Nhà thơ Trần Quang Quý (bên phải) chúc mừng Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu với cuốn tiểu thuyết mới
Tới dự buổi ra mắt tiểu thuyết này có Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Đại tá – nhà văn Phạm Hoa, nguyên Cục phó Cục Tuyên huấn/TCCT; Đại tá Mai Trọng Phước - Chỉ huy trưởng Công trường 18, Trung đoàn trưởng đường ống 592, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu Quân đội; ông Hồ Việt Hà - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Văn hóa TTDL; GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; nhà sử học Dương Trung Quốc; các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình: Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Thùy Dương, Bùi Việt Thắng, Chu Văn Sơn; bên cạnh đó còn có nhiều đồng đội, đồng nghiệp của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cùng bạn đọc yêu văn chương và các cơ quan báo chí.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (đứng) dẫn chương trình
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (đảm nhận vai trò dẫn chương tình) có những nhận định về cuốn sách: Dòng sông mang lửa là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về ngành xăng dầu và đường ống dẫn dầu xuyên Bắc - Nam huyền thoại, mà tác giả của nó, Thiếu tướng – nhà văn Hồ Sỹ Hậu là người trong cuộc, người trực tiếp tham dự và làm nên lịch sử. Tiểu thuyết này, trước khi là một tác phẩm văn học, nó là một cuốn biên niên sử về một ngành hết sức quan trọng, ngành xăng dầu.
Nhà văn Phạm Hoa, nguyên là lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chiến tranh thì cho rằngDòng sông mang lửa là một cuốn sách hay, ông rất muốn ví nó như một con cá lớn, một cái cây to trong một rừng cây. Ngoài tính tư liệu đầy ắp, nó còn thấm đẫm chất lãng mạn của tình yêu, tình người, tình đồng đội.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, dưới cái nhìn của một người nghiên cứu lịch sử lại đầy trăn trở: “Liệu 100 năm sau có còn ai nhớ những chuyện này không, vì người ta quên kí ức rất nhanh.” Vì lẽ đó, ông rất trân trọng những gì mà nhà văn Hồ Sỹ Hậu và các nhà văn khác đã và đang làm: Viết về chiến tranh, về con người trong chiến tranh và những kí ức đã mất của họ. Văn chương giúp ta chuyển tải phần nào sự thực lịch sử, và như vậy, chất liệu của tiểu thuyết Dòng sông mang lửa rất có giá trị.
Bìa cuốn tiểu thuyết Dòng sông mang lửa
Dòng sông mang lửa dày hơn 600 trang với dung lượng tư liệu rất lớn, nên các nhà phê bình, các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học có mặt tại buổi ra mắt sách này đều có chung nhận định: Đây là một cuốn tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết lịch sử. “Xếp tiểu thuyết này vào thể loại tiểu thuyết sử thi, vì đây là một giá trị không thể chối cãi” (nhà thơ Bằng Việt). “Văn sử bất phân là thời kì quá độ của văn học” (nhà văn Văn Chinh). “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết này là thế giới đồng nhất những tư tưởng lớn lao” (nhà thơ Vũ Quần Phương).
Cũng tại buổi ra mắt sách, những người đồng đội của Thiếu tướng - nhà văn Hồ Sỹ Hậu, cũng là những nguyên mẫu trong tiểu thuyết đều bày tỏ tình cảm, sự xúc động của họ khi cuốn sách ra đời. Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Chỉ huy trưởng Công trường 18, Trung đoàn trưởng đường ống 592 và cũng một nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết bày tỏ: Để xây dựng đường dẫn dầu Bắc – Nam huyền thoại này, chúng ta đã phải đánh đổi bằng một sự hy sinh rất lớn, và trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt ấy, đội ngũ kĩ sư xây dựng vừa học vừa làm, và đây không chỉ là chuyện xây dựng một con đường đặc biệt, mà còn là một cuộc đấu trí căng thẳng giữa ta và đế quốc Mỹ.
Thiếu tưởng Hồ Sỹ Hậu cùng đồng đội và các nhà văn
Nói về cuốn tiểu thuyết của mình, Thiếu tướng - nhà văn Hồ Sỹ Hậu chia sẻ: Hầu hết những tình tiết của tiểu thuyết là có thật, mà phần lịch sử là trục chi phối tiểu thuyết, phần hồn của tiểu thuyết là những người lính và những câu chuyện của họ.
Sau ba giờ đồng hồ trao đổi và sẻ chia, buổi ra mắt tiểu thuyết Dòng sông mang lửa của Thiếu tướng – nhà văn Hồ Sỹ Hậu đã kết thúc trong không khí thân mật, ấm áp và đầy trân trọng.
Theo Hội nhà văn Việt Nam