quán triệt tư tưởng: “Lý luận phê bình phải là một phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ”(1).
Vào thời điểm này Ủy ban Khoa học xã hội – cấp trên của Viện Văn học đang có những chuẩn bị đầu tiên đi vào quỹ đạo nghiên cứu, để cho ra đời các công trình cơ bản về lịch sử, như Lịch sử Việt Nam, Lịch sử văn học Việt Nam, Lịch sử tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt... Khởi động khá ồn ào, những triển khai khá chậm. Viện Văn học được giao viết Lịch sử văn học Việt Nam; nhưng rồi phải đẩy lên cho Ủy ban Khoa học xã hội chủ trì, với Chủ biên là Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, cùng một tập thể người viết gồm cả trong và ngoài Viện; nhưng phải cho đến 1980, mới ra được Tập I, với số lượng trang rất khiêm tốn, và với rất nhiều thiếu hụt, khiếm khuyết... Cũng là thời việc xét chọn các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư tiếp tục được đặt ra cho các cơ quan học thuật sau 25 năm im ắng. Là cán bộ dưới thời Viện trưởng Hoàng Trung Thông, chúng tôi “đọc” được một ít băn khoăn của ông trước các nhiệm vụ mới và yêu cầu mới đối với Ủy ban Khoa học xã hội. Và rồi cũng đã diễn ra một vài cử chỉ hoặc biểu hiện không vui trong quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới – khi Viện trưởng là “người” của Ban Tuyên huấn, hoặc của Đảng đoàn văn hóa- văn nghệ; còn Viện – như từ 1975 về trước là nơi chịu sự chỉ đạo của giới khoa học, là “người” của Đảng đoàn Khoa giáo... Những bối rối này là đến từ các cấp trên, khi Viện phải chọn thế đứng giữa hai phía, đúng vào thời kỳ Hoàng Trung Thông về Viện...
Nhưng mọi bối rối hoặc khó khăn rồi cũng qua. Với Hoàng Trung Thông – là một nhà thơ, hơn thế, một nhà thơ tên tuổi cũng là đã đủ, hoặc quá đủ, chứ đâu cần đến hàm, vị! Và sự thực là ông vẫn làm thơ, khi là Viện trưởng – để có tiếp hai tập Như đi trong mơ (1977) và Hương mùa thơ (1984) gắn nối rất liền mạch với Trong gió lửa... Còn tư cách nhà phê bình- lý luận, hoặc học giả, thì ông cũng không thiếu, qua các công trình nghiên cứu- dịch thuật về văn học nước ngoài, và các tập tiểu luận: Chặng đường mới của văn học chúng ta (1961), Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống (1979). Trong giới sáng tác, ông thuộc số ít người có vốn rộng về tri thức; khiến các bạn thơ như Chế Lan Viên cũng vị nể mà gọi ông là “ông Trạng họ Hoàng”...
x
x x
Như vậy là, với tôi, Hoàng Trung Thông là bậc đàn anh trong nghiệp nghiên cứu và mười năm là thủ trưởng của tôi. Nhưng trong tôi, ông luôn luôn là một nhà thơ. Tôi không muốn tách hai tư cách này ở ông, bởi với ông, cả hai là không bài trừ nhau mà bổ sung cho nhau. Tuy không phải là người thuộc nhiều thơ ông – vì thơ ông nhìn chung không dễ thuộc, nhưng tôi vẫn cảm nhận được rõ ràng về ông như nhiều người. Đó là một hồn thơ chân chất, khoẻ khoắn, chắc nịch, mà chỉ riêng tên quyển, tên bài đã nói lên điều đó: Bài ca vỡ đất, Quê hương chiến đấu, Đường chúng ta đi, Trong gió lửa... Việc xác định một giọng điệu riêng cho thơ ông quả là không khó lắm. Với Hoàng Trung Thông, bất cứ lúc nào, bạn đọc cũng đều có chung một liên tưởng. Đó là nhà thơ của Bài ca vỡ đất, nhà thơ của câu thơ:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Thế nhưng, với tôi, Hoàng Trung Thông không chỉ là một tiếng thơ rắn rỏi. Không phải chỉ là tiếng nói của lý trí, theo lối tam đoạn luận. Mà đôi lúc còn là một tiếng thơ mềm của cảm xúc, của những bâng khuâng với rất nhiều lưu luyến trong tình người. Tôi nhớ lần đầu tiên được ngạc nhiên về thơ ông, là năm 1962, khi được đọc chùm thơ ông viết về vùng cao, trong đó có bài Chợ Cô Sầu:
Chợ Cô Sầu
Chẳng có ai sầu
Khăn thêu thổ cẩm, vải khoe màu
Người đi trẩy hội hay đi chợ?
Anh đợi em hoài em ở đâu?
Chợ Cô Sầu
Chẳng có ai sầu
Gà vịt nhiều hơn khoai với nâu
Nón tre, túi vải, người như nước
Anh đợi lâu rồi em đứng đâu?
(...)
Chợ Cô Sầu
Lất phất mưa bay
Đừng sợ đường trơn anh dắt tay
Áo chàm ai nhuộm mà xanh thế
Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say.
