|
Thu Bồn (phải) và bạn bè văn nghệ ở nhà của thi sĩ Phùng Quán, 1995. Ảnh: N.Đ.Toán. |
Nhà thơ- chiến sĩ- tráng sĩ đúng nghĩa
12 tuổi Thu Bồn đã vào bộ đội làm liên lạc kháng Pháp. Chiến trường nào cũng có mặt. “Anh già hơn em một cuộc chiến tranh”- thơ Thu Bồn. Mấy ai đo tuổi tác bằng chiến tranh như nhà thơ- người chiến sĩ ấy.
Khoét hai góc ở đáy ba lô đặt con trai vào đó, Thu Bồn cõng con đi bộ dọc Trường Sơn, mấy tháng trời mới ra được Hà Nội. Đứa trẻ này tên là Hà Thảo Nguyên, bị chất độc da cam nên đã bỏ Thu Bồn mà đi năm 16 tuổi. Con trai thứ hai của ông, Hà Băng Ngàn, cũng là một nạn nhân da cam.
Trong bài Bình minh từ nửa đêm có những tình tiết thú vị Thu Bồn viết về đời lính chiến của mình:
“Không biết chuyện này đời sau có hình dung nổi không. Chúng tôi ngồi ăn ốc, húp lấy húp để bát nước ốc thơm phức mùi lá chanh. Bà Hai lấy cành gai chanh tước cho mỗi người một cây gai. Chúng tôi ngồi lể ốc giữa đạn bay rào rào, có bức tường nhà làm lá chắn. Nhưng rồi một viên đạn lém lỉnh chen vào ngạch cửa xuyên qua gót chân anh Kim. Kim bình thản coi như không, húp hết bát nước ốc rồi lấy hai bàn tay giữ chặt cổ chân băng lại. Nguyên Ngọc nhìn viên đạn nằm trong góc sau khi xuyên gót chân Kim, nhặt lên và nói: Kỷ niệm Mậu Thân”.
Một câu chuyện lạ khác:
“Hai đứa tôi đội nón lá giả làm thường dân ngang nhiên băng qua cánh đồng dọc sông Cổ Cò. Hai chiếc tàu rọ quần đảo trên đầu thấy hai đứa đội nón trắng, áo trắng và đi tỉnh bơ nên chúng bỏ đi. Hú hồn! Gần đến bìa làng hai đứa vụt chạy vào lũy tre. Dân làng chửi om, vì thương hai đứa quá. Một ông già oang oang: Hai đứa có biết nãy giờ bà con thấy tụi bay đi qua cánh đồng, ai nấy thót gan lên ngực không?”. Hai đứa ngơ ngác, ông già nói tiếp: “Mấy năm nay tụi Mỹ lết, tụi biệt kích đều chê cánh đồng hoang đó, hai đứa bay không biết sao? Bà con đương tính chuyện không biết làm sao ra mang xác tụi bay vào. Thôi, vào quán làm tô mì nóng xả xui!”.
Trong ký ức của Nguyên Ngọc “Xuân Mậu Thân 68 ở sát ngoại ô Đà Nẵng, trước đoàn quân hàng ngàn người sắp bước vào cuộc tổng tấn công, anh đọc thơ như thét vang: Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con/Như người yêu gọi người yêu xa cách!”.
Thật là danh bất hư truyền một nhà thơ tự nhận là người viết văn làm thơ trên báng súng- Thu Bồn.
Thấm đượm gói nhân tình
Về đi em chợ chiều đã vãn/ Hãy mua cho anh một gói nhân tình là câu thơ Thu Bồn. Còn Thấm đượm gói nhân tình- tên bài viết của đại tá Như Cảnh, bạn chiến đấu của nhà thơ.
Hãy nghe ông Cảnh hồi ức về người bạn “tháo vát, tài năng” trên chiến trường và trong sinh hoạt cùng đồng đội: Kể chuyện Trọng đời thường năm tháng chiến tranh là không bao giờ hết. Cái tập thể lạ lùng của chúng tôi vẫn gọi: Trọng “rái cá”, Trọng “xạ thủ”, Trọng “nói trạng”, Trọng “lỳ xỳ”…Cần mẫn như con ong, thơ mộng của thi sĩ, trần tục của hiệp sĩ hạ san. (Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng).
