|
|
Có một nghịch lý này: người nào muốn “làm thầy” thiên hạ, lên mặt dạy đời là sụp đổ luôn, suy sụp thảm hại uy tín nếu không muốn nói là mất hết. Ông thầy lớn chân chính là người biết làm học trò nhỏ suốt đời. Ma Văn Kháng trong Hồi ký của mình, muốn tự nghiệm, muốn làm bạn với mọi người. Đó là một tâm thế chính đáng. Viết văn với tâm hồn người thầy đã như làm một thiên chức kép. Xuất thân nhà giáo, mang cốt cách sư phạm vào văn chương là thêm một lần tô đậm lý tưởng chân, thiện, mỹ, là gia tăng một cách tự nhiên cảm hứng yêu người, yêu đời.
Đã có bài viết Nhà giáo, nhà văn Ma Văn Kháng của Nguyễn Ngọc Thiện – bạn văn chí cốt. Tôi đảo lại: Ma Văn Kháng - nhà văn - nhà giáo, nghĩa là đồng tình nhưng có ý khác. Viết với tư cách người thân, quan hệ anh em, nhưng chủ yếu với con mắt người thầy, với tình nghĩa người thầy. Có một sự ngẫu nhiên thú vị là đời tôi có nhiều nét tương tự với nhà văn: suýt soát tuổi nhau, người gốc Hà Nội, cùng học Sư phạm Trung cấp Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc (tôi ra trường 1953), cùng xung phong lên Tây Bắc (tôi đi Yên Bái, Sơn La), cùng về học Đại học Sư phạm Văn (cũng suýt soát khóa học). Tôi cũng từng làm hiệu trưởng cấp 2, cấp 3. Nhưng rồi hai anh em hai lối rẽ: tôi dạy văn ở Đại học Sư phạm cùng Đinh Trọng Lạc - anh trai Đinh Trọng Đoàn (tên khai sinh của nhà văn) từ 1960, còn nhà giáo Ma Văn Kháng chuyển sang viết văn. Vẫn cùng duyên phận, hai ngả nhưng một đường: Đại lộ Văn chương. Anh em quan hệ với nhau ngoài đời nhưng chủ yếu gặp nhau trên trang sách. Thập kỷ 90 tôi đã hướng dẫn luận văn Thạc sỹ về đề tài Ma Văn Kháng ngay sau khi Đám cưới không có giấy giá thú gây “khuấy động văn đàn”.
Dông dài đôi chút để thấy bài viết này là tâm huyết của người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
1. Nhà văn mang tư cách, tư thế ông thầy
Ma Văn Kháng ra đời, lập nghiệp đúng vào tuổi mười tám. Làm cuộc bộ hành hơn một tháng từ biên giới Đông Bắc sang miền viễn biên Lào Cai. Coi như một thử thách nhỏ, nghĩa lý gì so với sức trai? Vừa chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ thì đã phải vác súng đi canh gác chống phỉ ở cầu Cốc Lếu nhìn sang thượng nguồn con sông phía Trung Quốc.
Dấn thân vào nghề là chấp nhận những gian nan vất vả rất thực tế. Chưa nói chuỗi ngày đêm đằng đẳng chờ đợi với cây bút, ngọn đèn và trang giáo án. Chưa nói những cơ cực bần hàn sẽ phải nếm trải của thầy giáo ăn gạo kho, chi chút dúm muối từ miền xuôi ngược lũ, và giấc ngủ chập chờn vì tiếng súng mìn thổ phỉ, tiếng máy bay địch oanh tạc. Trước mắt hàng ngày là đe doạ nghiệt ngã của an ninh, của cuộc sống đối mặt với bệnh tật nơi “khỉ ho, cò gáy”, chốn “rừng thiêng, nước độc”. Đã có lúc Kháng ngã bệnh vào loại “nan y” thời ấy. Tôi đã rơi vào cảnh tương tự nơi “muỗi Mường La, ma Vạn Bú”. Sốt rét ác tính chỉ một mũi ký ninh là thần dược cứu mạng lúc bấy giờ. Sẽ hiểu vì sao Đinh Trọng Đoàn lấy họ Ma của lãnh đạo huyện làm họ mới cho đời mình. Người anh kết nghĩa là ân nhân cứu sống. Tuổi trẻ Ma Văn Kháng đắm mình trong thử thách của một “vùng đất dữ dội” – miền núi biên giới rẻo cao thời kháng chiến. Là một sự nhập cuộc nhưng có nét lãng mạn mà phiêu lưu mạo hiểm. Chính từ đấy song hành hai cuộc rèn luyện: nhân cách một công dân, nhân cách một ông thầy. Nghĩa là đồng thời hình thành nhân cách ông thầy, nhân cách con người – con người mới của một xã hội mới.