Mạch thơ này còn được ông tiếp tục trong nhiều năm sau, với Thu Sapa:
Gió rét chớm về đào mận hết
Người Mèo xuống phố bán dâu gia
Sapa một góc trời thu đẹp
Rừng sa mu đứng gội mù sa
Trở lại với Chợ Cô Sầu. Đây là những khổ thơ thật hay, bởi nó đến được với cái say, cái mê đắm của tình người, tình đời. “Anh đợi em hoài”, và “Anh đợi lâu rồi” – một chữ hoài ngọt lịm. Và “Em ở đâu?”, rồi “Em đứng đâu?” với biết bao là khoắc khải! Chuyện thơ vô tư mà cứ như là chuyện của một đôi bạn tình giữa bâng khuâng đất trời Trùng Khánh – Cao Bằng. Tôi cứ muốn hình dung nhà thơ ở tuổi 37 còn rất trẻ đang mong và mừng đón một cơn mưa lất phất, với đường trơn để được dắt tay một thiếu nữ H’mông hoặc Dao đỏ, hoặc Sán dìu váy hoa sặc sỡ và ô dù loè xoè trên đường xuống chợ. Chợ Cô Sầu xứng đáng đứng bên những bài thơ hay nhất của Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên... vào những năm mở đầu thập niên 60 (thế kỷ XX) miền bắc lâng lâng đi vào cái duyên đầu với chủ nghĩa xã hội: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu: Bài ca mùa xuân 1961).
Một thứ men say như rượu, hoặc rượu với men say của nó, đã xuất hiện trong Chợ Cô Sầu năm 1962. Cái say vừa độ cho con người nhìn cuộc đời trong lung linh của niềm vui và vẻ đẹp trữ tình. Vài chục năm sau, rượu sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn trong thơ Hoàng Trung Thông. Nhưng khi cái say là thường xuyên, là triền miên, không còn là vừa độ thì nhà thơ sẽ không còn thấy gì ngoài mình với cái bóng của mình. Nếu có một cái gì của ngoại cảnh thường gây ám ảnh đối với người thơ lúc này thì đó là Trăng. Người thuộc thơ Đường, mê Đỗ Phủ và Lý Bạch là Hoàng Trung Thông lại càng hay nghĩ đến Trăng. Trăng sẽ tràn ngập trong thơ ông 30 năm sau; và người đi “vỡ đất” 50 năm trước cùng với đoàn nông binh áo vải, bây giờ đã thành một ông cụ với râu tóc loà xoà bạc trắng, một mình cầm chén “mời trăng” trong cô đơn ở tuổi chưa đầy 70.
Trở lại với những vần thơ mang cốt cách Hoàng Trung Thông, tôi lại nhớ đến bài Trưa ở Hưng Long. Đây là bài ông làm trong dịp cùng ba cán bộ Viện Văn học, trong đó có tôi, làm một chuyến hành hương về xứ Nghệ, vào cái thời xứ này có khẩu hiệu “sắp xếp giang sơn” của ông Trương Kiện. Về vào giữa mùa hè chói gắt, chúng tôi đã ở lại Hưng Long một trưa – cái trưa sau này đã vào thơ ông hệt như một bức sơn dầu với những mảng mầu thật vạm vỡ:
Buổi trưa Hưng Long dừa đọng nắng
Lửa trải gay gắt trên sân phơi
Trang lạc trang thóc mình ướt đẫm
Lạc với thóc nhiều hơn mồ hôi
Buổi trưa Hưng Long trời trong veo
Gió thổi lá bay vào trước ngõ
Cá đang quẫy mạnh dưới chân bèo
Nóng quá cá lên tìm ít gió
Từ Hưng Long trở về Vinh, chúng tôi đi tiếp vào Hà Tĩnh. Ở Hà Tĩnh, ông bị lên một cơn huyết áp cao, phải cấp tốc đưa ra bệnh viện Vinh; và tôi nhớ, mọi người đều rất lo lắng bởi huyết áp ông lên đến 180/250.
Sau này bệnh huyết áp không rời ông. Nhưng điều kỳ lạ là, với trạng thái huyết áp như ông, nếu là người khác thì đã rất sớm xẩy ra tai biến rồi. Nhưng với ông, thành mạch thật dẻo dai. Trong đồng hành với rượu và trong chống chọi với bệnh tật ông vẫn là một nông binh bướng bỉnh. Có dễ trên hơn mười năm trước khi mất, ông không rời rượu. Dẫu có bệnh hiểm, và dẫu sức khoẻ xuống trông thấy, ông vẫn uống rượu đều, thường xuyên, không nhiều, nhưng chóng say. Cho đến lúc này, khi chưa vào ngưỡng 70, chỉ còn rượu và thơ là bạn của ông. Rượu toả men vào thơ, còn thơ là hình ảnh ông với rượu và ông trong rượu.
Không phải chỉ lúc ấy, mà trong nhiều năm về sau tôi vẫn chưa giải thích được cái câu hỏi vì sao, một người như ông lại tìm đến rượu, và quyết không bỏ rượu, hoặc không thể bỏ được rượu? Cho đến khi nghe được một câu chuyện về ông, để được biết cái quyết tâm “bốn không”: “không bỏ dân tộc, không bỏ Đảng, không bỏ vợ, không bỏ rượu” thì tôi mới vỡ ra rằng: Ai không bỏ được rượu, rồi sẽ là người nghiện. Còn ai quyết không bỏ thì lại là một vấn đề khác. Câu chuyện này hôm nay tôi xin khất lại, chưa bàn./.
Tây Hồ 13-4-2013