Các nhà văn, nhà thơ thắp hương tưởng niệm nhà thơ Thu Bồn
Sau khi làm lễ thắp hương, mọi người cùng dành một phút tưởng niệm nhà thơ Thu Bồn.
Tiếp đó, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN đọc bài viết: “Thu Bồn – một tình yêu quá cỡ”, trong đó chứa chan tình cảm của một người đồng nghiệp, một người em dành cho người anh thân thiết, đáng kính: “Thế hệ các nhà văn chống Mỹ chọn Trường Sơn viết tiểu sử của mình. Trong đội ngũ trùng điệp có một người lính đi đầu. Anh cao lớn, vạm vỡ, dáng đi hơi chúi về phía trước. Do sức nặng của chiếc ba lô, và cũng còn do sức nặng của cuộc chiến. Đó là Thu Bồn. Năm 12 tuổi anh đã được trao bó đuốc soi cho đồng chí đảng viên duy nhất của thôn là anh Ba Châu đi bó xác những bà con bị giết sau trận càn của lính Pháp. Người đã được dân làng Đêpapơlêch cử một chú bé đốt nứa soi cho anh viết cho xong trường ca “Bài ca chim Chơ rao”. Người đã gùi đứa con đầu lòng (cháu Hà Thảo Nguyên bị nhiễm chất độc dioxin nặng) vượt Trường Sơn ba tháng ra Bắc bằng chiếc ba lô được khoét thủng hai bên sườn để đứa bé thò chân ra ngoài. Người kết thúc bài thơ viết tại chỗ trogn tiếng vỗ tay sấm rền của cử tọa thủ đô Ăng gô la, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Netto, nhà lãnh đạo vĩ đại và nhà thơ lớn của nhân dân Ăng gô la… Thu Bồn sống, khổ đau và hạnh phúc, đánh giặc và yêu đương đều quá cỡ. Một cá thể tràn trề sinh lực. Một bản năng tươi tốt và bền vững cho đến trang viết cuối cùng. Một người mà nắng gió và sóng dữ của đất Quảng cùng với bao nhiêu hiểm nghèo của đời lính đã đủ sức làm thành cơn bão trên trang viết lại là người vô cùng cả tin và yếu đuối. Thu Bồn của chúng ta… Thu Bồn nói cái to tát sần sùi cũng làm ta tin, nói cái mảnh mai riêng tư cũng làm ta tin. Và vì niềm tin ấy, theo anh đã làm thành thứ của riêng của hàng triệu con người. Và giống như các tài năng lớn, ngỡ như chúng ta phải giữ những lời ru đến nấm mộ của người đã khuất thì ngược lại chính cố nhân đã gửi lại lời ru an ủi chúng ta: Đừng hát nữa, thu vàng em hãy ngủ/ để anh nghe lá rụng cọ tim mình/ xào xạc đấy nhưng trời yên tĩnh lạ/ tay mơ hồ đang chạm những lời ru…”
Nhà thơ Vũ Quần Phương với bài viết “Thu Bồn, mười năm xa ấy” đã chọn và bình những câu thơ xuất thần, những ý thơ sâu sắc của nhà thơ Thu Bồn: “…Cách đây vài năm, khi đi tìm những câu thơ hay cho ngày thơ Nguyên Tiêu, nhà thơ Hữu Thỉnh nhắc tôi hai câu thơ của Thu Bồn, mà với tôi là rất lạ: Lấy khăn mà gói bơ vơ/ Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông. Lạ, trong chất hồn dân tộc đắm đuối xót thương. Cả lời, cả cảnh, cả tình, cả ý rưng rưng nỗi niềm một thuở xa xưa, thân gái dặm trường, đò sông bến nước. Lạ, khi ốp thơ ấy vào vóc dạc và cá tính Thu Bồn, khi chiếu thơ ấy vào dòng cuồn cuộn ào ạt và cũng hơi xô bồ của các trường ca đậm hương vị Tây Nguyên, từ Bài ca chim Chơ rao đếnBazan khát. Cái hay tiêu tao của câu thơ ấy như một lời nhắc nhở tôi lưu tâm tìm một khía cạnh khác. Lắng hơn, trầm hơn, rất sâu nặng tình đời trong thơ Thu Bồn…” Nhận định về sự đối lập giữa những câu thơ lấp lánh nội tâm với cách kể chuyện đời mình mà như kể chuyện ai đó của Thu Bồn Phải, nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Phải chăng ông muốn ghi cho nhanh những nét thời cuộc hay muốn đáp ứng một chức năng xã hội khẩn thiết của thơ ca mà chưa có lúc mình nói chuyện với mình về chính cuộc đời mình? Thu Bồn ở chặng cầm tay nước mắt bao giờ sang sông là lúc ông đang nhập vào cõi sâu sắc của lòng mình mà chiêm nghiệm nhân gian.”
Nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung nhắc đến bài thơ cuối cùng của Thu Bồn, bài “Một gói nhân tình” với hai câu:Về đi em, chợ chiều đã vãn/ Nhớ mua cho anh một gói nhân tình. Theo nhà văn Nguyễn Chí Trung, khi sống, khao khát tình người mà Thu Bồn yêu thơ và làm thơ. Đến ngày vĩnh biệt, khao khát ấy vẫn còn nguyên và mãi mãi. Đã mười năm, Thu Bồn vẫn nằm đó, với những kỷ vật từ những bàn tay ấm áp tình người đưa đến. Thu Bồn vẫn ngủ say như người lận đận việc đời chưa từng ngủ đẫy giấc bao giờ…
Nhà thơ Vương Trọng, người đã từng có thời gian dài gắn bó với nhà thơ Thu Bồn tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, trong lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ đàn anh đã rưng rưng chia sẻ những kỷ niệm dày nặng suốt 30 năm cùng sống, cùng làm việc. Nhà thơ Vương Trọng dành nhiều tình cảm khi nhắc đến Thu Bồn: “Anh là người có khả năng phát hiện, tiên đoán những vấn đề lớn của đất nước nhưng lại luôn coi nhẹ những chuyện mà người đời coi là hệ trọng (như bán nhà và lấy vợ). Chất lượng sống của Thu Bồn rất cao, kể cả trong ăn uống, công việc hay trong tình bạn, tình yêu. Về sự nghiệp, anh nổi tiếng từ rất sớm bởi tài năng; về tình yêu, anh cũng nổi tiếng không kém với sự chân tình, hết mình hiếm có… Có thể nói, cộng hạnh phúc của chúng ta sống suốt 100 năm cũng không bằng Thu Bồn sống 68 năm.” Nhà thơ Vương Trọng ngậm ngùi đọc bài thơ có tên “Thu Bồn” với câu kết: “Sao anh chẳng dùng dằng ở lại/ Mà sớm thấm vào lòng đất Thu Bồn ơi…”
Ngoài ra còn có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả… phát biểu, chia sẻ những cảm xúc tưởng nhớ nhà thơ Thu Bồn như: Nguyễn Đức Mậu, Đặng Hiển, Vũ Phong Tạo…
Toàn cảnh buổi Lễ tưởng niệm
Trong buổi lễ tưởng niệm nhà thơ Thu Bồn, cuốn sách “Thu Bồn – tráng sỹ hề… dâu bể” do NXB Hội Nhà văn VN phát hành đã được bày bán, toàn bộ số tiền bán sách sẽ được chuyển tới giúp đỡ con trai nhà thơ, anh Hà Băng Ngàn hiện đang nằm viện điều trị những di chứng do nhiễm chất độc da cam/ dioxin. Bạn đọc chưa kịp mua có thể liên hệ với NXB Hội Nhà văn VN (số 65 Nguyễn Du, Hà Nội) để được chuyển sách tới tận tay hoặc theo số điện thoại 0989404124 (gặp Tú Phương).
Theo Hội nhà văn Việt Nam