Trong văn giới, Nguyễn Duy có biệt tài giống một nhân vật của E.Remarque- đi bất cứ đâu cũng tìm được cái để mọi người cùng ăn. Thu Bồn cũng vậy, tranh thủ săn bắt hái lượm bất cứ khi nào có thể để đồng đội được cải thiện, rồi tự tay chế biến say sưa, lành nghề. Nguyên Ngọc viết: “Những năm khó khăn đói kém nhất trong rừng, chúng tôi sống bằng thịt các con thú Thu Bồn săn được”.
Nguyễn Quang Sáng nhớ lại: “Năm 1973 tôi và Thu Bồn cùng phòng khách sạn lớn ở Matxcova. Nếu có một mình, tôi ăn ở nhà ăn khách sạn với số tiền Hội Nhà văn Liên Xô đài thọ thì vừa đủ. Nhưng có Thu Bồn thì khác. Thu Bồn đưa tôi đi ăn ngoài phố, ngon lại rẻ, ngày nào cũng vậy, trong túi còn dư ít tiền mua đồ lưu niệm. Sao mà giỏi thế!”.
Hiếm nhà văn nào giành được tình cảm sâu đậm đến thế của bạn bè trong giới. Phạm Tiến Duật ví von: Thu Bồn là cây lim nhưng luôn đánh bạn với cây liễu. Thanh Thảo: Trong anh có những cú đập cánh mãnh liệt của con đại bàng.
Năm 2001, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha có chuyến ghé thăm nhà bạn ở suối Lồ Ồ tỉnh Bình Dương. Anh Tạo tả: “Ô tô vừa đến cổng đã thấy Thu Bồn đứng giữa sân giang hai tay như muốn ôm chầm lấy cả chiếc ô tô”. Rất tinh, với những ai từng gặp Thu Bồn.
Người đàn ông đào hoa, phóng túng
Nguyễn Khải nhận xét: “Trông cách Thu Bồn chăm sóc con người, đến tớ còn mê nữa là con gái”. Ngược lại Thu Bồn cũng được nhiều người tài sắc yêu.
Mới hôm qua đây, nhà phê bình Ngô Thảo bạn chí thiết của Thu Bồn xác nhận một chuyện: Có lần mấy nữ văn sĩ nổi tiếng rủ nhau đến gặp một cô gái để đánh ghen giùm bạn. Một người vào trước quan sát địch thủ xong, quay ra phẩy tay: Nó đẹp thế đến mình còn mê nữa là đàn ông. Thôi đi về!
Năm 1993 tôi đi cùng nhà văn Trung Trung Đỉnh đến ngôi nhà nằm trong rừng, bên suối Lồ Ồ của Thu Bồn. Gặp cả Hoàng Phủ Ngọc Tường rất mạnh chân khỏe tay. Thu Bồn say sưa đọc bài thơ Đất kêu ưa thích của mình. Nghệ sĩ cải lương Lý Bạch Huệ vợ ông ngồi bên ngước nhìn ông như thể mới nghe bài này lần đầu.
10 năm sau nghe tin Thu Bồn mất. Trong một lúc, tôi nhớ lại những tiểu thuyết Chớp trắng, Dưới đám mây màu cánh vạc… của Thu Bồn đọc thuở bé, thuê ở hiệu sách cũ phố Thi Sách. Nhưng câu thơ chợt hiện lúc ấy không phải là, chẳng hạn “Nón rất Huế mà đời không phải thế”, “Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt/Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuê”… nổi tiếng, hoặc Cầu trời bên ấy bình yên/Em về xin cứ thiên nhiên mà về được Nguyễn Duy đọc để tiễn biệt trong đám tang Thu Bồn. Mà hóa ra vẫn là những câu thơ trong trang sách học trò, hằn sâu nơi ký ức: Chim Chơrao ơi bay về buôn vắng/Báo tin buồn đi khắp mọi nơi/Mặt trời đã rụng hai tia nắng/Rừng Tây ánh lửa đỏ sáng ngời.
“Từ cậu bé chân bùn tay lấm ở miền quê xa ngái nghèo khổ, trong mộng tôi chưa hề nghĩ mình sẽ gặp các đại văn hào”- Trích bài viết của Thu Bồn về chuyến đi nhận giải Lotus- giải thưởng văn học quốc tế của Hội Nhà văn Á- Phi, 1973. Các tên tuổi Thu Bồn gặp dịp này: Eptusenko, Aimatov, Ximonov, Gamzatov…
|
Theo Dương Phương Vinh
Tiền Phong