Với tư cách ông thầy, nhà giáo trẻ miệt mài giảng dạy, trau dồi nghề nghiệp với mong muốn đạt được niềm vui qua truyền cảm văn chương. Qua lòng yêu nghề tha thiết, ông thầy Ma Văn Kháng muốn chuyển tải vào tâm hồn học sinh chủ yếu là tình yêu cuộc sống, tình
yêu con người, một tinh thần nhân bản cao đẹp. Nghĩa là dạy chữ, dạy người theo phương châm “Tiên học lễ, hậu học văn”. Rèn các thế hệ học trò theo lời dạy Bác Hồ “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ” (tức làm đầy tớ cho nhân dân). Trong các truyện về ông thầy đã viết có bóng dáng của chính tác giả. Những nhân vật nhà giáo tận tụy với nghề, nêu cao tấm gương đạo đức, hết lòng vì học sinh thân yêu như Đặng Trần Tự, Thiêm… phần nào có ý nghĩa như bức chân dung tự họa của Ma Văn Kháng.
Để làm được chức năng người thầy, lại phải biết làm người học trò. Nhà văn đã tự nhủ và đã làm được như vậy. Với vốn kiến thức bậc cử nhân văn chương lại được bồi dưỡng, mở rộng thêm ở Trường Viết văn, Ma Văn Kháng còn nêu một tấm gương tự học đáng nể trọng. Cả về tri thức, cả về nghiệp vụ. Đào sâu vào văn học dân gian để tìm kiếm chất dân giã, trào phúng và triết lý nhân sinh hồn nhiên; trở về với văn học cổ điển để bồi đắp trí tuệ uyên thâm, giàu suy tưởng cùng tài hoa mỹ cảm của cha ông. Rồi mở rộng giao lưu với tâm hồn nhân loại. Văn học nước ngoài đem lại cho nhà văn một thế giới cảm thụ đa sắc màu làm giàu có thêm cho tâm hồn chủ thể. Nhà văn rất ham mê đọc các tác phẩm kinh điển của nhiều nhà văn nước ngoài nhưng cũng thích thú với sáng tác tiêu biểu có giá trị của những khuynh hướng, những trào lưu mới, kể cả hậu hiện đại ở các phương trời. Rồi mở rộng hiểu biết ở cả lĩnh vực tư tưởng, triết học… để có thể tạo dựng cho mình một cốt cách văn hóa. Triết lý Tam tài hay Tam thể: tự nhiên – con người – xã hội; giáo lý Phật, quan điểm đạo giáo của Khổng Tử - nhà tư tưởng và giáo dục vĩ đại thời cổ đại, cốt lõi nhân bản của Tôn giáo… thấp thoáng trên trang viết. Điều quan trọng là sự vận dụng, biết đưa vào đó những kiến giải chủ quan, những phân tích, những biện luận ở tầm cao trí tuệ văn hóa. Nêu các học thuyết nhân văn của các nhà sáng tạo như Phật, Giêsu để chứng minh con đường tiến lên văn minh, văn hóa còn chầy chật, gian khổ trong cuộc chơi chưa thể phân thắng bại của thế gian. Nêu sự gặp gỡ của A.Schopenhauer với Thích ca là để tìm ra căn nguyên phòng ngừa và diệt trừ cái Ác.
