(Dân Việt) - Sáng sớm ven âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), hàng chục phụ nữ chân mang ủng, cầm theo dụng cụ lụi cụi với công việc bắt sò thường ngày. Những phụ nữ này đều đến từ các vùng quê nghèo Quảng Nam đến.
Chị Lê Thị Na (40 tuổi, quê Bình Chánh, Thăng Bình, Quảng Nam) cầm cái ri - dụng cụ bắt sò, trông giống như cái đục của thợ chạm khắc gỗ, gỡ những mảng sò bám ở mép sông.
Chị Na cho biết: “Tôi ra đây bắt sò đã 2 năm. Cuộc sống ở quê nghèo đói do đất ruộng quanh năm nhiễm mặn và phèn không thể trồng trọt được gì; chăn nuôi gà, lợn thì thường xuyên dịch bệnh, bao nhiêu vốn liếng mất trắng, không còn cách nào khác phải ra đây bắt sò kiếm sống”.
|
Hằng ngày họ đều ngâm mình dưới nước ô nhiễm và có nhiều nguy hiểm rình rập.
|
Để bắt được sò phải biết con nước lớn ròng. Thường các chị làm từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, khi thủy triều lên thì nghỉ. Họ phải ngâm mình dưới nước, nạy những con sò bám vào các tảng san hô. Được bao nhiêu đem bán cho các chủ trại nuôi tôm cá, với giá 1.000 đồng/kg.
Cả buổi, người nào làm giỏi được 50kg. Như chị Lê Thị Cốc (Thăng Bình, Quảng Nam) mò cả buổi sáng được 45kg đã mừng lắm. Như vậy chị có 45.000 đồng. Chị Cốc chia sẻ, làm nghề này ngâm mình dưới nước, ngập trong rác thải bẩn thỉu, đêm về lưng đau buốt, tay chân chai sạn tê cứng. Đã vậy, lại hay dẫm phải vật sắc nhọn dưới đáy âu thuyền bị thủng chân, đứt tay.
Chị Nguyện Thị Lệ (Duy Xuyên, Quảng Nam) trông già hơn nhiều so với tuổi 24 của mình, vừa lau mồ hôi trên trán, vừa kể: “Làm cả đêm, cả ngày cũng được 70.000 đồng, cố gắng tiết kiệm 1 nửa gửi về nhà, tiền ăn không đủ, nói gì tới mua ủng, găng để bảo vệ mình”.
Với chị Lệ, còn trẻ, còn có sức khỏe đi bắt sò đã là an toàn vì: “Có rất nhiều cụ già trên 60 cũng đi bắt sò mưu sinh. Rất nhiều cụ bị ảnh hưởng sức khỏe, bị con nước quật ngã nhưng cũng chẳng biết kêu ai”.
Thu Hà