TÓC TRẮNG
Vũ Quần Phương
Mây trắng - hành trang của trời xanh
Tóc trắng - chút hành trang của tuổi
Chân đi chưa thấy mỏi
Tay còn chờ nắm những bàn tay
Tóc thích màu mây
Thì cứ trắng
Trắng - nó im lặng trắng
Chính mình cũng không hay
Một hôm tỉnh dậy nhìn gương. Lạ
Rồi lặng rồi thương những tháng ngày
Tháng ngày chất cả trong màu trắng
(Trắng là quang phổ đỏ, da cam
Vàng với lục, lam, chàm, tím nữa)
Vui, buồn, sướng, khổ… hoá mây bay
Đời người một cõi mênh mang thế
Tóc trắng bay ngang mỗi dấu giày
V.Q.P
SẮC MÀU TRONG THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG
Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên
Hình ảnh áo đỏ hoá thành lửa rừng rực trong mắt bao người, ngún tác giả thành tro đã xếp bài thơ « Áo đỏ » của Bác sĩ Nhà thơ Vũ Quần Phương vào tốp những bài hay trong « Tuyển tập thơ Tứ tuyệt Việt Nam 1000 năm »
Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biêt không ».
Giờ đây ta còn phát hiện thấy ông sử dụng màu trắng .
Tác giả đã xây dựng mối quan hệ qua lại giữaTóc trắng – Mây trắng để so sánh, lập tứ, nhập đề. Đều trắng đấy nhưng một bên là vô cùng tận, bên kia hữu hạn đời người. Màu trắng dùng mã hoá thời gian… Tại sao tóc lại sớm bạc không tương xứng với tâm hồn, tình cảm và thể lực của thi sĩ ? «Chân đi chưa thấy mỏi/Tay còn chờ nắm những bàn tay». Có phải sự vất vả làm mái tóc mau phai hay là có sự gắng gỏi vượt lên tuổi tác tiếp tục cống hiến cho đời. Màu trắng đến tự nhiên, âm thầm và im lặng dường như ta không để ý, nên bất chợt « Một hôm tỉnh dậy nhìn gương. Lạ ». Dấu chấm dùng ở gần cuối câu - một cách sử dụng tài tình của người có nghề. Câu thơ bỗng khựng lại, làm cho ta bất ngờ đến sững sờ. Ta lặng đi, xúc động. Mà thương quá đi chứ cái đoạn trường gian nan vất vả đã trôi vào quá khứ xưa… Với sự nhạy cảm của thị giác đã đưa tâm trạng tác giả về với nhớ thương hoài niệm
«Tháng ngày chất cả trong màu trắng’’. Từ ‘chất ’ sao mà đắt! Nó vượt hẳn các từ thường gặp như: có - dồn - gom hay gửi .v.v. Sự «bao gồm» ấy có lẽ là lớn nhất về dung tích, mức độ hay tần suất. Nó chất chồng, nén chứa bao sướng, khổ, buồn, vui của mỗi cá thể con người. Rõ ràng câu thơ giá trị hẳn lên và biến thành triết lí gửi gắm trong từng sợi tóc đã ngả màu.
Khổ thứ 4, tác giả căn cứ vào lí thuyết Vật lí phân tích quang phổ ánh sáng thành 7 màu gốc. Bẩy gam màu không giống, kề nhau, khác nào tâm tư tình cảm hay những biến cố thăng trầm được phát triển trong từng giai đoạn cuộc sống. Ở đây ta nhận ra màu đỏ đại diện cho sự hồn nhiên rực rỡ của tuổi trẻ, màu tím của tình yêu thủy chung… Lại có tông màu báo hiệu cho sự chuyển mùa sang thu (vàng), đông (chàm) hay màu lục của chiều tà… Đời người dù phong phú mênh mang đến thế nào cũng chỉ là giới hạn, một mai rồi sẽ « Hoá mây bay ». Âu cũng là qui luật của tạo hoá! Nhưng điều gì sẽ tồn tại vĩnh cửu với thời gian sau một kiếp người? Tác giả chỉ gợi, còn đáp án vẫn là phần của từng độc giả… Không những thế ông còn kẻ một vec-tơ thời gian « Tóc trắng bay ngang » mà trên trục biểu diễn, điểm « Mỗi dấu giày ». Phải chăng đó là sự chuyển dịch theo chiều dương (+), song ngược lại làm vơi đi quĩ thời gian vốn có. Điều mà người đời không mấy ai để ý, nhiều lúc đã vô tình tiêu phí đi vì những vô bổ hão huyền. Thời gian là vàng! Thật vậy, làm gì để đổi thời gian thành giá trị hữu ích dành cho cuộc sống hiện tại hôm nay?
Đọc bài thơ ta chạm không khí thoáng buồn, trầm, có gì tiếc nuối nhưng trong một sự ngẫm ngợi tích cực và trách nhiệm.
Phải nói sắc màu được dùng trong thơ là dụng ý chủ động của tác giả. Màu trắng luôn im lặng, có khi đến lạnh lùng, nhưng nhìn kĩ nó sâu thăm thẳm và khá thâm trầm. Qua chiêm nghiệm tinh tế về cuộc đời của một nhà thơ từng trải, ông nhẹ nhàng nhắn nhủ tới muôn người …
N.T.T
|