Nhà văn Ma Văn Kháng
Học tập đời sống là một hành trình bất tận bởi vì bộ mặt xã hội với thiên biến vạn hóa sẽ cung cấp cho ta những hiểu biết vô hạn của đại học trường đời. Những cuốn sổ ghi chép chồng chất trên năm mươi năm của nghề viết là tư liệu ngồn ngộn trong cuốn bách khoa thư cuộc sống mà nhà văn đã thâu lượm được. Có phần quá đáng hay không khi Ma Văn Kháng cho rằng nghề văn là nghề nhọc nhằn nhất? Bởi vì có người đồng tình như vậy. Người ta đã tổng kết giúp: nghề viết văn chính xác là một nghề nặng nhọc nhất thế gian, chỉ sau nghề phu mỏ. Chỉ riêng về mặt chữ nghĩa đã là công phu học tập một đời: đào bới, kiếm nhặt, sàng lọc, chọn lựa, nhào nặn, biến hóa, tinh chế, đúc luyện, gọt tỉa…Trên đời này không có sự giày vò nào khốn khổ bằng sự giày vò của con chữ, nhà văn đã tâm sự như vậy.
Có giữ được tư chất ông thầy mới có được tư thế làm thầy. Viết văn chỉ là một sự chuyển đổi hoạt động thao tác đúng ra là mục đích công việc. Từ soạn bài giảng dạy đến viết sách như tuyên ngôn văn chương, làm thầy thế hệ học trò đến kỹ sư tâm hồn con người xã hội. Vẫn là làm một trọng trách giáo dục.
Ma Văn Kháng như có ý kiến nhận xét, luôn ở thế “thượng phong” vì nhà văn luôn trụ được ở một tầm cao. Tầm cao chính trị, tầm cao đạo đức, tầm cao lý tưởng. Và quan trọng là mình có nhân cách cao đẹp của ông thầy. Để chuyển tải những thông điệp có ý nghĩa xã hội, những bài học làm công dân, làm cán bộ, làm chiến sĩ…tức đạo làm người. Để truyền bá chủ nghĩa nhân văn mới cách mạng cao cả. Tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm phải là chân lý về cái đẹp cuộc sống, cái đẹp như cứu cánh cuộc đời văn hóa, văn minh.
Tuy nhiên, lên lớp không thể rao giảng như truyền đạo. Nghề “dạy” trong văn chương cũng phải có cách thức. Dấu ấn riêng của nhà văn có thể là sự khai sáng, sự thức tỉnh, sự gợi mở, là đối thoại và tranh biện qua tác phẩm. Sư phạm mà còn là “siêu sư phạm”. Bởi khuynh hướng dân chủ của tiểu thuyết hiện đại là chống áp đặt. Phải thuyết phục bằng tâm trí và tình cảm, bằng cả trực giác, linh cảm… Đó là phương pháp hiệu nghiệm của nghệ thuật. Chừng nào nhà văn lên mặt dạy đời, chừng đó sẽ gây phản cảm và phản ứng của người tiếp nhận. Dạy và “dỗ” là chuyện với trẻ nhỏ nhà trường. Dạy như người bạn, như người đồng hành, người nâng đỡ, khích lệ là tâm thế và tư thế của nhà văn – nhà giáo – nhà văn có cốt cách nhà giáo như một cấu trúc vững chãi của nhân cách.
Sức ám ảnh của cái thuở ban đầu thật ghê gớm. Hồn vía ông thầy nhập vào tâm thái tạo nên nhà văn – nhà giáo Ma Văn Kháng.
