Nhà thơ Tạ Hữu Yên
Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã tạ thế vào sáng 30/5/2013 tại Hà Nội. Ông sinh năm 1927 tại thôn Ðông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977).
Lễ viếng nhà thơ Tạ Hữu Yên vào hồi 10h đến 12h ngày 3/6/2013 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), an táng tại quê nhà.
Nhà thơ Tạ Hữu Yên từng kinh qua các công việc như: Làm các công tác tuyên truyền, địch vận, cán bộ, dân quân trong quân đội; Thư ký tòa soạn báo Quân khu Hữu Ngạn; Trưởng phòng phát thanh địch vận Cục Nghiên cứu; cán bộ biên tập sách văn học NXB Quân đội Nhân dân. Trước khi nghỉ hưu, ông mang quân hàm Đại tá.
Nhà thơ Tạ Hữu Yên là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng: Bài thơ chính nghĩa (1951), Tiếng ca xanh (1978), Bức chân dung (1985), Nỗi nhớ ngày thường (1987), Ngọn súng biên phòng (trường ca, 1983), Sấm dậy trưa hè (trường ca, 1984), Thung lũng lửa và hoa (trường ca, 1988), Bốn cánh hoa đồng (1996) và nhiều tác phẩm khác.
Trong SGK lớp 4 (bộ cũ), nhà thơ Tạ Hữu Yên còn được nhiều thế hệ học sinh nhớ đến bởi những câu thơ đẹp, giàu cảm xúc trong bài thơ “Anh về cùng mùa hoa”: “Trang thơ tôi đằm lại/Giữa nhà tù Sơn La/ Tô Hiệu ơi có phải/Anh về cùng mùa hoa?”. Bài thơ đã góp phần làm cho hình tượng cây đào Tô Hiệu trong nhà tù Sơn La trở thành bất tử.
Tính đến nay, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã có gần 200 bài thơ phổ nhạc, một kỷ lục trong văn giới đối với mối lương duyên giữa thơ – nhạc.
Ông đã có trên 100 bài thơ được phổ nhạc và đã nhận nhiều giải thưởng của Trung ương Đoàn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ LĐ,TB&XH… cho các bài thơ được phổ nhạc thành bài hát được nhiều người yêu thích: Đôi dép Bác Hồ, Nói với khơi xa, Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (nhạc Văn An), Cảm xúc tháng Mười (nhạc Nguyễn Thành), Bài ca Thanh niên (nhạc Thanh Phúc), Bàn tay mẹ (nhạc Bùi Đình Thảo), Nhớ giọng hát Bác Hồ (nhạc Thành An), Người chiến sĩ trung kiên (nhạc Huy Du), Đất nước (nhạc Phạm Minh Tuấn)…
Thể thao & Văn hóa