2. Nhà văn với khát vọng hoàn thiện nhân cách ông thầy.
Ma Văn Kháng là người trong nghề dạy học viết về ông thầy vào loại nhiều nhất và hay nhất cho đến nay. Nhà văn có không ít truyện ngắn viết về hình ảnh nhà giáo trong vòng hai chục năm trở lại đây. Tác giả làm sự kiểm kê nêu ra: Thầy dạy tư, Người đánh trống trường, Thầy Khiển, Thầy Phùng kỳ quặc, Thầy K. Tình, Ông Smith và cụ già hàng xóm, Thầy Thế đi chợ bán trứng, Hoa nở vườn đêm, Thầy dạy toán, Cây bồ kếp hoa vàng…. Nổi bật như nhân vật có sức nặng trong thế giới học đường là những người thầy đủ loại trong hai cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang dư luận Đám cưới không có giấy giá thú vàGặp gỡ ở La Pan Tẩn. Nhìn chung là những tác phẩm viết về số phận, vai trò người thầy. Thực ra bóng dáng ông thầy còn rải rác, thấp thoáng ở nhiều cuốn khác, như Toàn trongMột mình một ngựa và đến cả cuốn tiểu thuyết mới nhất về đề tài an ninh gần đây Bến bờ: đó là ông thầy nạn nhân và tội nhân, thầy Bình và ông giáo già trường làng như một ảo ảnh trong chiêm bao.
Văn chương là chuyện cuộc đời. Nhà văn đã sống đời sống thực thụ của một thầy giáo bao nhiêu năm trời. Toàn viết về điều mắt thấy tai nghe, đầu óc suy ngẫm. Viết về bè bạn, viết về mình để sẻ chia, để thương cảm, để nói tiếng nói từ đáy lòng người làm nghề ở môi trường giáo dục. Nói về thân phận người thầy còn nhiều gian nan, nhiều bức xúc vì những cảnh phiền muộn, xót xa vì những áp lực vô lý đè nặng trong hoàn cảnh chung còn bao khốn khó. Ấy vậy mà có điều ra tiếng vào, thậm chí lời chê bai phê phán kịch liệt. Chủ yếu là quanh Đám cưới không có giấy giá thú. Nhân vật chính Tự chịu nhiều dằn vặt, oan khổ trong một bi kịch thê thiết dai dẳng. Thuật cũng là một số phận bi thảm khác đi đến bất mãn, phá phách, thậm chí cả cuộc đời mình. Ông Thống bị vu cáo đành thúc thủ. Những con người có tài, có chí, có tâm huyết, có nhân cách, mang lý tưởng đẹp lại bị bọn cơ hội, dốt nát, đồi bại nhân danh lãnh đạo nhà trường lên mặt “lý tưởng” dồn ép, xua đuổi, đè nén, bức hại đến đớn đau. “Nỗi đau này là nỗi đau tâm thế sâu xa. Nỗi đau này có thể làm mất nhân tính. Nỗi đau này có thể làm mất lương tri. Nỗi đau này là nỗi nhục trần ai” như tuyên ngôn gián tiếp của thầy giáo – nhà văn.
Đó là nỗi đau có ý nghĩa xã hội, chính trị không chỉ là nỗi đau suy nghiệm triết lý. Bởi vì qua tác phẩm – ông thầy là ông thầy nhưng lại không chỉ là ông thầy. Ma Văn Kháng thành công ở một cấp độ khái quát cao hơn khi nâng họ lên thành những người trí thức. Đó là những bi kịch tự nhận thức của những người tự biết giá trị của mình và muốn phấn đấu để đạt giá trị lý tưởng kỳ vọng. Và ở đây, cũng có hai mặt. Mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục. Người thầy phải tự hoàn thiện nhân cách cũng như người trí thức phải tự thanh lọc tâm hồn, tự cải tạo tư tưởng để vươn lên thành những hiền tài thực sự. Phải biết đắm mình vào giấc mơ huy hoàng ở phía trước như Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn nhưng quan trọng hơn là phải hành động tích cực, hiệu quả, kiên trì và dũng cảm để thực hiện ước mơ – lãng mạn nhưng không thể ảo tưởng.
Truyện viết về nhà trường là chuyện xã hội, chuyện đời. Trong thời đại mà tri thức lên ngôi (kinh tế tri thức, xã hội tri thức) thì, hơn lúc nào hết, mỗi người đều phải trí thức hóa. Đó cũng là tiên tri, là dự báo, là yêu cầu của nhà văn. Lao động cũng là lao động trí thức, dù là chỉ làm kỹ thuật nhưng phải là lao động tinh thông, trình độ cao. Lãnh đạo càng phải như vậy. Ông Tầm và cả những chiến sĩ an ninh Nhâm, Điền, Lập trong Bóng đêm, Bến bờ là những trí thức trong cốt cách. Nhất là Quận trưởng Tầm – người có trí thức uyên bác trong ngành nghề và cả về xã hội, xứng đáng là người thầy, là thần tượng của lớp đàn em.
3. Nhà văn nêu cao đạo lý tôn sư trọng đạo
Ma Văn Kháng nhiều lần phát biểu đề cao các ông thầy, biết ơn nhà trường – cái nôi sinh thành văn hóa và cũng là nơi ấp ủ mộng văn chương của mình.
Đặc biệt, nhà văn nhiều lần đi về khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi đến là với tư cách người đi trước thế hệ sinh viên đàn em để giao lưu tâm tình. Tôi nhớ hình như đã có lần cùng đạp xe với anh vào trường trong buổi giao tiếp chuyện trò như vậy. Hôm tổ chức lễ tiếp nhận học bổng Nguyễn Tuân vào tháng 12/1997, nhiều nhà văn lão thành Tô Hoài, Kim Lân và cả Ma Văn Kháng tới dự. Anh phát biểu về kỷ niệm với Nguyễn Tuân khi còn ngồi trên giảng đường đại học nghe nói chuyện từ năm 1962. Có nhiều chuyện nhưng anh có một cảm nhận đặc biệt về cái bình toong đựng thứ nước uống gì đó (rượu, trà…) và chiếc quạt giấy của diễn giả coi đó là một minh chứng thú vị cho nét phong cách sống và viết của nhà văn. Hóa ra anh học các thầy qua bài giảng, qua giáo trình và cả các bậc thầy văn chương qua câu chuyện, tác phong, hình thái, cốt cách từ “người thật, việc thật” để thu nhận kiến thức sinh động của cuộc sống. Dịp Hội Trường, Hội Khoa anh thường về đại gia đình văn chương trong “mái ấm tình thương” đặc biệt để gặp thầy, gặp bạn sau bao năm trời xa cách ở khắp phương trời. Học sinh tôn vinh thầy, ca ngợi Khoa nhưng chính họ lại làm đẹp mặt thầy, tô điểm Trường.
Tôi ghi lại đây đôi dòng cảm nghĩ của người sinh viên cũ thành danh: “Thời gian học không dài, nhưng đó đã và vẫn sẽ là những năm tháng quan trọng nhất của một đời người chúng tôi. Con người nhất thiết phải được học hành chu đáo để hình thành nhân cách, năng lực và bản lĩnh riêng. F.Nítsơ có nói: Cách tri ân tốt nhất là không làm học trò nữa. Đành là vậy. Nhưng về mặt tình cảm tôi vẫn muốn luôn luôn được là người học trò nhỏ của Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội – cái nôi sinh thành của tôi”. Đấy là đôi lời cảm tạ mà Ma Văn Kháng đã thổ lộ trên trang báo (Trường đại học của tôi – Văn nghệ số 40, 7/10/2006).
Học khóa bồi dưỡng Trường Viết văn của Hội cũng là một thời đoạn ghi dấu ấn lịch sử trong đời viết của nhà văn trẻ. Đấy là khóa 3 khai giảng ngày 17/9/1973 và kết thúc vào cuối tháng 4 năm 1974. Lớp học có bạn bè cùng khóa Đại học Sư phạm 1961-1963 Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng, Tô Nhuận Vỹ. Quý nhất là gặp gỡ các tên tuổi văn học lớn đương thời, những bậc anh, bậc thầy đã cao đạo: Thế Lữ, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên rồi Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi và cả Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ từ chiến trường miền Nam ra. Lại như nhận ra một khoảng không gian mới bao la đầy hấp dẫn. Có đoạn trích Hồi ký được đăng trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (số 146 – tháng 3/2007): Tôi đi học trường Hội: “Có cảm giác mình từ con ngòi nhỏ bé bức bối, giờ ra sông ra bể, đứng trước một thế giới mở bao la, bộn bề, mới mẻ, tôi như kẻ khát được uống, đói được ăn, như tờ giấy thấm tiếp nhận một cách tham lam tất cả”.
Nhà văn biết ơn Huỳnh Huy Phượng đã biết chiêu sinh để “chọn mặt gửi vàng”, đặc biệt coi Nguyễn Thành Long như người trực tiếp dẫn dắt vào con đường văn chương và Tô Hoài là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cảm ơn lớp học như một cuộc khai sáng mới kể cả phần lên lớp cũng như phần cho đi thực tế Vĩnh Linh. Điều quan trọng nhất là sự thức tỉnh, tự thấy mình còn nhiều non dại, ấu trĩ mà nghĩ lại không khỏi “thấy xấu hổ vô cùng”. Có phần hơi quá đáng nhưng đấy là sự phủ định tích cực cho sự trỗi dậy, sự vươn tới. Bồi hồi và dự cảm, nhà văn tự nhủ phải đền đáp sự dạy dỗ, bồi đắp của nhà trường bằng sự thay đổi mạnh mẽ “Tôi sẽ sống và viết khác trước, phải rồi, sẽ phải khác với trước”.
Ở những trang viết sau này tới gần đây nhất ngoài những thương cảm sâu sắc những thiệt thòi của ông thầy, Ma Văn Kháng vẫn ngầm tôn vinh những nhân cách không tầm thường dù nhất thời có nhiều sai phạm. Đoạn tả cảnh Điền – một trinh sát viên lừng danh trong Bến bờ có một đoạn thật cảm động. Người học trò phổ thông năm xưa về thăm lại thầy giáo cũ – thầy Bình hiện thân của tài hoa son trẻ và lai láng tình yêu đời một thời. Chia tay nhau, thầy cũ căn dặn đôi điều như bài học thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của bản thân và của cuộc đời: “…đừng thối chí, nản lòng. Con người là một sinh thể duy nhất trên hành tinh đáng kiêu hãnh, tự hào. Nó cần phải sống xứng đáng với danh hiệu cao quý của nó hơn nhiều nữa… Vậy đó mà con người còn tàn ác, xấu xa, ngu muội lắm, em à”. (trang 183)
Tình thầy, nghĩa trò, có đi, có lại, thỏa chí, toại lòng nhau.
Kỷ niệm 60 năm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm là sự hội tụ những gương mặt, những tấm lòng.
Giáo sư Phan Trọng luận trong bài Một khoảng trời yên tĩnh (Văn nghệ, số 40 – 1/10/2011) nhắc kỷ niệm từ thời kháng chiến khi thụ giáo các bậc sư biểu rất nổi tiếng của nước nhà như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh… không quên nhắc tới các thế hệ học trò sau này có nhiều người đã làm sáng danh thêm cho Khoa như Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khoa Điềm…. Trong bài viết có tính quan phương của nhà lãnh đạo cấp Khoa, cấp Trường có đoạn nêu rõ một đặc điểm như Điều lớn thứ tư: “…nói về Khoa Ngữ văn là nói về một Khoa với tình nghĩa lớn. Khoa Ngữ văn không những là ngôi nhà lớn về tri thức mà còn là ngôi nhà lớn của tình thương, lòng nhân ái, ở đó có nghĩa tình lớn giữa thầy và trò trong truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn…. Nhà thơ Phạm Tiến Duật viết: “Khoa văn luôn hiện lên trong tôi như tòa lầu lộng lẫy nhất, uyên bác nhất, nhân văn nhất.” Ma Văn Kháng gọi Khoa văn là “cái nôi sinh thành của tôi…” (PGS.TS Lã Nhâm Thân – 60 năm một chữ lớn – Văn nghệ số 41 – 8/10/2010). Riêng tôi cũng có đôi dòng tâm sự qua Tâm hồn Văn – Tâm hồn Xanh trên Văn nghệ Trẻ (Số 41-9/10/2011). “Con người làm đẹp lẫn nhau. Thầy trò làm sáng giá cho nhau. Các thế hệ sinh viên tự hào, vinh dự về những ông thầy của mình trong đó có các Giáo sư tên tuổi như Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Lê Trí Viễn… Thế hệ các thầy cô giáo kế tiếp có học hàm, học vị, có tên tuổi, có vị trí cao trong chuyên ngành và sự nghiệp đào tạo trên phạm vi cả nước. Phải chăng đó là thế hệ vàng của một thời? Các thầy cô trong Khoa cũng tự hào vinh hạnh về sinh viên các thế hệ đã ra trường tạo nên sự nghiệp anh hùng thầm lặng cho đội ngũ trồng người trên mọi miền đất nước”. Ngoài số thành đạt tham dự vào cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ, bài viết không quên nhắc đến những ngôi sao sáng được tôn vinh với những danh hiệu và giải thưởng cao quý như Trọng Bằng, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng. Thực ra tôi đã nhắc đến Ma Văn Kháng đó đây trên trang viết, và nói khá kỹ nhân viết về Nguyễn Tuân (Sách Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX – Tập 1 – Nhà xuất bản Giáo dục – 2007).
Hội Khoa vừa qua gợi cho tôi nhiều kỷ niệm ấm lòng. Thầy trò gặp nhau tâm hồn vẫn xanh mà mái đầu đã trắng! Nhiều tặng phẩm quý giá từ tay những nhà văn, nhà thơ thành danh: Nguyễn Bắc Sơn, Ma Văn Kháng, Phạm Ngà, Bùi Kim Anh…. Gần đây tôi nhận được Bến bờ với lời đề tặng thân tình: “Kính gửi anh Đoàn Trọng Huy – Người Anh, người Thầy rất kính mến của em”.
Trong giáo dục và trên văn đàn phải phấn đấu vươn lên tầm cao về mọi mặt mới có được và giữ được thế “thượng phong”, để tạo ra được niềm tin tưởng, mến phục. Địa vị sẽ từ đấy mà có. Lên được bậc thầy, cho dù về một phương diện nào đó, phải qua sự đánh giá khách quan, sự tôn vinh công tâm của đông đảo ngàn triệu những chủ thể tiếp nhận.
Có một nghịch lý này: người nào muốn “làm thầy” thiên hạ, lên mặt dạy đời là sụp đổ luôn, suy sụp thảm hại uy tín nếu không muốn nói là mất hết. Ông thầy lớn chân chính là người biết làm học trò nhỏ suốt đời. Ma Văn Kháng trong Hồi ký của mình, muốn tự nghiệm, muốn làm bạn với mọi người. Đó là một tâm thế chính đáng. Viết văn với tâm hồn người thầy đã như làm một thiên chức kép. Xuất thân nhà giáo, mang cốt cách sư phạm vào văn chương là thêm một lần tô đậm lý tưởng chân, thiện, mỹ, là gia tăng một cách tự nhiên cảm hứng yêu người, yêu đời.
*
Có ý kiến hình như của một bạn blogger viết về nhà văn “Ma Văn Kháng là nhà văn lớn, viên ngọc sáng, đồng bạc trắng hoa xòe của núi rừng Tây Bắc. Ông như Nguyên Ngọc ngọn núi kỳ vĩ của núi rừng Tây Nguyên và như Nguyễn Ngọc Tư cánh đồng bất tận của đất phương Nam vậy”. Lại có người khẳng định Ma Văn Kháng là “một tài năng tầm cỡ”
Tôi đồng tình với tất cả vinh danh chính xác và chân thành.
Riêng tôi, muốn tặng một lời giản dị: Ma Văn Kháng thật xứng danh Nhà văn – Nhà giáo – Kỹ sư tâm hồn Con Người.
Với tất cả tấm lòng của Người Anh, Người Thầy.
Thành phố Hồ Chí Minh, Tháng 5/2012
PGS TS Đoàn Trọng Huy
Theo Nguoibanduong
|